Lý do nào khiến Lầu Năm Góc quyết định trang bị bom nhiệt hạch cho tiêm kích F-35?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể sẽ trở thành bước khởi đầu cho một chuỗi leo thang phát triển bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược
Lý do nào khiến Lầu Năm Góc quyết định trang bị bom nhiệt hạch cho tiêm kích F-35? (Ảnh: Popular Mechanics)
Lý do nào khiến Lầu Năm Góc quyết định trang bị bom nhiệt hạch cho tiêm kích F-35? (Ảnh: Popular Mechanics)

F-35A Joint Strike Fighter gần như đã sẵn sàng để thực hiện một nhiệm vụ mới - nhiệm vụ ném bom hạt nhân.

Lực lượng Không quân Mỹ đã hoàn thành quá trình bay thử nghiệm để đảm bảo F-35A có thể sử dụng bom nhiệt hạch B61-12 một cách an toàn và đáng tin cậy. Việc sử dụng máy bay có phi hành đoàn mang bom hạt nhân sẽ đảm bảo Mỹ có nhiều lựa chọn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, bao gồm cả phương án thu hồi bom hạt nhân.

Vũ khí hạt nhân được chia thành hai loại - chiến lược và chiến thuật. Hai điểm khác biệt chính giữa hai nhóm vũ khí này là công suất nổ và tầm bắn. Vũ khí hạt nhân chiến thuật thường có đương lượng nổ từ 0,3 kiloton (300 tấn TNT) đến khoảng 50 kiloton (50.000 tấn TNT).

Vũ khí hạt nhân chiến lược lại hoàn toàn khác. Công suất của vũ khí hạt nhân chiến lược có thể dao động từ 100 kiloton đến rất nhiều megaton. Vũ khí hạt nhân có công suất lớn nhất của quân đội Mỹ có đương lượng 1,3 megaton (tương đương 1.200.000 tấn thuốc nổ TNT). Vũ khí hạt nhân chiến thuật thường là vũ khí có tầm bắn ngắn hơn, với tầm bắn ở khoảng cách 500 dặm trở xuống, trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược được thiết kế để có thể vượt qua đại dương và tấn công vào các mục tiêu ở phía bên kia hành tinh.

Ngày nay, vũ khí hạt nhân chiến thuật được tích hợp vào các máy bay và tên lửa phóng từ tàu ngầm. Loại vũ khí hạt nhân chiến thuật có số lượng nhiều nhất mà Mỹ đang sở hữu là loạt bom hạt nhân B61, đây là loại bom đã được sử dụng liên tục từ những năm 1960. Trong những năm 2010, quân đội Hoa Kỳ đã phát triển một loại bom B61 mới là B61-12. Loại bom B61 thế hệ mới này không chỉ đem đến độ chính xác cao hơn mà nó còn được thiết kế để có thể đâm xuyên qua đất và bê tông nhằm tấn công các căn cứ dưới lòng đất.

Khả năng xuyên phá này cho phép nó hoạt động hiệu quả hơn trong việc phá hủy các mục tiêu dưới lòng đất. B61-12, được chế tạo lại từ các loại bom dòng B61 cũ hơn, có đương lượng nhỏ hơn và trên thực tế có cơ chế “quay số” cho phép thay đổi các mức công suất khác nhau từ 0,3 kiloton, 1,5 kiloton, 10 kiloton cho đến 50 kiloton.

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất đối với vũ khí hạt nhân là ý tưởng duy trì sự kiểm soát tích cực đối với chúng mọi lúc, càng nhiều càng tốt, cho đến thời điểm kích nổ. Đây không chỉ là một tính năng an toàn mà nó còn cho phép những người ra quyết định tăng tính linh hoạt trong những trường hợp căng thẳng.

Máy bay có phi hành đoàn là nền tảng lý tưởng để có thể kiểm soát tối đa vũ khí hạt nhân. Với hệ thống vận chuyển có phi hành đoàn, Tổng thống Mỹ có thể ra lệnh cho một chiếc F-35A trang bị B61-12 tấn công mục tiêu, sau đó đổi ý nếu tình hình thay đổi. Nếu kẻ thù đột ngột kêu gọi hòa bình, cuộc tấn công có thể được ngừng lại. “Khả năng thu hồi” này được nhân rộng ở cấp chiến lược với các máy bay ném bom như B-2 Spirit, và tổ hợp F-35A / B61-12 cung cấp cho các nhà hoạch định chiến tranh khả năng tương tự ở cấp hạt nhân chiến thuật. Khả năng tàng hình của F-35A mang lại cho nó nhiều lợi thế lớn, giúp chúng có thể dễ dàng thâm nhập vào hệ thống phòng thủ của đối phương và tiếp cận mục tiêu.

F-35A có thể thả bom hạt nhân vào những mục tiêu nào? Nhờ hỏa lực thông thường áp đảo, khó có thể xảy ra trường hợp Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các mục tiêu phi hạt nhân. Mục tiêu có thể là vị trí của một đài chỉ huy tên lửa của Nga, bắn vào nó để cắt đứt mạng lưới chỉ huy giữa Moscow và các lực lượng hạt nhân chiến thuật của họ. Các tên lửa thực tế có thể có các mục tiêu khác. Nếu vũ khí hạt nhân chiến thuật đã được sử dụng, F-35A có thể giảm công suất xuống 1,5 kiloton và tấn công các mục tiêu thông thường, chẳng hạn như các đơn vị sở chỉ huy, kho tiếp liệu và điểm tập kết cho các lực lượng thông thường.

Hệ thống phóng tên lửa Iskander-M của quân đội Nga (Ảnh: Popular Mechanic)

Hệ thống phóng tên lửa Iskander-M của quân đội Nga (Ảnh: Popular Mechanic)

Tổ hợp F-35A/B61-12 sẽ là hệ thống hạt nhân chiến thuật chủ yếu được sử dụng để chống lại các mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, vũ khí hạt nhân vẫn là vũ khí hạt nhân, và việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ chuyển bất kỳ cuộc xung đột nào sang một giai đoạn mới đáng sợ. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể trở thành bước khởi đầu cho một chuỗi leo thang phát triển bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược.

Theo Popular Mechanics