NA Uy trở thành nước đầu tiên sở hữu không quân toàn bộ là F-35: Cái giá phải trả là gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi cho các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4, F-16 Fighting Falcon, “nghỉ hưu” vào ngày 6/1, Na Uy trở thành nước đầu tiên có không quân toàn chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.
Chiến đấu cơ F-16 và F-35 trong một đội hình bay (Ảnh: Getty)
Chiến đấu cơ F-16 và F-35 trong một đội hình bay (Ảnh: Getty)

Mẫu chiến đấu cơ thay thế cho F-16 chính là F-35A, chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 duy nhất của phương Tây đang được sản xuất, và cũng là mẫu duy nhất được xuất khẩu. Giống như F-16, nó được thiết kế để sản xuất với số lượng lớn, với chi phí sản xuất và vận hành thấp hơn để bù lấp điểm yếu của những chiến đấu cơ hạng nặng.

Các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đã được biên chế từ tháng 12/2005, thời điểm mà Không quân Mỹ khởi động phi đội các chiến đấu cơ hạng nặng F-22A Raptor đầu tiên. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chúng vẫn chưa được sản xuất với quy mô lớn, mà phải đợi đến khoảng giữa những năm 2010.

Do F-22 có chi phí vận hành đắt hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu, nên việc sản xuất mẫu chiến đấu cơ này bị cắt giảm tới 75% và cuối cùng bị hủy vào năm 2011, có nghĩa rằng chỉ có 187 chiếc F-22 được sản xuất, trong khi số lượng F-35 được sản xuất lên tới 750 chiếc, tính đến cuối năm 2021. Nhưng chưa hết, người ta dự kiến sẽ có khoảng 2.000 chiếc F-35 được chế tạo.

Ngày nay, F-35 là 1 trong 2 mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đang duy trì sản xuất và biên chế vào không quân của nhiều nước trên thế giới, cùng với mẫu J-20 của Trung Quốc – gần như tương tự với mẫu F-22 của Mỹ, nhưng chỉ được sử dụng trong nước chứ không được xuất khẩu.

Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 rất khác so với những “người tiền nhiệm” thế hệ thứ 4, xét về nhiều khía cạnh. 3 tiêu chí chính ở đây bao gồm: khả năng bay với vận tốc siêu thanh và duy trì vận tốc đó trong một khoảng thời gian nhất định mà không sử dụng thùng nhiên liệu phụ (Bay hành trình siêu thanh, Supercruise), khả năng “tàng hình” và tính linh hoạt cao.

Đội hình bay F-35 (Ảnh: Military Watch)

Đội hình bay F-35 (Ảnh: Military Watch)

Trong khi F-22 đáp ứng được tất cả những điều kiện trên, thì mẫu F-35 mặc dù có giá rẻ hơn nhưng lại không có khả năng bay hành trình siêu thanh và tính linh hoạt thấp. Những đặc tính khác của nó bao gồm các bộ cảm biến, động cơ, mạng lưới kết nối dữ liệu thế hệ mới…giúp cho F-35 vượt trội F-22 xét về khả năng chiến tranh mạng lưới.

Tuy nhiên, việc thay thế F-16 bằng F-35 cũng có cái giá của nó, không chỉ nói đến chi phí mua cao hơn mà còn cả chi phí bảo dưỡng cao hơn đáng kể, phụ tùng thay thế cũng không sẵn có bằng. Chi phí vận hành F-35 cao hơn đáng kể, có nghĩa rằng mỗi giờ bay của F-35 sẽ có giá đắt hơn nhiều so với F-16 và vượt qua cả máy bay hai động cơ hạng nặng thế hệ thứ 4. Đây sẽ là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong thời chiến, khi mà các đường dây cung ứng bị vắt kiệt, những phụ tùng thay thế khan hiếm, và khi có ít giờ bay hơn, máy bay sẽ chịu rủi ro lớn hơn.

Na Uy hiện sở hữu lực lượng không quân toàn bộ là F-35, tức dựa hoàn toàn vào duy nhất một mẫu máy bay. Điều này có tiềm ẩn sự nguy hiểm lớn, bởi trên thực tế thì F-35 mới chỉ đạt được khả năng hoạt động cơ bản bước đầu, và được dự kiến là đến sau năm 2025 mới thực sự sẵn sàng lao vào các trận chiến căng thẳng.

Lầu Năm Góc hiện nay vẫn tiếp tục trì hoãn việc cấp phép cho mẫu F-35 được sản xuất với quy mô lớn, do mẫu máy bay này còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Chính những khiếm khuyết này của F-35 đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích kịch liệt của giới chức Mỹ, trong đó có 2 vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng.

Cũng do sự thiếu tính sẵn sàng chiến đấu của F-35, nên Na Uy sẽ buộc phải dựa dẫm vào nước khác trong lĩnh vực phòng không trong một khoảng thời gian. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu như những chiếc F-35 của Na Uy được phân vào vai trò Cảnh báo phản ứng nhanh (Quick Reaction Alert, QRA).

Tuy nhiên, đến khi đã có mức độ sẵn sàng chiến đấu cao, F-35 sẽ trở thành lực lượng vững chắc hơn nhiều của Không quân Hoàng gia Na Uy nếu so với F-16. Thêm nữa, do chương trình F-35 sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm, nên phi đội F-35 sẽ còn được nâng cấp thêm nhiều lần nữa để nâng cao khả năng hoạt động của chúng.

Na Uy trước nay luôn là một khách hàng và đối tác được ưu tiên trong cả chương trình phát triển F-16 lẫn F-35. Họ được bàn giao những chiếc F-16 lần đầu tiên vào năm 1980, chỉ 2 năm sau Không quân Mỹ, và nhận được những chiếc F-35 vào năm 2015, cùng năm với Không quân Mỹ. Việc Na Uy chuyển sang sở hữu một phi đội toàn F-35 là có nguyên nhân, thứ nhất là nhờ vào mối quan hệ nêu trên với Mỹ, và thứ hai là họ sở hữu phi đội khá nhỏ, do đó mà số lượng F-35 cần mua để lấp đầy chỗ trống là nhỏ.

Hiện chưa rõ sau Na Uy thì nước nào trên thế giới sẽ sở hữu một đội bay toàn chiến đấu cơ thế hệ thứ 5. Đây được cho là một viễn cảnh phi thực tế đối với Mỹ, nhưng lại hoàn toàn có khả năng xảy ra đối với những nước có lực lượng không quân quy mô nhỏ như Bỉ, Thụy Sĩ và Phần Lan – những nước dự kiến sẽ thay hết máy bay thế hệ thứ 4 bằng F-35.