“Loạn” tranh chép, cần xử lý mạnh tay

VietTimes – Quá nhiều sai phạm đang diễn ra trên thị trường mỹ thuật Việt, cần cơ quan chức năng vào cuộc chấn chỉnh.
Sato Art (856 Tạ Quang Bửu, TP.HCM) đăng nhiều tin rao bán bức “Chiều thu bên ô Quan Chưởng” của họa sĩ Lâm Đức Mạnh
Sato Art (856 Tạ Quang Bửu, TP.HCM) đăng nhiều tin rao bán bức “Chiều thu bên ô Quan Chưởng” của họa sĩ Lâm Đức Mạnh

Lân Vũ Gallery sai phạm không chỉ một bức tranh

Cửa hàng Lân Vũ Gallery mới đây gây bức xúc cho các họa sĩ trong việc thiếu thiện chí sửa sai và không xin lỗi thật lòng với họa sĩ Bùi Duy Khánh sau khi đã chép tranh anh. Ba lần nói lời xin lỗi nhưng Lân Vũ Gallery không hề đả động đến việc đền bù cho người sáng tác, khi kinh doanh trái phép đứa con tinh thần của họa sĩ.

Mới đây nhất, họa sĩ Đặng Phương Việt lại vừa phát hiện Lân Vũ Gallery có một bức tranh Sen chép tranh của anh. Hiện tại, bức tranh gốc đã được một người yêu nghệ thuật mua và đang treo tại nhà.

Họa sĩ Đặng Phương Việt quá bức xúc vì hành vi sao chép trắng trợn đứa con tinh thần của mình, tuyên bố sẽ gửi đơn tố giác Lân Vũ Gallery tới cơ quan có thẩm quyền, để tố giác hành vi buôn bán hàng giả và lừa đảo.

Tranh Sen nguyên tác của họa sĩ Đặng Phương Việt (bên trái) và tranh bị Lân Vũ Gallery sao chép (bên phải)
Tranh Sen nguyên tác của họa sĩ Đặng Phương Việt (bên trái) và tranh bị Lân Vũ Gallery sao chép (bên phải)

Lời khuyên thiết thực từ luật sư chuyên về bản quyền Tám Trần (Công ty IPCom Việt Nam) rằng: “Đối với các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, biện pháp sử dụng truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng nên đi kèm với giải quyết ở cơ quan có thẩm quyền, chứ không nên là biện pháp chính như hiện nay. Biện pháp truyền thông chỉ hữu hiệu trong trường hợp bên xâm phạm do thiếu hiểu biết mà (vô tình) xâm phạm quyền của người  khác, hoặc là người trọng tính công bằng trong kinh doanh”.

Hỗn loạn Gallery chép tranh

Họa sĩ Lâm Đức Mạnh sau khi phát hiện trang web tranhsondau.net tự động lấy hình ảnh bức “Chiều thu bên ô Quan Chưởng” để rao bán, thì mới đây anh lại phát hiện thêm Sato Art (856 Tạ Quang Bửu, TP.HCM) cũng rao bán bức “Chiều thu bên ô Quan Chưởng” của anh. Lỗi vi phạm vẫn y như cũ, chiếc cột đèn được “thế chỗ” bởi cái biển cấm ô tô trong bức tranh chưa hoàn thiện từng post lên Viet Art Space.

Liên lạc tới Sato Art, VietTimes được biết hiện tại cửa hàng đã tháo gỡ các quảng bá bán bức tranh này, do đã nhận được cảnh báo từ họa sĩ Lâm Đức Mạnh. Tuy nhiên, Sato Art cung cấp thêm rằng họ không trực tiếp chép bức “Chiều thu bên ô Quan Chưởng”, mà chụp hình bức tranh này từ xưởng tranh của phòng tranh Nam Phương (21A Trần Phú) rồi đưa lên để quảng bá, bán hàng.  

Họa sĩ Nguyễn Khắc Tài ngạc nhiên vì bức tranh gốc vẫn còn trong xưởng đã bị vi phạm tác quyền
 Họa sĩ Nguyễn Khắc Tài ngạc nhiên vì bức tranh gốc vẫn còn trong xưởng đã bị vi phạm tác quyền

Một phòng tranh khác nữa mới đây bị nhiều họa sĩ lên tiếng tố cáo vi phạm là Triệu Gia Art (119 Lê Văn Khương, quận 12, TP.HCM). Họa sĩ Đặng Tiến, Nguyễn Khắc Tài, Đặng Thị Thọ và Quyên Nguyễn cùng cho biết đã bị Triệu Gia Art vi phạm bản quyền.

Họa sĩ Đặng Tiến bị vi phạm bản quyền bức “Hoa Lục bình” vẽ hồi đầu năm 2019. Tranh gốc đã được một người yêu nghệ thuật lưu giữ, hiện vẫn còn đang treo tại nhà. Họa sĩ Đặng Thị Thọ bị vi phạm bức “Tĩnh vật hoa hồng”. Họa sĩ Nguyễn Khắc Tài thậm chí còn chưa hoàn thiện tranh, bức tranh gốc vẫn còn đang trong xưởng, nhưng vì đã đưa tác phẩm lên để chia sẻ với đồng nghiệp rồi bị vi phạm tác quyền. Quyên Nguyễn thì bị vi phạm tới vài bức khác nhau.

Các họa sĩ quá đau lòng nhìn những đứa con tinh thần bị xâm phạm bản quyền, biến thành những thứ “rác” mỹ thuật do các cửa hàng lợi dụng việc người tiêu dùng nghệ thuật còn chưa hiểu biết về bản quyền để nhập nhèm bán hàng giả, hàng nhái.

Theo trao đổi với VietTimes sáng nay, ngày 27/5, các họa sĩ Đặng Tiến, Nguyễn Khắc Tài, Đặng Thị Thọ và Quyên Nguyễn đều cho biết Triệu Gia Art đã xin lỗi và bỏ tác phẩm của các họa sĩ nói trên ra khỏi danh mục quảng bá bán hàng.

Họa sĩ Đặng Tiến bị vi phạm bản quyền bức “Hoa Lục bình” tại Triệu Gia Art
Họa sĩ Đặng Tiến bị vi phạm bản quyền bức “Hoa Lục bình”  tại Triệu Gia Art

Việc phát hiện ra quá nhiều sai phạm chép tranh, đạo tranh, vi phạm bản quyền ngang nhiên, nhức nhối khiến các họa sĩ không khỏi buồn lòng. Tuy nhiên, nhiều người cùng lên tiếng quyết liệt chống lại sai phạm. Rất nhiều họa sĩ cho rằng cần “mạnh tay” bởi vì vấn nạn xâm phạm bản quyền đã quá lan tràn.

Trả lời phỏng vấn của VietTimes, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi đề nghị cơ quan chức năng xử lý các phòng tranh bị tố sao chép, kiểm tra, lập biên bản, phạt thật nặng để làm gương thì vấn nạn này mới được giải quyết.

“Rất nên có nhiều vụ xử lý ở Tòa án để nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng, thực sự là bài học cảnh báo cho những cá nhân/tổ chức manh nha sử dụng sáng tạo của người khác một cách bất hợp pháp để kinh doanh” – Luật sư Tám Trần nói.