Liệu Evergrande Trung Quốc có nhận kết cục như Yamaichi Nhật Bản năm 1997?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giới đầu tư cùng giới truyền thông Trung Quốc và quốc tế đang đặt câu hỏi liệu chính phủ Trung Quốc có ứng xử với Evergrande lần này giống như chính phủ Nhật Bản ứng xử với Yamaichi năm 1997 hay không. 
Câu chuyện Evergrande nhìn từ Yamaichi Securities. Ảnh: Bloomberg
Câu chuyện Evergrande nhìn từ Yamaichi Securities. Ảnh: Bloomberg

Nhìn lại thị trường chứng khoán Nhật Bản những năm bong bóng 1980

Giữa những năm 1980, Nhật Bản đã mở ra một thời kỳ phát triển hoàng kim. Vào thời điểm đó, kinh tế Nhật Bản bên trong đã phát triển hàng chục năm, bên ngoài ký kết "Hiệp định Plaza". Với chính sách nới lỏng tài chính, Nhật Bản dư thừa lượng tiền lưu thông, và Nhật Bản bước vào kỷ nguyên "nền kinh tế bong bóng".

Trong những năm "nền kinh tế bong bóng", giao dịch đất đai ở Nhật Bản tăng mạnh, giá đất tăng; thị trường chứng khoán Tokyo hầu như tăng vọt mỗi ngày. Nhiều công ty thậm chí sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp và vay ngân hàng để đầu cơ cổ phiếu, đến các bà nội trợ cũng sử dụng tiền tiết kiệm trong nhiều năm để giành lấy cổ phiếu. Phong trào đầu cơ đã bùng nổ ở Nhật Bản.

Nhiều người Nhật Bản vào thời điểm đó tin rằng nền kinh tế Nhật Bản bất khả chiến bại, thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ tăng và họ chắc chắn sẽ trở nên giàu có miễn là đầu tư.

Đà phát triển thần tốc và giao dịch điên cuồng trên thị trường chứng khoán của Nhật Bản mang lại cho các công ty chứng khoán bộn tiền. Trong số đó, công ty chứng khoán khổng lồ Yamaichi Securities được thành lập năm 1897 của Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Trong làn sóng bùng nổ ở thị trường chứng khoán, công ty ngày càng mở rộng quy mô, với số vốn hơn 100 tỉ yên và quỹ khách hàng hơn 20 nghìn tỉ yên (lần lượt khoảng 689 triệu USD và 138 tỉ USD theo tỉ giá hối đoái trung bình 145.0).

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 1990, Yamaichi Securities thu về một khoản tiền khổng lồ 573 tỉ yên (khoảng 3,95 tỉ USD).

Trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế, Yamaichi Securities có nhiều chi nhánh tại các thị trường lớn trên thế giới, bao gồm New York, London, Paris, Hong Kong, Singapore và Sydney, và đã trở thành một tổ chức tài chính nổi tiếng trong ngành tài chính quốc tế.

Nước đi sai lầm của đế chế tài chính một thời

Trụ sở Yamaichi Securities tại Tokyo. Ảnh: Sohu

Trụ sở Yamaichi Securities tại Tokyo. Ảnh: Sohu

Vào cuối năm 1989, khi giá tài sản tăng vượt qua khả năng thực sự của nền kinh tế Nhật Bản, "nền kinh tế bong bóng" bắt đầu rạn nứt.

Ngân hàng Nhật Bản đã bỏ chính sách lãi suất thấp từ tháng 5 năm 1989, bắt đầu tăng lãi suất. Từ tháng 3 năm 1990, chính phủ cũng siết chặt việc cho vay tài chính đối với bất động sản.

Kết quả là, giá cổ phiếu lao dốc đột ngột, rồi không lâu sau đó giá đất cũng bắt đầu tuột dốc theo. Thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản sụp đổ, Nhật Bản rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Sau khi "nền kinh tế bong bóng" sụp đổ và thị trường chứng khoán lao dốc, vô số người mua mở vị thế cao trên thị trường chứng khoán bị mắc "kẹt", hoạt động của Yamaichi Securities cũng bị ảnh hưởng sâu sắc vì nguồn doanh thu chính đến từ phí giao dịch sụt giảm nghiêm trọng.

Nếu Yamaichi Securities kịp thời dừng lỗ và phản ứng tích cực vào thời điểm đó thì cái kết của câu chuyện có thể hoàn toàn khác, nhưng thực tế là những người điều hành cấp cao của Yamaichi Securities đã dấn thân vào con đường không thể quay đầu.

Các giám đốc điều hành cấp cao của Yamaichi Securities do ông Tsugio Yukihira đại diện đã tự đầu cơ vào cổ phiếu do chính công ty kiểm soát thông qua các công ty con của Tập đoàn hoặc công ty liên kết của Tập đoàn Yamaichi.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm, và hành động của Yamaichi khiến công ty ngày càng lún sâu vào vũng lầy và chịu tổn thất nặng nề.

Yamaichi Securities cũng đã đưa ra chiến lược "bù lỗ tổn thất". Vốn dĩ, khi thị trường chứng khoán giảm mạnh, lẽ ra khách hàng phải tự gánh chịu thiệt hại, nhưng để khuyến khích khách hàng lớn tiếp tục đầu cơ cổ phiếu và ổn định doanh thu từ phí giao dịch, Yamaichi Securities đã sử dụng nguồn vốn của chính mình để "bù lỗ" cho một số khách hàng giao dịch lớn.

Đồng thời, đối mặt với nhiều khoản lỗ khác nhau, Yamaichi Securities đã dùng thủ thuật để che giấu sự thật về khoản lỗ và làm cho mọi thứ trở nên đẹp đẽ hơn trước sự kiểm tra của bộ phận thanh tra.

Họ cũng tham gia vào các giao dịch nội bộ, mua bán cổ phiếu thay mặt cho các chính trị gia, tìm mọi cách để mua chuộc các nhân vật chủ chốt bằng ràng buộc lợi ích, thậm chí có thông tin cho rằng Yamaichi liên kết với băng đảng xã hội đen Nhật Bản để hình thành phòng tuyến an toàn.

Nhiều năm hoạt động thâm hụt, bù lỗ, đầu cơ cổ phiếu thua lỗ, chuyển lợi nhuận bất hợp pháp,... khiến Yamaichi Securities ôm đống nợ khổng lồ.

Nhưng dù có cố công che đậy như thế nào đi nữa, các khoản nợ của Yamaichi Securities ngày càng nhiều như quả cầu tuyết, và câu chuyện bên trong bắt đầu bị giới truyền thông phanh phui.

Bắt đầu từ tháng 4 năm 1997, Hideya Kimura, một phóng viên của Toyo Keizai Shimbun, lần đầu tiên phá được bí mật về "bù lỗ", và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều người trong cuộc liên quan đến các giao dịch bất hợp pháp của Yamaichi Securities.

Phóng viên Kimura đã báo cáo chi tiết về các hành vi vi phạm pháp luật của Yamaichi. Ảnh: NetEase
Phóng viên Kimura đã báo cáo chi tiết về các hành vi vi phạm pháp luật của Yamaichi. Ảnh: NetEase

Những bài báo này giáng một đòn chí mạng vào Yamaichi Securities, hình ảnh của công ty rơi xuống đáy, cổ phiếu rớt giá thảm hại. Nợ phải trả của Yamaichi Securities có thời điểm lên tới 3 nghìn tỉ yên (khoảng 24,8 tỉ USD theo tỉ giá hối đoái trung bình 121.06).

Trước khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ hỗ trợ cuộc khủng hoảng nợ của Yamaichi Securities, tuy nhiên, câu trả lời bằng văn bản sau đó là "Là một tổ chức tài chính có thẩm quyền, chúng tôi không thể cho phép các công ty không đáng tin cậy tiếp tục hoạt động."

Chính phủ Nhật Bản không muốn nhúng tay vào và niềm hy vọng cuối cùng của Yamaichi Securities, công ty có khoản nợ lên tới 3 nghìn tỉ yên, đã tan thành mây khói.

Ông Masahira Nozawa bật khóc tại cuộc họp báo tuyên bố phá sản của Yamaichi Securities. Ảnh: NetEase
Ông Masahira Nozawa bật khóc tại cuộc họp báo tuyên bố phá sản của Yamaichi Securities. Ảnh: NetEase

Tại buổi họp báo ngày 24/11/1997, Masahira Nozawa, chủ tịch của Yamaichi Securities, đã bật khóc, công khai nhận lỗi và tuyên bố phá sản: "Tất cả là lỗi của tôi, và các nhân viên đều vô tội !"

Hình ảnh chủ tịch bật khóc lúc đó của Yamaichi đã trở thành một biểu tượng cho sự bất ổn tài chính bùng phát ở Nhật Bản.

"Không ai từng nghĩ rằng Yamaichi sẽ sụp đổ," Saito, người làm việc cho Yamaichi ngay sau khi tốt nghiệp đại học cho biết.

Sau đó, ngày 31/3/1998, Yamaichi Securities chính thức đóng cửa hoạt động kinh doanh, đánh dấu việc công ty chứng khoán lớn của Nhật Bản có lịch sử 100 năm này rút lui hoàn toàn khỏi ngành chứng khoán. Vào ngày 2/6/1999, Tập đoàn Chứng khoán Yamaichi đã nộp đơn xin phá sản tại Tòa án Quận Tokyo.

Tại sao chính phủ Nhật Bản khoanh tay nhìn Yamaichi chìm nghỉm mà không cứu ?

Thực tế thì Yamaichi cũng đã từng được Chính phủ Nhật Bản giải cứu một lần trước đó.

Năm 1965, thị trường chứng khoán rơi vào vòng xoáy tụt giá, Yamaichi Securities cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng này. Nếu Yamaichi phá sản, toàn bộ ngành chứng khoán Nhật Bản có thể sụp đổ theo.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhật Bản lo lắng về hiệu ứng domino, vì vậy theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc đó, họ đã khởi xướng việc tài trợ đặc biệt cho Yamaichi.

Đồng thời, Yamaichi phải cơ cấu lại trụ sở chính và chi nhánh, cắt giảm gần 40% trong số 9.400 nhân viên của mình vào thời điểm đó. Yamaichi mất hơn 4 năm để hoàn trả khoản tài trợ đặc biệt. Sau đó, cùng với làn sóng đi lên của nền kinh tế Nhật Bản, Yamaichi đã sống sót sau cuộc khủng hoảng.

Vậy tại sao vào năm 1997, Bộ Tài chính chỉ khoanh tay đứng nhìn?

Ban đầu, Ban Giám đốc Yamaichi dự kiến ​​Ngân hàng Nhật Bản sẽ triển khai một khoản tài trợ đặc biệt để giải cứu khoản nợ của Yamaichi.

Họ đã gọi điện cho Ban Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản để hỏi về việc liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể giúp một khoản tài trợ đặc biệt cho họ hay không.

Tuy nhiên, câu trả lời mà Yamaichi nhận được là: "Chúng tôi không được phép tài trợ đặc biệt cho các công ty đã vi phạm pháp luật."

Yamaichi Securities thậm chí nộp đơn xin phép sử dụng "Đạo luật tổ chức lại doanh nghiệp" (Luật nhằm đạt được mục tiêu xây dựng lại công ty một cách độc lập trên cơ sở không giải thể các công ty đã phá sản và tiếp tục hoạt động kinh doanh chính của công ty). Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ phận Kinh doanh Chứng khoán của Bộ Tài chính đưa ra câu trả lời là không.

Yamaichi vi phạm luật đến mức không thể cứu vãn.

Các phương tiện truyền thông trước đó cũng không ngớt những làn sóng chỉ trích:

"Vấn đề của thị trường nên để cho thị trường tự xử lý, tại sao lại bơm tiền thuế xương máu người dân vào các tổ chức tài chính đang hấp hối !"

Đối với sự sụp đổ của Yamaichi, giới truyền thông Nhật Bản cho rằng đây là hình phạt nghiêm khắc đối với lĩnh vực tài chính Nhật Bản vốn dính nhiều tai tiếng kể từ sau thời kỳ kinh tế bong bóng.

Hai ngày sau khi Yamaichi tuyên bố đóng cửa, các ngân hàng địa phương đã trải qua những đợt hoảng loạn. Kỷ lục cao nhất đối với một ngân hàng lớn là 40 tỉ yên tiền rút ra mỗi ngày.

Người dân Nhật Bản xếp hàng dài để rút tiền từ ngân hàng. Ảnh: NetEase

Người dân Nhật Bản xếp hàng dài để rút tiền từ ngân hàng. Ảnh: NetEase

Thị trường chứng khoán thậm chí còn bị tin đồn làm cho diễn biến tồi tệ thêm. Sau khi thị trường mở cửa, công ty chứng khoán và cổ phiếu sụp đổ trên diện rộng.

Chỉ một tháng sau khi Yamaichi sụp đổ, chính phủ Nhật Bản đã quyết định áp dụng chính sách ổn định hệ thống tài chính và thiết lập một quỹ hỗ trợ tài chính với tổng trị giá 30 nghìn tỉ yên.

Sau hàng loạt phát ngôn chính thức và hành động xoa dịu lòng dân, tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán dần ổn định.

Nhìn toàn cảnh Yamaichi trước và sau khi phá sản thì thấy rõ, một công ty dù lớn đến đâu thì sự sống còn của nó cũng đều nằm trong tay chính phủ Nhật Bản. Không phạm pháp chưa chắc đã cứu được, huống chi cố tình che giấu hành vi phạm pháp trong thời gian dài mặc dù trước đó đã được cứu thoát phá sản một lần, thì chuyện Chính phủ "khoanh tay" để cho công ty "tự sinh tự diệt" cũng là dễ hiểu.

Nhìn sang Trung Quốc, đối với khoản nợ khổng lồ rúng động thế giới gần đây của Evergrande, giới chức Trung Quốc gần như không nói gì đến hỗ trợ cho Evergrande khiến số phận công ty ngày càng trở nên mong manh.

Trước đó, theo báo cáo ổn định tài chính năm 2018 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, các công ty gồm có cả Evergrande có thể gây ra rủi ro cho hệ thống tài chính của quốc gia. Nhiều tổ chức và chuyên gia phân tích cho rằng Evergrande chính là "điển hình của đòn bẩy quá mức" cần phải kiểm soát. Năm ngoái, cơ quan giám sát của chính phủ đưa ra "ba lằn ranh đỏ" buộc các công ty Trung Quốc giảm vay nợ và nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản.

Nói tóm lại, cho dù đó là công ty quản lý tài sản lớn nhất Huarong, công ty bất động sản lớn thứ hai Evergrande, hay gã khổng lồ gọi xe Didi, chính quyền Trung Quốc không những khoanh tay đứng nhìn mà còn không ngần ngại áp dụng thêm nhiều biện pháp thắt chặt nếu công ty bước qua ranh giới pháp luật và lạm dụng quyền lực để thu lợi nhuận.

Liệu rằng số phận của Evergrande có giống như Yamaichi Securities hay không, thời gian sẽ sớm cho chúng ta câu trả lời.

Thanh Hà (Tổng hợp)