Làng biệt lập không có người nhiễm nhưng vẫn bị phong tỏa, chỉ vì thuộc vào một huyện đang có ca dương tính
Câu chuyện xã Hoàng Thái, Hoằng Hóa, Thanh Hóa khóa cổng nhốt F2 ở 278 ngôi nhà gây xôn xao dư luận mấy ngày nay đã cho chúng ta thấy cách chống dịch cực đoan và thiếu kiến thức trầm trọng của chính quyền một số địa phương, đáng chú ý đây không phải là chuyện cá biệt.
Cách đây vài ngày, ngay tại xã tôi (Thanh Sơn, Nghi Sơn, Thanh Hóa) buổi sáng bỗng rầm rộ thông tin rằng có 2 người nhiễm Covid, chính quyền giăng dây lập chốt, đóng cửa tạp hóa. Mọi sinh hoạt của người dân lập tức chuyển trạng thái như một màn ảo thuật kỳ khu, một không khí hoảng loạn bao trùm. Ngay trong ngày hôm ấy người ta đổ xô đi mua thực phẩm, có người mua một lúc 20 triệu tiền sữa bột cho con; xay gạo, mổ lợn cung ứng nhu yếu ráo riết như thể mọi hoạt động sẽ đóng băng hoàn toàn nếu không kịp trong giây lát nữa.
Buổi chiều tôi đi dạo về phía ngôi làng của xã bên, dân quê gọi là làng Cóc, thuộc huyện Nông Cống (chỉ cách nhà tôi chừng vài trăm mét), bỗng giật mình vì một đống đá hộc to tướng đổ giữa đường cùng những cành tre tua tủa nhánh và gai nhọn lấp kín lối đi. Tôi quay trở về thì nghe văng vẳng trên loa xã thông báo là 2 trường hợp lúc sáng sau khi xét nghiệm lại thì âm tính, không phải là nhiễm Covid. Mọi thứ hơi giãn ra nhưng không khí căng thẳng vẫn bao trùm.
Trở lại, ngôi làng Cóc thuộc xã Tượng Văn của của huyện Nông Cống, tuy nhiên nó lại biệt lập vì thuộc về giong đất phía bên này sông, cách biệt với toàn bộ phần còn lại của huyện bởi một dòng sông, và hiện tại thì mặc dù Nông Cống đã có một số người nhiễm nhưng ngôi làng này vẫn bình yên vô sự. Làng Cóc dựa lưng vào núi, hai đầu giáp 2 xã khác nhau của Nghi Sơn, trước mặt là dòng sông Yên, phải đi qua cây cầu và băng qua cánh đồng mới lên xã được. Tuy thế, nó vẫn đang bị phong tỏa, không thể đi chợ huyện chợ xã đã đành vì chốt ngăn, mà đường xuống xã tôi cũng đã bị chặn bởi đống đá hộc và rào gai đã kể, đường lên xã trên (thuộc Nghi Sơn) cũng bị cấm.
Nghĩa là mặc cho hai đầu không hề có người bị nhiễm, nhưng một cái làng ở giữa chỉ vì thuộc địa danh hành chính của một huyện đang có những ca dương tính, thế là nó bị “ngăn sông cấm chợ”, phải tiếp tế một cách khốn khổ.
Ở một tuyến đường khác, là đường huyết mạch liên huyện, xã tôi chỉ cách huyện Nông Cống một cây cầu nhỏ (gọi là cầu Trạp), và người ta cũng đặt chốt chặn ngay tại đầu cầu ấy, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Hàng hóa cũng không được cho qua. Rất lạ là mặc dù ngay đầu cầu ấy là một bãi đất trống rất lớn nhưng ngay cả việc lái xe và người dân đề nghị cho hàng tập kết ở đó để một chiếc xe khác từ bên kia sang tự bốc hàng lên nhưng vẫn không được cho phép. Việc người dân hai bên gửi đồ sinh hoạt cũng không được đồng ý.
Rõ ràng, cái cách làm cứng nhắc, cực đoan này đang gây ra những hệ lụy rất lớn về mọi mặt cho đời sống của nhân dân, khiến những khu dân cư mặc dù không hề có người nhiễm vẫn cứ bị phong tỏa, hàng hóa không thể lưu thông, sản xuất buôn bán và nhu yếu bị đình trệ.
Việc thiếu một cái nhìn bao quát, tổng thể và một tính toán có tính hệ thống cùng với tâm thế sợ trách nhiệm đã khiến chính quyền địa phương ở nhiều nơi không còn đủ tỉnh táo để xét đến tình hình thực tế tại mỗi cụm dân cư và mỗi địa phương để có cách làm phù hợp.
Đảm bảo an toàn là điều tất nhiên, nhưng không phải đồng nghĩa với việc tước luôn cả những nhu cầu căn bản của người dân trong khi nó hoàn toàn vẫn có thể được duy trì mà không ảnh hưởng tới công tác phòng dịch. Đó là một cách làm vừa thiếu hiểu biết, vừa thiếu trách nhiệm. Tình trạng như trên không phải là hiếm ở một số tỉnh thành và gây ra sự khốn khổ lao đao cho người dân, trong khi nếu thực tế, sát việc hơn, và đặt mình vào điều kiện hoàn cảnh của người dân nhiều hơn thì người ta đã không chọn những cách làm như vậy.
Chống dịch nhưng phải đảm bảo được tối đa các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân trong giới hạn có thể; đồng thời phải có chính sách và giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế để an dân, chứ không thể cảm tính mà làm bừa. Cần một chỉ đạo thống nhất từ Trung ương xuống đến mọi cấp ở địa phương để tránh hiện tượng chính quyền cơ sở tuỳ tiện hạn chế quyền thiết yếu của người dân, càng phải tránh tình trạng trên bảo dưới không nghe mà đẩy người dân vào cảnh lao đao cùng khốn.
Trước những biến thể phức tạp của SARS-CoV-2, với mức độ lây lan lớn mà việc phong tỏa dù nghiêm ngặt đến đâu cũng không thể giúp xoá dịch hoàn toàn, tinh thần “sống chung với dịch” cũng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo. Thiết nghĩ, lúc này cần những bước đi cụ thể để dần dần hiện thực hóa quyết sách đúng đắn ấy.
Và xuyên suốt, không thể chống dịch một cách máy móc, cấm cản cả những nhu cầu cấp thiết của người dân một cách tuỳ tiện như đang diễn ra ở không ít nơi. Chống dịch, trái lại, bao giờ cũng đòi hỏi chính quyền nhất là chính quyền cơ sở phải sát việc, thực tế, phải đặt mình sâu sắc vào vị trí, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của người dân.