An dân trong đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bên cạnh trợ giúp, chăm sóc y tế, điều tiết chuỗi cung ứng v.v. thì công tác an dân phải được chú trọng hàng đầu trong một kịch bản chung sống lâu dài với Covid-19.

An dânlàm cho lòng dân được được yên ổn, không rơi vào hoảng sợ, hoang mang, bấn loạn. Sức khỏe tinh thần của dân chúng chính là điều kiện và cơ sở để chống lại bệnh tật và giữ cho xã hội được trật tự, điều hòa, không loạn lạc.

Sáu trăm năm trước, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”, đây là sứ mạng của nhà nước, phải làm cho lòng dân được yên. Nhưng hiện nay, không ít nơi, không ít người lòng vẫn chưa an, nếu không nói là đang rơi vào khủng hoảng mỗi lúc một nặng nề hơn.

Hôm qua ngày 22/8, tại khu cách ly Kho ngoại quan U&I, KCN Nam Tân Uyên (Bình Dương) người dân đã có những hành động mất kiểm soát sau khi một phụ nữ mang bầu bị ngất suốt mấy tiếng đồng hồ nhưng không có sự chăm sóc của nhân viên y tế. Người bị cách ly đã hò hét, đạp phá và hành hung nhân viên bảo vệ, rồi tràn cả ra đường lộ.

Nhiều video do người bị cách ly ghi lại, rõ ràng điều kiện ăn ở sinh hoạt và chăm sóc y tế đang ở dưới mức tối thiểu. Cả ngàn người được dồn vào một nơi mà mỗi ngày đều xảy ra tình trạng có người chết hay ngất xỉu nhưng không được cấp cứu kịp thời đã làm dân tình mỗi lúc một thêm căng thẳng, hoảng sợ, dẫn tới những hành động hết sức đáng tiếc.

Chúng ta không nên quên rằng tình trạng lo lắng tột độ không chỉ diễn ra trong các khu cách ly hay những nơi bị phong tỏa mà là cả ở những vùng quê còn thanh bình nhờ chưa có dịch bệnh.

Ngày 19/7 tại Sơn Hạ, Thanh Sơn, Nghi Sơn, Thanh Hóa, khi một nhóm 13 người từ TP HCM về được chính quyền xã cho cách ly tại nhà riêng nhưng đêm hôm đó, người dân trong xóm đã phản đối kịch liệt và báo cáo lên Tỉnh phản đối việc cho những người này ở lại tại khu dân cư. Chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã phải lập tức có mặt để di chuyển họ đến khu cách ly tập trung.

Có thể người dân phản đối là hợp lý bởi điều kiện ngôi nhà dùng để cách ly của những người từ vùng dịch về là chưa đảm bảo nhưng đáng chú ý, khi họ đã được đưa đi thì nhiều ngày sau đó dân trong địa phương vẫn không dám đi qua con đường chỗ có ngôi nhà ấy. Tình trạng này kéo dài phải đến cả chục ngày.

Đây là một hiện tượng tâm lý hết sức đáng chú ý mà những người chỉ đạo công tác phòng chống dịch ở mọi cấp không thể không nhìn nhận nghiêm túc để có những đối sách kịp thời và hợp lý.

Tại sao dân chúng lại lo lắng thái quá một cách thiếu cơ sở như vậy? Vì họ không/chưa được trang bị những hiểu biết cần thiết về loại dịch bệnh này, thậm chí có thể đã bị tiếp xúc với nhiều thông tin lệch lạc, sai lầm dẫn tới những phản ứng tâm lý và cách cư xử thái quá, thiếu hẳn cơ sở khoa học. Chúng ta phải hình dung, tình trạng gì sẽ xảy ra nếu một khi dịch bệnh tràn tới trong khi những nhận thức của người dân còn lệch lạc đến thế. Đó là nỗi sợ hãi tột độ, là sự kỳ thị, là sự rối loạn xã hội. Đáng lo lắng hơn, là tình trạng tâm lý này không phải là cá biệt ở một cụm dân cư, mà nó phổ biến trong cả nước.

Công tác “tuyên truyền” và phổ biến tri thức phổ thông đúng đắn cho người dân lúc này là cực kỳ hệ trọng. Chỉ có hiểu đúng thì mới có thái độ đúng và hành vi đúng; bằng không, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ. Ngăn chặn những thông tin bịa đặt xấu độc phải đi cùng với việc “trấn an” người dân bằng cách trang bị cho họ sự hiểu biết chân xác. Phải hết sức tránh những tuyên truyền có thể gây hoang mang do tính chất hù dọa của nó.

Việc khiến cho người dân sợ có thể có lợi ích trước mắt là để họ nâng cao các biện pháp phòng tránh, nhưng sẽ là một thảm họa khi dịch bùng phát mạnh và là một gánh nặng đối với các vấn đề an sinh xã hội. Lúc đó, nhà nước sẽ phải vất vả hơn bội phần trong công tác dập dịch và ổn định tình hình xã hội.

Việc các khu cách ly xảy ra hoảng loạn và mất kiểm soát hành vi do điều kiện tồi tệ không chỉ ảnh hưởng tới chính những người đang bị cách ly mà còn chi phối mạnh mẽ tới những người dân còn ở ngoài cộng đồng. Nếu họ có triệu chứng hoặc tự test mà phát hiện dương tính thì rất có thể họ sẽ giấu dịch; lúc này thì hậu quả khôn lường. Như thế, để an dân thì cần cải thiện điều kiện sống và chăm sóc trong các khu cách ly, không thể trấn an họ bằng lời nói suông, càng không thể trấn áp một khi sự cố xảy ra mà lỗi thuộc về những vấn đề nội tại của công tác chuẩn bị và phục vụ!

Khi mà biến thể Delta đã xuất hiện với tỷ lệ lây nhiễm cực cao thì ngay cả việc cách ly tất cả F0 cũng cần phải cân nhắc: có nên dồn tất cả những người dương tính vào các khu cách ly tập trung hay không khi mà việc chấm dứt lây lan đã càng ngày càng trở nên bất khả thi hơn. Phân loại F0 để dành điều kiện chăm sóc cho những người có triệu chứng đã trở thành bệnh nhân đúng nghĩa, phần còn lại thì hướng dẫn cách ly tại nhà; đây là một giải pháp cần được thực hiện để vừa giảm tải cho các khu cách ly, và cũng vừa để đảm bảo sinh mạng cho người dân, giảm được thiệt hại ở mức cao nhất trong điều kiện hệ thống y tế chưa mạnh của Việt Nam. Đó chính là an dân vậy.

Cũng ngay tại địa phương đã nhắc đến ở trên của tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi đã chứng kiến những hình ảnh rất đáng chú ý. Mặc dù vẫn chưa áp dụng chỉ thị giãn cách, nhưng những người dân đi chăn bò trên cánh đồng rộng lớn thoáng đãng vẫn mang khẩu trang! Để có thể thực hiện được việc an dân thì chính quyền cũng cần phải đặt niềm tin vào người dân. Không ai lo cho tính mạng của họ bằng chính họ. Khi người dân cơ bản đã ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cùng sự coi trọng sức khỏe của bản thân đã ngày càng trở thành môt nét văn hoá phổ biến thì việc trang bị những hiểu biết đúng đắn sẽ như miếng ghép cuối cùng giúp họ hoàn thiện bức tranh giữ gìn sức khoẻ. Trách nhiệm này dĩ nhiên thuộc về nhà nước với công cụ báo chí rất mạnh trong tay. Chúng tôi nghĩ, nhà nước hoàn toàn có thể làm được chỉ sau một thời gian ngắn “tuyên truyền” và “đính chính”.

Chúng ta cũng cần xác định một kịch bản chung sống lâu dài với Covid -19 để có tâm thế và cách làm phù hợp, không khiến cho xã hội rối loạn và nền kinh tế đang rất mong manh có thể bị sụp đổ. Trên tất cả những điều này thì công tác an dân bằng trợ giúp, bằng tri thức, bằng chuyển đổi số ngành y tế và liên ngành một cách tổng thể và toàn diện, phải được đặt lên hàng đầu.