Lại sắp sặc sỡ Tết

Văn Công Hùng
Văn Công Hùng

Nhà thơ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sắp tết rồi, từ thành thị tới nông thôn lại chuẩn bị trang hoàng đón tết. Một trong những cách trang hoàng là... mắc điện làm hoa. 

Vốn dĩ cành đào, cây mai nó đã đẹp rồi và quả là nó đẹp, không có nó cứ như thiếu tết. Nhưng mang về, người ta lại thêm một việc, là mắc điện xanh đỏ tím vàng nhấp nháy, chớp tắt cho nó.

Những bông hoa được treo lên mỗi dịp Tết đến có làm cho đô thị đẹp hơn?

Những bông hoa được treo lên mỗi dịp Tết đến có làm cho đô thị đẹp hơn?

Thôi thì, trong nhà, anh làm gì cũng được, quyền anh, thích thì anh hưởng. Cái gu thẩm mỹ, sự thích cái đẹp và cả quan niệm về cái đẹp của từng cá nhân thì chả ai can thiệp được, dù nó có liên quan đến phông văn hóa và tư duy thẩm mỹ nói chung. Thế nên cái nạn karaoke hoành hành bao nhiêu năm nay mà có ai dẹp được đâu. Một người vui cả dãy xóm buồn, một nhà hát cả phố điếc tai mất ngủ, làm gì nhau?

Nhưng mang nó ra phố mà bày thì nó thành vấn đề. Nó là phố, chứ không phải xó nhà nhà anh mà muốn chăng dây kết đèn, muốn bày thế nào thì bày.

Mà cũng phải công nhận, mấy ông bà sản xuất hoa điện giăng ngoài phố tài thật. Họ làm sao đấy, mà khắp từ Bắc chí Nam, chỗ nào cũng... nhấp nháy.

Cũng không phải tất cả đều xấu. Nhưng quả là có những cái xấu thậm tệ. Ban đêm nhìn còn đỡ, chứ ban ngày, nó tơ hơ ra. Thật là chả ra làm sao!

Mà cứ nói phục vụ nhân dân, nhân dân có được hỏi ý kiến đâu? Ở nhà riêng, muốn giăng muốn mắc gì cũng phải bàn bạc với nhau, có khi cãi nhau nữa. Ở đây cứ thấy tự nhiên lù lù xuất hiện.

Năm nào đấy, ở một thành phố phía Bắc, đột ngột xuất hiện một con rồng. Có người phải thốt lên: "Kết một dãy hoa cúc vàng ngoằn nghoèo như giun, đầu vịt mỏ ngan chân rết đuôi chó mà bảo đấy là rồng thì rất là xúc phạm nhân dân".

Hình như dân trí nước ta càng cao thì một bộ phận "quan trí" có trách nhiệm có vẻ như không theo kịp.

Ban ngày, nhiều cây hoa trông như... cái bu gà, có phần làm xấu phố phường.

Ban ngày, nhiều cây hoa trông như... cái bu gà, có phần làm xấu phố phường.

Cái cách giăng đèn kết hoa đón tết trên phố nó thể hiện điều ấy. Năm ngoái, một loạt những chú chuột cầm tinh của năm được bày ở những chỗ công cộng cũng thể hiện điều ấy. Rất nhiều con chuột đúng là... chuột, có điều nó là chuột chù, chuột ghẻ. Bảo đảm nhìn thấy xong về là khỏi... ăn tết.

Thành phố nơi tôi sống, cũng như nhiều nơi khác, giờ ngoài đèn điện nhấp nháy loạn phố, còn rất nhiều hoa điện. Có loại trông như cái... bu gà, có loại như tầm gửi, loại như xương rồng... cắt nguệch ngoạc tròn tròn méo méo rồi treo lên, rồi mắc điện. Có thể tại cái gu thẩm mỹ của mình lạc hậu, cái phông văn hóa thấp, nên nói thật, tôi thấy nó không đẹp. Thậm chí nó làm xấu phố.

Bạn tôi thì khẳng định: Vác cái thứ xanh đỏ tím vàng nhấp nháy ấy ra đường bắt mọi người cùng hưởng thì là rất vô đạo đức. Cắt nguệch ngoạc mấy thứ tròn tròn méo méo rồi lồng điện vào trong giăng ngang đường cho mù mịt lên rồi bảo đấy là hoa thì rất là phản thẩm mỹ.

PPhải chăng cứ to, dài, nặng... là đẹp?
Phải chăng cứ to, dài, nặng... là đẹp?

Ơ nhưng nó là tiền cả đấy. Không chỉ tiền, mà rất nhiều tiền. Là cũng bạn tôi thạo việc nói thế, chứ tôi nghĩ mấy cái thứ hết sức tạp pí lù ấy mà tiêu được tiền thì cũng lạ?

Nhưng có một thực tế không thể chối cãi, là đang có một thứ văn hóa "trọc phú" lên ngôi, rất huy hoàng nữa. Cứ là phải to, dài, lớn, nặng, sặc sỡ, lòe loẹt... thì mới là hoành tráng, mới là thiện tâm. Nên bánh tét to nhất, bánh chưng to nhất, ly cà phê to nhất, tô phở to nhất, chiếc áo dài nhiều kim cương nhất,... mới xuất hiện nhiều đến thế.

Thế nên đi trao quà từ thiện cứ phải là... nhìn vào ống kính chứ không nhìn vào người được trao. Thế nên hoa đào, hoa mai đã đẹp thế rồi, cứ phải quấn dây điện vào cho nó lập lòe lên mới hả hê. Thế nên phố mới phải gánh thêm rất nhiều thứ tưởng như là đẹp nhưng thực ra nó đang làm xấu phố. Hôm rồi suýt tí nữa thì bên Hồ Gươm linh thiêng có một trái tim đầy lông mà lại chả đáng giật mình à?

Tiểu cảnh "trái tim lông lá" ở bờ hồ Hoàn Kiếm đã được dỡ bỏ sau khi gây tranh cãi dữ dội.

Tiểu cảnh "trái tim lông lá" ở bờ hồ Hoàn Kiếm đã được dỡ bỏ sau khi gây tranh cãi dữ dội.

Năm nay năm ông trâu. Chắc chắn lại sẽ rất nhiều trâu được ra... đứng đường. Trâu rất quen thuộc với dân Việt, có người từng đề xuất lấy nó làm linh vật cho SEAGame, để thể hiện nó cho vui nhộn, cho đẹp cũng không khó, nhưng đúng là cũng không dễ. Cầu trời cho các ông trâu năm nay nếu được điều ra đường, ra quảng trường, ra các khu công cộng đứng, thì nó đúng là... trâu.

Lỗi không phải tại điện, tại hoa hay tại ánh sáng. Mà cái chính là, chúng ta thiếu những chuyên gia ánh sáng. Kể cả ánh sáng trong nhà hay ngoài đường chỉ để phục vụ... ánh sáng, huống gì ánh sáng nghệ thuật. Và đấy chính là những chuyên gia nghệ thuật ánh sáng. Thiếu những chuyên gia này, nên giờ, thích gì làm nấy, mang ý chí của mình ra áp đặt cho số đông, cho nơi công cộng...

Ánh sáng, nó không chỉ là ánh sáng, nó là nghệ thuật, nhất là khi người ta làm hoa, làm suối, làm sóng... bằng ánh sáng. Thì nó, ngoài là kỹ thuật còn là nghệ thuật.

Các ngành khác đều có các hội đồng nghệ thuật nhưng ánh sáng thì chưa. Nếu có quy định tất cả các loại ánh sáng khi mang ra nơi công cộng đều phải có ý kiến của hội đồng nghệ thuật thì nó sẽ bớt được những thứ đang được giăng ngang giăng dọc phố đến nhức mắt kia.