Năm 2014 Luật nhà ở mới được ban hành, thay thế cho Luật nhà ở năm 2005, tại Điều 6 có một quy định mới, đó là nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.
Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật nhà ở, hướng dẫn các trường hợp đã đăng ký kinh doanh tại căn hộ chung cư phải chuyển sang địa điểm khác trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực (1/7/2016), quá thời hạn trên thì không được kinh doanh tại căn hộ chung cư nữa.
Đây là quy định chưa phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế và cần hiệu chỉnh để giảm thiểu tác hại gây ra đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Quy định này có lẽ được áp dụng theo những tiêu chuẩn cao trong quản trị hành chính của các nước phát triển, với những tính toán khoa học và sự chuyên môn hóa các hoạt động, đã đưa đến sự tách bạch các loại hình bất động sản, không cho phép kinh doanh tại căn hộ chung cư.
Trong khi đó nền kinh tế Việt Nam lại đang tồn tại những chỉ số thấp.
Theo hướng dẫn phân loại về quy mô doanh nghiệp của Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Còn theo một kết quả nghiên cứu đánh giá của Ngân hàng Thế giới World Bank, ở thời điểm tháng 7/2019, về nền kinh tế Việt Nam, thì trong số khoảng 500 ngàn doanh nghiệp trong nước có ở thời điểm đó, 98% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Như vậy, nền kinh tế có phần lớn doanh nghiệp là thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ. Với tính chất như vậy thì có thể hình dung là người ta tận dụng mặt bằng kinh doanh tại bất kỳ đâu, bất kỳ không gian nào, phổ biến nhất là hỗn hợp một nơi vừa để kinh doanh cũng và để ở.
Và trong hoàn cảnh căn hộ chung cư vẫn là tài sản giá trị nhất đối với nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ thì không thể trách cứ họ khi sử dụng tài sản của mình hoặc đi thuê, phục vụ cho mục đích thương mại.
Không biết ở thời điểm ban hành Luật đã có sự khảo sát thống kê xem có bao nhiêu doanh nghiệp đang kinh doanh ở các căn hộ chung cư hay chưa, và lường tính hệ quả quy định ngăn cấm sẽ ảnh hưởng ra sao đến cộng đồng doanh nghiệp.
Đúng ra nên có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng và quy định chi tiết cho phù hợp, theo đó cần cho phép những doanh nghiệp siêu nhỏ dưới 10 lao động được đăng ký kinh doanh tại căn hộ chung cư, thay vì đưa ra quy định nghiêm cấm hoàn toàn.
Lãng phí cơ hội kinh tế
Để lý giải cho quy định này, một lý do thường được đưa ra là việc kinh doanh ở căn hộ chung cư sẽ gây quá tải hạ tầng cho các tòa nhà, ví như tình trạng đông đúc ở các khu vực Trung Hòa, Nhân Chính ở Hà Nội thường được nêu ra như là tiêu biểu cho tình trạng này.
Nhưng những hoạt động kinh doanh ở tòa nhà chung cư hầu hết là các hoạt động dịch vụ, với số nhân viên chỉ tương ứng với số người trong một hộ gia đình. Nếu thay vì kinh doanh mà để ở, thì vẫn có số người tương ứng trong một căn hộ, vậy làm sao trách những người đó gây quá tải được.
Các hoạt động dịch vụ văn phòng lại diễn ra ban ngày, khi mà cư dân đã đi làm hoặc đi học, khiến cho sự ảnh hưởng được giảm thiểu. Thực tế có những tòa chung cư ban ngày rất vắng vẻ, khi đó việc ngăn cấm các hoạt động kinh doanh diễn ra ở nơi này sẽ chỉ dẫn đến sự lãng phí nguồn lực kinh tế, không tận dụng hết không gian hạ tầng đô thị.
Thực tế ở những khu vực như phường Trung Hòa, Nhân Chính thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội, là nơi có mật độ các tòa nhà chung cư ở cùng một con phố quá dày, cùng với đó là tuyến đường dành cho xe buýt BRT chiếm mất một một phần ba lòng đường Lê Văn Lương, khiến tạo ra dòng lưu thông giao thông chật hẹp, dễ gây ra tắc đường.
Lòng đường bị chia nhỏ để nhường phần khá lớn cho BRT lưu thông. |
Đó mới là những nguyên nhân chính tạo ra sự khó chịu về không gian chật chội, chứ việc kinh doanh ở nhà chung cư chỉ là một tác nhân nhỏ, nhưng lại bị đổ cho như là nguyên nhân chính về sự bức bối.
Cũng nên biết rằng, ở những quận huyện khác, hoặc ở những tỉnh thành khác ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi mật độ dân cư thưa thớt, thì việc việc kinh doanh ở căn hộ chung cư cũng không gây ảnh hưởng xấu, nhưng lại cũng đang chịu chung quy định trói buộc áp đặt cho cả nước.
Một lý do khác cũng thường được đưa ra lý giải cho việc cấm kinh doanh ở chung cư, là đâu đó xảy ra tình trạng một số tội phạm người nước ngoài thuê nhà chung cư thực hiện hành vi phạm tội.
Nhưng số lượng vụ việc loại này là bao nhiêu, liệu có là lý do hợp lý để đưa đến quy định cấm kinh doanh ở tòa nhà chung cư hay không, hay việc cần làm là làm tốt công tác kiểm tra giám sát thường xuyên là được?
Nếu những người phạm tội đó không kinh doanh mà họ vẫn thuê để ở và vẫn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, thì khi đó quy định cấm kinh doanh ở căn hộ chung cư vừa không giúp ngăn chặn tội phạm nước ngoài mà vô hình trung gây hại cho hàng vạn hoạt động kinh doanh trong nước.
Tính năng động
Trong một bài báo mới đây trên Vietnamnet cho biết, bình quân mỗi tháng tại Việt Nam có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream qua mạng, với sự tham gia của khoảng 50.000 nhà cung ứng sản phẩm.
Bài báo cũng cho biết, mỗi ngày tại Việt Nam hiện có khoảng 70.000 - 80.000 phiên livestream bán hàng. Và lượng người livestream được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt với tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid.
Những hoạt động kinh doanh kiểu này được duy trì sẽ góp phần trụ đỡ cho nền kinh tế vốn đang chịu ảnh hưởng bởi dịch cúm Covid 19.
Vậy nhưng rất nhiều trong số các hoạt động này đang đứng trước thực trạng trái luật, vì hiện có rất nhiều người thuê những căn hộ chung cư để livestream bán hàng qua mạng. Những căn chung cư ở tầng cao có không gian yên tĩnh rất phù hợp cho hoạt động livestream.
Năm 2017 Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, trong đó đã xác định:
Hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ…; Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác; chi phí trung gian, không chính thức còn nhiều.
Từ thực tế đó Nghị quyết 10 yêu cầu: Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân;
Xoá bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn và đất đai, cơ hội kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân.
Hiện nay, với đặc thù nền kinh tế phần lớn doanh nghiệp thuộc loại nhỏ, việc cấm kinh doanh ở căn hộ chung cư sẽ "đánh" vào những người đang cố gắng trụ vững trong nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng bởi dịch cúm, đây là lúc rất không nên có những rào cản chướng ngại gây khó cho doanh nghiệp.
Trong khi Chính phủ đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch cúm, thiết nghĩ, một trong những việc cần làm là nên hiệu chỉnh lại việc thực hiện quy định pháp luật, cho phép những doanh nghiệp dịch vụ thuộc loại siêu nhỏ được đăng ký kinh doanh tại căn hộ chung cư, giúp hạn chế tác hại xấu của quy định pháp luật bất cập gây ra cho nền kinh tế.
(*) Bài viết tham khảo số liệu từ thông tin trên báo chí.