Kinh tế Trung Quốc phục hồi không như kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch COVID-19 dường như đang suy yếu.

Một công trường xây dựng ở Trịnh Châu, Trung Quốc hồi đầu năm nay (Ảnh: Bloomberg)
Một công trường xây dựng ở Trịnh Châu, Trung Quốc hồi đầu năm nay (Ảnh: Bloomberg)

Tờ Wall Street Journal dẫn số liệu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa công bố cho biết, GDP quý 2/2023 của quốc gia này chỉ tăng 0,8% so với quý trước và chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng theo quý 2,2% trong 3 tháng đầu năm nay. Kết quả này phản ánh sự suy yếu của hoạt động bán lẻ, các khoản đầu tư tư nhân và sự đảo chiều trong hoạt động xuất khẩu – từng là động lực tăng trưởng của Trung Quốc trong giai đoạn đại dịch bùng phát.

So với nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 2/2023 của Trung Quốc tăng 6,3% - cao hơn mức tăng 4,5% được ghi nhận trong quý 1/2023. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức dự báo 6,9% được các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát mà Wall Street Journal thực hiện.

Đà phục hồi yếu của nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023, khi Mỹ và Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái. Tình hình này cũng tạo áp lực lên các quan chức Trung Quốc để áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc đang hạn chế chi tiêu và xuất khẩu hàng hóa giảm sút. Khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản và tình hình tài chính của chính quyền các địa phương cũng khiến cho bối cảnh thêm phần ảm đạm.

Duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế hiện là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Trung Quốc. Mối quan hệ ngày càng lạnh nhạt với phương Tây đang gây ảnh hưởng xấu tới các khoản đầu tư vào Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đang đối đầu căng thẳng với Washington xung quanh vấn đề chất bán dẫn và các nguyên liệu cần thiết để chế tạo chất bán dẫn.

im-818120.jpg
Người dân đi mua sắm trong một siêu thị ở Hàm Đan, Trung Quốc (Ảnh: Zuma)

Kích cầu tiêu dùng

Chính quyền Bắc Kinh đã gỡ bỏ các lệnh kiểm soát dịch từ đầu năm nay, tạo điều kiện cho sự phục hồi của nền kinh tế. Các doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động kinh doanh và người tiêu dùng bắt đầu sử dụng đến khoản tiền tiết kiệm mà họ đã tích góp được trong khoảng thời gian diễn ra đại dịch.

Trung Quốc kỳ vọng rằng người tiêu dùng ở trong nước sẽ tạo nên động lực mới cho đà phục hồi và khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản sẽ qua đi, thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu suy yếu, và lạm phát cao cùng chi phí vay mượn tăng đang kìm hãm chi tiêu ở các nước phương Tây.

Dữ liệu được công bố hôm đầu tuần cho thấy kỳ vọng đó đã không thành. Doanh số bán lẻ trong tháng 6 chỉ tăng 0,2% so với tháng 5, một dấu hiệu cho thấy các hộ gia đình vẫn thận trọng trong chi tiêu. Các nhà kinh tế học cho rằng sự thận trọng của người tiêu dùng Trung Quốc phản ánh lại sự lo lắng của họ về việc làm và nền kinh tế nước nhà, bên cạnh đó là nỗi ám ảnh về đại dịch – như mất việc và thu nhập.

Thước đo tỷ lệ thất nghiệp hàng đầu của Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị, vẫn giữ nguyên ở mức 5,2% trong tháng 6. Tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tuổi tiếp tục tăng, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người trong độ tuổi 16-24 tăng lên tới 21,3%, từ 20,8% trong tháng 5.

Các khoản đầu tư vào nhà ở, máy móc và các tài sản cố định khác chỉ tăng 0,4% trong tháng 6, so với tháng trước đó, chủ yếu là do khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Sản lượng công nghiệp tăng 0,7% trong cùng giai đoạn.

Những con số thống kê mới từ Trung Quốc tương phản với tình hình kinh tế tại Mỹ. Lạm phát ở Mỹ trong tháng trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm, làm tăng kỳ vọng rằng Fed sẽ sớm ngừng chu kỳ nâng lãi suất mà không đẩy nền kinh tế vào chỗ suy thoái.

Dữ liệu kinh tế ở nhiều quốc gia khác cũng cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang mất động lực tăng trưởng. Hoạt động sản xuất ở nhiều nước đang suy yếu. Dữ liệu từ Trung Quốc và nhiều nền kinh tế khác ở châu Á cho thấy thương mại đang đi theo xu hướng giảm.

World Bank dự báo rằng đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong quý 2 năm nay, do những động thái quyết liệt của các ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát. Tổ chức này đưa ra con số dự báo 2,1% đối với đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, giảm so với mức dự báo 3,1% mà họ đưa ra trong năm 2022./.

Theo Wall Street Journal