Trung Quốc: Sinh viên mới ra trường loay hoay kiếm việc giữa bối cảnh khủng hoảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Những người trẻ ở Trung Quốc đang tìm mọi cách có thể để cải thiện triển vọng việc làm của mình.

1.png
Nhiều công việc tuyển người không thu hút người trẻ tuổi mới ra trường ở Trung Quốc (Ảnh: FT)

Việc làm khan hiếm giữa cơn khủng hoảng

Nhiều tấm poster quảng bá cơ hội việc làm tại một hội chợ ở Trịnh Châu, Trung Quốc. “Hãy cùng chúng tôi hướng đến tương lai!”, một tấm poster có nội dung hối thúc những sinh viên mới tốt nghiệp đi bán xe điện cho một công ty. Một số công ty khác đang tìm kiếm những ứng viên “dũng cảm” hay “những phụ nữ quyến rũ” để đi bán trang thiết bị y tế.

Nhưng đa phần những công việc này yêu cầu 70 giờ làm việc mỗi tuần trong khi mức lương thấp, chỉ khoảng 3.000 NDT (400 USD)/tháng. Wang, một sinh viên tốt nghiệp ngành thương mại, không cảm thấy chút hứng thú nào.

Trịnh Châu, thủ phủ công nghiệp của một tỉnh có dân số khoảng 100 triệu người và là "nhà" của xưởng sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, có thể mang đến những triển vọng công việc tốt hơn cho sinh viên mới ra trường, Wang nói với Financial Times.

Wang, thành viên đầu tiên trong một gia đình ở nông thôn có được tấm bằng đại học, còn không biết bản thân anh có nhận được một công việc tốt hay không, chứ chưa nói đến việc mua nhà. “Ngay bây giờ, kinh nghiệm quan trọng hơn nhiều so với bằng đại học bởi có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp”, Wang nói.

Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vừa mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, những sinh viên mới tốt nghiệp bị thất nghiệp như Wang phải mang gánh nặng của đà phục hồi chậm chạp. Trong tháng 5, 20,8% người ở độ tuổi 16-20 bị thất nghiệp, đây là con số lớn kỷ lục kể từ khi chính quyền bắt đầu thu thập dữ liệu từ năm 2018, và cao hơn cả ở các nước châu Âu như Pháp và Italy.

2.png
Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tuổi của Trung Quốc cao hơn so với các nước thuộc nhóm G7 (Ảnh: FT)

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn tạo ra hàng triệu việc làm, và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 5,2% trong tháng 5. Nhưng nhiều cơ hội việc làm lại không đủ hấp dẫn với sinh viên tốt nghiệp đại học. Việc chính quyền Bắc Kinh siết chặt quản lý lĩnh vực công nghệ, tài chính và game trong vài năm qua đã làm mất đi nhiều cơ hội ở những nơi từng được cho là nguồn việc làm có sức hút.

Chỉ số việc làm đối với người mới tốt nghiệp, được Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc, công bố cho thấy tình trạng thừa cung lao động trong 6 quý liên tiếp kể từ cuối năm 2021. Tình trạng này có thể còn trở nên tồi tệ hơn, khi con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên mới ra trường gia nhập thị trường lao động trong tháng 6 và tháng 7.

Tác động từ đà phục hồi của nền kinh tế

Mặc dù số sinh viên ra trường có thể là nhỏ so sánh với toàn bộ lực lượng lao động, nhưng tình thế khó khăn của họ cho thấy đà phục hồi chậm của nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã mất nhịp độ trong quý hai do thị trường bất động sản và hoạt động sản xuất gặp khó khăn.

“Nền kinh tế Trung Quốc rất yếu ở giai đoạn này, niềm tin giảm sút, bởi vậy tôi cho rằng đó là nhân tố lớn nhất gây ra tình trạng thất nghiệp ở người trẻ”, Larry Hu, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Macquarie, cho hay.

Một số ý kiến khác cho rằng tình trạng thất nghiệp ở người trẻ chính là một vấn đề về cấu trúc, mà đến cuối cùng có thể đe doạ tới sự ổn định chính trị.

“Chúng tôi ước tính rằng vấn đề thất nghiệp ở người trẻ có thể tiếp diễn trong 10 năm tới và tục trở nên tồi tệ hơn trong ngắn hạn”, bản báo cáo mà nhà kinh tế học kỳ cựu Li Yuanchun đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc, có đoạn. “Nếu xử lý không đúng cách, nó sẽ dẫn tới nhiều vấn đề xã hội khác ngoài lĩnh vực kinh tế, thậm chí làm dấy lên nhiều vấn đề chính trị”.

3.png
Dân số có trình độ cao tràn ngập trên thị trường việc làm ở Trung Quốc (Ảnh: FT)

Chính phủ Trung Quốc mới đây đã đưa ra hành động, thực hiện chiến dịch thuyết phục sinh viên mới ra trường “tìm một công việc trước sau đó mới chọn sự nghiệp”. Tuy nhiên, thông điệp này lại khiến nhiều người trẻ mới ra trường hoài nghi: mặc dù bỏ ra khoản tiền khoảng 30.000 NDT (4.162 USD) mỗi năm để học ở các trường đại học công – chiếm khoảng 1/5 thu nhập trung bình của hộ gia đình có 3 người – nhưng tấm bằng tốt nghiệp từ những trường tốt nhất vẫn thiếu giá trị trên thị trường việc làm.

Ở Thành Đô, một thành phố nổi tiếng thoải mái và ngành công nghiệp thường thu hút lao động trẻ từ khắp cả nước, một bức tượng gấu trúc cười đang cầm một tấm biển lớn với dòng chữ “hạnh phúc đến từ công việc gian khổ”.

Yang, sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán tại một đại học loại 2, đã kiếm được một công việc với mức lương chỉ 3.000 NDT (416 USD)/tháng, chỉ bằng 1/3 mức lương công nhân của cha cô.

“Cha tôi đã bỏ ra rất nhiều tiền cho tôi đi học, ông ấy nghĩ khoản đầu tư đó không xứng đáng”, Yang nói, thêm rằng cô không thể tưởng tượng được làm sao tiết kiệm đủ tiền để mua một ngôi nhà, tổ chức đám cưới và xây dựng gia đình.

4.png
Một hội chợ việc làm tổ chức tại Trịnh Châu trong tháng 6 vừa qua (Ảnh: FT)

Vấn đề ngắn hạn hay về cấu trúc?

Cuộc khủng hoảng việc làm đang ảnh hưởng tới giới trẻ Trung Quốc càng đáng ngạc nhiên hơn bởi nhóm này là những người được giáo dục cao nhất cả nước.

Các lệnh hạn chế do COVID-19 được cho là một phần nguyên nhân, theo các nhà kinh tế học. Khi du lịch nhà hàng và các hoạt động kinh doanh khác tạm dừng trong suốt 3 năm, công việc mới trong ngành dịch vụ đã bị thu hẹp trong năm ngoái, trong khi ở giai đoạn 2018-2019 đã có thêm 16 triệu việc làm mới, theo Macquarie.

Khu vực tư nhân, chiếm khoảng 80% lao động đô thị ở Trung Quốc, vẫn thiếu niềm tin trong giai đoạn sau đại dịch, theo nhận định giới phân tích. Các khoản đầu tư tài sản cố định tư nhân, thước đo hoạt động kinh doanh, lần đầu tiên chuyển sang âm trong tháng 5, kể từ năm 2020.

Chính phủ siết chặt các lĩnh vực tăng trưởng cao như thương mại điện tử, các nền tảng giáo dục, game và tài chính càng khiến tình hình tồi tệ hơn.

“Chính sách tập trung vào an ninh quốc gia và ít tập trung hơn cho tăng trưởng cũng làm trầm trọng hơn tình trạng thất nghiệp ở người trẻ”, ông Hu nói.

Một số ý kiến khác cho rằng nguyên nhân còn sâu xa hơn. Michael Pettis, chuyên gia đến từ Trung tâm Carnegie Trung Quốc, nói rằng mô hình đầu tư của Bắc Kinh vẫn hướng tới sản xuất và đầu tư hơn là tiêu dùng nội địa – yếu tố sẽ tạo ra việc làm.

“Khi các bạn xây dựng tính cạnh tranh trong sản xuất dựa trên lương thấp, một khi lương thấp trở thành vấn đề do nhu cầu nội địa suy yếu, bạn sẽ bế tắc”, Pettis nói.

6.png
Nhiều người trẻ đi chùa cầu may để kiếm được một công việc sau khi ra trường (Ảnh: FT)

Người trẻ chật vật ổn định công việc

Những người trẻ ở Trung Quốc đang tìm mọi cách có thể để cải thiện triển vọng việc làm của mình. Cho đến mãi năm ngoái, chùa Lạt Ma ở Bắc Kinh là nơi thu hút chủ yếu người già tới cầu bình an. Nhưng gần đây, ngôi chùa này thu hút hàng trăm người trẻ thất nghiệp tới cúng bái cầu may.

Lu, một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, mong muốn mở doanh nghiệp dạy khiêu vũ ở quê nhà Quý Dương, đã không thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp một trường đại học loại 2 ở Bắc Kinh.

“Tôi không có cơ hội tìm việc ở Bắc Kinh”, Lu nói.

Cùng với nhiều người trẻ tuổi khác, Lu đã tham gia vào kỳ thi công chức quốc gia khắc nghiệt, thu hút kỷ lục 2,6 triệu người trong năm nay, gần gấp đôi so với năm 2019. Cô bị trượt – do tỷ lệ thành công chỉ có 1,4%.

Lu nói rằng, điều ước thứ hai của cô là đậu kỳ thi này vào năm sau và có một công việc tại sở thuế Quý Dương.

“Đó là điều cha mẹ tôi mong muốn”, Lu nói. “Họ nghĩ rằng tôi nên ưu tiên sự ổn định”.

Một số người trẻ tuổi lại gặp vận may. Zhou, 26 tuổi, đã đi cầu may ở chùa sau khi mất việc, và giờ cô trở lại để làm lễ tạ ơn. Cô đã xin được một việc làm tại hãng thiết bị y tế ở Trịnh Châu. Mặc dù công việc mới có mức lương chưa bằng một nửa so với công việc trước ở Bắc Kinh, nhưng cô vẫn chấp nhận.

“Không có nhiều cơ hội ở Bắc Kinh”, cô nói. “Bởi vậy tôi cần phải có một công việc trước đã”./.

Theo Financial Times