Ngày 15/8, trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 75 năm quốc khánh Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi cam kết sẽ nỗ lực hết mình để biến Ấn Độ trở thành một quốc gia phát triển trong 25 năm tới.
Ông Modi khẳng định, Ấn Độ sẽ đạt được thành tựu trong khoa học và công nghệ, thiết lập các ngành công nghiệp, đạt được an ninh lương thực và năng lượng. Quốc gia này cũng sẽ thu hút hàng tỉ USD vốn đầu tư, nhằm biến Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất của thế giới.
Trước những phát biểu của ông Modi, nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế Ấn Độ đã sẵn sàng 'toả sáng'. VietTimes xin giới thiệu tới độc giả bài viết thể hiện quan điểm của Rupa Subramanya - thành viên xuất sắc của quỹ Asia Pacific Foundation của Canada - được đăng tải trên tờ Nikkei Asia về nội dung này.
Liệu nền kinh tế Ấn Độ cuối cùng đã sẵn sàng cất cánh (?!). Đó chính là điểm chính mà Thủ tướng Narendra Modi đưa ra trong bài phát biểu hồi tuần trước nhân kỷ niệm 75 năm ngày độc lập của nước này.
Trong đó, ông kêu gọi người dân Ấn Độ chung tay để giúp đất nước trở thành một nước phát triển vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, tức năm 2047.
Trong bài phát biểu kéo dài cả giờ đồng hồ, ông Modi đã nêu bật sức mạnh của Ấn Độ trong việc nghiên cứu tăng cường sản xuất và sáng tạo, cùng với bước tiến lớn mà chính phủ của ông đã đạt được trong việc số hóa nền kinh tế, trong đó mạng 5G sẽ được triển khai sớm. Ông nói rằng chính những người dân Ấn Độ sẽ đóng vai trò là động cơ để giúp đất nước tiến về phía trước.
Có thể hiểu được rằng, ở vị trí lãnh đạo đất nước, ông Modi sẽ phải đưa ra tuyên bố tạo cảm hứng, nhưng ngoài ra cũng có nhiều ý kiến ngợi khen Ấn Độ.
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley của Mỹ trong tháng này đưa ra dự báo rằng Ấn Độ có thể trỗi dậy thành nền kinh tế có đà phát triển nhanh nhất khu vực châu Á trong năm tài khóa này, bắt đầu từ tháng 4.
Chỉ ra nhu cầu nội địa sôi động, thành quả từ các cuộc cải cách kinh tế, dân số trẻ, niềm tin cùng các khoản đầu tư doanh nghiệp cao, ngân hàng này dự báo rằng nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7% trong năm tài khóa năm nay. Theo tính toán của họ, Ấn Độ sẽ đóng góp 28% cho đà tăng trưởng sản lượng kinh tế của châu Á và 22% sản lượng kinh tế toàn cầu.
“Nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ vận hành tốt nhất trong vòng một thập kỷ, khi mà nhu cầu bị dồn nén bắt đầu bung ra,” các nhà kinh tế học tại Morgan Stanley nhận định.
Ấn Độ đã lấy lại sức bật mạnh mẽ kể trong năm tài khóa trước, sau đợt ảm đạm vì đại dịch COVID-19, trong đó đà tăng trưởng GDP lên tới 8,7%.
Khi nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, Ấn Độ đang dần bắt kịp và có khả năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sớm hơn so với dự báo trước đó. Ruchir Sharma, cựu chiến lược gia Morgan Stanley và giờ là người đứng đầu hãng Rockerfeller Capital Management, gọi Ấn Độ là “ngôi sao cá biệt” trong nền kinh tế toàn cầu đang ốm yếu.
Mặc dù trong tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm mức tăng trưởng dự báo thường niên đối với Ấn Độ từ 8,2% xuống còn 7,4%, nhưng họ nói rằng nền tảng cơ bản của đất nước này vẫn toàn vẹn, và việc họ cắt giảm mức dự báo là do môi trường bên ngoài đang trở nên xấu đi, cùng tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Liệu những thông tin trên có đủ để cho một người cảm giác rằng Ấn Độ sắp trải qua một giai đoạn phát triển rực rỡ (?!).
Vào cuối những năm 2000, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ cũng tăng nhanh chóng, có lúc đã đạt tới mức tăng trưởng 2 con số ngang bằng với Trung Quốc. Lúc bấy giờ, có nhiều ý kiến cho rằng thời kỳ hưng thịnh của Ấn Độ cuối cùng đã tới: Đất nước này thu hút được sự mến mộ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos và tương lai hết sức tươi sáng.
Nhưng điều đó không kéo dài. Vào đầu những năm 2010, đà tăng trưởng của Ấn Độ giảm, kéo theo đó là nhiều khoản đầu tư thất bại cùng một núi các khoản nợ doanh nghiệp, mặc dù Ấn Độ ban đầu xoay xở với khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn nhiều nền kinh tế lớn khác.
Vậy lần này có khác biệt hay không (?!). Có nhiều lý do để lạc quan một cách thận trọng.
Không giống như cuối những năm 2000, Ấn Độ giờ đã đạt được một mức độ ổn định kinh tế vĩ mô lớn hơn, bất chấp những cú sốc gây ra do đại dịch COVID-19 và lệnh phong tỏa mà chính phủ áp dụng vào đầu năm 2020.
Dự trữ ngoại hối nhà nước của Ấn Độ vẫn dồi dào, ngay trong lúc các nước láng giềng như Pakistan, Sri Lanka và Bangladesh cạn nguồn dự trữ. Mặc dù tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng của Ấn Độ ở mức 7%, cao hơn mức mục tiêu 2-6% mà ngân hàng trung ương đặt ra, nhưng họ vẫn thể hiện tốt hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển như Anh hay Mỹ.
Cuối những năm 2000, đà tăng trưởng cao của Ấn Độ có được một phần là nhờ vào các gói kích thích kinh tế vĩ mô chưa từng có tiền lệ, dẫn tới nền kinh tế quá nóng từ đó làm giảm nhịp độ mở rộng. Đà tăng trưởng nhanh hiện nay dường như có hệ thống hơn, chủ yếu là nhờ nhu cầu trong nước mạnh và không bị phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế toàn cầu.
Một nhân tố chưa rõ là, liệu các chính sách của Thủ tướng Modi sẽ thúc đẩy hay làm chậm đà tăng trưởng. Các đợt giảm thuế doanh nghiệp đáng chú ý đã giúp cải thiện các khoản đầu tư vào doanh nghiệp, nhưng chúng cũng tiềm ẩn nguy cơ làm tăng thâm hụt tài khóa và tích trữ sức ép lạm phát trong tương lai.
Các cuộc cải cách cỡ nhỏ nhưng đáng kể cũng làm cải thiện môi trường doanh nghiệp đôi chút, trong khi các chương trình chuyển đổi số và liên kết cấp phép cho hệ thống nhận diện sinh trắc học quốc gia cũng làm giảm tham nhũng.
Một người phụ nữ Ấn Độ quét cơ sở dữ liệu nhận dạng ở New Delhi năm 2018 (Ảnh: Reuters) |
Ngoài ra còn phải kể tới một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là sự thay đổi trong nhận thức của chính phủ Ấn Độ về vai trò của thương mại và tài chính toàn cầu đối với sự phát triển kinh kinh tế của nước này.
Sau chiến thắng trong đợt tái tranh cử, Thủ tướng Modi đã dịch chuyển từ thương mại tự do sang tự chủ, sử dụng chính sách công nghiệp và các hàng rào thuế quan để khuyến khích hoạt động sản xuất trong nước đóng vai trò thay thế cho hàng nhập khẩu.
Đương nhiên, Ấn Độ không cô độc trong tiến trình này, bởi Mỹ và một số nền kinh tế lớn khác cũng có đang có bước chuyển đổi tương tự.
Tuy nhiên, gần đây, giới chức Ấn Độ đã bắt đầu đánh tín hiệu về tăng cường thương mại bằng cách hoàn tất các cuộc đàm phán với Australia về một thỏa thuận thương mại tự do. Các vòng đàm phán với EU và Canada cũng có khả năng sắp hoàn tất.
Đây là những tín hiệu đầy hứa hẹn cho thấy một hướng tiếp cận hoàn thiện về chính sách kinh tế của chính phủ ông Modi, khác hẳn với cuộc thử nghiệm chính sách phi tiền tệ hóa cực đoan vào năm 2016 – thời điểm mà các đồng tiền giấy của Ấn Độ bị hủy gây ra sự gián đoạn trong nền kinh tế vốn phụ thuộc vào tiền giấy.
Chính phủ Ấn Độ cũng không đưa ra các biện pháp quá hà khắc trong lúc đối phó với COVID-19, tránh gây ra tác động mạnh tới nền kinh tế.
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày độc lập, Ấn Độ có thể đang trên đường hướng tới một tương lai tươi sáng từng được hứa hẹn, mà họ chưa đạt được trong quá khứ./.
Gautam Adani - tỉ phú Ấn Độ tuyên bố rót 10 tỉ USD vào Việt Nam: Ông là ai?
Chân dung đại gia Ấn Độ rót vốn chục tỷ đô vào công viên dược ở Việt Nam
Ấn Độ cáo buộc Oppo trốn thuế nửa tỉ USD: Chiến dịch “truy quét” các ông lớn smartphone Trung Quốc?
Theo Nikkei Asia