Những dữ liệu mới nhất về sức khoẻ nền kinh tế có thể buộc Fed phải quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống lạm phát (Ảnh: Barrons) |
Cách đây khoảng 1 năm, sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ gây nên cú sốc giá dầu, và Fed khởi động chiến dịch nâng lãi suất của họ để kiềm chế lạm phát, các chuyên gia kinh tế bắt đầu đưa ra cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ đang trên bờ vực của một cuộc suy thoái.
Tháng 3/2022, các nhà kinh tế học của Goldman Sachs công bố dự báo kinh tế cho rằng có 20-30% nền kinh tế Mỹ sẽ bị thu hẹp trong vòng 12 tháng. Đến tháng 6 cùng năm, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, Jamie Dimon đưa ra dự báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ xuất hiện “bão tố”, và đến tháng tiếp theo, Bank of America dự báo sẽ có một cuộc suy thoái nhẹ trước khi kết thúc năm. Đến tháng 9, các nhà hoạch định chính sách của Fed dự báo đà tăng trưởng chỉ 0,2% cho năm 2023.
Viễn cảnh tiêu cực này đã kéo tụt cảm xúc của người tiêu dùng và thuyết phục 2/3 dân số Mỹ tin rằng nước họ đã lao vào một cuộc suy thoái.
Thế nhưng viễn cảnh đó đã được chứng minh là không đúng.
Thay vào đó, chi tiêu tiêu dùng tiếp tục tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới mức tiền đại dịch COVID-19, và trong tháng trước chính phủ Mỹ báo cáo nền kinh tế đã tăng trưởng 1% trong giai đoạn từ quý 4 năm 2021 đến quý 4 năm 2022 – gấp 5 lần con số mà Fed dự báo chỉ trước đó vài tháng.
Câu hỏi rằng làm thế nào nền kinh tế Mỹ có thể lội ngược dòng và né khỏi suy thoái giờ xuất hiện khắp các cuộc thảo luận của giới chuyên gia, đồng thời tạo ra một môi trường kinh tế đầy bất ổn, khi mà chỉ một đợt công bố dữ liệu cũng có thể khiến các thị trường tăng mạnh trong một ngày và sụt giảm mạnh trong ngày tiếp theo. Môi trường này cũng khiến các doanh nghiệp khó lên kế hoạch phát triển trong tương lai, và khiến các chuyên gia phải tìm hiểu xem tại sao mà sự kết hợp giữa căng thẳng địa chính trị, sức ép lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ lại có tầm ảnh hưởng tới nền kinh tế ít hơn so với tiền lệ trong lịch sử.
Và môi trường hiện nay cũng khiến cho nhiệm vụ chống lạm phát của Fed trở nên khó khăn hơn.
“Họ đang bay trong vô định,” Jay Bryson, trưởng kinh tế gia đến từ Wells Fargo, nhận định. “Và đang cố gắng cảm nhận dần đường đi của họ.”
Việc dự báo nền kinh tế Mỹ "hạ cánh cứng" hay "hạ cánh mềm" khiến giới chuyên gia đau đầu (Ảnh: NYTimes) |
“Mò mẫm trong bóng tối”
Theo nhận định của giới chuyên gia, gần như không thể áp dụng những quy luật cũ cho một nền kinh tế mới vốn đã hoàn toàn biến đổi do COVID-19 và không phản ứng theo cách thông thường trước những sự kiện tăng giá và chính sách thắt chặt tiền tệ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, một loạt các nhân tố có thể đã bị bỏ qua hoặc đánh giá thấp, một phần là do các chuyên gia dự báo chưa từng gặp phải điều tương tự trước đây.
Một ví dụ cụ thể là gói kích thích tài chính của chính phủ Mỹ. Nó đã thúc đẩy nền kinh tế trong khoảng thời gian dài hơn so với kỳ vọng của bất cứ ai. Những khoản tiền tiết kiệm dôi thừa cùng với thị trường lao động khoẻ mạnh đã làm tăng nhu cầu du lịch, ăn tối nhà hàng và nhiều dịch vụ khác, và tạo điều kiện cho chi tiêu tăng trưởng. Thêm nữa, những năm lãi suất được duy trì ở mức thấp đã làm thay đổi biến động nợ đối với phần lớn các hộ gia đình Mỹ, giúp họ được bảo vệ, thông qua lãi thế chấp cố định, khỏi tầm ảnh hưởng của công cụ thắt chặt chính sách cơ bản của Fed.
Kết quả là, nền kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn toàn phản ứng trước các công cụ chính sách được thiết kế để giảm lạm phát.
Dữ liệu kinh tế mới nhất đã làm nảy sinh hy vọng về một viễn cảnh “không có cú hạ cánh nào”, thay vì “hạ cánh mềm” và “hạ cánh cứng”. Viễn cảnh thực tế giờ ôn hoà hơn: lãi suất có khả năng sẽ ở mức cao trong khoảng thời gian dài hơn để kiềm chế đà tăng giá dai dẳng, và có thể kéo theo một cuộc suy thoái nhẹ.
“Đây vẫn là câu chuyện về một nền kinh tế trong trạng thái “ấm” mà Fed không mong muốn, mặc dù nó đang thay đổi,” Diane Swonk, trưởng kinh tế gia đến từ KPMG, nhận định. “Vấn đề là bạn không muốn nó quá lạnh, cũng không muốn nó quá nóng, hiện tại chúng ta đang ở giữa khoảng đó.”
Điều này có nghĩa rằng, nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn còn đó, và phần lớn các chuyên gia dự báo đều nhìn thấy khả năng suy thoái xảy ra vào năm tới. Tuy nhiên, họ không dám chắc về thời điểm mà suy thoái bắt đầu, bởi ai cũng nhận thức được rằng sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ đã cho thấy bản chất chưa từng có tiền lệ của giai đoạn hiện nay.
“Mọi người đều cảm thấy khó hiểu ở một mức độ nào đó,” Dean Baker, nhà kinh tế học và là đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nhận định. “Tất cả chúng tôi đều có những ý tưởng, nhưng phải thừa nhận rằng chúng tôi đang mò mẫm trong bóng tối.”
Thị trường lao động Mỹ vẫn khoẻ mạnh vượt kỳ vọng bất chấp các biện pháp của Fed (Ảnh: NPR) |
Công cụ của Fed bị suy yếu
Khi Fed nâng lãi suất, họ muốn giảm tốc hoạt động chi tiêu và hoạt động của doanh nghiệp bằng cách khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn. Những món hàng đắt tiền, như nhà ở và xe hơi, bắt đầu có giá cao hơn bởi người mua phải trả lãi suất cao hơn cho khoản vay thế chấp của họ.
Tuy nhiên, cấu trúc độc nhất của nền kinh tế năm 2022 đã làm suy giảm sức mạnh của các công cụ mà Fed sử dụng. Những năm lãi suất thấp, có từ giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008-2009, đã làm thay đổi phần lớn khoản nợ ở Mỹ, cả nợ hộ gia đình lẫn nợ doanh nghiệp, khiến nó ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương. Có nghĩa rằng kể cả khi Fed nâng lãi suất 8 lần liên tiếp trong năm ngoái, phần lớn hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ vẫn chưa thể cảm nhận hết tác động.
Vay thế chấp là một ví dụ. Trước khủng hoảng tài chính 2008-2009, gần 40% nợ thế chấp có lãi suất vay điều chỉnh, bởi vậy những đợt nâng lãi suất của Fed làm tăng khoản thanh toán lãi và từ đó làm giảm chi tiêu hộ gia đình, Ellen Zentner, trưởng kinh tế gia đến từ Morgan Stanley cho hay. Ngày nay, tỷ lệ này chỉ là 10%, có nghĩa rằng phần lớn các hộ gia đình Mỹ có khoản nợ thế chấp với lãi suất cố định 30 năm, bởi vậy không chịu nhiều ảnh hưởng từ các đợt nâng lãi suất nữa.
“Nói ngắn gọn là các hộ gia đình ít nhạy cảm hơn với lãi suất tăng,” Zentner cho hay.
Sự thay đổi về nợ đã cho phép người tiêu dùng Mỹ - vẫn thừa thãi tiền nhờ vào các gói kích thích của chính phủ giai đoạn đại dịch – thoả sức chi tiêu vào các loại dịch vụ, khi họ thay đổi thói quen, không còn chi tiền mua các loại hàng hoá mà họ đã mua trong khoảng thời gian đóng cửa do đại dịch.
Sự thay đổi hành vi tiêu dùng cũng là một nguyên nhân khác khiến cho các đợt nâng lãi suất của Fed có tác động hạn chế: Khác với nhu cầu các loại hàng hoá đắt tiền và hàng hoá khác, chi tiêu tiêu dùng vào dịch vụ không chịu nhiều ảnh hưởng từ các đợt nâng lãi suất.
“Rõ ràng là các bạn chả cần phải quan tâm đến lãi suất khi đi ăn ở nhà hàng,” Bryson nói. Và do dịch vụ chiếm khoảng 60% chi tiêu tiêu dùng, nên những lĩnh vực hàng hoá khác cần phải suy yếu đáng kể mới có thể gây tác động ngược trở lại tới dịch vụ, ông nói thêm.
Ngoài ra, chi tiêu cũng được thúc đẩy bởi các khoản tiết kiệm dôi thừa – lượng tiền mà người dân Mỹ tiết kiệm, nhiều hơn so với tỷ lệ thường thấy – do chính phủ đã bơm hơn 5 nghìn tỉ cho các chương trình kích cầu để phản ứng trước đại dịch COVID-19.
“Đến hơn 1 năm sau, thậm chí 2 năm sau, người dân vẫn còn nhiều tiền trong ngân hàng,” Jason Fủman, kinh tế gia đến từ ĐH Harvard và là cố vấn kinh tế của Nhà Trắng dưới thời Obama, nói. “Và chúng ta đang chi tiêu nhiều hơn vì lý do như vậy.”
Các ngành dịch vụ vốn cần nhiều lao động, bởi vậy mà khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, các ông chủ cần phải thuê thêm người làm. Và diễn biến như vậy đã kích hoạt cái mà giới chuyên gia kinh tế gọi là một chu kỳ phục hồi hệ quả: Nhiều việc làm hơn sẽ khiến tổng thu nhập tăng cao hơn, tạo điều kiện cho chi tiêu nhiều hơn, và kết quả là việc làm lại được tăng thêm.
Mỗi nhân tố trên đây đều góp phần tạo nên một nền kinh tế dường như “miễn nhiễm” khỏi những hiệu ứng tiêu cực của lạm phát cao và nâng lãi suất với nhịp độ nhanh của Fed, và không ai lường trước được điều này.
“Đó là lý do mà Fed tỏ ra quyết liệt hơn bất cứ thời điểm nào trong quá khứ,” Zentner cho hay. “Thế nhưng điều đó cũng chưa thể gây tổn hại đến nền kinh tế.”
Trạng thái chưa từng có tiền lệ của nền kinh tế khiến các công cụ của Fed bị suy yếu (Ảnh: NYTimes) |
“Không hạ cánh” và những nguy cơ tiềm ẩn
Sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ đã làm chuyển hướng tập trung của giới đầu tư trong những tuần gần đây. Họ không còn lo ngại về viễn cảnh một cú “hạ cánh cứng”, mà kỳ vọng vào viễn cảnh “không hạ cánh” – trong đó đà tăng trưởng đơn giản là không bao giờ bị chậm lại.
Nhưng không phải khu vực nào của nền kinh tế Mỹ cũng khoẻ mạnh: Đơn cử như sản xuất đã suy giảm trong 3 tháng liên tiếp. Bán lẻ, mặc dù nhảy vọt trong tháng 1 năm nay, nhưng giờ đã suy yếu. Lĩnh vực nhà ở, vốn nhạy cảm với lãi suất, cũng đang suy yếu.
Sức mạnh của nền kinh tế vẫn sẽ là câu chuyện được thảo luận nhiều nhất. Người tiêu dùng Mỹ nhìn chung vẫn đang ở trạng thái khoẻ mạnh. Các khoản tiết kiệm dôi thừa – dù đã được tiêu bớt ở mức độ nào đó – sẽ tiếp tục tiếp sức cho hoạt động chi tiêu ít nhất là cho đến giữa năm nay đối với các hộ gia đình thu nhập thấp, và đến cuối năm sau đối với nhóm thu nhập trung bình, theo ước tính của Morgan Stanley. Thêm vào đó, thị trường lao động vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu.
Tuy nhiên, theo như viễn cảnh “không hạ cánh”, đến một thời điểm nào đó, sức mạnh của nền kinh tế Mỹ cũng sẽ bộc lộ nhiều rủi ro, bởi nó buộc Fed phải có thêm hành động để kiềm chế lạm phát. Dữ liệu về giá tiêu dùng mới nhất cho thấy tiến độ chống lạm phát đã chậm lại, và giá cả trong khu vực dịch vụ vẫn tiếp tục tăng bất chấp các biện pháp của Fed.
Viễn cảnh “không hạ cánh” thực ra đơn giản là hạ cánh trễ, bởi ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách cho đến khi lạm phát giảm. Và dù có xảy ra “hạ cánh cứng” hay đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách suôn sẻ, không ai có thể biết chắc.
Một số chuyên gia lại đưa ra dự báo rằng, sức khoẻ hiện tại của nền kinh tế sẽ làm diễn biến đi theo một hướng khác: Fed càng quyết liệt trong cuộc chiến chống lạm phát, nguy cơ xảy ra sai lầm chính sách càng cao, có thể đẩy nền kinh tế vào chỗ suy thoái.
Chuyên gia kinh tế Dean Baker dự báo rằng sẽ không có suy thoái xảy ra trong năm 2023. Nhưng ông lo rằng một vài dữ liệu mới đây, cụ thể là số liệu về việc làm, có thể làm tăng khả năng Fed hành động thái quá.
Ẩn số lạm phát mới khiến giới chức Fed lo lắng
Fed phát tín hiệu cứng rắn, 'dập tắt' kỳ vọng giảm lãi suất của thị trường
The Economist: Lạm phát sẽ khó giảm hơn thị trường nghĩ
Theo Barrons