|
Một lần người dân bao vây nhà máy thép Dana-Ý. |
Tòa án nhân dân (TAND) TP Đà Nẵng vừa tiếp nhận và đang xem xét theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính đối với đơn khởi kiện của Công ty CP thép Dana-Ý (chủ sở hữu Nhà máy sản xuất thép Dana-Ý) đối với UBND TP Đà Nẵng.
Theo đó, bị đơn là UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Nội dung khởi kiện liên quan đến các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND TP Đà Nẵng gây ra đối với nguyên đơn, ở đây là Công ty CP thép Dana-Ý.
Cụ thể là các công văn: Công văn số 1446 ngày 2/3/2018 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; Thông báo số 30 ngày 23/3/2018 của UBND TP; Hành vi không giải quyết việc người dân bao vây nhà máy thép từ ngày 26/9/2018; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 5585 của UBND TP Đà Nẵng đối với Công ty CP Thép Dana-Ý
Cũng theo đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Dana-Ý, UBND TP Đà Nẵng đã có hành vi xâm phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, việc buộc doanh nghiệp này ngừng hoạt động sản xuất đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động của công ty trong thời gian dài. Và bên cạnh nội dung khởi kiện, phía nguyên đơn còn yêu cầu bị đơn bồi thường số tiền 400 tỷ đồng thiệt hại.
Liên quan đến sự việc tại Nhà máy thép Dana-Ý, gần 10 năm nay, mặc dù đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án Nhà máy thép Dana-Ý hoạt động, nhưng người dân sinh sống quanh khu vực đã nhiều lần bao vây, gây áp lực yêu cầu chính quyền vào cuộc xử lý tình trạng ô nhiễm trong quá trình sản xuất của nhà máy gây ra. Hành vi gây ô nhiễm của nhà máy thép đã được UBND TP Đà Nẵng xử lý bằng các quyết định đình chỉ hoạt động và xử phạt hành chính.
|
Một góc nhà máy thép Dana-Ý.
|
Tuy nhiên, bên cạnh những sai phạm của doanh nghiệp còn có một phần do công tác quản lý nhà nước của địa phương. Nhất là quy định về khoảng cách cách ly nhà máy với khu dân cư, quản lý trật tự xây dựng tại khu vực trách tình trạng xây dựng trong phạm vi cách ly nhà máy. Đặc biệt là cách giải quyết của chính quyền gây bức xúc trong người dân khi liên tục thay đổi chủ trương giải quyết vấn đề từ việc đình chỉ hoạt động nhà máy đến giải tỏa người dân, rồi thay đổi phương án di dời nhà máy khiến hoạt động của doanh nghiệp gây khó khăn.