Sự nghiệp của ‘vua rác’ David Dương trước khi FBI khám nhà và những dự án đầu tư dang dở ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhìn về quá trình lập nghiệp ở đất Mỹ, doanh nhân vừa bị FBI khám nhà - ông David Dương đã không ít lần nhận được sự giúp đỡ của thị trưởng Oakland.

Ông David Dương là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty xử lý chất thải California Waste Solutions (CWS - Mỹ). Ảnh: VTC.
Ông David Dương là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty xử lý chất thải California Waste Solutions (CWS - Mỹ). Ảnh: VTC.

Là một Việt kiều Mỹ có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực xử lý rác thải, “vua rác” David Dương đang bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) điều tra về khoản đóng góp cho chiến dịch tranh cử của bà Sheng Thao, Thị trưởng Oakland, bang California và các quan chức khác tại thành phố, tờ San Francisco Chronicle đưa tin.

Ông David Dương hiện là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty xử lý chất thải California Waste Solutions (CWS - Mỹ), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt - Mỹ (VABA).

Từ nhặt giấy vụn đến vua rác tỷ đô

Ông David Dương có tên thật là Dương Tử Trung, sinh năm 1958 tại TP.HCM, trong một gia đình có truyền thống làm nghề sản xuất các loại giấy, thu mua và tái chế phế liệu. Gia đình ông từng sở hữu một công ty tái chế và nhà máy giấy lớn nhất miền Nam Việt Nam, mang tên Cogido tại Đồng Nai.

Năm 1979, ông David Dương cùng gia đình di cư sang Mỹ và chọn California làm nơi sinh sống. Khi vừa đặt chân đến Mỹ, tài sản của gia đình ông gần như không có gì nên buộc phải nhờ vào sự trợ giúp từ các tổ chức phi lợi nhuận.

Theo lời kể của ông David Dương với báo chí, lúc ấy đại gia đình ông có đến 16 người nhưng chỉ có 2 phòng nhỏ để ở, tất cả sinh hoạt, phòng bếp và phòng tắm đều trong một không gian.

“Sau khi ổn định được 1 tháng, một buổi tối, cha tôi dẫn mọi người đi vòng quanh khu trung tâm ngắm cảnh. Phía bên trên là những tòa cao ốc chọc trời, bên dưới thì rất nhiều người mang rác ra, các loại giấy khác nhau, chai lọ, lon nhôm. Cha tôi nảy ra ý nghĩ đây là cơ hội để mình lập nghiệp từ thu gom rác”, ông David Dương chia sẻ.

rác.jpg
Nhân viên của California Waste Solutions đổ bỏ các vật liệu không thể tái chế tại cơ sở của công ty ở Bắc San Jose. Ảnh: Sanjosespotlight.

Ông David Dương cùng với mấy anh em trong gia đình đã có quãng thời gian đi lang thang khắp đường phố đi tìm kiếm, thu gom các giấy bìa carton và giấy vụn để đi bán kiếm sống, mua trả góp được chiếc xe tải thu rác đầu tiên.

Từ chiếc xe tải ban đầu, nhà ông David Dương có thêm chiếc xe tải thứ hai, thứ ba, thứ tư… và dần dần trong nhà có 6 xe để đi gom. Nhờ việc kết nối được với bạn hàng cũ ở Đài Loan, gia đình góp tiền mua máy đóng kiện hàng với giá 180.000 USD, xuất khẩu trực tiếp sang vùng đất này. Tới năm 1987, gia đình ông quyết định mở nhà máy thu mua phế liệu tại thành phố San Jose.

Sau một thời gian xưởng phát triển, một số công ty đã bắt đầu để ý đến, trong đó có Norcal Waste Systems – doanh nghiệp xử lý rác thải lớn nhất nước Mỹ vào thời điểm đó. Họ đưa ra lời đề nghị mua lại nhà máy của gia đình ông David Dương với giá vài triệu USD.

Nhà máy của ông được Norcal Waste Systems mua lại với thương lượng trả trước một phần, 2 triệu USD còn lại công ty này xin trả góp. Tuy nhiên, sau 6 tháng, họ bắt đầu không trả góp như thỏa thuận ban đầu.

May mắn được sự giúp đỡ của luật sư do thị trưởng Oakland lúc đó chỉ thị, ông David Dương đã lấy lại được tài sản và lập ra công ty mới có tên Cogido Paper Corp, theo tên nhà máy ở Việt Nam. Sau đó, để phù hợp với tình hình chính trị thuận lợi cho kinh doanh lúc ấy, ông đổi tên công ty thành California Waste Solutions.

david-duong_sggp_actw.jpg.webp
Ông David Dương khẳng định trước báo chí: "Trước sau như một, tôi sẽ tiếp tục là cầu nối đưa Việt kiều về đầu tư phát triển quê hương". Ảnh: SGGP.

Ra đời đúng thời điểm thành phố Oakland thúc đẩy chiến dịch tái chế rác mới nên công ty của ông David Dương đã gặp cơ hội lớn. Thị trưởng Oakland lại một lần nữa tạo thuận lợi cho công ty của ông David Dương khi chia thành phố thành 4 khu và quy định một công ty chỉ được thắng tối đa 2 khu trong đấu thầu thu gom rác. Nhờ vậy, công ty ông chiếm một nửa thị trấn và phát triển đến ngày nay.

Sau đó một thời gian, mặc dù phải đối đầu trực tiếp với Norcal Waste Systems, nhưng với sự đảm bảo của thị trưởng thành phố Oakland và ủng hộ của bà con Việt kiều tại đây, California Waste Solutions đã thắng thầu trong thu gom rác tại thành phố San Jose.

Đến cuối tháng 7/2014, Hội đồng thành phố Oakland đã quyết định giao hợp đồng thu gom và xử lý chất thải trị giá 2,7 tỷ USD cho California Waste Solutions. Từ đây, cái tên David Dương nổi lên nhanh chóng trên truyền thông Mỹ, Việt Nam và được mệnh danh là “vua rác”.

Đầu tháng 7/2021, công ty của ông David Dương đã được phép ký lại hợp đồng thu gom rác với thành phố San Jose có thời hạn 15 năm, trị giá 1,2 tỷ USD. California Waste Solutions cũng mua miếng đất 14 mẫu tại cầu cảng của thành phố Oakland để xây dựng nhà máy phân loại và tái chế. Hiện nay, ở 2 thành phố San Jose và Oakland, California Waste Solutions có khoảng 470 lao động, 270 xe thu gom.

Những nỗ lực đầu tư "tai tiếng"

Ông David Dương còn được biết đến là một doanh nhân Việt kiều Mỹ yêu nước khi có những phát ngôn trên báo chí khẳng định sẽ trực tiếp đầu tư hoặc làm cầu nối đưa dòng vốn về Việt Nam. Hiện ông đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt - Mỹ (VABA).

Để hiện thực hóa những cam kết của mình, năm 2004, ông David Dương đã về nước đầu tư và thành lập Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS). Năm 2007, VWS được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động. Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam chịu trách nhiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (DPIWMF).

Dự án Đa Phước đang hoạt động, tiếp nhận xử lý hơn 5.000 tấn rác/ngày cho thành phố. Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nằm tại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) trên diện tích 128 ha, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD. Giai đoạn 1 của dự án (tổng vốn hơn 32 triệu USD được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2007).

Dự án Đa Phước được quảng cáo là hoạt động theo công nghệ của Mỹ hiện đại, đặc biệt là trong khâu xử lý nền móng, chống thấm bãi chôn lấp và hạn chế đến mức thấp nhất mùi hôi.

Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, năm 2009, dự án đã nhận được rất nhiều bức xúc của người dân xung quanh Nam Sài Gòn (quận 7, 8 và huyện Nhà Bè) về mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đặc biệt, mùi hôi phát tán ra xung quanh vào thời điểm giao mùa, chuyển từ mùa khô sang mùa mưa và khi thay đổi hướng gió.

Từ giữa năm 2016, mùi hôi nồng nặc xuất hiện tại các khu dân cư phía nam TP.HCM. Năm 2017, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty VWS số tiền 1,5 tỷ đồng vì vi phạm các vấn đề môi trường.

Trong kết luận của Thanh tra TP.HCM đầu năm 2016, giá xử lý rác tại Đa Phước cao hơn tất cả các đơn vị khác. Cùng là công nghệ chôn lấp nhưng TP.HCM áp dụng giá xử lý một tấn rác với VWS cao hơn 67.384 đồng (tương đương 3 USD) so với Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị thành phố.

Với đơn giá này, chênh lệch giá được giới chuyên gia về môi trường tính toán TP.HCM đang cho VWS xử lý 5.000 tấn mỗi ngày, tức là mỗi năm phải chi nhiều hơn cho công ty này 3 triệu USD và việc đó đã kéo dài gần chục năm nay.

Năm 2018, Thanh tra Chính phủ tiếp tục có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đơn tố cáo của người dân và chỉ ra nhiều sai phạm liên quan tới việc xử lý rác tại khu xử lý rác Đa Phước.

bãi rác Đa Phước.jpg
Mặc dù được quảng cáo là hoạt động theo công nghệ của Mỹ hiện đại, nhưng bãi rác Đa Phước liên tiếp bốc mùi hôi thối khiến người dân xung quanh bức xúc. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Phía VWS cho rằng do TP.HCM không tổ chức phân loại rác tại nguồn nên rác thải lẫn lộn mọi thứ, không thể tổ chức tái chế hay sản xuất phân compost như kế hoạch ban đầu. Hơn nữa, công suất của nhà máy đã quá tải.

Công ty VWS ký hợp đồng với UBND TP.HCM tiếp nhận và xử lý 3.000 tấn rác/ngày với thời hạn trong vòng 50 năm, nhưng hiện nay lượng rác đã tăng lên 6.000 - 6.500 tấn rác cho thành phố, chiếm khoảng 70% tổng lượng rác toàn thành phố.

Năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết khu chôn lấp này sẽ đầy công suất thiết kế và bị đóng cửa vào năm 2024. Theo kế hoạch, nếu muốn tiếp tục hoạt động thì VWS phải chuyển đổi công nghệ xử lý rác chôn lấp sang đốt rác phát điện khoảng 3.000 tấn rác/ngày.

Tuy nhiên, với công suất các nhà máy đốt rác phát điện được khởi công, phê duyệt tầm khoảng 7.500 - 8.000 tấn/ngày thì so với lượng rác phát sinh dự kiến vào năm 2025 lên tới 13.000 tấn/ngày, vẫn còn khoảng 5.000 tấn rác/ngày chưa có phương án xử lý.

Tính đến ngày 28/2/2023, số nợ phát sinh theo hợp đồng của VWS với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. HCM là hơn 3.935 tỷ đồng (bao gồm cả nợ phát sinh). Với khoản nợ "khủng" này, VWS cho biết không thể thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước. Đến ngày 8/4/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết đơn vị này đã thanh toán đầy đủ số tiền theo hợp đồng cho VWS.

Tháng 5/2024, VWS vừa gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn/ngày lên Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, dự án đốt rác phát điện mới sẽ được VWS đầu tư khoảng hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó chủ đầu tư bỏ 30% vốn, 70% còn lại vay ngân hàng.

Dự án đốt rác phát điện sẽ được triển khai ngay tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với diện tích 9 ha, bao gồm 2 nhà máy với 4 lò đốt hoạt động, công suất thiết kế mỗi lò đạt 750 tấn/ngày.

Du-an-Khu-Cong-Nghe-Moi-Truong-Xanh-Long-An---Phoi-canh-hoa-sen_ZQMZ.jpg
Phối cảnh dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh tại tỉnh Long An.

Bên cạnh khu xử lý rác Đa Phước, ông David Dương còn ấp ủ Dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh tại tỉnh Long An. Dự án này được Chính phủ phê duyệt từ năm 2008 và giao cho Công ty cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam - Long An (VWSLA) – công ty con của ông David Dương làm chủ đầu tư năm 2010.

Tuy nhiên, sau khi khánh thành 2 cây cầu VWS1 và VWS2 vào năm 2019, công trình hiện chưa hoàn thiện thêm vì nhiều vấn đề thiếu thống nhất với chính quyền địa phương.

Ông David Dương tại buổi lễ khánh thành cho biết, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm và được chia làm 3 giai đoạn đầu tư với công suất xử lý chất thải giai đoạn đến năm 2025 dự báo đạt 21.400 tấn/ngày; giai đoạn đến năm 2035 đạt 26.800 tấn/ngày và đạt 36.500 tấn/ngày trong giai đoạn đến năm 2050. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án này là 450 triệu USD.

Trả lời phỏng vấn trên các tờ báo của Việt Nam vào năm 2023, ông David Dương khẳng định trước sau như một sẽ tiếp tục là cầu nối đưa Việt kiều về đầu tư phát triển quê hương: “Tôi trực tiếp đưa một tỷ phú Mỹ, đó là ông Douglas M. Leone về Việt Nam sau Tết 2023, đồng thời tìm kiếm để đầu tư vào những dự án của VWS và các dự án khác tại Việt Nam”.

Quan hệ tốt với chính quyền tại Mỹ

Trên cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt - Mỹ, để hỗ trợ cộng đồng doanh nhân Việt kiều, ông David Dương nói với báo chí rằng đã nhiều lần được gặp gỡ, làm việc với một số chính trị gia, hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ Mỹ. Ông tranh thủ những cuộc làm việc này để quảng bá về cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, vận động hành lang để người Mỹ gốc Việt có cơ hội tham gia vào các chương trình nghị sự của các cấp chính quyền.

“Tôi thường xuyên liên hệ với các cấp chính quyền tại Mỹ để giúp doanh nghiệp người Việt bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhận được trợ giúp từ các chương trình tài trợ tài chính cấp chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương. Tôi cũng đã làm việc trực tiếp với sở cảnh sát tại các thành phố San Jose và Oakland (California) về việc bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp Việt kiều trong các khu thương mại”, ông David Dương nói về các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong thời kỳ Covid-19.