Sau những căng thẳng xảy ra giữa người dân địa phương và Nhà máy thép Dana Ý diễn ra từ đêm qua đến sáng 27/2, chiều cùng ngày, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng lãnh đạo một số ban, ngành và lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang đã cùng người dân thôn Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đối thoại để tìm ra hướng tháo gỡ bức xúc của người dân đối với tình trạng ô nhiễm do Nhà máy thép Dana Ý đóng trên địa bàn gây ra.
Buổi đối thoại có sự tham dự của khoảng 30 người dân địa phương. Tại buổi tiếp xúc, các ý kiến người dân cho rằng, tình trạng ô nhiễm do Nhà máy thép Dana Ý gây ra đã gây bức xúc cho người dân nhiều năm qua. Và cũng đã có hàng chục cuộc họp, đối thoại nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây vẫn tồn tại.
“Sau thời gian dài, đủ cơ sở để kết luận nhà máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tiếng rung, ồn, thậm chí càng ngày càng mở rộng nhà máy mà hoạt động rất mạnh. Đề nghị đóng cửa nhà máy đến khi nào di dời, sắp xếp lại cho dân ổn định. Hoặc ít nhất ưu tiên các hộ cách nhà máy dưới 200m di dời”, ông Nguyễn Thành Lợi-người dân thôn Vân Dương nói.
Ông Nguyễn Thành Lợi-người dân thôn Vân Dương ý kiến tại buổi đối thoại
Còn ông Lê Quyết thì yêu cầu nhà máy dời phải đi. “Bà con đồng ý để nhà máy đi chứ không được dời dân đi. Bà con nói nhiều quá rồi, lặp đi lặp lại rồi. Yêu cầu năm 2018 này nhà máy phải đi, không được ở đây nữa”, ông Quyết nói.
Tuy nhiên, do số lượng người dân đến dự buổi đối thoại chưa đầy đủ nên ban tổ chức đề nghị dời cuộc đối thoại sang ngày mai (28/2) để ghi nhận được nhiều ý kiến người dân hơn và người dân tham dự đông đủ hơn.
Như VietTimes đã đưa tin, đêm 26/2, hàng trăm người dân địa phương đã kéo đến bao vây cổng Nhà máy thép Dana Ý phản đối việc sản xuất gây ô nhiễm và sự việc diễn ra đến khuya cùng ngày mới vãng hồi. Đến trưa 27/2, tình trạng người dân bao vây nhà máy để phản đối vẫn tiếp diễn bằng việc nhiều người dân dựng bạt trước cổng nhà máy. Mãi đến khi lãnh đạo TP Đà Nẵng và các cơ quan chức năng có mặt, thông tin về cuộc đối thoại với dân diễn ra vào chiều cùng ngày thì sự việc mới nguôi xuống.
Người dân tập trung bao vây nhà máy để phản đối tình trạng ô nhiễm do nhà máy gây ra
Tuy nhiên, theo Ban công tác mặt trận thôn Vân Dương 2, UBND TP Đà Nẵng hứa sẽ di dời khoảng 50% số hộ dân ra khỏi khu vực nhà máy vàocuối năm 2017 và trong năm 2018 sẽ giải tỏa dứt điểm. Nhưng hiện nay, công tác di dời dân chưa thực hiện như kỳ vọng, người dân vẫn phải sống trong ô nhiễm khiến người dân bức xúc.