Chuyên gia Trần Đình Thiên:

Hoãn xuất cảnh doanh nhân nợ thuế tác động xấu đến phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng đây là lúc mà “chậm thuế” cần được nhìn nhận trong tổng thể giải pháp “khoan sức dân” mà Đảng và Chính phủ đang làm, thay vì đối xử với doanh nhân như đối tượng (có nguy cơ) hình sự.

- Gần đây cơ quan thuế và hải quan ở nhiều địa phương đã ra công văn yêu cầu hạn chế xuất cảnh với doanh nhân nợ thuế, trong đó có doanh nhân chỉ nợ thuế chưa đến 1 triệu đồng. Ông nhìn nhận ra sao về điều này?

Chuyên gia Trần Đình Thiên: Có vẻ các cơ quan thuế và hải quan đang hành động đúng luật khi áp chế tài lên những người vi phạm theo đúng quy định của luật pháp, nhằm mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ nhà nước giao. Tính đúng đắn dường như không có gì phải bàn cãi.

Tuy nhiên, thực tế đang buộc phải xem xét lại vấn đề một cách thấu đáo. Tại thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp Việt, cách làm đó đang gây tác động kinh tế – xã hội tiêu cực, tạo hiệu ứng ngược, triệt tiêu tác động tích cực của các chính sách “khoan thư sức dân” (chính sách giảm lãi suất, miễn – giảm – hoãn – hoàn thuế, phí…) mà Đảng và Chính phủ đang thúc đẩy thực hiện.

thien-2-42.jpeg
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên.

- Vì sao hành động “đúng luật” lại cần được xem lại?

Chuyên gia Trần Đình Thiên: Theo tôi là vì cách tiếp cận Luật theo xu hướng “hình sự hóa” đối với doanh nhân nợ thuế (hoãn xuất cảnh) đang gây tác động kinh tế tiêu cực. Luật có thể hoãn người nợ thuế xuất cảnh, để bảo đảm nhà nước thu được thuế. Nhưng việc công khai danh sách doanh nhân bị hoãn xuất cảnh do nợ thuế hàm chứa xu hướng “hình sự hóa”, có nguy cơ làm tổn hại hình ảnh đáng tin cậy của các doanh nhân và doanh nghiệp.

Nên lưu ý rằng khu vực nội địa của nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn hiếm thấy. Tổng cầu suy giảm mạnh, các luồng vốn bị ngưng trệ, nợ nần đè nặng doanh nghiệp, một bộ phận lớn doanh nhân – doanh nghiệp Việt đang vật lộn để sống còn. Trong hoàn cảnh đó, chậm nộp thuế, nợ thuế không còn là cá biệt mà đã trở thành trạng thái phổ biến của nền kinh tế.

Chậm thuế hiện nay đang gia tăng, nhưng chủ yếu do hoàn cảnh doanh nghiệp khó khăn, ít xuất phát từ động cơ “gian lận”, "trốn thuế" như trong điều kiện kinh tế bình thường. Đây là lúc mà “chậm thuế” cần được nhìn nhận trong tổng thể giải pháp “khoan sức dân” mà Đảng và Chính phủ đang làm, thay vì bị đối xử như đối tượng (có nguy cơ) hình sự.

Doanh nhân bị công khai danh tính hoãn xuất cảnh rất dễ bị nhìn nhận là “tội phạm”

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên

Các doanh nhân bị công khai danh tính hoãn xuất cảnh rất dễ bị nhìn nhận là “tội phạm”. Chậm thuế dễ bị đồng nhất với “trốn thuế” thì còn đối tác nào dám chơi và làm ăn với họ nữa. Không được xuất cảnh thì họ làm sao tìm thêm đối tác, đơn hàng mới để phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường, có doanh thu để trả nợ thuế, đóng thuế! Như vậy là họ bị tước mất cơ hội để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Hơn nữa, một khi công văn tạm hoãn xuất cảnh đối với doanh nhân được đưa ra sẽ tác động rất lớn đến cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết mà họ đại diện, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Tôi cho rằng quy định này lợi bất cập hại, nhất là khi nền kinh tế đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn.

Hiệu ứng dây chuyền phát sinh. Nền kinh tế thị trường bị tổn thương nghiêm trọng. Cơ hội phục hồi cho lực lượng doanh nghiệp – doanh nhân Việt sẽ mất.

Nói hậu quả sẽ là nghiêm trọng khó lường chính là như vậy

- Vấn đề là ở chỗ, doanh nhân cứ nợ thuế, bất kể mức nào cũng bị tạm hoãn xuất cảnh, theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Như vậy, cơ quan thuế, hải quan có cơ sở pháp lý để đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. Nếu không đề nghị, họ có thể bị quy là không hoàn thành nhiệm vụ?

Chuyên gia Trần Đình Thiên: Đặt vấn đề như vậy là đúng ở góc độ quản lý nhà nước đối với cơ quan thuế và hải quan. Tuy nhiên, đây là quy định trong văn bản cấp nghị định.

Tôi nhớ là trong Bộ luật tố tụng hình sự cũng có chế tài về tạm hoãn xuất cảnh để kịp thời ngăn chặn tội phạm, hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử.

Cần minh định rõ “nợ thuế” và “trốn thuế”, đặc biệt trên phương diện pháp lý

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên

Như vậy, quy định hạn chế xuất cảnh với doanh nhân nợ thuế bắn đi tín hiệu với xã hội và cộng đồng là doanh nhân đó có thể là tội phạm. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm với doanh nhân nói riêng và sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Về nguyên tắc, việc thực thi chế tài hoãn xuất cảnh với doanh nhân vì nợ thuế nghiêm khắc mà không tính đến hoàn cảnh, điều kiện cụ thể sẽ trở thành cực đoan, gây tổn hại, đổ vỡ cho nền kinh tế nhiều hơn là lợi ích mà nó mang lại.

Cần minh định rõ “nợ thuế” và “trốn thuế”, đặc biệt trên phương diện pháp lý. “Trốn thuế” là tội, phải bị trừng phạt nghiêm khắc, thậm chí bị đi tù với khoản trốn thuế nhỏ. Nước nào cũng vậy. Nhưng “nợ thuế” thì không hẳn như vậy, và trong nhiều trường hợp, không phải vậy. Không minh định rõ những khái niệm “sinh tử” này, dễ nảy sinh tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực, đè quyền lực hành chính lên nền kinh tế thị trường vốn rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

- Theo ông, với doanh nhân nợ thuế, cơ quan chức năng nên xử lý như thế nào?

Chuyên gia Trần Đình Thiên: Tôi cho là cần có các mức chế tài khác nhau, quy định cụ thể cho các mức nợ thuế khác nhau. Chẳng hạn, quy định doanh nhân nợ thuế 1 tỷ đồng trở lên hay bao nhiêu đó, trong khoảng thời gian bao lâu, ví dụ 3 tháng, mới bị chế tài. Trường hợp nợ thuế 1 tỷ đồng thì có chế tài khác so với anh nợ 1.000 đồng và nợ 10 tỷ đồng. Không thể vơ tất cả vào một giỏ.

Tất nhiên, cơ quan thuế, hải quan cần có thông báo, kiểm tra để cảnh báo trước. Nếu quy định như hiện nay thì rất dễ bị lạm dụng.

xuat canh.jpg
Chuyên gia Trần Đình Thiên: Hạn chế xuất cảnh với doanh nhân nợ thuế bắn đi tín hiệu với xã hội là doanh nhân đó có thể là tội phạm.

- Vì sao ông lại cho là dễ lạm dụng?

Chuyên gia Trần Đình Thiên: Vì quy định đó quá chung chung nên các cơ quan nhà nước có thể xử lý bất kỳ ai, nếu muốn. Tôi đọc báo thấy phần lớn doanh nhân bị bêu tên hoãn xuất cảnh là doanh nghiệp tư nhân mà chưa thấy doanh nghiệp nhà nước, trong khi doanh nghiệp nhà nước cũng nợ thuế.

Tôi không muốn so sánh và tất nhiên là không ủng hộ việc “bêu tên”. Hiện nay, các doanh nghiệp nợ thuế đều bị công khai, vậy tất cả các doanh nhân đại diện các doanh nghiệp đó có bị bêu tên công khai hạn chế xuất cảnh không, hay chỉ một số trong số đó?

Nói dễ lạm dụng là vì chưa có câu trả lời xác định cho những câu hỏi kiểu như vậy.

- Các nhà hoạch định chính sách đã nhiều lần khuyến cáo việc hạn chế hình sự hóa kinh tế. Ông nhìn nhận như thế nào về chính sách này?

Chuyên gia Trần Đình Thiên: Như đã nói ở trên, đây rõ ràng là một biểu hiện của xu hướng hình sự hóa. Doanh nghiệp nợ thuế là có lỗi rồi, nhưng không nên áp dụng chế tài đó.

Hoãn xuất cảnh đối với doanh nhân là gây tổn hại không chỉ một người mà tổn hại dây chuyền đến công ty đó và cả chuỗi các doanh nghiệp khác. Giả sử chuyện này diễn ra với đại diện của những tập đoàn kinh tế có hệ sinh thái hàng ngàn doanh nghiệp thì tác động xã hội còn lớn hơn nữa.

Tôi muốn nhấn mạnh: hoàn cảnh kinh tế hiện nay rất khó khăn nên các cơ quan nhà nước cần chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp; nếu không cơ hội thu được thuế cũng chả có.

Lúc này đòi hỏi bộ máy Nhà nước phải thông cảm, đồng cảm, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp thì mới phục vụ nền kinh tế, còn nếu không thì triệt tiêu cơ hội phát triển của họ, của nền kinh tế.

Tôi muốn nhấn mạnh lại hai ý.

Một là tình thế bất thường, giải pháp phải khác thường.

Hai là phải nỗ lực khoan thư sức cho doanh nghiệp Việt hơn nữa, trong sự đồng bộ và quyết liệt.

Kinh nghiệm đó của cha ông, Chính phủ đang làm tốt, nhưng cần triệt để và “khác thường” hơn nữa.