Khủng hoảng bất động sản ảnh hưởng tới các ngân hàng Trung Quốc như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đang gây tổn hại tới bảng cân đối tài chính của các ngân hàng nhà nước lớn nhất nước này, do các khoản nợ xấu tăng cao.

Suy thoái bất động sản của Trung Quốc đang làm tổn hại bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nhà nước lớn nhất (Ảnh: Bloomberg)
Suy thoái bất động sản của Trung Quốc đang làm tổn hại bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nhà nước lớn nhất (Ảnh: Bloomberg)

Ngân hàng Bank of Communications Co. (Bocom) trong tuần trước báo cáo rằng tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản của họ đã tăng lên 4,99% vào cuối năm ngoái, từ mức 2,8% cách đó 1 năm.

Mặc dù số dư các khoản vay thế chấp quá hạn giảm, nhưng các khoản cho vay lưu ý đặc biệt dành cho phân khúc này – một chỉ số hàng đầu về các khoản cho vay khó trả – đã tăng 23% lên 9,88 tỉ NDT (1,4 tỉ USD).

Đối thủ lớn hơn của Bocom là Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã chứng kiến ​​các khoản nợ xấu từ các khoản vay thế chấp mua nhà tăng 9,6%, lên 27,8 tỉ NDT. Trong phân khúc cho vay doanh nghiệp, tỷ lệ nợ xấu bất động sản của ngân hàng là cao nhất trong số tất cả các lĩnh vực.

Cả hai ngân hàng đều báo cáo lợi nhuận tăng trưởng thấp khi biên lãi vay bị thu hẹp. Bocom giảm 2,6% và ICBC giảm 1% trong phiên giao dịch ngày 28/3.

Kết quả trên phần nào phản ánh về tình hình hoạt động của các ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc trong năm qua, khi Bắc Kinh giao cho họ nhiệm vụ thúc đẩy nền kinh tế trong nước cũng như giải cứu các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương đang mắc nợ. Đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc chậm lại đã gây ra áp lực giảm phải lãi suất.

Tính đến thời điểm này, các ngân hàng quốc doanh đều tuân thủ lời kêu gọi giảm lãi suất cho vay của chính quyền và tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển bất động sản.

Bocom cho biết việc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản và giảm lãi suất cho vay thế chấp trước đó của Trung Quốc đã làm tổn hại đến tỷ suất lợi nhuận của họ. Ngân hàng đã bảo lãnh thêm 56,5% trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vào năm ngoái để đáp ứng nhu cầu của các nhà phát triển, theo hồ sơ mà họ công bố.

Theo tuyên bố của ICBC, ngân hàng này vẫn duy trì việc phát hành các khoản cho vay bất động sản “ổn định và có trật tự”, đồng thời tăng cường hỗ trợ tài chính cho việc cho thuê nhà ở.

Giá nhà tại Trung Quốc giảm sâu trong tháng 2 ở cả phân khúc nhà mới và nhà đã qua sử dụng. Điều này cho thấy rõ thách thức đối với chính quyền trong việc cứu vãn thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.

Theo Wang Jingwu, Phó chủ tịch ICBC, ngân hàng này đã tăng cường nỗ lực quản lý rủi ro liên quan đến các dự án và nhà phát triển bất động sản. Ông cho biết, tỷ lệ cho vay bất động sản kém hiệu quả đã giảm 0,77 điểm phần trăm xuống 5,37% so với đầu năm.

Tính đến cuối năm 2023, số dư các khoản vay và vay thế chấp bất động sản tại ICBC là hơn 7 nghìn tỉ NDT, chiếm hơn 1/4 tổng các khoản vay của họ.

Phó chủ tịch Bocom Yin Jiuyong cho biết áp lực phải kiểm soát chất lượng tài sản vẫn “rất lớn” trong năm nay, bởi họ sẽ cần thời gian để doanh số bán nhà và điều kiện thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản phục hồi.

Trong một cuộc họp báo về thu nhập, ông cho biết rủi ro nói chung từ lĩnh vực bất động sản là vẫn có thể kiểm soát được.

Lợi nhuận và chất lượng tài sản của các ngân hàng lớn đang là tâm điểm chú ý khi các nhà đầu tư chờ đợi đánh giá khả năng phục hồi của họ. Điều này là do nền kinh tế Trung Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào hoạt động cho vay của ngân hàng để lấy lại động lực.

Theo dữ liệu chính thức, tổng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã tăng 3,2% lên 2,38 nghìn tỉ NDT nhân dân tệ vào năm ngoái, tốc độ chậm nhất kể từ năm 2020. Trong khi đó, dư nợ xấu tăng lên mức kỷ lục 3,23 nghìn tỉ NDT.

Theo Bloomberg