Người mua nhà giữa vòng xoáy khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một trong những vụ sụp đổ bất động sản lớn nhất thế giới đã gây tổn hại cho người mua nhà và các hộ gia đình trên khắp Trung Quốc.

4.png
Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc ảnh hưởng sâu rộng tới người mua nhà và các hộ gia đình (Ảnh: DW)

Một loạt các dự án chung cư chưa hoàn thiện xuất hiện trên khắp Trung Quốc, những người mua mắc nợ không dám chắc liệu họ có thể chuyển đến ngôi nhà mới hay không và phẫn nộ vì mất tiền đặt cọc – tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc là rất lớn.

Vụ vỡ nợ năm 2021 của Evergrande, nhà phát triển bất động sản nặng nợ nhất thế giới, và hàng chục công ty cùng ngành đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Evergrande, đối mặt với nguy cơ bị giải thể, là hiện thân của sự hỗn loạn trong một lĩnh vực từng chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), giá bất động sản nhà ở của Trung Quốc đã tăng gần 1/3 trong quý đầu tiên năm nay so với một thập kỷ trước, nhưng lại giảm 5% trong khoảng thời gian từ quý 3 năm 2021 đến quý 1 năm nay.

Các nhà phát triển, vốn phải dựa vào việc chính quyền địa phương bán đất cho họ và sự ủng hộ từ các nhà đầu tư, đã phải vật lộn để phục hồi trong bối cảnh niềm tin ngày càng suy giảm. Câu chuyện của 4 cá nhân đầu tư vào thị trường bất động sản Trung Quốc đã minh họa cho tác động rộng lớn của cuộc khủng hoảng này.

_131285362_gettyimages-1694567001.jpg
Evergrande vỡ nợ gây ảnh hưởng lan rộng trên thị trường bất động sản (Ảnh: NYTimes)

An Huy

Zhang, nghệ sĩ trang điểm 42 tuổi đến từ Hợp Phì của tỉnh An Huy, từng hy vọng sẽ chuyển đến căn hộ mới cùng với cha mẹ của bà trong tháng 8 vừa qua. Nhưng, 2 năm kể từ khi đặt tiền cọc cho căn hộ rộng 70 mét vuông có giá 580.000 NDT (80.000 USD), nó vẫn chưa hoàn thiện trong khi bà không thể lấy lại được tiền cọc từ Evergrande.

“Tôi đã dốc hết tiền tiết kiệm để trả tiền cọc và tiền trả trước tổng cộng là 350.000 NDT cho một căn hộ chưa hoàn thiện”, Zhang nói. “Tôi không dám kể với cha mẹ mình. Nếu tôi nói ra, họ sẽ lo đến phát ốm”.

Zhang đang phải làm 3 công việc khác nhau – vẽ móng, trang điểm đám cưới và dựng rạp – để có thể thanh toán tiền thế chấp cho căn hộ hiện tại. Hiện tại, bà cảm thấy hối hận vì không tin những lời đồn về Evergrande một cách nghiêm túc. “Tại sao nó lại sụp đổ? Làm sao điều này có thể xảy ra?”, bà đặt câu hỏi.

“Tôi đã chi trả phần của mình, trong khi Evergrande không bàn giao nhà”, bà nói. “Làm sao tôi không tức giận được chứ? Tôi không thể ngủ nổi. Tôi bị rụng tóc, thậm chí còn không thể nghỉ ngơi”.

1.png
Đầu tư vào bất động sản ở tỉnh An Huy đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017 (Ảnh: FT)

Zhang không phải là người duy nhất bị ảnh hưởng - khoảng 1/4 trong số khoảng 200 căn hộ trong dự án khu dân cư đã được bán. Chính quyền địa phương nói với bà rằng, nhiều người mua đã chuyển khoảng 27 triệu NDT cho Evergrande chỉ riêng cho khu dự án đó.

5.png
Do khủng hoảng bất động sản, không phải ai cũng có thể mua được nhà trước khi kết hôn (Ảnh: Bloomberg)

Thượng Hải

Giống nhiều người trẻ tuổi ở Trung quốc, Summer Wang mong muốn có nhà riêng và kết hôn. Ngay sau khi tốt nghiệp ĐH Thượng Hải năm 2008, cô đã cố gắng hoàn thành cả hai mục tiêu. Gia đình chồng đã giúp cô trả 30% tiền đặt cọc cho căn hộ giá 600.000 NDT. Năm 2013, cô mua một căn hộ lớn hơn cho cha mẹ mình. Năm 2021, cô bán căn hộ đầu tiên với giá 3,5 triệu NDT và cả căn hộ thứ hai.

Tuy nhiên, vào năm 2021, chính quyền Thượng Hải bắt đầu áp dụng các quy định mới về mua nhà – một phần trong nỗ lực siết quản lý và kiểm soát giá nhà sau vụ sụp đổ của Evergrande – điều này khiến việc mua căn hộ mới trở nên khó khăn hơn.

Những người mua tiềm năng cần phải tham gia một dạng quay thưởng mới được quyền mua nhà mới. Những người chưa có nhà sẽ được ưu tiên. Sau 7 lần thử, Wang đã giành được quyền mua nhà vào cuối năm ngoái, và đã thực hiện giao dịch vào đầu năm nay.

Tháng trước, Wang đã hoàn tất thủ tục mua một căn hộ đã qua sử dụng – vốn không được người Trung Quốc coi trọng bởi họ thường thích mua nhà mới xây – với giá 2,9 triệu NDT. Cô mua bất động sản này cho cha mẹ mình.

Do khủng hoảng, không phải ai cũng có thể mua được nhà trước khi kết hôn. Nhiều người “đang chờ đợi giá nhà giảm thêm chút nữa trước khi mua", Wang cho hay.

“Một số bên bán cũng nghĩ rằng họ nên chờ thêm. Đó là điều mà tôi thấy trên thị trường, cả người mua và người bán đều do dự”, Wang nói.

1200x800.jpg
(Ảnh: Bloomberg)

Quảng Đông

Gary Lai, đầu bếp điều hành một nhà hàng mì được Michelin giới thiệu ở Hong Kong, vẫn đang chờ hoàn thiện căn hộ rộng khoảng 1.000 ft2(93m2) mà ông mua ở Triệu Khánh 2 năm trước với giá 1,1 triệu NDT.

Nhưng do nó được phát triển bởi Overseas Chinese Town Enterprises (OCT) thuộc sở hữu nhà nước, ông lạc quan rằng dự án sẽ được hoàn thành vào năm tới và vẫn lạc quan về thị trường Trung Quốc.

Ông Lai, ở độ tuổi 50, dự định chuyển đến thành phố Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông khi nghỉ hưu. Ông thậm chí còn đang cân nhắc mua căn hộ thứ hai trong thành phố với hy vọng rằng điều này sẽ mang lại cho ông thu nhập cho thuê ổn định khi nghỉ hưu.

2.png
Giá nhà ở các thành phố thuộc Quảng Đông thấp hơn ở Hong Kong (Ảnh: FT)

“Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và là quốc gia tiên phong trong nhiều lĩnh vực”, ông nói. “Tôi tưởng tượng sống ở Trung Quốc đại lục sẽ mang lại sự hài lòng... đặc biệt là khi chi phí sinh hoạt ở đó thấp hơn”.

Do ông Lai không có kế hoạch bán bất động sản nên giá giảm không khiến ông lo lắng. Ông nói thêm, đồng NDT yếu hơn và việc Trung Quốc cắt giảm lãi suất khiến bất động sản ở đại lục trở nên hấp dẫn đối với người Hong Kong. “Đây có thể là thời điểm tốt nhất để mua những bất động sản mới hoàn thiện”, ông cho hay.

Giang Tây

Emily, một chủ doanh nghiệp ở độ tuổi 30 sống ở Thượng Hải, không đủ khả năng mua một căn hộ ở thành phố đông dân nhất Trung Quốc. Thay vào đó, cũng như nhiều người khác, cô và chồng mang quốc tịch Anh đã chọn mua ở quê nhà: thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây.

Năm 2021, cô trả 620.000 NDT để mua một căn hộ của Evergrande. Giá được giảm vì cô thanh toán bằng tiền mặt và vì căn hộ nằm trên tầng 14, một con số được coi là không may mắn ở Trung Quốc.

3.png
Giá nhà ở Thượng Hải đắt hơn nhiều so với ở Giang Tây (Ảnh: FT)

Khi vấn đề thanh khoản của Evergrande bắt đầu trở nên nghiêm trọng vào cuối năm đó, cô cho biết những người mua trong nhóm WeChat gồm 500 người đã nhanh chóng kiến ​​nghị với chính quyền địa phương.

Cô kể rằng, kể từ đó, dự án đã được chính quyền địa phương hỗ trợ, theo đại diện của Evergrande trong nhóm WeChat và căn hộ của cô dự kiến ​​sẽ hoàn thành trong vòng một năm.

“Hầu hết những người mua có lẽ chỉ có 1 triệu NDT và đã tiêu hết tiền vào đó”, Emily nói.

Cô đang mua căn hộ thứ hai trong thành phố với giá 1,3 triệu NDT, giảm 30% so với giá chào bán trước đó./.

Theo Financial Times