Câu trả lời là tỷ giá, kế đó là room và cuối cùng khẩu vị.
Tỷ giá đồng Việt Nam - đô la Mỹ không phải là câu chuyện đầu môi cho đến tháng 12 năm ngoái khi cơn trượt dốc của giá dầu thô quốc tế khởi động và trùng hợp cùng với nó là sự mất giá của hàng loạt đồng tiền chủ chốt so với đô la Mỹ. Trong suốt thời gian ấy, tiền đồng được điều chỉnh giảm giá 2% so với đô la Mỹ.
Trong các bản báo cáo gần đây của bộ phận tư vấn một công ty chứng khoán lớn, dự báo tỷ giá có khả năng điều chỉnh tới 4% được đưa ra. Con số 4% được tổng giám đốc một quỹ đầu tư khác đề cập. Ông nói: “Nếu tỷ giá năm nay điều chỉnh tối đa 2% thì quá tốt, nhưng tôi e có thể cao hơn, gấp hai lần thế”. Và thêm: “Với các khoản đầu tư sắp giải ngân có thời hạn từ 18 tháng trở lên, chúng tôi tính toán cộng thêm 5-6% rủi ro tỷ giá nữa cho nửa năm nay và cả năm sau”.
Bộ phận đầu tư một công ty quản lý quỹ đang quản lý tổng cộng 2 tỉ đô la Mỹ ủy thác của nước ngoài cho biết giá trị áp đảo trong danh mục vẫn thuộc về trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên họ đang hạ mức độ tham gia đấu thầu trái phiếu do lãi suất trúng thầu sẽ còn tiếp tục tăng. Ngày 9-6-2015 lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn năm năm đã đạt mức 6%/năm sau một thời gian tương đối dài trụ vững quanh 5%/năm. Mức trên đứng được hai ngày (xin nhấn mạnh hai ngày). Phiên đấu thầu trái phiếu ngày 11-6-2015 lãi suất kỳ hạn 5 năm đã cán mức 6,2%/năm. Khối lượng chào bán trái phiếu giờ còn rất thấp, có phiên Kho bạc mang ra chào bán 2.500 tỉ đồng, song cũng chỉ bán được khoảng 70%. Đại diện Bộ Tài chính nói áp lực phát hành trái phiếu đang căng thẳng và nếu tình hình phát hành không được cải thiện, lãi suất các kỳ hạn bắt buộc phải được điều chỉnh theo chiều hướng đi lên để thu hút người mua. Dự báo lãi suất 7%/năm cho trái phiếu kỳ hạn năm năm đang ở rất gần.
Phía người mua, các ngân hàng - người mua trái phiếu chủ yếu trên thị trường - đang dồn tiền cho tín dụng. Một số tổ chức tín dụng thậm chí đã mang trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC (khi bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng được nhận trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành) lên giao dịch với Ngân hàng Nhà nước, nhưng đều đang nằm trong diện xếp hàng chờ xem xét. Duy nhất chỉ có một ngân hàng lớn được cấp 5.000 tỉ đồng từ giao dịch trái phiếu VAMC nhờ lý do ngoại lệ đã hỗ trợ một ngân hàng yếu kém đảm bảo thanh khoản vừa qua.
Năm ngoái năm kia, một số tổ chức nước ngoài khi chuyển tiền vào chờ giải ngân đã không giữ ngoại tệ trên tài khoản. Thay vào đó, họ đổi ra tiền đồng và gửi ngân hàng để hưởng lãi suất. Ngay cả sáu tháng sau không giải ngân được, họ vẫn kiếm được khoản lời kha khá từ chênh lệch lãi suất tiền đồng - đô la Mỹ (khoảng 3% cho 180 ngày) và tỷ giá ổn định. Nay chuyện chuyển đổi đó không còn. Ít tổ chức nào dám mạo hiểm giữ tiền đồng khi phí bảo hiểm tỷ giá đã tăng đáng kể và sẽ còn tăng.
Trong chiều biến động tỷ giá, khẩu vị đầu tư của nước ngoài bắt đầu thay đổi, nhắm tới các mảng sản xuất, phân phối và dịch vụ. Các công ty sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu là lựa chọn hàng đầu. Không chỉ giới đầu tư nội địa, nước ngoài cũng đón đầu việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP). “Có quá ít các doanh nghiệp da giày, may mặc, xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu... trên sàn cho nước ngoài giải ngân” - ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, nói - “Không có một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo hay cà phê chủ lực nào của Việt Nam niêm yết”.
Ông Dominic Scriven đã không nói sai. Trên Hose có duy nhất một doanh nghiệp may mặc là Dệt may Thành Công (TCM) thì đã hết room. Các công ty xuất khẩu gạo vắng bóng (trừ một số công ty nhỏ kinh doanh vật tư nông nghiệp thỉnh thoảng tham gia xuất khẩu gạo). Xuất khẩu cà phê cũng tương tự. Liên quan đến cà phê, có mỗi Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa (VCF) nhưng không xuất khẩu, mà chuyên chế biến sản phẩm tiêu dùng trong nước. VCF thanh khoản cực kém do Nhà nước và các tổ chức sở hữu gần hết.
Xuất khẩu thủy sản toàn các công ty nhỏ và đang gặp phải vấn đề hiệu quả kinh doanh. Chỉ có hai công ty tương đối lớn và làm ăn bài bản là Hùng Vương và Vĩnh Hoàn. Công ty xuất khẩu tôm hàng đầu Minh Phú vừa huỷ niêm yết. Trong chế biến, xuất khẩu đồ gỗ có vẻn vẹn hai công ty là Gỗ Đức Thành (GDT) và Gỗ Trường Thành (TTF).
Sự hiện diện của các công ty phân phối, bán lẻ trên sàn càng hiếm. Thế giới Di động (MWG) hết room. Những nhà bán lẻ tên tuổi như Coopmart, Maximark... chưa có nhu cầu lên sàn.
Cơ cấu niêm yết trên cả hai sàn tập trung vào đâu? Toàn bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, xây dựng, vật liệu xây dựng, khai thác xuất khẩu tài nguyên. Trong số này, vốn ngoại đang dần rút khỏi các công ty dầu khí như xu hướng chung dịch chuyển tài sản đầu tư rủi ro toàn cầu. Cơ cấu doanh nghiệp niêm yết là bức tranh thu nhỏ phản ánh thực trạng cơ cấu nền kinh tế, nơi sản xuất lẽ ra phải mạnh, thì lại đang yếu nhất.
Để thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài và tận dụng dòng vốn này cho quá trình cổ phần hóa, hiện nay mở room cần đi đôi với việc tái cấu trúc hàng hóa thị trường chứng khoán. Ký kết TPP có tái tạo cơ hội cho chứng khoán như khi Việt Nam gia nhập WTO chín năm trước, phụ thuộc vào chính chúng ta. Khẩu vị dòng vốn gián tiếp nước ngoài thay đổi, chúng ta phải bán cái họ cần, không thể chỉ chào mời mãi những thứ ta có.
Theo TBKTSG