Cụ thể, theo báo cáo trên, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 45 tỉ USD vào năm 2025 nhờ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế số trong giai đoạn từ 2023 đến 2025 là 20%, trong đó các ngành cụ thể như thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, gọi xe công nghệ và đặt đồ ăn trực tuyến, truyền thông trực tuyến đều có tỷ lệ tăng trưởng từ 15% đến 22% trong giai đoạn này.
Theo báo cáo, 3 thành phố lớn có sự tham gia kỹ thuật số cao nhất là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số cũng tăng trưởng nhanh chóng so với mức tăng trưởng ban đầu, thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng từ 13% cho đến 28% trong giai đoạn 2023-2025 của các nhóm ngành thanh toán kỹ thuật số, cho vay kỹ thuật số, bảo hiểm số và quản lý tài sản kỹ thuật số.
Nhóm người dùng chi tiêu cao có mức mua sắm cao hơn trung bình 5,4 lần so với nhóm người dùng có mức chi tiêu thấp hơn. Cụ thể, chi tiêu cho trò chơi chênh lệch gấp 6,7 lần; cho gọi xe là 6,1 lần; cho thương mại điện tử là 5,5 lần; giao đồ ăn là 5,1 lần; du lịch là 4,9 lần...
Cũng theo thống kê trong báo cáo, giá trị đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực mới nổi cũng gia tăng vào nửa đầu năm 2023. Đây là những lĩnh vực còn tương đối non trẻ ở Đông Nam Á như các doanh nghiệp B2B, công nghệ y tế (medtech), công nghệ giáo dục (edtech), công nghệ cao, AI, Web3, Bitcoin, Tiền mã hóa, các nền tảng mua bán bất động sản, ô tô...
Ngoài ra, đầu tư tư nhân còn tập trung vào các lĩnh vực Du lịch, Thực phẩm và Vận tải, Truyền thông số, Thương mại điện tử, DỊch vụ tài chính số.
4 yếu tố góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển trong năm 2024
Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company đã chỉ ra 4 yếu tố sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đó là:
1. Sản xuất và xuất khẩu sẽ là chìa khoá cho sự tăng trưởng
Sự sụt giảm trong nhu cầu xuất khẩu đã làm chậm đáng kể đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2023. Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các công ty toàn cầu muốn đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, để khai thác tối đa lợi thế này, Việt Nam cần đảm bảo đầu tư công để giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng. Đây sẽ là chìa khoá để thúc đẩy tăng trưởng từ sản xuất và xuất khẩu.
2. Doanh nghiệp nội địa thúc đẩy tăng trưởng truyền thông kỹ thuật số
Thị trường truyền thông kỹ thuật số của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu nội địa lớn của các doanh nghiệp trong nước. Gaming, đặc biệt là game mobile, đang phát triển đặc biệt nhanh chóng, với một số các nhà phát triển game nội địa đã đạt được thành công trên trường quốc tế. Các nhà cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến theo yêu cầu cũng tiếp tục giữ vai trò nổi bật, ngay cả khi nạn vi phạm bản quyền gây khó khăn cho mô hình đăng ký.
3. Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục nở rộ
Thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, hoạt động đầu tư của các ngân hàng thương mại và sự phổ biến ngày càng tăng của mã QR. Xu hướng này được dự báo sẽ tăng tốc khi Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa.
4. Du lịch nội địa giúp các ngành kinh tế khác phát triển
Ngành du lịch được dự kiến sẽ hoàn toàn hồi phục trong năm nay, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch nội địa. Mặc dù khách du lịch Trung Quốc vẫn chưa quay trở lại, nhưng sự ra mắt của các hãng hàng không mới và sự gia tăng số lượng đường bay quốc tế đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam.