Trung Quốc: Cuộc chiến giá xe điện lan sang ô tô chạy xăng, các thương hiệu nước ngoài điêu đứng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Honda, Nissan, GM và Volkswagen đang phải đối mặt khó khăn do doanh số yếu và giảm giá sâu tại thị trường Trung Quốc.

Công nhân trên dây chuyền lắp ráp Audi Q3 tại nhà máy FAW-Volkswagen ở Thiên Tân, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Công nhân trên dây chuyền lắp ráp Audi Q3 tại nhà máy FAW-Volkswagen ở Thiên Tân, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài ở Trung Quốc đang vật lộn với doanh số bán hàng trì trệ cùng với sự cạnh tranh giá đối với các loại xe chạy bằng nhiên liệu thông thường, khiến những hãng xe điện tụt hậu không có nhiều tiền để đầu tư vào quá trình chuyển đổi.

Vào khoảng giữa tháng 10 năm trước, đại lý GAC Mitsubishi Motors tại Quảng Châu gần như trống trơn, không có nhân viên và không có xe nào được trưng bày. Tất cả những gì còn sót lại là các tài liệu quảng cáo cho mẫu xe thể thao đa dụng Outlander. 11 ngày sau, Mitsubishi Motors tuyên bố ngừng sản xuất ô tô tại Trung Quốc trong bối cảnh doanh số bán hàng yếu.

Biển hiệu GAC Mitsubishi sau đó đã bị dỡ bỏ. Vào cuối tháng 12, địa điểm này đã mở cửa trở lại với tư cách là đại lý mới cho IM Motors, một chi nhánh xe điện (EV) của doanh nghiệp nhà nước SAIC Motor. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng, đại lý cũ của GAC Mitsubishi đã biến mất không dấu vết.

Mitsubishi Motors không phải là nhà sản xuất ô tô nước ngoài duy nhất gặp khó khăn ở Trung Quốc trong năm 2023. Doanh số bán hàng của Honda Motor tại nước này cũng giảm 10% xuống còn 1,23 triệu xe, trong khi Nissan Motor giảm 16% xuống còn 790.000 chiếc. Doanh số bán hàng của Toyota Motor chỉ giảm 2% xuống còn 1,9 triệu chiếc, nhờ doanh số bán của xe hybrid.

Doanh số bán xe chở khách chạy bằng động cơ đốt trong ở Trung Quốc, bao gồm cả xe hybrid, đã giảm 7% trong năm 2023. Điều này có nghĩa rằng doanh số bán hàng của Honda và Nissan giảm nhanh hơn so với thị trường chung của loại ô tô này.

Bùng nổ cuộc chiến giá EV

Trong khi đó, thị trường xe sử dụng năng lượng mới tại Trung Quốc - EV, xe plug-in hybrid và xe chạy bằng pin nhiên liệu - đã tăng khoảng 30% trong năm 2023 đối với dòng ô tô chở khách, ngay cả khi thị trường ô tô chở khách nói chung tăng 4%. BYD và các nhà sản xuất EV trong nước khác đã bắt đầu chuyển sang thế tấn công với rất nhiều mẫu sản phẩm mới.

Các nhà sản xuất ô tô phương Tây nhập cuộc chậm trong cuộc đua xe năng lượng mới đã không thể theo kịp. Doanh số bán hàng của tập đoàn Volkswagen tăng 2% lên 3,23 triệu chiếc vào năm 2023. Thương hiệu Buick trụ cột của General Motors sụt giảm 20%.

Vấn đề của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự cạnh tranh về giá đã lan rộng ra ngoài EV.

Vào đầu năm 2023, Tesla đã bắt đầu giảm giá đáng kể cho các mẫu EV của họ, khơi mào cuộc chiến giảm giá. Các nhà sản xuất xe năng lượng mới của Trung Quốc cũng làm theo. Nhu cầu về xe động cơ đốt trong suy yếu, khiến các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng bắt đầu giảm giá loại xe này.

Theo Viện nghiên cứu Yiche, mức giảm giá trung bình cho mỗi chiếc xe tại thị trường Trung Quốc là 26.000 NDT (3.600 USD) trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9. Mức giảm giá trung bình vào năm 2021 và 2022 chỉ khoảng 15.000 đến 20.000 NDT.

Mức giảm giá cho xe chạy bằng động cơ đốt trong trung bình lên tới 30.000 NDT trong tháng 9, vượt xa mức giảm giá hơn 10.000 NDT đối với xe năng lượng mới.

Hãng Jaguar của Anh đưa ra mức giảm giá trung bình cao nhất trong số các thương hiệu lớn nước ngoài: 115.000 NDT từ tháng 1 đến tháng 9.

Mức giảm giá của BMW lên tới 63.000 NDT, trong khi của Cadillac là 56.000 NDT. Volkswagen, hãng bán ô tô tầm trung và rẻ hơn ở Trung Quốc, đưa ra mức giảm giá 31.000 NDT.

Honda giảm 25.000 NDT và Nissan 23.000 NDT, trong khi BYD trung bình chỉ giảm 5.000 NDT.

Honda đặt mục tiêu mọi ô tô mới bán ở Trung Quốc đều là EV vào năm 2035. Công ty đã tung ra thương hiệu EV mới ở thị trường này, nhưng hoạt động kinh doanh đang chìm trong sắc đỏ vì giá pin và chi phí phát triển cao.

Kế hoạch của Honda là bù đắp sự thiếu hụt bằng lợi nhuận từ xe động cơ đốt trong, nhưng doanh số bán hàng yếu kém ở hạng mục đó có thể đe dọa đến chiến lược chuyển đổi của hãng.

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang buộc phải tập trung để duy trì tính cạnh tranh. Thị trường Trung Quốc chiếm hơn 30% doanh số toàn cầu của Honda và hơn 20% của Toyota và Nissan.

“Thị trường xe du lịch của Trung Quốc có quy mô gấp khoảng 1,5 lần thị trường Mỹ”, Masayuki Igarashi, Giám đốc điều hành khu vực của Honda tại Trung Quốc, cho biết. "Chúng tôi sẽ không dễ dàng bỏ cuộc như vậy".

Honda sẽ tập trung đầu tư và nhân sự vào việc phát triển và bán xe hybrid, lĩnh vực mà hãng có chuyên môn về công nghệ. Mặc dù doanh số bán xe plug-in hybrid đang tăng lên ở Trung Quốc nhưng mức độ ưu tiên của chúng sẽ bị hạ xuống. Toyota và Nissan đang mở rộng các dịch vụ EV.

Dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc cho thấy các thương hiệu Nhật Bản chiếm 17% thị phần vào năm 2023 – giảm 7 điểm phần trăm so với năm 2020.

Một số chuyên gia cảnh báo chi tiêu tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của thị trường nhà đất.

“Ngay cả ngành công nghiệp ô tô 'kiên cường' cũng có thể chậm lại”, Yuji Miura, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, nhận định./.

Theo Nikkei Asia