Bản tin của KCNA cho biết, tên lửa tầm trung siêu thanh Hwasong-16B được phóng theo hướng đông bắc với tốc độ gấp 12 lần tốc độ âm thanh (Mach 12). Trong quá trình bay, tên lửa thực hiện 2 lần vọt lên tới độ cao 99,8 km và 42,5 km, và cuối cùng đã hạ xuống vùng nước cách điểm phóng 1.500 km. KCNA nói vụ phóng đã thành công hoàn toàn và độ tin cậy của hệ thống đã được khẳng định.
Bối cảnh phóng thử nghiệm Hwasong-16B
Đây là lần thứ hai Triều Tiên thực hiện vụ phóng thử tên lửa siêu thanh Hwasong-16B. Lần phóng trước đây là vào ngày 2/4/2024, từ một sân golf phía bắc Bình Nhưỡng.
Khi đó, thông tin của KCNA về vụ phóng thử rất mơ hồ, chỉ tuyên bố phương tiện bay siêu thanh đã bay được khoảng 1.000 km. Thế giới bên ngoài không biết vụ phóng thử với tầm bắn 1.000 km này có thành công hay không. Tuy nhiên, xét theo báo cáo của Cục Giám sát Tổng hợp Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc khi đó, cả hai nước chỉ giám sát được Hwasong-16B bay vài trăm km.
So với vụ phóng thử nghiệm lần trước, bản tin của KCNA về vụ phóng thử tên lửa siêu thanh Hwasong-16B lần này chứa đựng nhiều chi tiết kỹ thuật và một số chi tiết chính trị.
Về chính trị, dường như ông Kim Jong-un không đến hiện trường trực tiếp quan sát vụ phóng thử. Khi tên lửa Hwasong-16B được phóng lần đầu tiên, ông không chỉ đến hiện trường thậm chí còn đứng bên cạnh xe phóng Hwasong-16B để quan sát. Lần này, ông và con gái ở trong phòng quan sát qua màn hình. Ngồi bên cạnh ông là Kim Jong-sik, Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Quân sự, một trong “Nhóm ba người về tên lửa chiến lược” của Triều Tiên.
Tính năng tên lửa Hwasong-16B của Triều Tiên
Tên lửa Hwasong-16B sử dụng một loại composite gia cố bằng sợi carbon mới để làm thân động cơ, đồng thời hệ thống bay và dẫn đường cũng được cải tiến.
Điều này có nghĩa là Triều Tiên đã chinh phục được công nghệ chế tạo vật liệu composite bọc thân động cơ tên lửa rắn đường kính lớn. Mặc dù quy trình quấn thân bằng vật liệu composite đã xuất hiện trên loạt tên lửa đạn đạo Hwasong-11 được Triều Tiên tiết lộ trước đây nhưng đây là lần đầu tiên quy trình này được sử dụng trên tên lửa đạn đạo tầm trung-xa.
So với việc sử dụng kim loại, tên lửa bọc vật liệu composite sẽ giảm đáng kể trọng lượng kết cấu; nói cách khác, nó có thể giúp tăng tầm bắn của tên lửa. Có thể công phá công nghệ vỏ động cơ tên lửa rắn có đường kính lớn bằng vật liệu composite, chứng tỏ trình độ công nghệ tên lửa của Triều Tiên là không thể xem thường.
KCNA đã tiết lộ chi tiết về quỹ đạo bay của tên lửa Hwasong-16B hai lần lượn vọt lên cao, thậm chí còn làm rõ cụ thể độ cao quỹ đạo của hai lần lượn: lần đầu tiên là 99,8 km, lần thứ hai là 42,5 km, quãng đường lướt là 1.500 km và tốc độ lướt đạt Mach 12.
Do KCNA đã công khai nhiều dữ liệu quan trọng về tên lửa siêu thanh và nó được giám sát bởi các radar, vệ tinh cảnh báo sớm cùng các phương pháp giám sát khác của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, nên chỉ riêng dữ liệu công khai về mặt hành vi đã chứng minh được hai điểm.
Thứ nhất, Triều Tiên có khả năng tiến hành giám sát và kiểm soát từ xa các tên lửa siêu thanh mà nước này phóng. Hiện tại, việc xây dựng hệ thống đo lường và kiểm soát tên lửa của Triều Tiên hoàn toàn chưa rõ. Để Triều Tiên có thể có được dữ liệu đo lường và kiểm soát tên lửa chính xác như vậy, dường như có sự giúp đỡ của bên khác.
Thứ hai, Triều Tiên không lo lắng về việc số liệu kỹ thuật của mình bị các nước khác bác bỏ thông qua dữ liệu giám sát radar. Điều này không chỉ khẳng định dữ liệu do Triều Tiên công khai là sự thật và đáng tin cậy mà còn chứng tỏ sự tự tin của Triều Tiên đối với công nghệ tên lửa siêu thanh của mình.
Đánh giá về vụ phóng thử lần này, Tổng cục Tên lửa Triều Tiên được cho là đã phóng một tên lửa siêu thanh điển hình. Về hình thức, hình dáng bên ngoài của tên lửa đạn đạo Hwasong-16B và hình dạng của bộ phận lướt siêu thanh phức tạp ở đầu tên lửa cũng đã xác nhận nó là một tên lửa siêu thanh điển hình. Từ Hwasong-8 phóng không thành công cho đến hai lần phóng thử thành công Hwasong-16B, cho thấy Triều Tiên đã hoàn toàn làm chủ công nghệ thiết kế khí động học của vũ khí siêu thanh.
Đánh giá từ quỹ đạo lướt, rõ ràng đây là quỹ đạo tăng tốc. Đầu tiên, động cơ thuốc phóng rắn được sử dụng để đưa tên lửa lên độ cao, sau đó nó dùng đến cánh để lướt và có hai lần kéo lên trong quá trình lướt. Đây là đặc điểm đạn đạo điển hình của tên lửa siêu thanh.
Khoảng cách bay 1.500 km của vụ phóng này rõ ràng là kết quả của việc Triều Tiên hạn chế đối với phạm vi hoặc do họ tính đến độ an toàn của cuộc thử nghiệm.
Đánh giá thế nào về tên lửa Hwasong-16B?
Với 2 lần phóng thử thành công tên lửa siêu thanh Hwasong-16B vào ngày 2/4/2024 và ngày 6/1/2025, đặc biệt là lần thứ 2 đã chỉ rõ các điểm chính như đỉnh lượn, tầm bắn và tốc độ lướt là dữ liệu kỹ thuật và chiến thuật, có thể cho thấy: Triều Tiên đã làm chủ công nghệ lượn siêu thanh trên tên lửa đạn đạo tầm trung và có khả năng kỹ thuật lướt với tốc độ gấp 12 lần tốc độ âm thanh.
Vấn đề duy nhất lúc này là khi nào Hwasong-16B sẽ thực sự được đưa vào trang bị quân đội.
So với tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 được Triều Tiên trang bị trước đây, ưu điểm công nghệ của Hwasong-16B gần như toàn diện: tốc độ phản ứng của thuốc phóng rắn mạnh hơn nhiều so với nhiên liệu lỏng. Do đó, khả năng xuyên thấu của Hwasong-16B mạnh hơn nhiều so với Hwasong-12.
Hệ thống THAAD của Mỹ hiện đã chứng minh nó có khả năng đánh chặn nhất định đối với tên lửa đạn đạo có tầm bắn hơn 2.000 km, nhưng khả năng đánh chặn ngay cả các tên lửa siêu thanh đời đầu như Fattah-2 của Iran cũng rất không đáng tin cậy, chưa nói đến việc đánh chặn các tên lửa siêu thanh như Hwasong-16B.
Tên lửa này hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam và Palau. Nếu tầm bắn đạt tới 6.000 km, nó thậm chí có thể tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Alaska. Trong tương lai, Hwasong-16B sẽ thay thế Hwasong-12, điều có thể dự đoán trước được.
Có thể nói, Triều Tiên đã có bước đột phá trong việc sử dụng tàu lượn siêu thanh trên tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa. Từ góc độ chuyển giao công nghệ, họ đã có thể sử dụng tàu lượn siêu thanh trên tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Trên nền tảng Hwasong-16B, chỉ cần giảm hơn nữa trọng lượng cấu trúc và thay thế bằng nhiên liệu đẩy năng lượng cao thì không khó để đạt được tầm bắn 8.000 km và trở thành tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Ngoại trưởng Mỹ: Nga có thể chia sẻ công nghệ vệ tinh với Triều Tiên để đổi lấy binh sĩ
Triều Tiên thông báo phóng thử tên lửa tầm trung siêu thanh tương tự Oreshnik của Nga
Vụ thử tên lửa mới của Triều Tiên gửi đi tín hiệu gì cho chính quyền Trump?
Theo QQnews, Guancha