Tên lửa tầm trung siêu thanh không thể đánh chặn?
Theo KCNA, ông Jang Chang-ha, Tổng cục trưởng Tên lửa Triều Tiên, đã chỉ đạo vụ phóng thử tên lửa IRBM mới này tại bãi phóng ở Bình Nhưỡng sáng ngày 6/1; Chủ tịch Hội đồng nhà nước Triều Tiên Kim Jong-un và con gái đã quan sát vụ phóng thông qua hệ thống video giám sát.
Theo thông báo, tên lửa được phóng theo hướng đông bắc từ bãi phóng ở ngoại ô Bình Nhưỡng. Đầu chiến đấu (đầu đạn) lướt siêu thanh đã bay với tốc độ gấp 12 lần tốc độ âm thanh (Mach 12) theo quỹ đạo đã định trước. Lần đầu tiên đạt độ cao cực đại 99,8 km, và lần thứ hai đạt độ cao cực đại đạt 42,5 km, và cuối cùng nó rơi chính xác xuống mục tiêu mô phỏng trên vùng biển cách đó 1.500 km nằm ở phía đông bán đảo Triều Tiên.
Thông báo cho biết, thân động cơ tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh mới này được làm bằng vật liệu composite sợi carbon, đồng thời hệ thống điều khiển chuyến bay và tên lửa cũng áp dụng cách tiếp cận toàn diện và hiệu quả dựa trên sự tích lũy công nghệ cao trong thời kỳ hiện nay.
Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bình luận về kết quả vụ phóng thử, nói rằng cuộc thử nghiệm đã chứng minh rằng trước nhiều mối đe dọa an ninh khác nhau do các thế lực thù địch gây ra, Triều Tiên tiếp tục nâng cấp các hệ thống vũ khí mới mạnh mẽ như tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung và siêu thanh tầm xa. Mục đích của việc phát triển tên lửa là sử dụng hệ thống vũ khí bất khả chiến bại làm lực lượng nòng cốt ngăn chặn chiến lược và không ngừng nâng cao năng lực ngăn chặn chiến tranh hạt nhân của đất nước.
Ông Kim Jong-un cũng cho biết, loại tên lửa mới này không thể đánh chặn, có thể xuyên thủng mọi hàng rào phòng thủ dày đặc một cách hiệu quả và giáng đòn quân sự nặng nề vào kẻ thù, đồng thời chắc chắn sẽ ngăn chặn bất kỳ thế lực thù địch nào ở khu vực Thái Bình Dương có thể ảnh hưởng đến an ninh Triều Tiên.
Ông nhấn mạnh rằng cuộc phóng thử nghiệm này là xuất phát từ khái niệm tự vệ, không phải khái niệm hay hành động tấn công và không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến an ninh của các nước láng giềng.
Những suy đoán về mục đích vụ phóng
Theo Bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc, quân đội Hàn Quốc bước đầu xác định tên lửa do Triều Tiên phóng ra biển phía đông gần Bình Nhưỡng vào trưa ngày 6/1 sử dụng động cơ tên lửa tầm trung và có tầm bắn từ 3.000 đến 5.500 km. Tuy nhiên, tên lửa đã bay thực tế hơn 1.100 km trước khi rơi xuống biển Hoa Đông.
Về mục đích vụ phóng, giới quan sát quốc tế nhận định rằng Triều Tiên phóng tên lửa chỉ hai tuần trước khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có thể nhằm mục đích chứng tỏ khả năng tấn công đảo Guam của họ, đồng thời cũng giảm bớt mức độ khiêu khích bằng cách rút ngắn tầm bắn của vụ phóng.
Vụ phóng tên lửa này của Triều Tiên cũng trùng hợp với chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Seoul để thảo luận về mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và các vấn đề khác với các quan chức Hàn Quốc. Tình hình hiện tại ở Hàn Quốc rất hỗn loạn và lệnh thiết quân luật ngắn ngủi của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã gây ra một loạt xáo trộn.
Ngoài ra, vụ phóng này còn diễn ra sau khi Mỹ hôm 2/1 tuyên bố sẽ cung cấp cho Nhật Bản 1.200 quả tên lửa bao gồm tên lửa không đối không tầm trung và xa AIM-120D-3/C-8 có tổng trị giá lên tới 3,64 tỷ USD nên vụ phóng này cũng nhằm gửi thông điệp cảnh báo đến Nhật Bản và Mỹ.
Lần cuối cùng Triều Tiên phóng tên lửa là vào ngày 25/11 năm ngoái, khi đó nước này phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Lần phóng này diễn ra chưa đầy 2 tuần trước khi ông Trump nhậm chức.
Hiện vẫn chưa rõ tên của loại tên lửa tầm trung siêu thanh mới mà Triều Tiên phóng hôm 6/1 là gì cũng như các thông số kỹ thuật cụ thể của nó.
Theo Yonhap, Sputnik