|
Bom GLSDB rời bệ phóng bay lên không trung (Ảnh: Boeing). |
Ukraine gần đây đã mất thị trấn mỏ muối Soledar về tay quân Nga, khiến một số tuyến phòng thủ gần đó gặp nguy hiểm. Hãng tin Anh Reuters đưa tin, hai quan chức Mỹ cho biết, sớm nhất là trong tuần này, Chính phủ Mỹ sẽ công bố một kế hoạch viện trợ quân sự mới trị giá 2 tỷ USD; trong đó Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (Ground Launched Small Diameter Bombs, GLSDB) sẽ là vũ khí quan trọng nhất. Đây là một loại đạn lượn do Công ty Boeing thiết kế, được cải tiến từ bom dẫn đường đường kính nhỏ thả từ trên không GBU-39. Ukraine hy vọng thứ vũ khí mới này sẽ giúp họ xoay chuyển được tình thế trên chiến trường.
|
Bom dẫn đường GBU-39 được lắp trên máy bay chiến đấu (Ảnh: Guancha). |
GLSDB được dẫn đường và định vị bằng vệ tinh GPS, có khả năng kháng nhiễu điện tử, sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết và có thể tấn công các mục tiêu như công trình quân sự, tăng thiết giáp của đối phương. Đáng chú ý là bom GLSDB có thể được phóng từ các dàn phóng pháo phản lực – tên lửa M-270 và M142 HIMARS mà Mỹ và một số nước thành viên NATO đã cung cấp cho Ukraine trước đây.
|
Sơ đồ cấu tạo của một quả Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất GLSDB (Ảnh: Boeing). |
Ngay từ cuối tháng 11 năm ngoái, Công ty Boeing đã đề xuất họ có thể cung cấp bom GLSDB cho Ukraine và phân tích nói họ có lượng hàng tồn kho rất lớn, bởi vì phần nhiều trong số đó là hàng còn lại sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Động cơ tên lửa М26 có giá thành rẻ, sản xuất bom GBU-39 tốn khoảng 40 000 USD, do đó GLSDB là một loại vũ khí rẻ tiền. GBU-39 là một quả bom dẫn đường nhỏ nặng 130 kg. Chỉ cần được gia công xử lý, sẽ có đủ số lượng cần thiết cung cấp cho Ukraine. Rõ ràng, các quan chức Washington đã chấp nhận ý kiến của Boeing và Boeing cũng đã hoàn thành xử lý một số lượng đáng kể loại vũ khí này.
Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất GLSDB là sự kết hợp giữa bom đường kính nhỏ GBU-39 và tên lửa M26, đường kính thân đạn 155 mm, sau khi quả đạn được bắn ra khỏi nòng, động cơ tên lửa được kích hoạt và quả đạn được tên lửa đẩy tiếp tục bay lên trên; tên lửa sau khi cháy hết nhiên liệu sẽ tự động tách khỏi quả đạn, lúc này cánh trên thân đạn mở ra, tiếp tục kéo dài thời gian ở trên không bằng cách lượn tới mục tiêu, do đó tầm bắn được tăng lên tới 160 km. Khoảng cách này lớn gấp đôi tầm bắn 80 km của đạn tên lửa M142 HIMARS.
|
Bom GBU-39 xòe cánh lượn đến mục tiêu trong giai đoạn cuối (Ảnh: Boeing). |
Mặc dù Mỹ đã từ chối cung cấp Tên lửa tấn công lục quân (ATACMS) với tầm bắn 297 km cho Ukraine, nhưng GLSDB cũng có tầm bắn 150 km xa hơn so với các loại tên lửa thông thường hiện tại. Mùa hè năm ngoái, với tầm bắn 80 km và độ chính xác cao, tên lửa M142 HIMARS của quân đội Ukraine đã đánh trúng các kho đạn dược và hậu cần của quân đội Nga, thành công trong việc thay đổi cục diện cuộc chiến, nên các dàn phóng M142 HIMARS được đánh giá cao. Nay GLSDB cũng sẽ tham chiến và phạm vi tấn công của nó sẽ xa hơn, từ tiền tuyến ở Zaporozhia và Kherson của Ukraine, có thể đánh thẳng vào Crimea, hoặc khu vực phía đông Donbass. Điều này có thể buộc quân đội Nga phải di chuyển các khu vực dự trữ đạn dược và nhiên liệu về phía sau, có thể chuyển về sâu bên trong lãnh thổ Nga mới được an toàn.