Những hệ thống tên lửa Nga cho rằng có thể vô hiệu hóa mọi xe tăng hiện đại của phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với việc phương Tây đáp ứng yêu cầu viện trợ xe tăng của Ukraine, quân đội Nga sẽ phải đối mặt với những đối thủ mới như: các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2 (Đức), M1 Abrams (Mỹ) và Challenger-2 của Anh.
Máy bay trực thăng Ka-52 của Nga mang 24 quả tên lửa chống tăng 9K121M Vikhr (Ảnh: Wiki).
Máy bay trực thăng Ka-52 của Nga mang 24 quả tên lửa chống tăng 9K121M Vikhr (Ảnh: Wiki).

Liệu vũ khí của quân Nga có chiến thắng được vỏ thép dày của xe tăng phương Tây mà Ukraine hy vọng sẽ dùng để chọc thủng phòng tuyến của Nga? Trang web Izvestia của Nga hôm 29/1 đã đăng một bài viết có tiêu đề "Loại bỏ vỏ giáp: Lực lượng vũ trang Nga đối phó với xe tăng phương Tây như thế nào?", cho rằng quân đội Nga ngày nay đã có kho vũ khí phòng thủ chống tăng khá mạnh và sẽ tiêu diệt được mọi loại xe tăng phương Tây. Bài viết giới thiệu ưu thế vượt trội của 4 hệ thống tên lửa chống tăng hiện đại do Nga sản xuất có thể khắc chế được vỏ thép của mọi loại xe tăng phương Tây.

Tên lửa 9K111 "Fagot"

Hiện nay các hệ thống tên lửa chống tăng hiện tại được điều khiển theo nhiều cách khác nhau—từ điều khiển bằng dây đã 50 hoặc 60 năm tuổi đến dẫn đường bằng chùm tia laze cực kỳ hiện đại và tự dẫn hồng ngoại dựa vào đầu dẫn đường để nhắm vào các điểm phát nhiệt trên xe tăng. Phương pháp dẫn hướng bằng dây rất đơn giản và đáng tin cậy, rất khó để can thiệp gây nhiễu. Ngay cả với sự phát triển không ngừng của công nghệ tên lửa và thiết bị nhắm mục tiêu, nhưng hệ thống dẫn đường này vẫn được giữ lại như một loại vũ khí chống tăng quan trọng.

Hệ thống phóng tên lửa chống tăng 9K111M "Fagot" của Nga (Ảnh: Wiki).

Hệ thống phóng tên lửa chống tăng 9K111M "Fagot" của Nga (Ảnh: Wiki).

Hệ thống tên lửa chống tăng 9K111 “Fagot” (phương Tây gọi là AT-4 Spigot) là một "cựu chiến binh" thực sự của lực lượng vũ trang Nga. Phiên bản cải tiến đầu tiên của hệ thống được đưa vào Quân đội Liên Xô năm 1970. Nó là một vũ khí mang tính cách mạng vào thời điểm đó—thùng vận chuyển của nó có thể dùng làm thành ống phóng và có một bệ phóng di động, có thể gấp gọn, có thể nhanh chóng thay thế để nạp lại đạn.

Tầm bắn của 9K111 “Fagot” phụ thuộc vào loại đạn tên lửa mà nó sử dụng: 2.000 mét khi sử dụng đạn 9M111 và 4.000 mét khi sử dụng đạn 9M113. Tên lửa 9M113M tiên tiến nhất có đầu chiến đấu song song hai phần, có thể xuyên thêm 800 mm giáp thuần chất sau khi xuyên qua lớp giáp phản ứng nổ. Phần đầu tiên của đầu đạn song song hai phần của nó được sử dụng để đối phó với lớp giáp phản ứng nổ, và phần thứ hai được sử dụng để xuyên qua lớp giáp còn lại. Phương án này có hiệu quả trong việc tiêu diệt hầu hết các loại xe tăng hiện đại.

Độ dày tối đa của giáp phía trước xe tăng “Leopard" là 500 mm (tăng Leopard-2A5) hoặc 1.200 mm (tăng Leopard-2A7); độ dày tối đa của giáp trước tháp pháo là 1.200 mm (Leopard-2A5) hoặc 1.500 mm (Leopard- 2A7). Những con số này thể hiện tính năng của xe tăng đối phó các loại tên lửa chống tăng.

Tên lửa 9K121M "Vikhr" lắp trên máy bay trực thăng (Ảnh: Sohu).

Tên lửa 9K121M "Vikhr" lắp trên máy bay trực thăng (Ảnh: Sohu).

Tên lửa 9K121M “Vikhr”

9K121M “Vikhr” (NATO gọi là AT-16 Scallion) là một trong những hệ thống tên lửa chống tăng hiện đại nhất, hàm lượng công nghệ tiên tiến nhất và uy lực mạnh nhất của Nga, trang bị tên lửa 9M127-1 được trang bị từ ​​năm 2013. Hệ thống 9K121M “Vikhr” được phát triển bởi Cục thiết kế công cụ KBP Liên Xô vào những năm 1980, nhắm vào việc đối phó các loại xe tăng mới nhất của phương Tây như "Abrams" và "Leopard", cần phải tạo ra một thế hệ vũ khí chống tăng mới để đối phó với chúng.

Đây là hệ thống tên lửa chống tăng được phóng từ trên không dùng cho máy bay cường kích và trực thăng vũ trang, chủ yếu là máy bay trực thăng trinh sát và tấn công Ka-52. Mỗi chiếc Ka-52 có thể mang tới 24 ống phóng tên lửa của hệ thống 9K121M Vikhr. Đạn tên lửa siêu âm này nặng 12 kg, bao gồm hệ thống dẫn đường bằng laser và đầu đạn mạnh mẽ với hai phần thuốc nổ, có thể xuyên thủng lớp giáp đồng nhất dày hơn 1.200 mm và có thể tiêu diệt mục tiêu từ bộ phận được bảo vệ tốt nhất của xe tăng hiện đại.

Ngoài việc đối phó với các thiết bị bọc thép như xe tăng, tên lửa 9K121M “Vikhr” còn có thể tấn công các mục tiêu trên không có tốc độ bay không vượt quá 800 km/h. Trong cuộc thử nghiệm, 9K121M Vikhr đã bắn hạ một máy bay bia Tu-16. 9K121M “Vikhr” có tầm bắn lên tới 10 km, lớn hơn tầm bắn của nhiều hệ thống tên lửa phòng không và hơn gấp đôi tầm bắn của tên lửa phòng không vác vai “Stinger” của Mỹ.

Ống phóng và đạn tên lửa 9K135 "Kornet" (Ảnh: Wiki).

Ống phóng và đạn tên lửa 9K135 "Kornet" (Ảnh: Wiki).

Tên lửa 9K135 “Kornet”

Vào những năm 1990, để thay thế hệ thống 9K111 "Fagot", Cục thiết kế công cụ đã phát triển hệ thống tên lửa chống tăng 9K135 "Kornet" (phương Tây gọi là AT-14 Spriggan) sử dụng phương thức dẫn đường bằng tia laze. Mẫu cải tiến mới nhất của 9K135 "Kornet" đã có thể "bắn và quên": người bắn chỉ cần nhắm vào mục tiêu và nhấn nút "khóa mục tiêu", sau đó hệ thống sẽ tự động hoàn thành các thao tác còn lại, hướng dẫn tên lửa tiêu diệt mục tiêu với xác suất cực cao. Sau khi tên lửa được phóng ra khỏi thùng vận chuyển kiêm ống phóng, nó sẽ bay tới mục tiêu với tốc độ âm thanh. Nó cũng sử dụng đầu đạn hai phần, nhưng đầu đạn có một động cơ nhiên liệu rắn có vòi phun bên được lắp giữa hai khoang thuốc nổ. Hệ thống dẫn đường được đặt trong khoang đuôi của tên lửa và cảm biến gắn vào nó phát hiện bay theo chùm tia laze phát ra từ bệ phóng tên lửa tới xe tăng mục tiêu.

Được trang bị hệ thống ngắm bắn tiên tiến, 9K135 "Kornet" có thể tấn công chính xác các mục tiêu di chuyển nhanh—dù là phương tiện mặt đất, tàu đang di chuyển và hầu hết các máy bay. Việc sử dụng bảng điều khiển riêng đảm bảo an toàn cho ê kíp phóng. Hệ thống 9K135 "Kornet" có tính thích ứng tốt và có thể phù hợp với nhiều loại bệ phóng, bao gồm giá ba chân bộ binh mang theo, xe chiến đấu bộ binh, xuồng nhỏ hoặc xe chiến đấu chuyên dụng mang tên lửa chống tăng. Hệ thống 9K135 "Kornet" có tầm bắn tối đa 5.500 mét và khả năng xuyên giáp của nó sẽ không để bất kỳ xe tăng nào có cơ hội sống sót: nó có thể xuyên thủng lớp giáp đồng nhất dày 1.300 mm với lớp giáp phản ứng nổ bên ngoài, tương đương với lớp giáp độ dày tối đa của loại xe tăng hiện đại mới nhất.

Xe không người lái chống tăng 9P157 mang tên lửa 9M123 "Khrizantema" (Ảnh: Wiki).

Xe không người lái chống tăng 9P157 mang tên lửa 9M123 "Khrizantema"

(Ảnh: Wiki).

Tên lửa 9M123 “Khrizantema”

Tuy nhiên, hệ thống tên lửa chống tăng mạnh nhất của quân đội Nga phải là 9K123 “Khrizantema” (NATO gọi là AT-15 Springer), được trang bị tên lửa siêu âm cực mạnh với tầm bắn tối đa 6.000m. Xe tên lửa chống tăng 9P157 trang bị hệ thống này được cải tạo từ xe chiến đấu bộ binh BMP-3. Trên thực tế, đây là một nền tảng chiến đấu chống tăng không người lái. Thiết bị phóng của nó được mang hai ống phóng, sau khi tên lửa được phóng, ống phóng rỗng sẽ bị loại bỏ và ống phóng mới có thể tự nạp đạn mà không cần sự can thiệp của con người. Việc dẫn đường cho tên lửa được thực hiện tự động bằng cách kết hợp chùm tia laser với sóng radar milimet.

Ống phóng và đạn tên lửa 9K123 “Khrizantema” (Ảnh: Wiki).

Ống phóng và đạn tên lửa 9K123 “Khrizantema” (Ảnh: Wiki).

Xe 9P157 mang tổng cộng 15 tên lửa. Với xác suất tên lửa của nó tiêu diệt xe tăng là gần 100%, một chiếc xe chống tăng này có thể tiêu diệt gần một đại đội xe tăng trong điều kiện tốt. Tên lửa của nó có thể xuyên thủng lớp giáp thép dày 1.250 mm giáp đồng nhất với giáp phản ứng nổ bên ngoài. Tên lửa 9K123 “Khrizantema” không chỉ sử dụng được đầu đạn mang thuốc nổ thường mà còn có thể mang đầu đạn nhiệt áp, loại này có thể dùng để phá hủy các cấu trúc nhỏ hoặc xua đuổi bộ binh ra khỏi công sự kiên cố.