Kết quả thi tốt nghiệp 2021: Bất thường và cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 đã được Bộ Giáo dục công bố và có những phân tích sơ bộ. Có nhiều bất ngờ mà chúng ta buộc phải suy ngẫm xung quanh những con số này.

Thứ nhất, năm nay hệ thống giáo dục quốc dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều địa phương phải cho học sinh nghỉ học và nghỉ học nhiều đợt để chuyển sang hình thức online; việc học bị xáo trộn và gián đoạn đã gây ra những tác động không mong muốn. Tuy nhiên, rất lạ là so với năm ngoái, ngoại trừ môn Sử có điểm trung bình giảm thì tất cả các môn còn lại đều tăng, trong đó môn tiếng Anh tăng mạnh nhất (1.26 điểm), các môn còn lại tăng nhẹ từ 0.07 đến 0.23 điểm. Năm nay cũng là năm có số lượng điểm 10 cao nhất trong nhiều năm gần đây, cả nước có 24.555 điểm 10 ở 9 môn thi, nhiều gấp 4,2 lần năm ngoái, riêng môn tiếng Anh nhiều gấp 19 lần.

Điều gì đã tạo nên những con số này trong hoàn cảnh như đã nêu? Để có câu trả lời chính xác thì cần những nghiên cứu toàn diện dựa trên nhiều yếu tố và dữ liệu khách quan; ở đây chúng tôi chỉ đưa ra những lý giải dưới góc độ cá nhân dựa trên các thông tin tham khảo từ nhiều nguồn và kinh nghiệm từ môi trường giáo dục của bản thân.

Đứng trước kết quả này, không ít người đã “hoài nghi” về sự nghiêm túc trong các khâu như làm đề, coi thi, chấm thi v.v. Tuy nhiên, theo chúng tôi dù có thể có điều ấy nhưng khả năng gian lận là không cao. Chỉ có một lưu ý: khi mà thành tích là một áp lực lớn tới mức đã thành “bệnh” thì việc được quyền tự tổ chức thi và chấm thi rất có thể dẫn tới tình trạng các môn tự luận vì không có một thang đo định lượng chính xác nên có thể dẫn tới “nới tay” theo một “tinh thần” chỉ đạo nào đó của lãnh đạo địa phương. Chuyện gian lận lớn đã từng xảy ra và xảy ra không ít lần, chúng ta cần lưu tâm để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Thứ hai, theo đánh giá của nhiều học sinh và giáo viên thì đề thi năm nay nhìn chung là dễ hơn năm ngoái. Đây cũng là một lý do quan trọng dẫn đến việc điểm thi cao bất ngờ.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của các thầy cô giáo đang giảng dạy cả trong và ngoài hệ thống giáo dục công lập. Thầy Bá Phong nguyên giáo viên Toán và Tin học trường chuyên Đại học Vinh, nguyên giảng viên khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh hiện đang là chủ của một cơ sở giáo dục tư ở Vinh cho ý kiến rằng “điểm cao hơn năm ngoái là do số câu khó ít hơn (không phải không có câu khó)”. Thầy Tăng Văn Chung, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Quảng Nam) cũng cho biết: “Do đề dễ hơn, đề không có gì mới”.

Việc đề thi dễ một phần cũng bởi năm nay kỳ thi này đặt nhiệm vụ trọng tâm vào việc xét tốt nghiệp (sự thay đổi tên gọi từ “thi THPT Quốc gia” sang “thi Tốt nghiệp” cho thấy rõ điều này); còn vì sao lại có quyết định này thì chúng ta lại phải căn cứ vào tình hình thực tế của dịch bệnh; nhưng không phải chỉ có thế: xu hướng giao quyền tự chủ cho các trường đại học đang được Bộ giáo dục thực hiện từng bước. Tuyển sinh đại học đã không còn nhất thiết phải dùng kết quả của kỳ thi chung nữa mà thay vào đó, các trường được quyền dùng phương án của mình để lấy đầu vào sao cho đạt được chỉ tiêu cũng như các tiêu chí về năng lực. Đây là một chính sách đúng, phải hướng đến tự chủ cho đại học cả về tài chính, quản lý, và đào tạo để vừa tự chịu trách nhiệm đồng thời phát huy được sức mạnh của sáng tạo và tự do sáng tạo.

Tất nhiên, không loại trừ cả sự hoài nghi của dư luận về mức độ ăn sâu của “bệnh thành tích” vào trong bộ máy ở tận những cấp cao nhất. Khi mà những con số đẹp, những bản báo cáo “năm sau cao hơn năm trước” thường chi phối rất mạnh đến các quyết sách có tính dân túy thì sự âu lo của dư luận không phải là không có lý do. “Học thật, thi thật, nhân tài thật” được Thủ tưởng Chính phủ đặt ra như một nhiệm vụ trọng tâm cho ngành giáo dục là cũng bởi ông đã nhìn thấy hiện trạng “học giả, thi giả, nhân tài giả” đang tồn tại. Nghĩa là ở đây dù không có gian lận theo kiểu sửa điểm nâng điểm như Hòa Bình năm 2018 nhưng chỉ cần một quyết sách “hạ chuẩn” thì những con số đẹp sẽ liền xuất hiện nhưng về thực chất thì chất lượng lại không hề được nâng cao.

Phải tránh việc tạo ra những “ảo giác” thành tích để dẫn đến “ngạo nghễ” vô căn cứ; ngược lại, cần nhìn thẳng, nói thậtlàm thật. Đặt tương lai của xã hội và sự phát triển của đất nước lên trên hết, và phòng ngừa thói bảo vệ “sinh mệnh chính trị” bất chấp mọi giá nơi các 'yếu nhân' trong bộ máy là việc chưa bao giờ thừa cả.

Mặc dù đã phân tích và giả định nhiều tình huống nhưng mối băn khoăn lớn của xã hội vẫn chưa tìm thấy một câu trả lời đủ sức thuyết phục hoàn toàn, vì rõ ràng ảnh hưởng của dịch bệnh là có thật và rất nặng nề. Thiết nghĩ, ở đây thay vì nghĩ rằng việc không đến trường và đổi từ học trực tiếp sang học trực tuyến sẽ có tác động tiêu cực thì có lẽ chúng ta cũng cần nhìn nhận vấn đề từ một giác độ khác: nhìn từ phía động lực tích cực.

Nhiều địa phương đã buộc phải cho học sinh nghỉ học, nhưng có thể đây lại chính là một “cơ hội” để người học được cởi trói bớt khỏi các áp lực về thời gian và bài vở nặng nề có tính cào bằng trong cả 13 môn học, vì thế việc học được tập trung nhiều hơn vào một số môn thi tốt nghiệp.

Thầy Bá Phong cho rằng “Covid là 1 dịp để một số các vấn đề chính trị, xã hội, giáo dục bộc lộ ra các khiếm khuyết của nó, ví dụ như nội dung và phương pháp giáo dục ở trường công có nhiều lúc xa rời và thậm chí đi ngược với thực tiễn, nên người học bị “tra tấn” bởi sự xung đột ngay bên trong nội tâm họ khi họ so sánh thứ được học trong trường và thứ họ quan sát trong thực tế, gây ra những khủng hoảng tâm lý, thậm chí sinh bệnh”. Nói về môn tiếng Anh, thầy Phong (đang dạy Toán tiếng Anh) cũng cho biết: “Con người khi học ngôn ngữ thì phải học nghe nói, giao tiếp, rồi mới tới đọc viết. Nhưng các trường công gần như không cho học sinh nghe nói, giao tiếp, mà chỉ chăm chăm học đọc, viết, ngữ pháp, và đặc biệt chỉ cho làm các bài tập đánh đố thuần lý thuyết suông, không hề mang hơi thở cuộc sống của ngôn ngữ”. Thầy Phong nói thêm: "Kiểu giáo dục này khiến cho thế hệ trẻ bị chậm, chững lại trong quá trình trưởng thành, khiến cho sau khi tốt nghiệp ra trường (22 tuổi) phải mất thêm gần chục năm để update thực tiễn và định hình lại cuộc đời của mình”. Chúng tôi rất chia sẻ với những nhận định này.

Công tác tổ chức giáo dục ở các trường phổ thông hiện nay rất nặng về hành chính, có tính trói buộc và quan liêu, hình thức, đặc biệt là lối dạy học - trả bài mang tính nhồi nhét và khuôn mẫu quá nặng nề làm thui chột tư duy sáng tạo của người học. Một ví dụ: Riêng về nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, một nhân vật không phải là đặc sắc và “bí hiểm” gì nhưng trong các tài liệu yêu cầu học sinh học thuộc của giáo viên phổ thông có đến hàng chục đề “phân tích” bình phẩm đủ mọi khía cạnh. Thử hỏi, còn đâu là “đất” cho tư duy sáng tạo nữa! Nào là Mị trong đêm tình mùa xuân, Mị ăn lá ngón, Mị cắt dây trói cho A Phủ, nước mắt của Mị, Hình ảnh chiếc cửa sổ vuông bằng bàn tay, rồi Diễn biến tâm lý của Mị, rồi Mị bị trói đứng, Mị chạy theo A Phủ trong đêm tối v.v. Mà mỗi một cái “chi tiết” như thế lại được diễn giải thành một bài văn dài lê thê buộc học sinh phải “nắm”, phải thuộc. Đó là mới nói một chút về nhân vật Mị, chứ trong tác phẩm này còn nhiều vấn đề khác nữa mà học sinh cũng phải nhớ phải thuộc như thế, nào là nhân vật thống lý Pá Tra, nhân vật A Sử, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo v.v. và v.v. Thế thì thử hỏi, làm sao môn văn ở nhà trường không làm cho tình yêu môn văn nơi học sinh bị thui chột cho được!

Như thế, khi được “ở nhà” cũng đồng nghĩa với việc thoát khỏi cái gánh nặng kiểm tra rất nặng nề và sai lầm kia, từ đó những “sợi dây” được nới lỏng ra, thậm chí là bị đứt; nó giải phóng con người khỏi các áp lực nhiều mặt.

Theo thầy Tăng Văn Chung, “Vì dịch, phải nghỉ học ở trường nên các em phải tự học là chính và đã biết cách tự học theo hướng dẫn của thầy cô. Điều này càng đặt ra vấn đề cần nhanh chóng thay đổi cách thức tổ chức dạy - học sao cho phù hợp với thực tiễn và quy luật phát triển của nhân cách con người”. Thầy Bá Phong cũng nói, “Do điều kiện ít đến trường nên học sinh bắt buộc phải tự học, mà tự học nhiều khi lại hiệu quả hơn đi học thầy cô. Bài học là: nên tự học nhiều hơn và đi học thầy cô ít hơn”.

Thêm nữa, chuyển đổi số trong giáo dục, hình thức học online tại Việt Nam tuy chưa thật sự mang lại hiệu quả cao vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng việc tiếp xúc với internet nói chung là một điều kiện tốt cho tiếp cận thông tin đa chiều, tiếp cận tri thức đa dạng cũng như các hình thức tổ chức hấp dẫn trong việc học từ các kênh trực tuyến. Đây chính là một sự gợi ý quan trọng cho các nhà giáo dục trong công tác tổ chức dạy học và quản lý chuyên môn của mình. Không thể tiếp tục “dạy chay - học chay” được nữa khi mà nguồn tài nguyên số vô tận đã mở ra trước mắt chúng ta.

Việc đi tìm nguyên nhân của hiện tượng “điểm cao” trong kỳ thi Tốt nghiệp 2021 chính là để vừa phòng ngừa những tiêu cực, vừa nỗ lực tìm một lối đi khả dĩ trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang chuyển mình ở điểm giao thời Cũ - Mới rất hệ trọng này. Và quan trọng, để những người có trách nhiệm mạnh dạn chọn lựa và đưa ra các quyết sách kịp thời, hầu góp phần đưa tới sự thành công cho công cuộc “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục” của đất nước.

.