Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 29/10 đã đăng bài của Tiến sĩ La Khánh Sinh, Giám đốc điều hành Hiệp hội Chiến lược Quốc tế Đài Loan phân tích về sự mâu thuẫn này.
Trong bài báo nhan đề “Gần 80% người Đài Loan nguyện chiến đấu vì Đài Loan; mâu thuẫn trong số liệu điều tra nói lên điều gì”, ông La Khánh Sinh viết: Hiệp hội Chiến lược Quốc tế Đài Loan và Viện Nghiên cứu Quốc tế Đài Loan mới đây cùng công bố dữ liệu thăm dò về "An ninh eo biển Đài Loan". Điểm nổi bật là có tới 90,4% số người được hỏi lựa chọn "chung sống hòa bình" là nguyện vọng đối với quan hệ hai bờ eo biển, cao hơn nhiều so với mức 4,4% “ngừng giao lưu”, 2,6% “đối kháng” và 2,6% “không có ý kiến”.
Điều này phản ánh người dân Đài Loan rất kỳ vọng vào hòa bình xuyên eo biển. Nhưng khi được hỏi về trường hợp xảy ra chiến tranh vì Đài Loan độc lập, 66,0% số người được phỏng vấn bày tỏ họ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Đài Loan; còn nếu Trung Quốc chủ động tấn công Đài Loan, tỷ lệ này tăng lên 77,6%.
Tiến sĩ La Khánh Sinh phát biểu tại cuộc họp báo công bố kết quả thăm dò dân ý Đài Loan hôm 24/10 (Ảnh: VOA). |
Dân chúng Đài Loan mong đợi hòa bình nhưng cũng muốn chiến tranh? Dữ liệu cuộc thăm dò cho thấy mức độ mâu thuẫn rất đáng kể. Không chỉ vậy, về điều chỉnh chính sách hai bên bờ eo biển, chỉ có 23,8% ủng hộ việc “sửa đổi quan hệ với Trung Quốc đại lục”, tuy cao hơn con số 13,5% tán thành “tuyên bố độc lập”, nhưng thấp hơn 56,5% “giữ nguyên hiện trạng”.
Tuy nhiên, khi được hỏi "liệu có tán thành việc trao đổi nhiều hơn giữa người dân hai bên eo biển hay không", 81,4% bày tỏ đồng ý; thậm chí khi được hỏi “liệu bản thân hoặc các thành viên trong gia đình có sẵn sàng tới Trung Quốc đại lục phát triển hay không?”, 36,6% người dân bày tỏ “có muốn”. Nếu so sánh số liệu đơn giản, điều này có nghĩa là 12,8% số người được hỏi sẵn sàng phát triển ở Trung Quốc đại lục, nhưng không muốn sửa đổi quan hệ với Trung Quốc đại lục. Những mâu thuẫn tương tự khá phổ biến trong cuộc khảo sát này, thể hiện đầy đủ những phức tạp và mâu thuẫn của người Đài Loan đối với Trung Quốc đại lục.
Mâu thuẫn là vẻ bề ngoài, cần có sự thống nhất bên trong. Những mâu thuẫn này có thể có nghĩa là người dân Đài Loan đang lo lắng và hoang mang về tương lai khó nắm bắt trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tác giả muốn làm rõ những vấn đề này thông qua phân tích các vấn đề.
Người được phỏng vấn thể hiện sự lo lắng và bối rối
Có thể thấy được sự lo lắng của những người được phỏng vấn, đặc biệt là những người trẻ tuổi từ cuộc khảo sát về mức độ sẵn sàng tham chiến. Khi được hỏi về thái độ nếu Trung Quốc chủ động xuất quân, 79,8% số người trong độ tuổi từ 20 đến 29 bày tỏ sẵn sàng tham gia chiến đấu; nhưng khi được hỏi liệu họ có muốn chiến đấu cho độc lập của Đài Loan hay không, mức độ sẵn sàng tham chiến cao hơn các nhóm tuổi khác, lên tới 84,7%. Điều này có nghĩa là 4,9% thanh niên được hỏi không có ý định tham chiến khi Trung Quốc chủ động đưa quân tấn công, nhưng lại sẵn sàng chiến đấu cho độc lập của Đài Loan. Khi mà mức độ dân chúng các độ tuổi sẵn sàng tham gia vào hai cuộc chiến nói chung có độ lệch âm là 11,6%, thì điều khá thú vị là giới trẻ lại có độ lệch dương là 4,9%.
Đa số giới trẻ Đài Loan muốn Đài Loan độc lập nhưng cũng muốn tăng cường giao lưu với Trung Quốc đại lục (Ảnh: Dwnews). |
Rất nhiều thanh niên sẵn sàng chiến đấu cho độc lập của Đài Loan? Nếu đúng như vậy, tỷ lệ người từ 20 đến 29 tuổi ủng hộ Đài Loan độc lập sẽ rất cao. Tuy nhiên, khi được hỏi về hướng điều chỉnh chính sách xuyên eo biển, chỉ có 17,6% nhóm tuổi này ủng hộ Đài Loan độc lập, con số này thậm chí còn thấp hơn 19,9% ủng hộ việc sửa đổi quan hệ với Trung Quốc đại lục. Điều này là không hợp lý. Không thể loại trừ rằng sự sẵn sàng cao tham chiến là một phản ứng cảm tính khi lo lắng rằng Đài Loan độc lập có thể gây nên chiến tranh và không muốn bị cho là "hèn nhát" và bị coi thường.
Sự bối rối về tương lai chủ yếu được thể hiện trong sự phát triển tương tác của mối quan hệ ba bên Mỹ-Trung Quốc-Đài Loan và vai trò của Đài Loan. Sự xấu đi của quan hệ xuyên eo biển và nguy cơ chiến tranh gia tăng có liên quan đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc ở hai bờ Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy mặc dù sự lựa chọn Mỹ được đa số người được hỏi ủng hộ nhưng đa số những người chọn “không biết hoặc không có ý kiến” về các chủ đề chung là dưới 8%, trong khi các chủ đề liên quan đến Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan đều trên 12%.
Về câu hỏi "ai phải chịu trách nhiệm cho căng thẳng trong quan hệ hai bờ eo biển", 51,9% người được hỏi trả lời là “Trung Quốc đại lục”, 17,3% đổ lỗi cho chính quyền đảng DPP, 14,6% đổ lỗi cho Mỹ, 1,6% cho rằng không ai có lỗi và 14,7% “không biết”.
Về vấn đề "Nếu chiến tranh nổ ra giữa hai bên eo biển, liệu Mỹ có sẵn sàng gửi quân đến giúp bảo vệ Đài Loan không?", 55,1% cho rằng “có”, 32,8% nói “không” và 12,1% không có chính kiến rõ ràng. Về câu hỏi “Nếu Trung Quốc và Mỹ xung đột, có sẵn sàng sát cánh chiến đấu cùng với Mỹ không?” 58,7% trả lời “sẵn sàng”, 24,6% nói “không muốn” và 16,7% không có chính kiến rõ ràng.
Quan hệ hai bên eo biển căng thẳng, máy bay chiến đấu Trung Quốc liên tục bay vào không phận Đài Loan, phía Đài Loan cho máy bay (trái) lên giám sát và phát thanh xua đuổi (Ảnh: Dwnews). |
Ba vấn đề này thực sự có liên quan ở các cấp độ khác nhau. Quy trách nhiệm khiến mối quan hệ xuyên eo biển xấu đi là nhận thức; Mỹ có gửi quân đến hỗ trợ phòng thủ hay không là phán đoán; liệu có sẵn sàng sát cánh chiến đấu với Mỹ hay không là ý muốn. Về mặt logic, nhận thức và phán đoán bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố chủ quan và khách quan, tính không chắc chắn cao; còn ý muốn do bản thân quyết định một cách chủ quan, mức độ không chắc chắn sẽ thấp; tuy nhiên, có tới 16,7% người được hỏi không chắc liệu họ có sát cánh cùng Mỹ chiến đấu hay không, cho thấy họ bối rối về vai trò của Đài Loan trong cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ.
Mặc dù vậy, gần 60% những người được hỏi sẵn sàng đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến Trung-Mỹ cao hơn con số 55,1% cho rằng Mỹ sẽ gửi quân đến trong cuộc chiến xuyên eo biển, cũng cao hơn 51,9% người tin rằng sự xấu đi của quan hệ hai bờ eo biển là do Trung Quốc đại lục. Điều này có nghĩa là một số người được phỏng vấn cho rằng ngay cả khi Mỹ không giúp đỡ bảo vệ Đài Loan trong cuộc chiến ở eo biển Đài Loan, hoặc sự xấu đi của quan hệ hai bờ eo biển không thể đổ lỗi cho Trung Quốc đại lục, thì cũng cần đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến tranh Trung-Mỹ. Điều này cho thấy bên cạnh lợi ích thực tế, sự chọn lựa người Mỹ còn do thiên hướng đặc thù “thân Mỹ”. Có sự khác biệt rõ ràng trong khuynh hướng đảng phái: chỉ có 38,9% những người ủng hộ Quốc Dân Đảng chọn Mỹ, trong khi phe ủng hộ DPP cao tới 85,7%.
Tuy nhiên, phải giải thích như thế nào khi có tới 81,4% số người được phỏng vấn ủng hộ việc giao lưu nhiều hơn giữa dân chúng hai bên eo biển? Ngay cả những người ủng hộ DPP cũng có tỷ lệ tán thành cao tới 74,2%. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là tỷ lệ người trong độ tuổi từ 20 đến 29 tán thành việc giao lưu xuyên eo biển thực sự là cao nhất trong các độ tuổi chứ không phải thấp nhất, tới 86,9%. Điều này trái ngược với suy nghĩ chung rằng hầu hết thanh niên Đài Loan đều "phản đối Trung Quốc" hoặc "chống Trung Quốc".
Không chỉ vậy, mặc dù về tổng thể, tỷ lệ người sẵn sàng tới Trung Quốc đại lục phát triển chỉ là 36,6%, nhưng điều này ngoài sở thích chính trị, còn liên quan đến kế hoạch mưu sinh cá nhân, ngay cả những người ủng hộ Quốc Dân Đảng cũng chỉ chiếm 40,1%. Tuy nhiên, từ quan điểm của các nhóm tuổi, 8,5% trong số 20 đến 29 tuổi “rất muốn” đến Đại Lục để phát triển và 35,4% “muốn”, tổng cộng chiếm 43,9%, cũng là cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi. Điều này cũng trái ngược với ấn tượng chung.
Trước khi rơi vào tình trạng tồi tệ hiện nay, quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan đã có thời kỳ tốt đẹp. Trong ảnh: ông Tập Cận Bình bắt tay người lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu, người tiền nhiệm bà Thái Anh Văn tại Singapore ngày 7/11/2015 (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Người dân không thực sự hài lòng với chính sách xuyên eo biển của DPP
Ông La Khánh Sinh viết, đi sâu phân tích về cuộc thăm dò dân ý này có thể thấy dân chúng Đài Loan mong muốn hòa bình, thân Mỹ nhưng không có ý định chống Trung Quốc, thậm chí muốn tăng cường giao lưu với Trung Quốc đại lục hoặc tới Đại Lục phát triển. Mặc dù số liệu cho thấy tỷ lệ người ủng hộ việc hàn gắn quan hệ với Trung Quốc đại lục là thấp, nhưng điều này có thể được giải thích là do họ không muốn cúi đầu hoặc quỳ gối trước sức ép của “văn công vũ hách” (tấn công văn hóa và đe dọa quân sự) từ Trung Quốc, hơn là thực sự đi con đường ngược hướng với Đại Lục. Cũng như thái độ sẵn sàng tham chiến chỉ là không muốn thể hiện “hèn nhát, khiếp sợ chiến tranh”, chứ không hẳn là họ muốn lựa chọn chiến tranh.
Tuy nhiên, những dư luận có thể hiểu nhầm này đã đi ngược lại với một số động thái của đảng DPP cầm quyền như thông qua các biện pháp cách ly chống dịch COVID-19 để ngày càng xa rời Đại Lục. Do đó, mặc dù những người được phỏng vấn thể hiện sự sẵn sàng tham chiến nhưng mức độ hài lòng của họ với các chính sách xuyên eo biển của DPP chỉ là 48,9%. Nhìn bề ngoài, con số này cao hơn tỷ lệ 38,0% không hài lòng, nhưng phân tích sâu hơn cho thấy có 36,8% “khá hài lòng” và chỉ 11,9% “rất hài lòng”, con số này thấp hơn 19,0% “rất không hài lòng” và cũng thấp hơn 13,3% "không biết/không có ý kiến". Một tỷ lệ hai con số những người được phỏng vấn không sẵn sàng bình luận về các chính sách xuyên eo biển của DPP và không loại trừ yếu tố "bảo lưu".
Ồng La Khánh Sinh kết luận: 90,4% số người được hỏi chọn chung sống hòa bình giữa hai bên eo biển và 81,4% tán thành việc trao đổi nhiều hơn giữa hai bên eo biển, điều đáng được quan tâm hơn là họ sẵn sàng tham gia chiến tranh. Có lẽ quan hệ xuyên eo biển không quá bi quan như biểu hiện bề ngoài. Nếu tình trạng xấu đi hiện nay trong quan hệ hai bờ eo biển đang xấu đi chỉ là sản phẩm của một vòng luẩn quẩn trong bối cảnh "không ai chịu ai", nếu loại trừ yếu tố Mỹ và hai bên eo biển cần lấy “tiểu sự đại dĩ trí, đại sự tiểu dĩ nhân” (người yếu đối với kẻ mạnh phải xử trí bằng trí tuệ, người mạnh đối với kẻ yếu phải dùng lòng nhân từ) làm tiêu chuẩn trong quan hệ, có thể sẽ đưa quan hệ hai bờ eo biển phát triển theo hướng lành mạnh. Đó là điều đáng mong đợi.