Mỹ tiếp tục bán số lượng lớn vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc đe dọa trừng phạt công ty chế tạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Sau khi phê duyệt ba dự án bán vũ khí cho Đài Loan vào tuần trước, Cục Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) hôm 26/10 lại thông báo Bộ Ngoại giao đã phê duyệt việc thêm bán thêm số lượng lớn vũ khí nữa.
100 hệ thống tên lửa Harpoon bờ đối hạm trị giá 2,37 tỷ USD đã được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt bán cho Đài Loan hôm 26/10 khiến Trung Quốc tức tối (Ảnh: Dongfang).
100 hệ thống tên lửa Harpoon bờ đối hạm trị giá 2,37 tỷ USD đã được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt bán cho Đài Loan hôm 26/10 khiến Trung Quốc tức tối (Ảnh: Dongfang).

Hai vụ mua bán vũ khí lớn trong vòng một tuần

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang ngày 27/10, số vũ khí được phê chuẩn bán lần này gồm: 100 hệ thống tên lửa hành trình bờ đối hạm Harpoon (HCDS), với 400 quả tên lửa chống hạm Harpoon, tổng giá trị khoảng 2,37 tỉ USD (khoảng 18,486 tỉ đô la Hồng Kông). Dự án bán vũ khí này đã được chính thức thông báo cho Quốc hội và đây là lần thứ hai trong vòng một tuần việc bán vũ khí cho Đài Loan được công bố.

Văn phòng của bà Thái Anh Văn, Cơ quan Quốc phòng và Ngoại giao Đài Loan ngày thứ Ba (27/10) đã liên tiếp ra tuyên bố nói, Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan đã chứng tỏ đầy đủ chính phủ Mỹ rất coi trọng việc giúp Đài Loan tăng cường năng lực phòng vệ.

Tên lửa hành trình Harpoon AGM-84 phiên bản đặt trên tàu mặt nước đã được Mỹ bán cho Đài Loan trước đây (Ảnh: WP).

Tên lửa hành trình Harpoon AGM-84 phiên bản đặt trên tàu mặt nước đã được Mỹ bán cho Đài Loan trước đây (Ảnh: WP).

Ông Trương Đôn Hàm (Zhang Dunhan), người phát ngôn Văn phòng bà Thái Anh Văn hôm thứ Ba nhấn mạnh, thương vụ vũ khí này sẽ làm thỏa mãn thêm nhu cầu chiến lược và quốc phòng của Đài Loan, tăng cường hiện đại hóa khả năng phòng vệ và đẩy nhanh việc nâng cao khả năng tác chiến phi đối xứng. Đài Loan sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng với Mỹ và các nước có cùng ý tưởng để cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cơ quan Quốc phòng Đài Loan nói, vụ mua bán vũ khí này là để đáp ứng chiến lược quân sự và nhu cầu quốc phòng của Đài Loan qua xem xét mối đe dọa tổng thể và sự thay đổi của tình hình. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan chỉ ra rằng, đây là lần thứ tư trong năm nay Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, cho thấy Mỹ đã từng bước thực hiện cơ chế bình thường hóa việc bán vũ khí cho Đài Loan.

DSCA tuyên bố qua một thông cáo báo chí rằng dự án bán vũ khí mới này bao gồm 400 tên lửa phóng từ mặt đất RGM-84L-4 Harpoon II, 4 tên lửa diễn tập RTM-84L-4 Harpoon II, 100 bộ bệ phóng của hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon và 25 xe radar, v.v. Nhà thầu chính của dự án bán vũ khí này là Boeing, bao gồm việc hỗ trợ kỹ thuật trong 8 năm.

Sân bay của Hồng Kông hiện đang sử dụng công nghệ của hãng Raytheon Mỹ trong hệ thống không lưu (Ảnh: Dongfang).

Sân bay của Hồng Kông hiện đang sử dụng công nghệ của hãng Raytheon Mỹ trong hệ thống không lưu (Ảnh: Dongfang).

Thông cáo báo chí của Cục Hợp tác an ninh Quốc phòng Mỹ cũng chỉ ra rằng vụ bán vũ khí này sẽ giúp tăng cường khả năng tấn công trên biển và phòng không hiện có của Đài Loan, đồng thời cải thiện khả năng phản ứng của Đài Loan trước các mối đe dọa hiện tại và trong tương lai. Hệ thống này sẽ giúp chống lại cuộc tấn công xâm lược đường biển, chống phong tỏa ven biển và các cuộc tấn công đổ bộ, giúp ổn định chính trị và cân bằng quân sự trong khu vực. Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ ra rằng, trên cơ sở Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Mỹ bán các loại vũ khí cần thiết cho Đài Loan để duy trì đầy đủ khả năng tự vệ.

Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua dự án bán vũ khí cho Đài Loan lần thứ ba với tổng giá trị 1,8 tỉ USD vào thứ Tư tuần trước (21/10), đây là lần bán vũ khí thứ hai cho Đài Loan chỉ trong vòng một tuần, cũng là lần thứ 9 Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức năm 2016.

Theo báo chí Đài Loan, tên lửa hành trình Harpoon có thể được phóng từ nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm các phiên bản RGM-84 phóng từ tàu mặt nước và phóng từ đất liền, AGM-84 phóng từ trên không và UGM-84 phóng từ tàu ngầm. Sau khi dự án bán vũ khí này hoàn tất, Đài Loan sẽ là khu vực đầu tiên trên thế giới được mua đầy đủ các loại phiên bản tên lửa Harpoon ngoài quân đội Mỹ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba (26/10) ra tuyên bố sẽ trừng phạt các công ty Mỹ liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan, bao gồm Lockheed Martin, Boeing Defense và Raytheon. Các biện pháp trừng phạt lần này nhằm đáp trả các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua hôm 21 và 26/10 với tổng giá trị khoảng 4,17 tỉ USD.

Nghị sĩ Hồng Kông lo ngại “Trung Quốc vác đá ghè chân Hồng Kông”

Một số thành viên nghị viện Hồng Kông chỉ ra rằng hệ thống quản lý không lưu hiện đang được Cục Hàng không dân dụng sử dụng do hãng Raytheon cung cấp, hiện chi tiết của các biện pháp trừng phạt liên quan vẫn chưa được biết rõ, họ lo lắng rằng nếu chính quyền Hồng Kông quyết định hưởng ứng tuyên bố của chính phủ Trung Quốc tiến hành đáp trả Mỹ sẽ có tác động lớn. Các nghị sĩ yêu cầu chính quyền nhanh chóng tiến hành kiểm tra toàn diện hệ thống quản lý công nghệ các cơ quan chính phủ sử dụng.

Ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26/10 chỉ ra rằng Trung Quốc đã quyết định thực hiện các biện pháp cần thiết để trừng phạt các công ty Mỹ nêu trên, cũng như các cá nhân và thực thể liên quan của Mỹ có vai trò xấu trong việc bán vũ khí cho Đài Loan. Có tin Hệ thống kiểm soát không lưu mà Cục Hàng không dân dụng Hồng Kông sử dụng là "Raytheon AT3", đã nhiều lần trục trặc trong quá khứ.

Nghị sĩ Hồng Kông Đàm Văn Hào lo ngại, nếu chính quyền Hồng Kông hưởng ứng lệnh trừng phạt hãng Raytheon của Bắc Kinh sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn (Ảnh: Dongfang).

Nghị sĩ Hồng Kông Đàm Văn Hào lo ngại, nếu chính quyền Hồng Kông hưởng ứng lệnh trừng phạt hãng Raytheon của Bắc Kinh sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn (Ảnh: Dongfang).

Nghị sĩ Hồng Kông Đàm Văn Hào (Tan Wenhao), một cựu phi công hàng không dân dụng, bày tỏ lo ngại về việc này. Ông chỉ ra rằng hầu hết các hệ thống dân dụng do các hãng công nghiệp quân sự cung cấp hiện nay đều được hạ cấp từ hệ thống quân sự, một số sử dụng bằng sáng chế quân sự hoặc “quân dân lưỡng dụng”. Ông nêu ví dụ về hệ thống radar của đài thiên văn hay linh phụ kiện công nghệ dẫn đường bay dân dụng đều sử dụng các bằng sáng chế của quân đội Mỹ. Nếu chính quyền Hồng Kông quyết định hưởng ứng lệnh trừng phạt của Bắc Kinh, được cho là sẽ có ảnh hưởng rất sâu rộng.

Ông Đàm cho rằng các nhà chức trách trước tiên phải làm rõ nội dung của lệnh trừng phạt và liệu có liên quan hệ thống hiện tại hay không. “Dịch vụ của Raytheon sau đây sử dụng như thế nào? Việc bảo dưỡng, bảo trì sẽ ra sao?", Ông đề cập đến kinh nghiệm trong quá khứ, chính quyền Hồng Kông đã thay thế một hệ thống kiểm soát không lưu mới phải mất ít nhất 5 năm từ khi đấu thầu đến vận hành. Ông nhấn mạnh rằng không thể thay đổi một hệ thống chỉ trong một hoặc vài ba giờ và đề nghị chính quyền Hồng Kông nhanh chóng giải thích liệu họ có ý định mua một hệ thống mới hay không.

Người phát ngôn của Cục Hàng không Hồng Kông chỉ ra rằng việc mua sắm hệ thống kiểm soát không lưu phải tuân thủ nghiêm ngặt “Quy chế cung cấp và mua sắm vật tư” do chính phủ đề ra. Hợp đồng được ký giữa bên mua và nhà cung cấp liên quan đều có điều khoản nhà cung cấp phải cung ứng thiết bị và dịch vụ cần thiết theo yêu cầu của hợp đồng. Cục Hàng không sẽ tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ với các nhà cung cấp.