Iran tuyên bố "không đàm phán hạt nhân" nếu bị ép ngừng làm giàu uranium

Iran khẳng định sẽ không nối lại đàm phán hạt nhân nếu Mỹ yêu cầu chấm dứt làm giàu uranium, đồng thời cảnh báo đáp trả nếu bị tấn công thêm. Tehran vẫn giữ quyền theo đuổi chương trình hạt nhân hòa bình bất chấp sức ép từ Mỹ và Israel.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: AFP.

Iran tuyên bố trong hôm đầu tuần này rằng sẽ không có cuộc đàm phán hạt nhân mới nào với Mỹ nếu các cuộc đàm phán đó bị điều kiện hóa bằng việc Tehran từ bỏ các hoạt động làm giàu uranium.

Washington và Tehran đã tham gia nhiều vòng đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo, nhưng Israel đã làm gián đoạn các cuộc đàm phán này khi phát động một loạt cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào đối thủ trong khu vực, dẫn đến 12 ngày chiến tranh.

Kể từ khi kết thúc các cuộc giao tranh, cả Iran và Mỹ đều đã bày tỏ mong muốn quay lại bàn đàm phán, mặc dù Tehran khẳng định họ sẽ không từ bỏ quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

“Nếu các cuộc đàm phán bị điều kiện hóa bằng việc ngừng làm giàu uranium, thì các cuộc đàm phán như vậy sẽ không diễn ra”, ông Ali Velayati, cố vấn của Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, được hãng thông tấn nhà nước IRNA dẫn lời cho biết.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Esmaeil Baqaei cho biết Iran chưa ấn định ngày nào cho bất kỳ cuộc gặp nào với Mỹ.

“Hiện tại, chưa có ngày, giờ hay địa điểm cụ thể nào được xác định liên quan đến vấn đề này”, ông Baqaei nói về kế hoạch gặp mặt giữa Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi và đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff.

Ông Araghchi và ông Witkoff trước đó đã không thể đạt được thỏa thuận sau năm vòng đàm phán bắt đầu từ tháng 4 – đây cũng là những tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt vào năm 2018.

Các cuộc đàm phán do Oman làm trung gian đã bị gián đoạn sau khi Israel phát động cuộc tấn công bất ngờ vào các cơ sở hạt nhân và quân sự của Iran vào ngày 13/6, Mỹ sau đó tham gia cùng đồng minh và tiến hành các cuộc không kích hạn chế.

“Chúng tôi đã nghiêm túc trong hoạt động ngoại giao và quá trình đàm phán, chúng tôi đã tham gia với thiện chí, nhưng như mọi người đều chứng kiến, trước vòng đàm phán thứ sáu, Israel, phối hợp với Mỹ, đã tiến hành hành động quân sự chống lại Iran”, ông Baqaei nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei tổ chức họp báo hàng tuần tại Tehran. Ảnh: AFP.

"Con đường hoà bình"

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian hôm đầu tuần phát biểu rằng Iran “ủng hộ ngoại giao và đối thoại mang tính xây dựng”.

“Chúng tôi vẫn tin rằng cánh cửa ngoại giao còn để ngỏ, và chúng tôi sẽ theo đuổi con đường hòa bình này một cách nghiêm túc”, ông nói.

Israel và các quốc gia phương Tây cáo buộc Iran đang theo đuổi vũ khí hạt nhân, một cáo buộc mà Tehran liên tục phủ nhận.

Mặc dù Iran là quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân duy nhất làm giàu uranium tới mức 60% - gần mức cần thiết để chế tạo đầu đạn - cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết họ không có bằng chứng cho thấy Iran đang cố gắng vũ khí hóa kho dự trữ của mình.

Chiến dịch tấn công của Israel, mà nước này cho là nhằm ngăn chặn một mối đe dọa hạt nhân từ Iran, đã giết chết các nhà khoa học hạt nhân và các sĩ quan quân đội cấp cao, đồng thời tấn công cả khu vực dân cư.

Mỹ đã phát động loạt không kích riêng vào ngày 22/6, tấn công cơ sở làm giàu uranium của Iran tại Fordo, tỉnh Qom phía nam Tehran, cũng như các địa điểm hạt nhân ở Isfahan và Natanz.

Iran đã đáp trả bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các thành phố của Israel, đồng thời tấn công một căn cứ quân sự của Mỹ tại Qatar để trả đũa các cuộc không kích của Washington.

Mức độ thiệt hại đối với chương trình hạt nhân của Iran hiện vẫn chưa được xác định, và ông Baqaei cho biết vấn đề này “vẫn đang được điều tra”.

Tổng thống Pezeshkian trong tuyên bố mới nhất cũng cảnh báo về một “cuộc trả đũa còn nghiêm khắc hơn nữa” trước bất kỳ “cuộc xâm lược mới nào vào lãnh thổ Iran”.

Ông Baqaei cho biết hôm thứ Hai rằng Iran vẫn duy trì liên lạc với Anh, Pháp và Đức – ba nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Mỹ đã rút khỏi.

Các nước châu Âu đã đe dọa kích hoạt cơ chế “snapback” trong thỏa thuận, cho phép tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc trong trường hợp vi phạm cam kết.

Ông Baqaei nói rằng Tehran “vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với ba nước này”, nhưng cũng cho biết ông “không thể cung cấp ngày cụ thể” cho cuộc họp tiếp theo.

Không có cơ sở pháp lý, đạo đức hay chính trị nào để tái áp đặt lệnh trừng phạt, ông Baqaei nhấn mạnh, vì Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận năm 2015.

Ông nói thêm rằng nếu các lệnh trừng phạt được tái áp đặt, Iran sẽ đưa ra phản ứng “thích hợp và tương xứng,” đồng thời nhắc lại đe dọa rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT).