
Nỗ lực của Mỹ nhằm phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm và thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp trong nước đang được đẩy nhanh hơn thông qua một kế hoạch do Washington hậu thuẫn nhằm tạo ra một hệ thống định giá riêng biệt, cao hơn.
Phương Tây từ lâu đã gặp khó khăn trong việc làm suy yếu sự kiểm soát của Trung Quốc đối với 90% nguồn cung đất hiếm – một phần là do mức giá thấp do Trung Quốc đặt ra đã làm giảm động lực đầu tư ở những nơi khác.
Các công ty khai thác khoáng sản ở phương Tây từ lâu đã kêu gọi thiết lập một hệ thống định giá riêng biệt để giúp họ cạnh tranh trong việc cung cấp nhóm 17 nguyên tố đất hiếm – những kim loại cần thiết để sản xuất nam châm siêu mạnh có ý nghĩa chiến lược. Loại nam châm này được sử dụng trong các ứng dụng quân sự như máy bay không người lái, máy bay chiến đấu, cũng như trong động cơ xe điện và tua-bin gió.
Theo một thỏa thuận được công bố vào tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đảm bảo mức giá tối thiểu cho công ty khai thác đất hiếm trong nước duy nhất là MP Materials, với mức giá gần gấp đôi so với thị trường hiện tại.
MP, có trụ sở tại Las Vegas, hiện đã sản xuất và tinh chế đất hiếm, đồng thời cho biết họ dự kiến bắt đầu sản xuất nam châm thương mại tại cơ sở ở Texas vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích nhận định rằng thỏa thuận định giá, có hiệu lực ngay lập tức, sẽ tạo ra tác động toàn cầu: tích cực đối với các nhà sản xuất, nhưng có thể làm tăng chi phí đối với người tiêu dùng, như các hãng xe và khách hàng của họ.
“Chuẩn giá này giờ đây là một điểm tựa mới trong ngành, sẽ kéo mặt bằng giá lên cao”, ông Ryan Castilloux, giám đốc điều hành công ty tư vấn Adamas Intelligence, nhận định.
Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ trả cho MP phần chênh lệch giữa mức giá 110 USD/kg cho 2 nguyên tố đất hiếm phổ biến nhất và giá thị trường hiện tại (do Trung Quốc quyết định). Tuy nhiên, nếu giá vượt quá 110 USD, Bộ này sẽ nhận 30% lợi nhuận tăng thêm.
Ông Castilloux cho rằng các bên hưởng lợi gián tiếp khác có thể bao gồm những công ty như tập đoàn hóa chất Solvay của Bỉ, công ty vừa công bố mở rộng vào tháng 4.
“Điều này sẽ tạo động lực để Solvay và các công ty khác thiết lập mức giá tương tự. Có thể nói, họ giờ đã có một ‘nền móng’ để đứng vững”, ông Castilloux nói thêm.
Dù Solvay từ chối bình luận, các công ty khai thác và phát triển đất hiếm khác cùng các cổ đông của họ đều hoan nghênh thông tin này.
Công ty Aclara Resources hiện đang phát triển các mỏ đất hiếm ở Chile và Brazil, đồng thời có kế hoạch xây dựng nhà máy tách đất hiếm tại Mỹ. Ông Alvaro Castellon, giám đốc Chiến lược và Phát triển của công ty, nói rằng thỏa thuận này mang lại “những hướng đi chiến lược mới” cho công ty.
Sản lượng tăng dần
MP Materials, công ty từng chịu khoản lỗ ròng 65,4 triệu USD vào năm ngoái chủ yếu do giá thấp từ Trung Quốc, sẽ tăng sản lượng nam châm tại nhà máy Texas từ 1.000 tấn/năm lên 3.000 tấn/năm.
Theo thỏa thuận công bố hôm thứ Năm tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của MP với 15% cổ phần, và MP sẽ xây dựng thêm một nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm thứ hai tại Mỹ, với công suất bổ sung 7.000 tấn/năm. Tổng cộng, sản lượng sẽ đạt 10.000 tấn mỗi năm – tương đương với nhu cầu tiêu thụ nam châm của Mỹ trong năm 2024.
Tuy nhiên, con số này chưa bao gồm khoảng 30.000 tấn đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu dưới dạng sản phẩm đã lắp ráp, theo công ty tư vấn Adamas.
Adamas dự đoán rằng nhu cầu toàn cầu đối với nam châm vĩnh cửu từ đất hiếm sẽ hơn gấp đôi trong thập kỷ tới, đạt khoảng 607.000 tấn, trong đó Mỹ là thị trường có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất – khoảng 17%.
Sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc cho phần lớn nhu cầu này càng được làm rõ khi Trung Quốc áp đặt hạn chế xuất khẩu trong bối cảnh đàm phán thương mại với Mỹ vẫn đang tiếp diễn.
Cho đến nay, các chính phủ phương Tây vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước cạnh tranh.
Những nỗ lực xây dựng hệ thống định giá mạnh mẽ hơn mới chỉ dừng lại ở các thỏa thuận nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung vào việc đặt giá cao hơn cho nam châm.
Ông Dominic Raab, cựu Phó Thủ tướng và Ngoại trưởng Vương quốc Anh, nói rằng ông không bất ngờ khi chính quyền ông Trump từng kết luận rằng việc giảm thuế đơn thuần là không đủ để thúc đẩy mức đầu tư cần thiết.
“Câu hỏi tiếp theo là: họ có thể mở rộng quy mô được không?”, ông Raab, hiện là người đứng đầu mảng đối ngoại toàn cầu tại Appian Capital Advisory (một quỹ đầu tư tư nhân trong lĩnh vực khai khoáng), đặt vấn đề.
Mức giá 110 USD cho neodymium và praseodymium (NdPr) do Bộ Quốc phòng đảm bảo cao hơn một chút so với mức 75–105 USD/kg mà công ty tư vấn Project Blue cho rằng cần thiết để duy trì đủ sản lượng đáp ứng nhu cầu trong vài năm tới. Trong khi đó, giá hiện tại chỉ vào khoảng 63 USD.
Ông David Merriman đến từ Project Blue cho biết hiện vẫn chưa rõ các khách hàng công nghiệp thương mại sẽ phản ứng ra sao trước giá cao hơn, và liệu điều đó có khiến họ đầu tư vào đất hiếm không – vì họ có các nguồn cung thay thế đa dạng hơn.
“Những khách hàng lớn không được chính phủ hậu thuẫn sẽ ít có xu hướng theo cùng một mô hình đầu tư, vì họ không ràng buộc chặt chẽ với một nguồn cung theo vùng cụ thể”, ông nói.

Truyền thông Trung Quốc: Mỹ đi đường vòng để né lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm

Mỹ, Trung Quốc đạt thỏa thuận khung, mở đường gỡ bỏ hạn chế xuất khẩu đất hiếm
