Ông Trump ra "tối hậu thư" cho Nga, cam kết tăng cường vũ khí cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố viện trợ Patriot cho Ukraine và đe dọa áp trừng phạt toàn cầu nếu Nga không ký thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày. NATO, châu Âu và thị trường toàn cầu dõi theo từng bước đi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng với Phó Tổng thống J.D. Vance, Ngoại trưởng Marco Rubio và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Phòng Bầu dục hôm 14/7. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng với Phó Tổng thống J.D. Vance, Ngoại trưởng Marco Rubio và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Phòng Bầu dục hôm 14/7. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/7 đã công bố gói vũ khí mới cho Ukraine và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia mua hàng hóa xuất khẩu của Nga nếu Moscow không đồng ý một thỏa thuận hòa bình. Đây là một bước chuyển lớn trong chính sách đối ngoại do sự thất vọng ngày càng tăng trước các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Tuy nhiên, lời đe dọa trừng phạt của ông Trump đi kèm với thời hạn ân hạn 50 ngày, điều đã được các nhà đầu tư ở Nga đón nhận tích cực. Đồng rúp phục hồi sau đà giảm ban đầu và thị trường chứng khoán Nga tăng điểm.

Ngồi cùng Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Phòng Bầu dục, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông thất vọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và thông báo rằng Mỹ sẽ gửi hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine.

“Chúng tôi sẽ sản xuất các loại vũ khí tối tân và chúng sẽ được chuyển đến NATO”, ông Trump nói, đồng thời khẳng định các đồng minh NATO của Mỹ sẽ chi trả cho số vũ khí đó.

Gói vũ khí bao gồm cả hệ thống tên lửa phòng không Patriot mà Ukraine đang khẩn thiết yêu cầu.

“Đó sẽ là gói đầy đủ, bao gồm cả giàn bệ phóng”, ông Trump nói. “Một số hệ thống sẽ được chuyển đến trong vài ngày tới...Một vài quốc gia hiện đang sở hữu Patriot sẽ hoán đổi và thay thế bằng các hệ thống mà họ đã đặt”.

Ông cũng cho biết có thể một phần hoặc toàn bộ 17 tổ hợp Patriot đã được các nước khác đặt mua sẽ được chuyển nhanh chóng cho Ukraine.

Ông Rutte xác nhận rằng Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Vương quốc Anh, Hà Lan và Canada đều muốn tham gia vào kế hoạch tái trang bị vũ khí cho Ukraine.

Lời đe dọa của ông Trump về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp nếu được thực hiện sẽ là sự thay đổi lớn trong chính sách trừng phạt của phương Tây. Các nghị sĩ từ cả hai đảng tại Mỹ hiện đang thúc đẩy một dự luật cho phép áp dụng những biện pháp như vậy, nhắm vào các quốc gia vẫn mua dầu mỏ của Nga.

Trong suốt hơn 3 năm chiến tranh, các nước phương Tây đã cắt đứt phần lớn quan hệ tài chính trực tiếp với Moscow, nhưng vẫn chưa thực hiện những bước đi có thể ngăn cản Nga bán dầu cho các nước khác. Nhờ vậy, Nga vẫn kiếm được hàng trăm tỷ USD từ việc xuất khẩu dầu cho các đối tác như Trung Quốc và Ấn Độ.

“Chúng tôi sẽ áp thuế trừng phạt thứ cấp”, ông Trump nói. “Nếu không đạt được thỏa thuận trong 50 ngày, mọi chuyện rất đơn giản: chúng tôi sẽ áp thuế 100%”.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump đang đề cập đến mức thuế 100% đối với hàng hóa Nga, cũng như các biện pháp trừng phạt thứ cấp nhằm vào các quốc gia mua hàng xuất khẩu của Nga.

Hiện đã có 85 trong số 100 thượng nghị sĩ Mỹ đồng bảo trợ một dự luật trao quyền cho ông Trump áp mức thuế lên tới 500% đối với bất kỳ quốc gia nào hỗ trợ Nga. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện đang chờ tín hiệu chính thức từ ông Trump để tiến hành bỏ phiếu.

Tại Kiev, người dân hoan nghênh thông báo này nhưng vẫn giữ thái độ thận trọng trước ý định thực sự của ông Trump.

“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì cuối cùng các chính trị gia châu Âu, bằng sự kiên nhẫn và quyết tâm của họ, đã phần nào kéo ông ấy (Trump) về phía chúng tôi, bởi ngay từ đầu ai cũng biết ông ấy thực sự không muốn giúp đỡ chúng tôi”, Denys Podilchuk, một nha sĩ 39 tuổi sống tại Kiev, chia sẻ.