
Lầu Năm Góc đã xác nhận rằng một tên lửa đạn đạo của Iran đã đánh trúng căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar trong cuộc tấn công hôm 23/6, trái ngược với những lời ca ngợi trước đó của giới chức quốc phòng về hiệu quả của hệ thống phòng không MIM-104 Patriot do Quân đội Mỹ và Không quân Qatar vận hành nhằm bảo vệ căn cứ này.
“Một tên lửa đạn đạo Iran đã đánh trúng căn cứ Al Udeid hôm 23/6, trong khi số còn lại bị hệ thống phòng thủ của Mỹ và Qatar đánh chặn”, người phát ngôn chính của Lầu Năm Góc, Sean Parnell, trong tuần này cho biết. Tuy nhiên, việc Iran đưa ra cảnh báo sớm trước cuộc tấn công đã giúp tránh được thương vong.
Ảnh vệ tinh cho thấy một mái vòm radar bị phá hủy, bên trong là hệ thống liên lạc tiên tiến có giá trị khoảng 15 triệu USD. Dù vậy, chi phí thiệt hại lớn nhất không đến từ thiết bị bị phá hủy, mà từ việc Mỹ phải phóng gần hai chục tên lửa đánh chặn Patriot – với mỗi quả có giá lên tới khoảng 4 triệu USD – để đối phó với các tên lửa Iran.

Mặc dù các tên lửa Fateh-313 mà Iran sử dụng trong vụ tấn công không phải loại hiện đại nhất trong kho vũ khí của nước này, nhưng hệ thống Patriot từ lâu đã bộc lộ nhiều hạn chế khi đánh chặn tên lửa đạn đạo, kể cả những loại đơn giản. Chẳng hạn, khi hệ thống này được triển khai để đối phó với cuộc tấn công bằng tên lửa tự chế của phiến quân Yemen nhắm vào sân bay quốc tế King Khalid ở Riyadh năm 2017, ảnh vệ tinh cho thấy các tên lửa không hề bị tiêu diệt – trái ngược với tuyên bố của giới chức rằng vụ đánh chặn đã thành công.
Một nhóm chuyên gia tên lửa do nhà phân tích Jeffrey Lewis dẫn đầu đã xác nhận điều này. Ông Lewis nói: “Các chính phủ thường nói dối về hiệu quả của những hệ thống này. Hoặc họ bị nhầm lẫn. Và điều đó thật sự đáng lo ngại”.
Hệ thống Patriot cũng từng thể hiện những hạn chế nghiêm trọng trong Chiến tranh vùng Vịnh đầu thập niên 1990. Gần đây, giới quan sát lại chứng kiến hệ thống này tiếp tục bị tổn thất nặng nề trong các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga tại Ukraine.

Người phát ngôn Không quân Ukraine, ông Igor Ignat, ngày 26/5 đã thừa nhận rằng hệ thống Patriot không thể đối phó hiệu quả với các tên lửa Iskander-M của Nga: “Tên lửa Iskander thực hiện các thao tác né tránh ở giai đoạn cuối, khiến tính toán quỹ đạo của Patriot bị vô hiệu hóa... Ngoài ra, Iskander còn có thể thả mồi bẫy khiến tên lửa Patriot bị đánh lừa”.
Phát biểu này được đưa ra sau khi nhiều đoạn video trong hơn một năm qua cho thấy hệ thống Patriot bị phá hủy trong các cuộc tấn công riêng biệt bằng tên lửa Iskander-M. Việc triển khai Patriot ở cả Ukraine lẫn Trung Đông đã làm cạn kiệt nghiêm trọng kho tên lửa phòng không loại này. Vào đầu tháng 7, Lầu Năm Góc xác nhận lượng tên lửa đánh chặn Patriot chỉ còn 25% so với mức cần thiết.
Tình trạng này đặt ra thách thức lớn đối với năng lực phòng không của Mỹ và các đồng minh tại châu Âu, Trung Đông và Thái Bình Dương – nhất là khi nguy cơ xung đột lan rộng tiếp tục gia tăng.

Bị oanh tạc, Iran đòi Mỹ bảo đảm an ninh trước khi trở lại bàn đàm phán

Trung Quốc phủ nhận chuyển giao tên lửa phòng không cho Iran sau đòn không kích của Israel
