
Từ ngày 13 đến 24/6, quân đội Mỹ đã phóng tay sử dụng tên lửa đánh chặn THAAD trên bầu trời Israel. Tư liệu công khai cho thấy ít nhất 39 quả đã được phóng, nhưng theo báo Israel Haaretz, số lượng tiêu hao thực tế lên tới 93 quả, tương đương với việc mỗi phút “đốt” 69.000 USD.
Với giá mua mới nhất 20,5 triệu USD cho mỗi quả, điều này đồng nghĩa với việc chỉ trong 12 ngày, Mỹ đã tiêu tốn 1,2 tỷ USD, tức là trung bình tiêu tốn 100 triệu USD/ngày. Đó chỉ mới là THAAD, chưa tính các hệ thống phòng không khác như Patriot-3 hay Standard Missile (SM). Đây rõ ràng là một cuộc chiến tranh tiêu hao “dùng vàng ném đá” khiến người ta kinh ngạc.
Cuộc xung đột lần này bùng phát giữa liên minh Mỹ-Israel và Iran bằng cuộc oanh kích của các máy bay Israel hôm 13/6 nhằm vào các căn cứ quân sự cùng các cơ sở hạt nhân của Iran, và Iran lập tức phóng tên lửa đáp trả. Trong 12 ngày, phía Iran đã phóng khoảng 530 tên lửa, trong đó 31 tên lửa trúng các khu vực đông dân tại Israel.

Ảnh: Wiki.
Phía Israel tuyên bố tỷ lệ đánh chặn thành công của hệ thống phòng không nước này là 86%, nhưng con số này bị nghi ngờ là phóng đại, do cách tính bỏ qua số lượng tên lửa tự rơi ở các khu vực không người.
Cuộc tấn công tên lửa của Iran đã khiến 36 địa điểm tại Israel trúng đạn, gây ra hơn 3.000 thương vong, nhiều căn cứ quân sự bị tê liệt, nhà máy điện Tel Aviv bị phá hủy khiến toàn thành phố mất điện — những thực tế đau đớn này đã tàn nhẫn đập tan “huyền thoại” về hệ thống THAAD.
Điều đáng báo động là có tới 93 quả tên lửa THAAD được các quân nhân Mỹ phóng ra trong chưa đầy 2 tuần, trong khi hãng Lockheed Martin chỉ sản xuất được từ 36–48 quả mỗi năm, và con số thực tế có thể còn thấp hơn do hạn chế về chuỗi cung ứng và năng lực dây chuyền.
Chi phí là một rào cản lớn cho việc sản xuất số lượng lớn tên lửa. Trong những năm đầu, một quả đạn của hệ thống THAAD chỉ tốn khoảng 12–15 triệu USD, nhưng đến năm 2025, chi phí đã tăng vọt lên 20,5 triệu USD/quả, gần bằng giá một chiếc máy bay huấn luyện Yak-130 của Nga.

Bộ Quốc phòng Mỹ do đó đã phải thắt chặt chi tiêu, chỉ có thể mua với số lượng hạn chế: Năm 2023, mua 18 quả; năm 2024, giảm còn 11 quả; năm 2025, chỉ mua 12 quả.
Với quy mô mua sắm hạn chế như vậy, việc duy trì khả năng phòng thủ tên lửa trong một cuộc chiến cường độ cao gần như là bất khả thi.
THAAD không đủ sức đối phó “mưa tên lửa”
THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao giai đoạn cuối do Mỹ phát triển nhằm phát hiện, theo dõi và đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm trung xa trong giai đoạn cuối khi chúng đang lao xuống mục tiêu, nhưng khi đối mặt với một cuộc tấn công ồ ạt, cường độ cao, hiệu quả so với chi phí của THAAD trở nên rất thấp.
Ngược lại, các tên lửa đạn đạo của Iran rẻ hơn rất nhiều, tạo ra thế trận “rẻ áp đảo đắt”. Việc dùng tên lửa trị giá 20 triệu USD/quả để chặn một tên lửa chỉ tốn vài trăm ngàn, thậm chí vài chục ngàn USD là một bài toán không thể duy trì lâu dài.
Để đối phó với khủng hoảng đạn dược và năng lực sản xuất, Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp: Lầu Năm Góc đã chi 178 triệu USD cho Northrop Grumman mở rộng nhà máy sản xuất động cơ tên lửa; Lockheed Martin hợp tác với L-3 Communications, công ty này trở thành nhà cung cấp đầu dẫn hồng ngoại thứ hai, nhằm giảm áp lực lên chuỗi cung ứng.
Mỹ cũng đang phát triển phiên bản THAAD tăng tầm, đồng thời đầu tư nghiên cứu vũ khí laser, với ưu điểm là chi phí rẻ và phản ứng nhanh – dù vẫn còn nhiều thách thức kỹ thuật và chi phí triển khai.

Hợp tác quốc tế cũng được đẩy mạnh, điển hình là việc Mitsubishi Heavy Industries (Nhật Bản) tham gia sản xuất một phần tên lửa Standard-3, giúp san sẻ gánh nặng công nghiệp.
Lời cảnh báo chiến lược cho quân đội Mỹ
Cuộc chiến lần này là hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng đối với chiến lược quân sự Mỹ. Chiến tranh hiện đại không chỉ là trận đấu về công nghệ, mà còn là cuộc đua về công suất sản xuất và tài chính.
Muốn giữ vững ưu thế, Mỹ phải tìm ra cách tăng hiệu quả chiến đấu với chi phí thấp hơn – nếu không, kho đạn dược khổng lồ đến đâu cũng sẽ cạn kiệt trước các trận “mưa tên lửa” quy mô lớn như của Iran trong cuộc chiến 12 ngày vừa qua.

Mỹ dùng 20% kho tên lửa THAAD trong 11 ngày: Hệ thống phòng thủ toàn cầu lộ hạn chế?

Haj Qassem – tên lửa dẫn đường mới của Iran vượt "Vòm Sắt", đe dọa cả THAAD Mỹ
