
Cái chết của Phó Tư lệnh Hải quân
Ngày 2/7/2025, Phó Tư lệnh Hải quân Nga, Chuẩn đô đốc Mikhail Gudkov đã tử trận tại làng Korenovo, tỉnh Kursk, gần biên giới Nga–Ukraine. Ông thiệt mạng trong một cuộc tấn công chính xác kiểu “chặt đầu” do quân đội Ukraine thực hiện, sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ sản xuất.
Tướng Gudkov, 42 tuổi, là tân Chuẩn đô đốc (Thiếu tướng) được Tổng thống Putin bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Hải quân vào tháng 3, từng là Tư lệnh Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 155 của Hạm đội Thái Bình Dương, được phong danh hiệu Anh hùng nước Nga nhờ thành tích chiến đấu. Đây là vị tướng Nga thứ 10 được xác nhận tử trận trong chiến đấu hoặc các chiến dịch đặc biệt kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra tháng 2/2022.
Tại sao tướng Gudkov lại bị sát hại ngay trong khu vực hậu phương an toàn? Theo một số kênh Telegram của Nga, thời điểm đó đang là dịp Tết Viễn Đông, một số binh sĩ lính thủy đánh bộ Nga đóng tại Kursk đã gọi điện thoại nói chuyện với người thân ở Vladivostok. Việc liên lạc này đã làm lộ vị trí của sở chỉ huy dã chiến. Phía Ukraine nhanh chóng thu được tín hiệu và xác định vị trí, sau đó sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất để tiến hành tấn công. Một quả đạn đã đánh trúng sở chỉ huy, ông Gudkov và các sĩ quan tham mưu đã tử vong ngay tại chỗ.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên! “Thảm kịch đêm Giao thừa” tại Makiivka ngày 1/1/2023 là một vụ tương tự, khi gần 900 lính Nga mới nhập ngũ tụ tập tại một trường học ở tỉnh Donetsk đón năm mới.
Nhiều binh sĩ đã sử dụng điện thoại gọi về nhà, tín hiệu điện thoại dày đặc bị hệ thống trinh sát điện tử của NATO phát hiện, Ukraine sau đó phóng 6 quả M142 HIMARS, 4 quả trúng mục tiêu và kích nổ kho đạn bên trong tòa nhà. Nga sau đó thừa nhận bị 89 người, nhưng phía Ukraine nói con số thực tế hơn 400 người, trở thành vụ tổn thất ngoài chiến đấu nghiêm trọng nhất của Nga kể từ đầu chiến tranh.
Tháng 2/2024, sau khi chiếm được Avdiivka, binh lính Nga chủ quan, dùng điện thoại chúc mừng nhau và bị hệ thống tác chiến điện tử Ukraine định vị, dẫn đến bị trúng 3 quả tên lửa pháo kích làm chết 65 người, buộc một vị tướng đang chuẩn bị đến thăm phải hủy chuyến đi.
Gọi điện cho gia đình rồi bị tấn công, tướng ra tuyến đầu thì bị “chặt đầu”, những chuyện như vậy đã lặp đi lặp lại suốt hơn 3 năm qua. Thế nhưng, phía Nga vẫn chưa thể thực hiện kiểm soát hiệu quả đối với binh sĩ, cho thấy sự tụt hậu nghiêm trọng trong nhận thức về đặc điểm của chiến tranh hiện đại và yếu kém về kỷ luật.
Căn nguyên sâu xa là do sĩ quan và binh lính Nga thiếu hiểu biết về “chiến tranh tín hiệu” trên chiến trường hiện đại, vẫn giữ thói quen dùng điện thoại, gọi video, chụp ảnh gửi lên mạng xã hội – rất dễ bị Ukraine và NATO phát hiện qua hệ thống trinh sát kỹ thuật và giám sát điện tử.

Thêm vào đó, quân đội Nga vẫn duy trì phong cách thời Liên Xô trước kia – tướng lĩnh cấp cao thích tập trung gần chiến tuyến để ra lệnh tại chỗ, thiếu ý thức về nguy cơ của chiến tranh hiện đại. Việc đặt sở chỉ huy quá gần chiến tuyến, mọi người họp một chỗ, nếu bị phát hiện sẽ là “một đòn tiêu diệt gọn”.
Khi điện thoại di động trở thành “ống ngắm”
Lỗ hổng kỹ thuật là nguyên nhân chủ yếu. Phía Ukraine đã dùng thiết bị “giả trạm phát sóng” để lừa binh sĩ Nga kết nối điện thoại, từ đó xác định vị trí thông qua độ mạnh tín hiệu và phương hướng. Ví dụ, hệ thống LEER-3 của Nga cũng có khả năng tương tự: Một hệ thống này có thể định vị 2.000 thiết bị trong bán kính 6 km.
Dù Nga có trang bị các thiết bị chiến tranh điện tử, nhưng họ thiếu sự kiểm soát mạng dân dụng, và quân đội ngoài chiến tuyến thậm chí phải phụ thuộc vào trạm phát sóng dân sự địa phương – điều này khiến Ukraine dễ dàng xâm nhập hoặc phá hủy, rồi sử dụng lại chính hệ thống đó để giăng bẫy lính Nga.
Vì sao binh sĩ Nga không bỏ được điện thoại? Đó là xung đột giữa kỷ luật quân sự và nhu cầu tâm lý con người. Chiến trường căng thẳng tột độ, điện thoại là cầu nối duy nhất với gia đình, bạn bè, giúp giảm căng thẳng. Một binh sĩ Ukraine chia sẻ: “Ở chiến hào vài tuần, con người sẽ phát điên, điện thoại là cách giải cứu duy nhất cho tinh thần”.
Thêm vào đó, tân binh Nga chiếm số lượng lớn, thiếu kỷ luật và ý thức chiến đấu.

Điện thoại – "con dao hai lưỡi" trên chiến trường
Tháng 7/2024, Duma Quốc gia Nga thông qua luật mới, cấm binh sĩ dùng điện thoại ở tiền tuyến: vi phạm lần đầu bị câu lưu 10 ngày, tái phạm có thể bị giam giữ đến 15 ngày; nghiêm cấm mang theo bên mình các thiết bị thông minh có chức năng định vị, bao gồm điện thoại thông minh.
Nhưng thực thi lại rất khó khăn. Mỹ cũng từng cấm binh sĩ dùng điện thoại ở Iraq, nhưng lại khiến binh lính lén mang “điện thoại ngoài sổ sách” (không khai báo). Ở Trung Đông, Israel cũng từng nhiều lần dùng cách định vị điện thoại để tiêu diệt chính xác các lãnh đạo Iran, thậm chí đe dọa ám sát lãnh tụ tối cao Khamenei, khiến ông phải ẩn náu dưới hầm và không dùng bất kỳ thiết bị hiện đại nào.
Nga cũng tìm cách biến điện thoại thành công cụ phòng thủ. Một tổ chức dân sự đã phát triển ứng dụng App “Radar Nhân dân”, phát động 300.000 dân thường báo cáo qua điện thoại vị trí UAV Ukraine khi phát hiện thấy để hỗ trợ hệ thống phòng thủ. Ứng dụng này đã biến điện thoại di động thành công cụ phục vụ chiến đấu.
Tuy vậy, cấm dùng điện thoại trên chiến trường vẫn là nguyên tắc bất di bất dịch, nếu không muốn trả giá đắt. Điện thoại có hiệu ứng “con dao hai lưỡi”, rủi ro của nó là không thể đảo ngược, nhưng sử dụng phải có kiểm soát. Điện thoại thông minh hiện đại có nhiều cảm biến, đều có thể bị lợi dụng làm nguồn phát tín hiệu.
Mỹ đã cấm toàn bộ thiết bị thông minh trong các đơn vị chiến đấu từ năm 2018. Đồng thời, phương Tây đang phát triển “mạng điện thoại di động chiến trường”, như hệ thống Portable Hive Network của Mỹ – thiết bị này được gia cố, mã hóa, tích hợp các khả năng liên lạc, trinh sát và điều khiển UAV.
Điện thoại di động biến thành “thần chết kỹ thuật số”, về bản chất do các nguyên nhân: Kỷ luật quân đội lỏng lẻo và chênh lệch công nghệ lớn. Bài học tổn thất nghiêm trọng của quân đội Nga là minh chứng cho lời cảnh báo của Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ: “Mỗi lần bấm phím điện thoại, là đang đánh cược cả mạng sống”.
Quân đội các nước cần tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu con người và sự sống còn trên chiến trường. Dù là áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn hay phát triển các thiết bị quân sự thông minh an toàn hơn, cốt lõi vẫn là phải phá vỡ nghịch lý: “Công nghệ càng tiên tiến, thương vong càng vô lý”.

Ông Trump ra "tối hậu thư" cho Nga, cam kết tăng cường vũ khí cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Đức tuyên bố sẵn sàng tiêu diệt lính Nga, Điện Kremlin cảnh báo
