Trong một bản báo cáo vừa được công bố, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã đưa ra dự đoán là nợ công của Ukraine vào năm 2020 sẽ lên tới 2,27 nghìn tỷ grivna (khoảng 103 tỷ USD theo tỷ giá hiện hành) và có thể sẽ còn tăng lên nữa, nếu cuộc nội chiến ở miền đông nước này kéo dài.
Như vậy, tổng nợ quốc gia của Ukraine sẽ tăng gần gấp đôi, hiện giờ con số đó là 1,27 nghìn tỷ grivna (tương đương 57,7 tỷ USD). Nợ công nội bộ sẽ lên tới 863,6 tỷ hryvnia (gần 40 tỷ USD), nợ nước ngoài là 1,4 nghìn tỷ grivnia (tương đương 64,6 tỷ USD).
Theo dự báo của IMF, đến cuối năm 2015, nợ công của Ukraine sẽ tăng lên đến 94% GDP, so với 73% GDP vào cuối năm 2014. Theo kết quả này, Ukraine sẽ là một trong những con nợ lớn nhất trong số các nước đang phát triển, chỉ đứng sau những nước cực nghèo như Lebanon, Jamaica và một số nước nghèo nhất châu Phi.
Tuy nhiên, những số liệu này được xây dựng trên cơ sở “Thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2” được tuân thủ nghiêm túc khiến hòa bình được lập lại ở Donbass, còn nếu cuộc nội chiến giữa Kiev và lực lượng ly khai Donetsk và Lugansk lại bùng phát thì con số sẽ còn tăng lên hơn nữa.
Ngày 12-3 vừa qua, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thừa nhận rằng, những cam kết tài chính hiện nay là không đủ để giúp nước này khôi phục lại nền kinh tế. Hiện nay, Ukraine cần tới 40 tỷ USD hỗ trợ tài chính để tránh xảy ra thảm trạng sụp đổ nền kinh tế.
Trong ngày 11/03, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đồng ý cho Ukraine vay thêm 17,5 tỷ USD trong bốn năm. Năm ngoái, IMF đã cho Ukraine vay 17 tỷ USD trong hai năm, nhưng khoản tiền này như muối bỏ bể, không đủ để giúp chính phủ Ukraine trả nợ chứ đừng nói là vực dậy nền kinh tế.
Trong đó, 5 tỉ USD vay nóng sẽ được cung cấp ngay vào cuối tuần này, 5 tỷ đô la Mỹ nữa sẽ được chuyển giao trong vài tháng tới, 7,5 tỷ còn lại sẽ do các tổ chức tài chính quốc tế khác cho vay, nhằm giúp nước này “cải tổ” nền kinh tế đang trên bờ vực phá sản.
Tuy nhiên, khoản vay đó chưa đáp ứng được một nửa nhu cầu, trong khi Ukraine khó có thể trông chờ vào gói hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu, bởi những khoản tiền này thường rất “nhỏ giọt”, mà còn đi kèm nhiều điều kiện cải cách cơ cấu kinh tế, điều mà Ukraine không thể làm nổi trong điều kiện hiện nay.
Ngay cả khi hòa bình lập lại, tái thiết đất nước cũng ngốn một khoản tiền khổng lồ
Bởi vậy, một quốc gia châu Âu khác là Thụy Điển đã cam kết cung cấp khoản vay 100 triệu USD cho Ukraine. Chính phủ nước này ngày 11/03 đã đồng ý cung cấp khoản vay mà không tính lãi suất và sẽ được thanh toán vào đầu năm 2016, nhằm giúp Kiev vượt qua những khó khăn hiện nay về kinh tế.
Tuy nhiên, hiện Ukraine vẫn còn đang nợ rất nhiều, trong đó chỉ riêng nợ Nga đã vào khoảng hơn 6 tỷ USD tiền nợ khí đốt và khoản tiền trái phiếu điện Kremlin mua của Kiev hồi cuối năm 2013. Nếu Moscow đòi khoản tiền này thì ngay lập tức Kiev sẽ lâm vào tình trạng khó khăn.
Bởi vậy, đầu tháng này, ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin vừa thực hiện chuyến đi hai ngày đến Nhật Bản nhằm tìm kiếm một khoản vay dài hạn mới. Đầu tiên, Kiev dự định yêu cầu Tokyo cung cấp khoản tín dụng trị giá 100 tỷ USD, nhưng sau được rút xuống còn… 1,8 tỷ USD.
Cuối tháng 2 vừa qua, Kiev đã phải quay sang cầu cứu Bắc Kinh. Ngân hàng quốc gia Trung Quốc đã đồng ý cung cấp cho Tập đoàn khí đốt "Naftogaz" của Ukraine khoản tín dụng 3,6 tỷ USD. 60% số tiền thuộc khoản vay này dùng để mua thiết bị Trung Quốc, 40% sẽ được chi tiêu vào việc tăng cường hiệu quả của ngành kỹ thuật cơ khí.
Với tình trạng chỉ có vay mà không trả được như hiện nay, nếu Kiev cuộc chiến chống lực lượng ly khai thuộc Nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng (DPR và LPR) còn kéo dài, thì chắc chắn Kiev sẽ nhanh chóng trở thành “con nợ” lớn nhất thế giới.
Theo: BizLive