Học giả Mỹ: “Chiến binh sói đã giết chết chiến lược lớn của Trung Quốc”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Sulmaan Wasif Khan, Trợ lý giáo sư tại Học viện Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts, Hoa Kỳ đã viết bài cho rằng các Chiến lang (chiến binh sói ) đã giết chết chiến lược lớn của Trung Quốc .
Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã thực hiện cải cách quân đội để hiện đại hóa quốc phòng (Ảnh: Getty).
Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã thực hiện cải cách quân đội để hiện đại hóa quốc phòng (Ảnh: Getty).

Trong bài viết nhan đề “Wolf Warriors Killed China’s Grand Strategy” (Các Chiến binh sói đã giết chết chiến lược lớn của Trung Quốc) đăng trên trang Foreign Policy (Chính sách đối ngoại) ngày 28/5, học giả Wasif Khan chỉ ra rằng với tâm trạng không kiểm soát được, các nhà ngoại giao Sói chiến (ám chỉ những người hung hăng, hiếu chiến) đã liên tục công kích các quốc gia khác bằng những lời lẽ gay gắt. Những hành động như vậy không chỉ vô nghĩa mà còn đi ngược lại với chiến lược lớn đòi hỏi hành động bình tĩnh, cuối cùng khiến cho chiến lược lớn của Trung Quốc dần dần bị bóp chết. Điều đáng lo ngại là sự thay đổi này khiến Bắc Kinh và thế giới lâm vào nguy hiểm.

Bài báo chỉ ra rằng vào một thời điểm trong năm 2020, Bắc Kinh đột ngột rời bỏ chiến lược lớn của chính họ. Trước đó, các hành động ngoại giao, quân sự và kinh tế của Trung Quốc đều nhằm phục vụ các mục tiêu an ninh quốc gia; tuy nhiên, gần đây Bắc Kinh đã đánh mất đặc điểm chiến lược lớn này. Chuẩn tắc hành động của Trung Quốc đại lục hiện nay không dựa trên chiến lược lớn, mà là dùng thái độ hiếu chiến triển khai chủ nghĩa dân tộc phòng ngự, và dùng những lời lẽ mạnh mẽ bất chấp hậu quả để tấn công.

Ông Sulmaan Wasif Khan, Trợ lý giáo sư tại Học viện Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts, Mỹ (Ảnh: supchina).

Ông Sulmaan Wasif Khan, Trợ lý giáo sư tại Học viện Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts, Mỹ (Ảnh: supchina).

Mặc dù nguyên nhân của sự sụp đổ này hiện vẫn chưa được làm rõ, nhưng rõ ràng là những thay đổi như vậy đã khiến cả Trung Quốc và thế giới đều gặp nguy hiểm. Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể phải trả cái giá lớn nhất kể từ khi họ lên nắm quyền, để rồi rơi vào nguy cơ mất tất cả. Đối với các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, họ thấy mình không phải đối mặt với một cường quốc đang trỗi dậy với những hành vi có thể đoán trước một cách hợp lý, mà là một cường quốc đang sụp đổ.

Tác giả giải thích rằng một chiến lược lớn có thể tích hợp các loại lực lượng khác nhau để đạt được mục tiêu tổng thể. Mặc dù cách mỗi quốc gia xác định mục tiêu tổng thể và cách kết hợp ngoại giao, quân sự và kinh tế để đạt được mục tiêu của họ khác nhau, nhưng có một số đặc trưng chung khá rõ ràng. Thứ nhất, chiến lược lớn có tính dài hạn, không chỉ là bây giờ hay ngày mai, mà là nhìn ra 10 năm tới. Thứ hai, chiến lược lớn sẽ xem xét các yếu tố khác nhau, từ vấn đề hạt nhân Iran, vấn đề môi trường, giá khoai tây cho đến hiện đại hóa quân sự, vì tất cả đều liên quan đến mục tiêu tổng thể. Thứ ba, chiến lược lớn có tính linh hoạt, nếu con đường này không thể đi đến nơi ta muốn, ta sẽ chuyển sang con đường khác.

Hội đàm Alaska - cuộc gặp gỡ các quan chức cấp cao Trung Quốc và Mỹ đầu tiêm dưới thời Joe Biden không đạt kết quả gì (Ảnh: Getty).

Hội đàm Alaska - cuộc gặp gỡ các quan chức cấp cao Trung Quốc và Mỹ đầu tiêm dưới thời Joe Biden không đạt kết quả gì (Ảnh: Getty).

Bài báo của Wasif Khan viết, từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình, Trung Quốc đã luôn cố gắng kết hợp các lực lượng ngoại giao, kinh tế và quân sự để đảm bảo an ninh quốc gia. Về ngoại giao, bằng cách tìm kiếm sự cân bằng quyền lực, Bắc Kinh đã khiến họ ở gần các cường quốc khác trên thế giới hơn so với các cường quốc này với nhau. Đối với một quốc gia không an toàn, việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp là rất có ý nghĩa, điều này cũng có nghĩa là ngay cả khi hai bên có sự khác biệt, đối thoại vẫn phải được tiếp tục. Về kinh tế, Trung Quốc ra sức xây dựng nền kinh tế sản xuất, một mặt có thể viện trợ nước ngoài, mặt khác thu hút sự ủng hộ của dân chúng, cung cấp tiền vốn cho hiện đại hóa quân đội.

Mặc dù trong lịch sử trước đây của Trung Quốc từng có những chính sách sai như Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa, nhưng trong hầu hết các trường hợp, các chính sách của Bắc Kinh khá hợp lý và có tầm nhìn hướng tới tương lai. Dù trong Chiến tranh Triều Tiên hay ngân sách quân sự trong những năm gần đây, những cân nhắc của họ đều dựa trên nền tảng an ninh lâu dài. Ngay cả với những sai lầm về chính sách, vẫn có không gian để đánh giá lại; ví dụ, việc cắt giảm viện trợ nước ngoài trong thời kỳ Mao Trạch Đông đã mang lại cho Đặng Tiểu Bình một nền tảng tài chính tương đối ổn định.

Trung Quốc chuẩn bị kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7/1921 - 1/7/2021), chân dung ông Tập Cận Bình được treo bên cạnh ông Mao Trạch Đông tại Bảo tàng Diên An (Ảnh: Getty).

Trung Quốc chuẩn bị kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7/1921 - 1/7/2021), chân dung ông Tập Cận Bình được treo bên cạnh ông Mao Trạch Đông tại Bảo tàng Diên An (Ảnh: Getty).

Tác giả phân tích cho rằng chiến lược lớn kéo dài hàng thập kỷ sẽ không đột nhiên tiêu vong. Cái chết của nó là một quá trình lâu dài, thỉnh thoảng có những dấu hiệu cảnh báo trước. Trong thời kỳ của ông Tập Cận Bình, chúng ta có thể thấy sự tích tụ của các chính sách phản tác dụng, cuối cùng dẫn đến sự bóp chết chiến lược lớn.

Điều quan trọng hơn là, ngoại giao Chiến lang có thể được coi là một thay đổi lớn. Hai đặc điểm khiến ngoại giao Chiến lang trở nên độc đáo khác người là: Thứ nhất, ý nghĩa của hành động không rõ ràng. Tác giả cho rằng trong cuộc hội đàm Alaska giữa Mỹ và Trung Quốc, biểu hiện cứng rắn của nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì có thể được cho là gay gắt khắc bạc; nhưng không thể phủ nhận rằng nó có mục đích và là một nỗ lực để cứu lấy thể diện của người Trung Quốc. Kiểu suy nghĩ này tập trung vào việc vạch ra giới hạn cuối cùng trước để không bị thua thiệt trước khi giải quyết hoặc không giải quyết được những khác biệt. Dương Khiết Trì không phải là một nhà ngoại giao sói chiến.

Ngược lại, những thuyết âm mưu của những người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên và Hoa Xuân Oánh trên Twitter về COVID-19, hay cuộc chiến thương mại chống lại Australia, dường như hoàn toàn vô nghĩa. Vì điều này đã khiến Australia tức giận và kêu gọi một cuộc điều tra về việc Bắc Kinh xử lý đại dịch. Nói cách khác, kiểu phản ứng “phản xạ đầu gối” của hai người này thiếu các hành động bình tĩnh cần thiết cho chiến lược lớn.

Thứ hai, Bắc Kinh đã không kiểm soát được sự nóng nảy của mình. Ngay cả khi ông Giang Trạch Dân khuyến khích người dân biểu tình phản đối việc Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư trước đây, ông cũng đã cẩn thận chỉ thị không để chủ nghĩa dân tộc đi quá mức. Ở Trung Quốc luôn tồn tại chủ nghĩa dân tộc và đôi khi nó phản tác dụng; nhưng nhìn chung, Bắc Kinh vẫn hoạt động có mục đích và tính toán kỹ lưỡng. Tuy nhiên, một sự thay đổi lớn đã diễn ra vào năm 2020, đó là chủ nghĩa dân tộc đã trở thành dòng chính của hành vi của Trung Quốc. Kể từ đó, giới ngoại giao Trung Quốc đã rầm rộ tung tin đồn về đại dịch COVID-19, lớn tiếng tranh cãi với Australia và đe dọa bất cứ ai tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 sẽ phải đối mặt với hậu quả đáng sợ.

Tác giả Wasif Khancho rằng lý do khiến Trung Quốc từ bỏ chiến lược lớn là do Mỹ đang suy yếu và họ đã có thể thay thế, đây là cơ hội tốt để họ tích lũy thêm sức mạnh. Tuy nhiên, điều này đang làm lãng phí tất cả những lợi thế họ có thể giành được vào năm 2020, đặc biệt là khi đó nước Mỹ đang hỗn loạn. Một lời giải thích khác là Bắc Kinh cảm thấy họ đã hùng mạnh và có thể thoát khỏi hình ảnh hiếu chiến bất cứ lúc nào, nhưng nó cũng nêu bật một vấn đề khác, đó là tại sao họ lại lãng phí năng lượng của mình vào những việc không khôn ngoan.

Wasif Khan cho rằng Trung Quốc đã bị hại bởi sự thao túng lâu dài của chủ nghĩa dân tộc. Họ gắn Đài Loan với sự phục hưng dân tộc, người Nhật không chịu xin lỗi về Thế chiến thứ Hai và sự xâm lược của phương Tây, tất cả các luận điểm ấy thâm nhập vào chiến lược lớn, cuối cùng trở thành không thể duy trì được.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên được truyền thông quốc tế đánh giá là một nhân vật Chiến lang (Ảnh: Getty).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên được truyền thông quốc tế đánh giá là một nhân vật Chiến lang (Ảnh: Getty).

Nhưng Wasif Khan cũng cho rằng, nỗi sợ hãi của Bắc Kinh đối với thế giới bên ngoài không phải là không có lý. Nỗi ám ảnh sợ Trung Quốc lan truyền trong thời kỳ Donald Trump tiếp tục kéo dài sang thời kỳ Joe Biden. Ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn đang tập trung vào việc đối đầu với Trung Quốc và Đối thoại An ninh 4 bên (Quad) dường như để bao vây kiềm chế Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo của Trung Nam Hải sẽ vô trách nhiệm nếu họ không xem xét những sự việc này một cách nghiêm túc. Vấn đề nằm ở chỗ không phải là tìm ra mối đe dọa, mà phản ứng kiểu Chiến lang không phải là sự bình tĩnh đánh giá mối đe dọa, tìm ra hướng hành động tốt nhất, mà là hành động từ sự tức giận.

Tác giả Wasif Khan cũng cho rằng mặc dù chiến lược lớn của Trung Quốc đang dần bị lụi tàn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị bóp chết. Một phần lý lẽ khiến người ta liên tưởng đến phong cách ngoại giao hợp lý của Trung Quốc trong quá khứ. Ví dụ rõ ràng nhất, cuộc tranh luận về việc cắt giảm Sáng kiến ​​"Vành đai và Con đường" cho thấy vẫn có những nhóm trong giới ra quyết định ở Trung Quốc tập trung vào việc đánh giá lợi ích. Kể từ năm 2015, Bắc Kinh cũng cố gắng cải thiện quan hệ với Tokyo; thậm chí cuộc đụng độ quy mô nhỏ với Ấn Độ không phải là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc mù quáng, mà là một chính sách ngoại giao thuần thục sử dụng vũ lực hợp lý để bảo vệ đường biên giới mong manh. Tất cả những điều này cho thấy Bắc Kinh vẫn có đầu óc tính toán tỉnh táo và vẫn có cơ hội để chiếm thế thượng phong.

(Theo China Times).