Ngoại giao Chiến lang lại gây nên rắc rối trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hai chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ phê phán chính sách của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nhưng họ không ngờ lại bị đại sứ quán Trung Quốc tại Ankara chỉ trích mạnh mẽ.
Đại sứ Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ Lưu Thiếu Bân (trái), người bị triệu tập hôm 6/4 về hai bản tweet gây hấn (Ảnh: ETtoday).
Đại sứ Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ Lưu Thiếu Bân (trái), người bị triệu tập hôm 6/4 về hai bản tweet gây hấn (Ảnh: ETtoday).

Ngày 6/4, "Đại sứ quán Trung Quốc" đã trở thành một trong những hashtag phổ biến nhất trên mạng xã hội Twitter của Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bản tweet kiểu ngoại giao “chiến lang” của đại sứ quán Trung Quốc đã khiến người dùng Thổ Nhĩ Kỳ tức giận và tấn công. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Lưu Thiếu Bân tới để bày tỏ sự bất bình.

Dư luận Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận trước những đoạn tweet của Sứ quán Trung Quốc

“Các ông muốn đuổi lãnh đạo đảng chính trị và thị trưởng Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi nhà họ sao?”, “Ông muốn đưa họ vào trại tập trung chắc?” “Hãy là một đại sứ quán, đừng như một băng đảng mafia”, “Đây là Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, không phải Hồng Kông”... Tám giờ sau khi hai bản tweet của Đại sứ quán Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ được gửi đi vào ngày 6/4, một trong số đó đã nhận được hơn 8.000 lời bình. Hầu hết các lời bình đều chỉ trích đại sứ quán Trung Quốc vi phạm lễ tiết ngoại giao và vượt qua ranh giới đỏ.

Theo hãng tin Anh Reuters và hãng thông tấn chính thức Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, nguyên nhân vụ việc là do lãnh đạo phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ Meral Aksener và Thị trưởng Ankara Mansur Yavas, những người hôm 5/4 đã bày tỏ quan điểm về các vấn đề liên quan đến Tân Cương trên Twitter.

Hai người đã tweet để kỷ niệm 31 năm ngày xảy ra sự kiện được họ gọi là "Cuộc nổi dậy Tân Cương" (cuộc nổi dậy chống chính quyền địa phương của người Duy Ngô Nhĩ ở thị trấn Baren, Tân Cương từ ngày 5 đến 6/4/1990). Bà Meral Aksener viết: "Chúng ta sẽ không bao giờ quên những người anh em bị nhốt trong lồng. Chúng ta sẽ không im lặng trước việc họ bị đàn áp liên tục. Đông Turkistan một ngày nào đó chắc chắn sẽ được tự do", “Chúng ta sẽ không giữ im lặng trước việc họ bị đàn áp và tử vì đạo”. Ông Mansur Yavas viết: “Chúng ta vẫn có thể cảm nhận được nỗi đau do vụ thảm sát năm 1990 gây ra”.

Một bản tweet gây nên sóng gió của Sứ quán Trung Quốc ở Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Lianhezaobao).

Một bản tweet gây nên sóng gió của Sứ quán Trung Quốc ở Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Lianhezaobao).

Đại sứ quán Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tweet để đáp lại vào ngày 6/4: "Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương là một phần lãnh thổ Trung Quốc không thể xâm phạm. Đây là sự thật được quốc tế chấp nhận và không thể chối cãi". Họ cũng viết trong một dòng tweet khác: "Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ thế lực nào thách thức chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào và chúng tôi cực lực lên án việc này". Tuyên bố cũng nêu rõ: "Trung Quốc có quyền đáp trả hợp pháp."

Trong hai dòng tweet trên, Đại sứ quán Trung Quốc đều gắn tên tài khoản của bà Meral Aksener và ông Mansur Yavas, ý nói rằng họ đang phản hồi lại các dòng tweet của hai người.

Đã có hơn 10.000 bình luận trên Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ, và nhiều cư dân mạng Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích chính sách Tân Cương của Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc sau đó đã đăng lại một dòng tweet về các vấn đề liên quan đến Tân Cương của bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, có nội dung “Terrorism is terrorism” (Khủng bố là khủng bố).

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nội dung các bài đăng trên mạng xã hội của Đại sứ quán Trung Quốc đã gây ra sự không hài lòng và Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/4 đã triệu tập Đại sứ Lưu Thiếu Bân về việc này.

Nhiều tổ chức phi chính phủ và quốc gia đã cáo buộc Trung Quốc bức hại người Duy Ngô Nhĩ, họ cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã giam giữ hơn một triệu người Hồi giáo dân tộc Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung.

Bà Meral Aksener, thủ lĩnh đảng IYI đối lập, người bị Sứ quán Trung Quốc chỉ trích trong bản tweet (Ảnh: Getty).

Bà Meral Aksener, thủ lĩnh đảng IYI đối lập, người bị Sứ quán Trung Quốc chỉ trích trong bản tweet (Ảnh: Getty).

Trung Quốc phản bác nói đây là các trung tâm đào tạo việc làm được thành lập để giúp người Duy Ngô Nhĩ tìm việc làm và tránh xa chủ nghĩa khủng bố.

Người ta ước tính hiện có khoảng 50.000 người Duy Ngô Nhĩ sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chạy khỏi Tân Cương. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã là nước bảo vệ nhân quyền chính của người Uyghur. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ hiếm khi lên tiếng tham gia chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Tân Cương.

Một số nhà quan sát cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đồng thời, trước sự lây lan của đại dịch COVID-19, Thổ Nhĩ Kỳ cần vaccine của Trung Quốc, vì vậy gần đây Ankara vẫn giữ im lặng về vấn đề Tân Cương.

Những biến số trong tình hữu nghị Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ

Theo trang Lianhezaobao của Singapore ngày 7/4, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ và thành viên của NATO, nhưng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã gặp phải nhiều vấn đề trong những năm gần đây. Khi Ngoại trưởng Antony Blinken nhậm chức, ông đã nói Thổ Nhĩ Kỳ không hành xử như một đồng minh của Mỹ.

Cuối năm ngoái, chính phủ Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất.

Ngược lại, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đang trên đà phát triển. Thổ Nhĩ Kỳ luôn đóng vai trò chủ chốt trong các vấn đề sắc tộc và tôn giáo ở Tân Cương. Vì tiếng Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ đều là ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ, chính sách Tân Cương của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thái độ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Tân Cương có xu hướng hòa dịu.

Vào tháng 9 năm ngoái, tờ Frankfurter Rundschau (Bình luận Frankfurt) của Đức đã đưa tin về kế hoạch đầu tư quy mô lớn của Bắc Kinh vào Thổ Nhĩ Kỳ với tiêu đề "Mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc đang nồng ấm". Bài báo viết rằng do dịch bệnh COVID-19 và các lý do khác, chiến lược mở rộng và ước mơ vươn lên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã bị ảnh hưởng nặng nề, nền kinh tế cũng suy giảm nghiêm trọng. Đối với Erdogan, người đang gặp khủng hoảng sâu sắc, tiền vốn từ Trung Quốc không khác nào được cho củi trong lúc tuyết rơi, giúp ông vượt qua khó khăn.

Bài báo phân tích chỉ ra rằng kế hoạch "Vành đai, con đường" của Trung Quốc đã rót vốn vào Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Trung Quốc đã có được cửa ngõ vào châu Âu, nhờ đó có được ảnh hưởng địa chính trị lớn hơn và khả năng thao túng vốn.

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, Trung Quốc đã cung cấp một số lượng lớn vaccine cho Thổ Nhĩ Kỳ và tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đối với vaccine Sinovac tại nước này. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả Tổng thống Erdogan, đã tiêm chủng vaccine Sinovac.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc (Ảnh: Lianhezaobao).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc (Ảnh: Lianhezaobao).

Vào cuối tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã bắt đầu chuyến thăm tới 6 quốc gia ở Trung Đông. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vào ngày 25/3, ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại đại dịch "cho đến khi giành được thắng lợi hoàn toàn".

Ông Vương Nghị cũng nhấn mạnh rằng bản chất của vấn đề Tân Cương là cuộc chiến chống bạo lực, khủng bố và chủ nghĩa ly khai, đồng thời hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục dành cho Trung Quốc sự hiểu biết và ủng hộ Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm lớn.

Tờ Kinh tế Nhật báo của Hong Kong bình luận Trung Quốc đã chơi "quân bài Trung Đông" để đột phá vòng vây của Mỹ. Ý nghĩa chuyến đi Trung Đông của ông Vương Nghị không chỉ là mở rộng ảnh hưởng địa chính trị và thúc đẩy sáng kiến ​​"Vành đai và Con đường", mà có ý nghĩa sâu xa hơn: liên kết các quốc gia có mâu thuẫn với Mỹ, biến họ thành bạn của Trung Quốc, thiết lập một ván cờ chống lại Mỹ.

Tuy nhiên, những bản tweet mới nhất liên quan đến Tân Cương cho thấy vấn đề Tân Cương vẫn rất nhạy cảm và vẫn có những biến số trong quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.