|
Tranh gốc của họa sĩ Hà Hùng Dũng bị ngang nhiên sao chép kinh doanh kiếm lời |
Hơn chục bức tranh bỗng nhiên "sang nhà khác"
Mới đây, họa sĩ Hà Hùng Dũng đã phát hiện một cá nhân tự xưng là shop Tranh tường, đăng tải trên trang cá nhân và trên trang fanpage rất nhiều tác phẩm hội họa là sáng tạo của anh.
Nhìn hàng lô những “đứa con tinh thần” dứt ruột đẻ ra bỗng nhiên “về nhà người khác”, lại được quảng bá rùm beng, rao bán một cách công khai, họa sĩ Hà Hùng Dũng vô cùng bức xúc. Vì thế, ngày 17/5 anh đã nhờ một số người quen hỗ trợ, vào tận nhà hàng Mẩy Club, thuộc khách sạn Pao (thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai) nơi đang trang trí rất nhiều các tác phẩm vi phạm bản quyền tranh nghệ thuật của anh, để chụp hình lưu lại làm bằng chứng.
Họa sĩ Hà Hùng Dũng đếm được số tranh ngang nhiên sao chép tác phẩm của anh lên tới 15 bức. Đó mới chỉ là một cơ sở kinh doanh đang sử dụng dịch vụ của shop Tranh tường. Vậy với hoạt động mạnh mẽ của Shop nói trên, sẽ còn biết bao nhiêu công trình khác nữa đang sử dụng những sản phẩm “ăn cắp” bản quyền, “ăn cướp” chất xám – lao động nghệ thuật thực sự của người khác?
|
Các bức tranh gốc của họa sĩ Hà Hùng Dũng bị sao chép
|
Biện minh để che đậy sự vi phạm
Khi VietTimes liên lạc tới số điện thoại của shop Tranh tường nói trên, chủ shop cho biết mình chính là người giữ số điện thoại hot-line của shop và thừa nhận “Em không lấy nhiều, chỉ lấy tầm chục bức thôi” (!?).
Họa sĩ Hà Hùng Dũng rất bất bình bởi mỗi đứa con tinh thần đều là những trăn trở khó nhọc của người sáng tạo, mà bị shop Tranh tường ngang nhiên sao chép không hề hỏi ý kiến, không trả tiền bản quyền, vi phạm pháp luật, khi sử dụng để kinh doanh tác phẩm như là của họ.
Chủ shop Tranh tường đã vi phạm tác quyền vẫn cố gắng biện minh cho hành động của mình bằng cách nói rằng: “Em chỉ vô tình search trên mạng, thấy đẹp thì em đưa vào công trình”.
Sự tiện lợi của xã hội kỹ thuật số đã bị lợi dụng. Các họa sĩ sau khi hoàn thiện sáng tác của mình thì đưa lên trang web cá nhân, hoặc facebook cá nhân, hoặc các trang mạng xã hội, rồi bị những người khác làm cho “tam sao thất bản” và đối tượng vi phạm có thể dễ dàng lấy về để sử dụng như “của chùa”. Nhiều chủ nhà hàng khách sạn không biết hoặc cố tình không biết đến vấn đề tác quyền, đ kinh doanh kiếm lời trên mồ hôi, công sức, chất xám của người khác.
Nhưng khi đã có họa sĩ xuất hiện và có đủ chứng cứ về tác phẩm gốc vẫn còn đang lưu giữ, thì giải pháp để giải quyết những vi phạm này thế nào?
Chủ shop nói đang trao đổi với họa sĩ Hà Hùng Dũng và sẽ trả lời về biện pháp xử lý sai phạm sau. Nhưng suốt cả buổi tối ngày 17/5, khi phóng viên VietTimes liên tục liên lạc tới số điện thoại hot-line này thì chủ shop tắt máy, không nghe nữa.
|
Tác phẩm tranh gốc của họa sĩ Hà Hùng Dũng bị vi phạm bản quyền bán thu lời
|
Cương quyết xử lý vi phạm
Họa sĩ Đinh Thanh Vân (thường gọi là Vân Hoa) cũng bức xúc: "Vi phạm pháp luật như thế chỉ có thể là thợ vẽ, không thể gọi các đối tượng sao chép trái phép như vậy bằng từ gì tôn trọng hơn được".
Họa sĩ Hà Hùng Dũng cho biết, sau cuộc trao đổi với chủ shop nói trên, anh ta vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra, không xin lỗi mà chỉ nói: “sẽ lên Sa Pa xóa các bức tranh đó đi” nhưng không nói cụ thể là bao giờ xóa, shop đã kinh doanh tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng ở bao nhiêu công trình và biện pháp đền bù thiệt hại cho họa sĩ như thế nào? “Chủ shop có nói với tôi: Em chỉ làm những công trình lớn thôi” – Họa sĩ Hà Hùng Dũng cung cấp.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (cháu ngoại của họa sĩ tiền bối Nam Sơn) cho rằng: “Không chỉ có người sao chép tác phẩm của họa sĩ mới vi phạm pháp luật mà cả người sử dụng tác phẩm phạm pháp cũng đang vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm liên đới. Còn việc hai bên liên quan đó xử lý với nhau như thế nào thì theo điều khoản của hợp đồng hợp tác”.
Ông Ngô Kim Khôi đánh giá: “Nhiều đại gia Việt đã biết chơi tranh, đó là tín hiệu đáng mừng cho mỹ thuật Việt. Tuy nhiên, muốn chơi tranh thì phải học, kiến thức mỹ thuật không có thì không mấy người nhìn ra tranh giả, tranh thật”.
Họa sĩ Hà Hùng Dũng cho biết anh rất bức xúc về việc bị “ăn cướp” sở hữu trí tuệ ngang nhiên để kinh doanh kiếm lời như thế, nên anh đang làm việc với luật sư để làm việc với chủ shop Tranh tường nói trên, cũng như chủ sở hữu khách sạn Pao ở Sa Pa - nơi đang trang trí những bức tranh vi phạm bản quyền. “Nếu hai bên liên quan không chịu giải quyết, tôi sẽ kiện ra tòa án có thẩm quyền” – Họa sĩ Hà Hùng Dũng tuyên bố.
Biết sửa sai thì có thể tha thứ Họa sĩ Đặng Tiến cho biết một cơ sở trang trí nội thất tại Hà Nội đăng quảng cáo, trong đó có 3 bức tranh chép từ tranh của ông. Khi liên lạc với chủ cơ sở nói trên, ông đã nhanh chóng nhận được lời xin lỗi, với những trao đổi có văn hóa. Chủ cơ sở trang trí nội thất đã gửi tới họa sĩ Đặng Tiến toàn bộ hình ảnh chụp lại quá trình hủy những bức tranh chép vi phạm bản quyền. “Mặc dù chẳng thấy hay ho gì chuyện này, nhưng tôi cũng ghi nhận chủ cơ sở có thiện ý sửa sai. Mong sao những chuyện tương tự ngày càng hạn chế! Họa sĩ làm ra tác phẩm là bỏ sức lực, trí tuệ, tâm huyết và tiền bạc, cần phải được tôn trọng!” – Họa sĩ Đặng Tiến nói.
|