Tranh giả bán trăm ngàn đô, tranh thật sắp thành… phế liệu

VietTimes – Khó có thể tưởng tượng được tranh của bậc tiền bối Tạ Tỵ đang bị làm giả khắp nơi, bán ra thị trường quốc tế với giá hàng trăm ngàn USD, trong khi đó, những bức tranh thật quý giá sắp bị biến thành… phế liệu vì xuống cấp.
Bức tranh trừu tượng đắt nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, có tên “Cất cánh”, được họa sĩ Tạ Tỵ vẽ năm 1972
Bức tranh trừu tượng đắt nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, có tên “Cất cánh”, được họa sĩ Tạ Tỵ vẽ năm 1972

Đồ giả bán giá ngất trời

Một bức tranh nhái tác phẩm của họa sĩ tiền bối sắp được một nhà đấu giá bán ra tại Mỹ. “Người nhái” đã chép lại một bức tranh trừu tượng của họa sĩ đương đại Phạm An Hải và vẽ thêm chân dung cô gái từ bức lập thể "Cô độc" của tiền bối – họa sĩ Tạ Tỵ, từng triển lãm năm 1956. Gộp chung hai tác phẩm vào thành một, nhưng nhà đấu giá định giá cũng khá cao, 60-80 ngàn USD, giá khởi điểm là 15 ngàn USD. 

“Trên trang Wikipedia, nói về tranh của họa sĩ Tạ Tỵ có bức “Đàn bà” đề sáng tác năm 1951 cũng là sai nốt. Họa sĩ Tạ Tỵ chỉ vẽ đúng một bức (như ảnh) và đặt tên là “Cô độc”. Ông vẽ bức này vào năm 1956” – Trung tâm Nghệ thuật xưa khẳng định. 

Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phạm Long đã sớm dự báo về một cao trào tranh giả, tranh nhái sẽ dâng cao, ào ào như sôi, ngay từ hồi bức tranh đầu tiên của họa sĩ gốc Việt – danh họa Lê Phổ - vượt ngưỡng triệu “đô” trên thị trường quốc tế.

“Cô độc” được họa sĩ Tạ Tỵ vẽ vào năm 1956” – Nguồn: Trung tâm Nghệ thuật xưa
Cô độc” được họa sĩ Tạ Tỵ vẽ vào năm 1956” – Nguồn: Trung tâm Nghệ thuật xưa

“Bức tranh giả chép rất kém! – Họa sĩ Phạm An Hải đau lòng nói – Mặc dù thế, có tới 99% người biết lại cho rằng bức tranh chép là thật. Và các bức tranh giả như thế này đang ngang nhiên lưu hành  trên thị trường”.

“Khi mà luật và các chế tài bảo vệ bản quyền tranh tượng còn yếu như hiện nay thì khó có thể khắc phục tình trạng trộn lẫn các giá trị, trắng trợn sao chép và bán tranh giả như thế này trong một sớm một chiều” – Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phạm Long nhận định.

Phải làm gì để cảnh báo tới công chúng về nạn tranh giả? Họa sĩ Phạm An Hải cho rằng: “Chỉ có thể lên tiếng mạnh mẽ để cảnh báo tới các nhà sưu tập và công chúng! Thực tế, họa sĩ có rất ít phương tiện để tự bảo vệ mình trong những trường hợp bị “ăn cắp” chất xám tương tự”.

Về các “nhà sưu tập” dính “vết đen” như ông Vũ Xuân Chung trong vụ triển lãm 17 bức tranh giả tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ Phạm An Hải thẳng thắn nói: “Đấy là bọn lừa đảo, không phải nhà sưu tập. Các nhà sưu tập chân chính phải học, phải đọc để có kiến thức thì mới không mua phải hàng giả”. 

Nhà đấu giá định giá bức tranh giả khá cao, 60-80 ngàn USD, giá khởi điểm là 15 ngàn đô.
Nhà đấu giá định giá bức tranh giả khá cao, 60-80 ngàn USD, giá khởi điểm là 15 ngàn đô. 

Tranh thật xuống cấp, thành… đồ cũ

Trong khi đó, một tác phẩm khác, rất quan trọng của mỹ thuật Việt, đang có nguy cơ trở thành những… tấm ván, ít giá trị, thậm chí giá trị chỉ còn là… ảo ảnh.

Bức tranh trừu tượng đắt nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam có tên “Cất cánh”, được họa sĩ Tạ Tỵ vẽ năm 1972, từng được bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đặt cho cái tên “Mùa hè rực lửa”. Sau này,  khi họa sĩ Tạ Tỵ trở lại Việt Nam, ông đã đính chính lại tên tranh là “Cất cánh”. 

Tại sao lại có tên “Cất cánh”? Theo Trung tâm Nghệ Thuật Xưa, đây là một bức tranh được cụ vẽ theo đơn đặt hàng của ông Rife, Giám đốc Ngân hàng Chase Manhattan Sài Gòn. Có lẽ nó được vẽ để trưng bày cho một chi nhánh mới của Manhattan tại Sài Gòn hồi trước 1975, nên chủ đề của bức tranh là “Cất cánh”.

Vậy việc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đặt tên “Mùa hè rực lửa” cho tranh có sai? Thực chất, có vẻ như cái tên này cũng không sai. Xem tranh Tạ Tỵ, người thưởng ngoạn cũng là người đồng sáng tạo. Cái tài của người họa sĩ trừu tượng là làm ra được một bức tranh “siêu đề tài”, mà ở đó ai cũng có thể nhìn thấy cái mình muốn thấy. 

Bà Tạ Thùy Châu - con gái của họa sĩ Tạ Tỵ bên bức tranh của cha mình, đang được lưu giữ tại bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Bà Tạ Thùy Châu - con gái của họa sĩ Tạ Tỵ bên bức tranh của cha mình, đang được lưu giữ tại bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Giá trị của bức “Cất cánh” hiện thời là bao nhiêu thì khó mà xác định chính xác. Nhưng một tác phẩm có khổ lớn khổng lồ tương tự, được họa sĩ Tạ Tỵ bán cho ông Rife vào năm 1965, với giá tương đương 100 lượng vàng vào thời điểm đó. Với giá này, bức “Cất cánh” xứng đáng được coi là đắt nhất của tranh trừu tượng Việt.

Có tin đồn rằng Chase Manhattan từng trả một mức giá rất cao để mua bức “Cất cánh”, nhưng bức tranh này sau giải phóng thuộc về một họa sĩ và sau khi ông mất, con ông đã bán lại cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Là một tác phẩm từng đoạt giải tại một triển lãm mỹ thuật rất quan trọng, được coi như là triển lãm mỹ thuật toàn quốc đầu tiên của Việt Nam hồi những năm 1950, bức “Cất cánh” là tác phẩm đánh dấu một mốc phát triển quan trọng của hội họa Việt Nam hiện đại, một trường phái mới, chỉ lên như một ánh sao băng rồi vụt tắt, trường phái siêu thực.

Nhưng thật buồn là 99% người biết bức "Cất cánh" lại đang nhầm nó với một bức tranh chép. “Cất cánh” đang được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nhưng công tác bảo quản kiểu lấy lệ, qua loa như thường thấy sắp biến bức họa trở thành một … đống gỗ kém giá trị. Nhiều nhà chuyên môn và người yêu tranh đến thưởng lãm đã phải đau lòng thốt lên như vậy.

Nhân kỷ niệm 98 năm ngày sinh của họa sĩ Tạ Tỵ - một trong các họa sĩ Việt đi đầu về tranh lập thể, trừu tượng, Trung tâm Nghệ Thuật Xưa và nhà sưu tập Nguyễn Quốc Định giới thiệu tới công chúng cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông.

Nhóm biên soạn đã khảo cứu tư liệu từ rất nhiều nguồn để dựng lại chân dung một họa sĩ tiên phong trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Cuốn sách cũng chứa đựng nhiều câu chuyện về cuộc đời sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Tạ Tỵ và các tác phẩm của ông với những câu chuyện về cuộc đời họa sĩ, về những người bạn thân thiết của ông như họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Gia Trí...