Hoạ sĩ Ngọc Linh sinh ngày 30/10/1930, tên thật là Vi Văn Bích, là cháu nội cụ Vi Văn Định - Tổng đốc Hà Đông (cũ), thuộc thế hệ hoạ sĩ kháng chiến. Xuất thân người dân tộc Tày ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn; trong dòng họ quý tộc yêu nước nên ông tham gia Cách mạng từ nhỏ. Ngay từ năm 16 tuổi, Vi Văn Bích đã khăn gói theo ông cha lên ATK (Thái Nguyên), theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ khi đi theo Cách mạng, ông không dùng tên thật Vi Văn Bích, mà lấy bí danh là Ngọc Linh. Sau này, ông ký lên các tác phẩm, cũng giữ tên Ngọc Linh.
Họa sĩ Ngọc Linh đến với con đường mỹ thuật một cách tình cờ như duyên phận. Nhân một buổi đi chơi ở Thái Nguyên, gặp họa sĩ Trần Văn Cẩn đang đi vẽ và biết được lớp mỹ thuật kháng chiến có tuyển sinh, do hoạ sĩ Tô Ngọc Vân đích thân giảng dạy (1950-1954), ông bèn quyết tâm theo học. Sau khi tốt nghiệp, họa sĩ Ngọc Linh về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam từ năm 1955 cho đến khi nghỉ hưu.
Chân dung hoạ sĩ Ngọc Linh thời trẻ (Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp) |
Trong suốt thời gian công tác, họa sĩ Ngọc Linh là họa sĩ thiết kế cho 25 bộ phim trong đó nhiều phim nổi tiếng của giai đoạn đầu dòng phim Cách mạng Việt Nam như: Chung một dòng sông (1959), Sao tháng Tám (1976) ... Ông cũng tham gia thiết kế 9 vở chèo, kịch nói, nhạc kịch…
Công chúng yêu nghệ thuật biết đến họa sĩ Ngọc Linh với nhiều tác phẩm tiêu biểu, tràn đầy sức sống cuồn cuộn tựa núi rừng, với cái tôi và sự tự do được tung hoành sáng tạo như bầu trời quê hương ông: Những ngày tôi mơ ước (Bột màu, 1969), Những nẻo đường nai đi (Lụa, 1988), Mùa xuân (Sơn mài, 2001) và Bộ tranh ký họa hơn 100 bức chân dung các nghệ sĩ. Họa sĩ Ngọc Linh cũng là người lưu giữ vô cùng nhiều tài liệu về các họa sĩ khóa kháng chiến.
Tranh lụa "Những nẻo đường nai đi" của hoạ sĩ Ngọc Linh (Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp) |
Hoạ sĩ Ngọc Linh được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam và từng đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật cả trong nước và quốc tế.
“Bố tôi sáng tác trên nhiều chất liệu: sơn dầu, lụa, sơn mài, bột màu… Tranh của ông luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời, màu sắc tươi sáng” – Họa sĩ Vi Ngọc Mai, con trai họa sĩ Ngọc Linh kể.
Đây là cuộc triển lãm cá nhân lần thứ 11 của họa sĩ Ngọc Linh, với 60 bức tranh, độc đáo nhất là mảng chân dung, ngoài ra, còn có bộ sưu tập 13 bức về chủ đề Hà Nội. Từ những năm 1960, ông đã bắt đầu có những cuộc triển lãm tranh, để lại dấu ấn riêng, khẳng định cá tính sáng tạo độc đáo của tranh họa sĩ Ngọc Linh.
Tranh "Ngôi nhà nghệ sĩ 65 Nguyễn Thái Học" của HS Ngọc Linh, nằm trong bộ 13 bức tranh về Hà Nội sẽ trưng bày ngày 30/10/2020 (Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp) |
“Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm lần này, bố tôi đã cặm cụi vẽ riêng 13 bức tranh về chủ đề Hà Nội trong suốt thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh COVID-19. Mặc dù những bức vẽ được sáng tạo ở vào thời điểm đã tròn 90 tuổi, nhưng nét vẽ và màu sắc của cụ vẫn luôn tươi trẻ” – Hoạ sĩ Vi Ngọc Mai nói.
Tự sự về bộ tranh Hà Nội, họa sĩ Ngọc Linh cho biết: “Từ rất lâu, tôi đã luôn ấp ủ những bức tranh về Hà Nội. Ngày xưa, vào những năm 1970, tôi từng vẽ 141 bức tranh trên bìa quyển xổ số kiến thiết thủ đô, khổ 7cm x 12cm, chất liệu sơn dầu. Lần này, 13 bức tranh Hà Nội vẫn tập trung ghi lại vẻ đẹp của những góc phố, tòa nhà, cảnh sắc tuyệt đẹp của thành phố mà nay không thể còn lại được nữa”.
Họa sĩ Ngọc Linh cũng là người đã đấu tranh bền bỉ mấy chục năm để nhà nước và các cơ quan chức năng ghi nhận người thầy của ông, họa sĩ Bùi Trang Chước, là tác giả của Quốc huy Việt Nam.
Tranh "Nhà thờ Hàm Long" của họa sĩ Ngọc Linh, một tác phẩm trong bộ 13 bức về chủ đề Hà Nội (Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp) |
Họa sĩ Ngọc Linh kể lại: “Trong những năm kháng chiến chống Pháp và sau ngày tiếp quản thủ đô, tuy cơ quan chuyên về lưu trữ đã có, nhưng việc sưu tầm, lưu trữ tài liệu chưa được quán xuyến và đầy đủ như ngày hôm nay. Vì thế, việc sưu tầm những mẫu vẽ phác thảo Quốc huy của cụ Bùi Trang Chước rất khó khăn. Từ năm 2001 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với gia đình cụ Chước đến nhiều nơi, nhiều cơ quan làm việc, để sưu tầm lại các tác phẩm cũng như tài liệu liên quan đến cụ.”
Họa sĩ Ngọc Linh vui mừng cho biết gần đây, thành phố Hà Nội đã đặt tên họa sĩ Bùi Trang Chước cho một đường phố quê nhà của cố hoạ sĩ, thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.