Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày thông báo mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh EU đã lần lượt áp lệnh trừng phạt lên ngành năng lượng hóa thạch của Nga. Phương Tây mong chờ kịch bản, ngành năng lượng xương sống của Nga sẽ suy yếu, dẫn tới việc họ không có đủ tài chính để duy trì cuộc chiến và lâu dài hơn sẽ tác động tới nền kinh tế nước này.
Theo New York Times, viễn cảnh đó dường như không trở thành hiện thực, ít nhất là vào thời điểm này vì hiệu ứng Boomerang mà các biện pháp này tạo ra. Boomerang là một thiết bị mà khi ném đi sẽ quay trở lại điểm xuất phát. Khái niệm hiệu ứng Boomerang ám chỉ việc một phía gây ra tác động tới phía còn lại và đồng thời cũng bị tác động ngược trở lại.
Trong trường hợp này, phương Tây tính toán rằng, các lệnh trừng phạt sẽ gây tổn hại lớn cho Nga nhưng do một số yếu tố, nó lại gây hiệu ứng ngược khiến kinh tế Mỹ và châu Âu cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Mặt khác, trong ngắn hạn, Nga lại tìm được cách xoay xở trước lệnh cấm vận, khiến hiệu quả của các biện pháp này bị giảm sút.
Trung Quốc và Ấn Độ, 2 nước đông dân nhất thế giới và có quan điểm trung lập trong chiến sự Nga - Ukraine, đã nhanh chóng mua bù đắp lượng dầu của Moscow bị phương Tây cấm vận. Giá dầu tăng mạnh tới mức Nga thậm chí còn kiếm được nhiều doanh thu hơn từ dầu mỏ so với 4 tháng trước chiến sự. Đồng rúp mất giá một thời gian ngắn sau khi "bão" trừng phạt ập tới nhưng sau đó tăng mạnh nhờ các biện pháp can thiệp của chính phủ Nga.
Sự ảnh hưởng của lệnh trừng phạt với kinh tế Nga là có thật nhưng phương Tây cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giá năng lượng tăng mạnh kéo theo lạm phát kỷ lục - những yếu tố gây áp lực lên chính quyền Mỹ và các nước EU.
Một số chuyên gia cho rằng, lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của phương Tây chưa phát huy hết tác dụng và mục tiêu của hàng nghìn lệnh trừng phạt áp lên Moscow vào thời gian qua là nhằm tạo nên ảnh hưởng một cách lâu dài. Giới quan sát nhận định, phương Tây kỳ vọng rằng, sau cuộc chiến, Nga sẽ bị cản trở hoạt động ngân hàng và các ngành khác. Nhưng trước mắt, ngành nhiên liệu hóa thạch vẫn đang giúp Nga trụ vững và họ vẫn có ngân sách cho chiến dịch quân sự.
Ông Yevgeny Nadorshin, nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn PF Capital ở Moscow, cho biết: "Mọi thứ diễn ra tốt hơn nhiều so với tình huống xấu nhất. Nhưng thật không may, giai đoạn khó khăn nhất chỉ mới bắt đầu".
Mặc dù vậy, trong giai đoạn ngắn hạn, chiến lược của Mỹ và đồng minh nhằm tác động tới sự quyết tâm của Nga dường như đã gặp phải hiệu ứng boomerang.
Vào tháng 5, Trung Quốc tăng nhập dầu Nga thêm 28% so với tháng trước, đạt mốc cao kỷ lục. Nga trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Ấn Độ, quốc gia từng mua số lượng dầu không nhiều từ Nga, nay mua tới 760.000 thùng mỗi ngày.
"Châu Á đã cứu nguy cho ngành dầu thô Nga. Nga thay vì bị suy thoái thì lại gần như quay về mốc trước khi dịch Covid-19 diễn ra", chuyên gia Viktor Katona từ tổ chức Kpler (Pháp) nhận xét.
Nga hưởng lợi từ năng lượng
Theo Rystad Energy, một công ty phân tích kinh doanh và nghiên cứu độc lập, doanh số bán dầu thô của Nga sang châu Âu giảm 554.000 thùng/ngày từ tháng 3 đến tháng 5 nhưng các đối tác ở châu Á đã tăng nhập từ Moscow thêm 503.000 thùng/ngày - mức bù đắp gần như tương đương. Nga đã thu về 1,7 tỷ USD từ mặt hàng này trong tháng trước so với tháng 4, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Vẫn chưa rõ liệu châu Á có thu mua tất cả dầu của Nga bán cho châu Âu hay không, vì EU đang nỗ lực để thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng của Kremlin. Nhưng hiện tại, sự thay đổi đã cho phép Moscow duy trì mức sản xuất dầu và làm xáo trộn kỳ vọng rằng sản lượng của nước này sẽ sụt giảm.
Theo các nhà phân tích, sự kết hợp giữa việc Nga chiết khấu mạnh giá dầu thô, trong khi giá xăng và nhiên liệu tăng vọt giúp cho các nhà máy lọc dầu ở châu Á thu lợi lớn. Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch có trụ sở tại Phần Lan, một số sản phẩm từ dầu mà Ấn Độ xuất khẩu đã được xuất sang Mỹ, Anh, Pháp và Italy.
Một khi dầu thô được chuyển thành dầu diesel hoặc xăng, không ai có thể phân biệt được liệu chúng có nguồn gốc từ Nga hay không. Điều đó có nghĩa là phương Tây có thể vẫn đang gián tiếp trả tiền để mua năng lượng Nga với giá cao hơn.
Nhu cầu năng lượng toàn cầu vẫn liên tục gia tăng khiến cho các nỗ lực gây áp lực cho Nga của phương Tây trở nên kém hiệu quả hơn, ít nhất trong ngắn hạn.
Ông Aleksei Miller, người đứng đầu tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom, tuần trước cho biết, ngay cả khi lượng khí đốt tự nhiên EU nhập khẩu của Nga đã giảm vài chục hàng chục phần trăm, giá của chúng đã tăng gấp vài lần.
Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây có khả năng sẽ gây thêm tổn hại cho nền kinh tế Nga vào cuối năm nay. Và trong khi sự phục hồi của đồng tiền của Nga, đồng rúp, một phần là do khả năng phục hồi kinh tế đáng ngạc nhiên của đất nước, nó cũng phản ánh sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với dòng vốn và giảm mạnh nhập khẩu vào Nga.
Hiện cũng khó xác định Nga sẽ đổ bao nhiêu ngân sách vào chiến sự ở Ukraine trong thời gian tới, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy ông Putin đang chịu áp lực từ trong nước để khép lại cuộc chiến trước khi đạt được các mục tiêu. Tuy nhiên, các chuyên gia phỏng đoán, Nga có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo ngân sách quân sự nếu chiến sự kéo dài thêm.
Điện Kremlin: Nga sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí
CEO của Shell: Châu Âu không thể thay thế khí đốt của Nga
Hungary: 10 nước EU âm thầm mua khí đốt của Nga bằng đồng Rúp
Theo Dantri.com.vn