Hậu chiến ly hôn: Tập đoàn Trung Nguyên phải mất nhiều năm để hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối Cao đã chính thức kết thúc giải quyết vụ án ly hôn gây tổn thất không chỉ nhiều nghìn tỉ, đối với người từng được mệnh danh là “Vua cà phê Việt Nam”.
Tập đoàn Trung Nguyên được giao lại cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ toàn quyền sở hữu
Tập đoàn Trung Nguyên được giao lại cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ toàn quyền sở hữu

Những con số “biết nói”

Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao (HĐTPTANDTC) đã được ký từ ngày 11/3/2021. Tới nay, sau gần 2 tháng các đương sự mới nhận được, do quy trình và tiến độ ban hành hồ sơ, văn bản của Tòa án.

Thông cáo báo chí ký ngày 7/5/2021 từ Tập đoàn Trung Nguyên

Thông cáo báo chí ký ngày 7/5/2021 từ Tập đoàn Trung Nguyên

Đây chính là kết luận sau cùng về các nội dung bị kháng cáo của 2 bản án vụ ly hôn nghìn tỉ được tuyên khá lâu trước đó, gồm bản án phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 5/12/2019 của TANDCC TP.HCM, và bản án sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019 của TAND TP.HCM.

Sau khi xem xét tất cả các yếu tố liên quan, cũng như từng câu chữ trong những bản án gây tranh cãi, HĐTPTANDTC đã tuyên bố giấy chứng nhận kết hôn số 59 đăng ký tại UBND Phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk giữa bà Thảo và ông Vũ không còn giá trị, chính thức kết thúc cuộc hôn nhân này.

Ảnh thể hiện quan điểm từ trang Fanpage của bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Ảnh thể hiện quan điểm từ trang Fanpage của bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Tổng khối tài sản mà đôi vợ chồng “Vua cà phê” đề nghị Tòa phân chia lên đến hơn 7.900 tỉ đồng, bao gồm cả tiền, vàng, ngoại tệ, giá trị cổ phần và bất động sản quy đổi. Với tỉ lệ tài sản chia theo công sức gây dựng là 60/40, ông Vũ được nhận 4.687 tỉ đồng, bà Thảo được nhận hơn 3.245 tỉ đồng. Ông Vũ phải thanh toán cho bà Thảo số tiền chênh lệch về giá trị tài sản được chia, là hơn 1.318 tỉ đồng; Trong khoản “thối lại” này, từ đầu năm 2020 ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chuyển cho cơ quan Thi hành án Dân sự TP Hồ Chí Minh hơn 1.190 tỉ đồng, sau khi nhận được bản án phúc thẩm số 39/2019 của TANDCC.

Trung Nguyên lại về một mối

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng chia sẻ với nhóm nhỏ báo chí và bạn đồng hành về mục tiêu kiên định trong việc dẫn dắt tập đoàn Trung Nguyên

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng chia sẻ với nhóm nhỏ báo chí và bạn đồng hành về mục tiêu kiên định trong việc dẫn dắt tập đoàn Trung Nguyên

Điểm mấu chốt, gay cấn nhất của vụ kiện, chính là quyền sở hữu, điều hành Tập đoàn Trung Nguyên. Về vấn đề này, Tòa ghi nhận sự đóng góp đầy đủ, khách quan và công tâm của các bên trong quá trình khởi nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu Trung Nguyên. Cho rằng “việc bảo vệ thương hiệu quốc gia cà phê Trung Nguyên là cần thiết và để đảm bảo cho hoạt động của các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên được ổn định”, HĐTPTANDTC đã quyết định giao cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.

Điều đó cũng có nghĩa là quyền sở hữu các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu có phần chữ “Trung Nguyên” và “G7”, vốn là thương hiệu mạnh, “quả đấm thép” về kinh tế của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên hoàn toàn thuộc về ông Đặng Lê Nguyên Vũ, mà không cần Tòa phải xử thêm bản án nào khác.- Một luật sư cho biết.

Gian hàng cà phê G7 trong một hội chợ quốc tế tại Nhật Bản

Gian hàng cà phê G7 trong một hội chợ quốc tế tại Nhật Bản

Về phần bà Lê Hoàng Diệp Thảo, với quyết định sau cùng của HĐTPTANDTC, bà Thảo được toàn quyền sở hữu khối tài sản khổng lồ trên 3.500 tỉ đồng. Trong đó có 7 bất động sản trị giá hơn 375 tỉ đồng; Có nhiều tài khoản gửi tiền, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng với tổng trị giá 1.764 tỉ đồng; Có toàn bộ cơ ngơi Công ty Trung Nguyên International Pte. tại Singapore và hơn 1.318 tỉ đồng tiền mặt mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ chuyển bù chênh lệch.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã xây dựng King Coffee và đưa thương hiệu mới này ra thế giới, trong lúc chờ Tòa phân xử vụ án ly hôn

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã xây dựng King Coffee và đưa thương hiệu mới này ra thế giới, trong lúc chờ Tòa phân xử vụ án ly hôn

Với khối tài sản khổng lồ này, cùng bề dày kinh nghiệm thương trường, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được đảm bảo quyền kinh doanh, để tiếp tục phát triển thương hiệu cà phê King Coffee hoặc bất cứ thương hiệu, nhãn hàng nào khác do bà sáng lập ra, mặc dù không còn quyền sở hữu thương hiệu “Trung Nguyên”.

Bà Võ Thị Hà Giang - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Trung Nguyên chuyển lời tri ân sâu sắc của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn đến hàng chục triệu người tiêu dùng trong và ngoài nước đã quan tâm, chia sẻ, yêu mến, ủng hộ cá nhân ông và các sản phẩm mang thương hiệu Trung Nguyên trong suốt hơn sáu năm sóng gió vừa qua.

Bảo tàng Thế giới Cà phê, một trong những điểm đến hấp dẫn của Tập đoàn Trung Nguyên

Bảo tàng Thế giới Cà phê, một trong những điểm đến hấp dẫn của Tập đoàn Trung Nguyên

Thực trạng Trung Nguyên hiện rất chật vật đương đầu với “cơn bão kép”. Vừa tổn thất nặng nề lên tới nhiều nghìn tỉ đồng bởi cuộc chiến ly hôn, vừa giảm sút trầm trọng doanh thu xuất khẩu do đại dịch Covid-19. Gần 5000 cán bộ, nhân viên Tập đoàn lâu nay phải chấp nhận nhiều thiệt thòi, tự vượt qua mọi khó khăn để vừa gắn bó trung thành với doanh nghiệp, vừa nỗ lực triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa sâu sắc cho cộng đồng, nay lại chuẩn bị bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn. “Dự kiến phải mất nhiều năm nữa, Trung Nguyên mới có thể hoàn toàn hồi phục, và phát triển theo đúng lộ trình mà Chủ tịch Tập đoàn đã kiên định đặt ra từ ngày đầu khởi nghiệp!”- Bà Hà Giang chia sẻ.

Những năm qua, hành trình tặng sách của Trung Nguyên vẫn bền bỉ lan tỏa tri thức đến mọi miền đất nước

Những năm qua, hành trình tặng sách của Trung Nguyên vẫn bền bỉ lan tỏa tri thức đến mọi miền đất nước

Mục tiêu đó là gì? Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhiều lần khẳng định mong muốn thông qua cà phê, dẫn dắt Trung Nguyên trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành hùng mạnh, góp phần xây dựng Tây Nguyên thành một thiên đường cà phê toàn cầu, trở thành mô hình phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới.

Với ý chí mạnh mẽ phi thường và lòng yêu nước mãnh liệt, từ xuất phát điểm đầy khó khăn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã xây dựng thành công thương hiệu cà phê Trung Nguyên, được báo chí quốc tế gọi là "Vua cà phê Việt"
Với ý chí mạnh mẽ phi thường và lòng yêu nước mãnh liệt, từ xuất phát điểm đầy khó khăn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã xây dựng thành công thương hiệu cà phê Trung Nguyên, được báo chí quốc tế gọi là "Vua cà phê Việt"

Cuộc ly hôn gây rất nhiều thương tích cho cả đôi bên này liệu có vắt cạn bầu nhiệt huyết từng hừng hực ngọn lửa ý chí suốt thời trai trẻ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ? “Vua cà phê Việt” có còn đủ khao khát chinh phục thị trường cà phê toàn cầu, và hơn thế, là vươn tới những lý tưởng cao xa hơn cho đất nước, nhân loại? Những việc mà doanh nhân bình thường không nghĩ tới. Như cách ông đã ẩn mình nhiều năm để dày công nghiên cứu, biên soạn rồi gửi đến các nhà lãnh đạo cấp cao tập sách dày gần 300 trang có tựa đề "Kiến tạo dân tộc siêu việt".

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ giới thiệu bộ sách "Kiến tạo dân tộc siêu việt" (bìa vàng, bên trái ảnh) với những anh chị em thân thiết.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ giới thiệu bộ sách "Kiến tạo dân tộc siêu việt" (bìa vàng, bên trái ảnh) với những anh chị em thân thiết.

Hẳn là, để minh chứng, ông cần thêm nhiều sức lực và thời gian .

Hoàng Thiên Nga

>> “Ly hôn xám”: Tại sao ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trung niên ly hôn?

>> Tỉ phú Bill Gates và vợ ly hôn sau 27 năm chung sống, gây chấn động giới từ thiện

>> Những vụ ly hôn nổi tiếng trong giới công nghệ