Hành tung bí ẩn của chiếc máy bay không người lái khổng lồ Ukraine rơi ở Croatia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào lúc 11 giờ đêm ngày 10/3, một vật thể bay nghi là máy bay đã lao xuống một địa điểm ở Zagreb, thủ đô của Croatia gây nên tiếng nổ lớn, tạo thành chiếc hố đường kính 3m, sâu khoảng 1m trên mặt đất.
Máy bay không người lái Tu-141 của không quân Ukraine (Ảnh: QQ).
Máy bay không người lái Tu-141 của không quân Ukraine (Ảnh: QQ).

Theo tin của trang web avaz.ba của Croatia, trong chiếc hố lớn được tạo nên sau vụ nổ tại hiện trường, người ta đã tìm thấy các vật thể nghi là mảnh vỡ máy bay với các ngôi sao màu đỏ và chữ Cyrillic. Ở hai nơi cách chỗ máy bay rơi không xa, cũng tìm thấy hai chiếc dù. Bộ Nội vụ Croatia cho biết, mấy chiếc xe hơi bị hư hỏng nhưng không có ai thương vong.

Sau vụ việc, một số người cho rằng vật thể rơi là một chiếc máy bay, trong khi một số người khác lại cho rằng đó là một quả tên lửa. Tuy nhiên, trang web quân sự The Drive. War Zone của Mỹ cho biết, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng và phân tích các bằng chứng trực quan, các chuyên gia khẳng định đó là một máy bay trinh sát không người lái Tu-141 bị rơi, và Ukraine là quốc gia duy nhất được biết là vẫn đang sử dụng loại máy bay không người lái được đã chế tạo trong thời kỳ Liên Xô này và gần đây đã sử dụng nó trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra.

Chiếc Tu-141 rơi nổ tạo thành một chiếc hố lớn (Ảnh: QQ).

Chiếc Tu-141 rơi nổ tạo thành một chiếc hố lớn (Ảnh: QQ).

Theo The Drive. War Zone, các chuyên gia sau khi phân tích toàn diện các mảnh vỡ và các báo cáo, tài liệu liên quan đã đưa ra kết luận rằng chỉ có máy bay không người lái Tu-141 mới phù hợp tất cả các điều kiện. Và một chiếc cánh cơ bản còn nguyên vẹn tìm thấy trong đống đổ nát đã chứng minh thêm nhận định của cơ quan truyền thông này.

Bài báo trên The Drive chỉ ra rằng, chiếc máy bay không người lái này hẳn đã gặp sự cố nghiêm trọng, và sau đó bay qua không phận của Hungary hoặc các nước láng giềng khác của Croatia, rồi mới bay vào không phận của Croatia. Hãy nhớ rằng khoảng cách giữa Croatia và Ukraine là gần 350 dặm (khoảng 563 km). Và thật khó hiểu và gây sốc khi chiếc máy bay không người lái có thể bay xa đến vậy mà không hề bị hệ thống phòng không của NATO đang trong tình trạng báo động chiến đấu cao phát hiện.

Nhân viên kỹ thuật đo mức độ phóng xạ tại nơi máy bay rơi (Ảnh: VCG).

Nhân viên kỹ thuật đo mức độ phóng xạ tại nơi máy bay rơi (Ảnh: VCG).

Từ cực tây Ukraine gần với biên giới Hungary, đến được Croatia cần phải bay qua toàn bộ lãnh thổ Hungary và mất ít nhất 560 km để đến Zagreb, và dữ liệu cho thấy phi đội máy bay trinh sát không người lái độc lập số 321 của quân đội Ukraine được trang bị Tu-141 đóng tại Ao Desa, cách đó 1.000 km, gần như là tầm hoạt động tối đa của máy bay không người lái Tu-141 Swift. Như thế có thể nó đã vượt qua Romania, Serbia và Bosnia-Herzegovina trước khi bay vào Croatia.

Một chiếc Tu-141 của Ukraine trên giá phóng (Ảnh: Sohu).

Một chiếc Tu-141 của Ukraine trên giá phóng (Ảnh: Sohu).

Bài báo nhận định, trong cuộc xung đột Nga-Ukraine này, đây không phải là vụ rơi máy bay không người lái Tu-141 đầu tiên. Chỉ cách đây vài ngày, một chiếc máy bay cùng loại cũng bị rơi ở Ukraine. Gần đây, Ukraine đã sử dụng nó như một máy bay không người lái tấn công và làm mồi nhử.

Bài báo cũng phân tích rằng, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng chiếc máy bay không người lái này thuộc về Nga, vì Nga cũng có thể lấy một số máy bay như vậy từ kho của người Ukraine mà họ thu được ra làm mồi nhử để thu hút hệ thống phòng không Ukraine. Tuy nhiên hiện không có bằng chứng về giả thuyết này.

Mảnh vỡ một chiếc Tu-141 bị rơi ở Ukraine hôm 8/3 (Ảnh: 163).

Mảnh vỡ một chiếc Tu-141 bị rơi ở Ukraine hôm 8/3 (Ảnh: 163).

The Drive nói rằng về nguồn gốc của máy bay không người lái Tu-141 có thể bắt nguồn từ máy bay tiền nhiệm của nó là UAV Tu-123 có kích cỡ lớn hơn một chiếc Su-27, bay lần đầu tiên vào năm 1960; nhưng Tu-141 đã không được phục vụ trong quân đội Liên Xô cho đến cuối những năm 1990. Máy bay không người lái này có tầm hoạt động khoảng 650 dặm (1.046 km) và có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát chiến thuật thay cho máy bay có người lái. Máy bay không người lái này được phóng từ bệ phóng bằng tên lửa đẩy, bay theo một tuyến bay định trước với tốc độ siêu âm, thu thập thông tin tình báo và sau đó được thu hồi bằng dù, có thể được sử dụng lại sau khi bảo trì.

Các tài liệu công khai cho thấy, Tu-141 Swift là máy bay trinh sát không người lái do Cục thiết kế Tupolev của Liên Xô nghiên cứu phát triển, chủ yếu được sử dụng để trinh sát chiến thuật tầm thấp, với sải cánh 3,88 mét, dài 14,33 mét và cao 2,44 mét, nặng 5,3 tấn, sử dụng động cơ phản lực. Với tốc độ tối đa 1.100 km/h, nó được phóng từ một bệ được gắn trên rơ-moóc bằng tên lửa đẩy thuốc phóng rắn.

Sơ đồ trình tự phóng và thu hồi phần khoang công tác của loại Tu-143.

Sơ đồ trình tự phóng và thu hồi phần khoang công tác của loại Tu-143.

Máy bay trinh sát không người lái Tu-141 Swift bay lần đầu vào năm 1974 và đi vào sản xuất năm 1979 và đưa vào phục vụ năm 1983. Mặc dù được phát triển bởi Phòng thiết kế Tupolev, nhưng nó được sản xuất hàng loạt tại Nhà máy máy bay Kharkov ở Ukraine.

Trong 10 năm từ 1979 đến 1989, có tổng cộng 152 chiếc Tu-141 đã được sản xuất. Sau khi Liên Xô giải thể, mặc dù toàn bộ hồ sơ, tài liệu phát triển máy bay trinh sát không người lái Tu-141 được giao hoàn toàn cho Ukraine nhưng có tin quân đội Nga vẫn được trang bị một số chiếc loại này.

Vì nhà sản xuất này được đặt tại Ukraine nên số ít Tu-141 trong quân đội Nga sau khi hết niên hạn sử dụng chỉ được dùng làm máy bay mục tiêu (bia bắn tập), còn phía Ukraine thì vẫn sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát. Tuy nhiên, quân đội Nga còn có loại máy bay không người lái Tupolev với số lượng lớn hơn, đó là loại Tu-143 cận âm cỡ 1 tấn, đã sản xuất hơn 900 chiếc tại Nhà máy máy bay Voronezh. Toàn bộ hệ thống này có tên mã là VR-3 Flying, có thể coi là phiên bản thu nhỏ của Tu-141 Swift, với tầm hoạt động chỉ khoảng 200 km.

Khác với Tu-141, loại Tu-143 của Quân đội Nga được phóng từ container (Ảnh: Sohu).

Khác với Tu-141, loại Tu-143 của Quân đội Nga được phóng từ container (Ảnh: Sohu).

Cần phải nói rằng những chiếc UAV tốc độ cao và những chiếc UAV tầm xa như chúng ta thường nói đến hoàn toàn là "Khủng long của Chiến tranh Lạnh". Cả khả năng trinh sát và khả năng sống sót đều không thể đáp ứng được nhu cầu chiến đấu thực tế hiện nay. Hiện người ta vẫn không rõ tại sao chiếc máy bay này lại bay tới Croatia. Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu chiếc UAV ngơ ngác này bay tới Italy và các nước khác, nó có thể khiến NATO lầm tưởng là tên lửa của Nga đang bắn tới; khi đó thực sự sẽ rất nguy hiểm.