Hàng nghìn người tới nghĩa địa từ 4 tỷ lít bia và 300 triệu lít rượu/năm

VietTimes - Việc sử dụng rượu, bia ở nước ta đang ở mức báo động. Vì thế, kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét Luật phòng chống tác hại của rượu, bia (PCTHCRB). Có điều, sau khi qua nhiều lần sửa đổi, những nội dung quan trọng trong quản lý rượu bia đã trở nên yếu đi, đúng với mong muốn của ngành công nghiệp rượu, bia. Đây thật sự là những nguy cơ lớn cho cộng đồng.
Cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông do uống rượu, bia
Cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông do uống rượu, bia

Top đầu về uống rượu bia

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới. Con số về mức độ tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đủ khiến nhiều người giật mình: Nếu quy đổi ra số lít cồn nguyên chất thì bình quân mỗi người từ 15 tuổi trở lên sử dụng tới 8,3 lít, cao hơn con số 6,6 của thế giới hiện nay và cũng là con số của Việt Nam năm 2018.

Tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia là chủ yếu
Tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia là chủ yếu

Như vậy, Việt Nam “tiến” rất nhanh trong thang bậc sử dụng rượu bia: tăng tới 118% và tăng 30 bậc theo xếp loại của WHO, từ vị trí 94 lên vị trí 64/194 quốc gia. Đặc biệt, chỉ trong 15 năm, Việt Nam tăng tới 74%.

Năm 2017, Việt Nam tiêu thụ tới 4 tỷ lít bia cùng 300 triệu lít rượu. 10 năm qua, mức tiêu thụ đã tăng theo chiều thẳng đứng, bất chấp mức tiêu thụ trên thế giới đứng yên. Thế nhưng, con số này còn được dự báo sẽ tiếp tục tăng. 

Việt Nam tiêu thụ rượu bia tới hơn 3 tỷ USD/năm (khoảng 1,8% GDP), bằng gần 3% thu ngân sách cả nước và cao gấp 4 lần mức đóng góp ngân sách của ngành sản xuất rượu bia chỉ khoảng 800 triệu USD/năm.


Việt Nam đang giữ những “thứ hạng” không hề vẻ vang khi đứng thứ hai trong các nước Đông Nam Á, xếp thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu bia.

Hậu họa

Tại Việt Nam, rượu, bia là yếu tố gây ra 2,9% số trường hợp tử vong và 2,2% gánh nặng bệnh tật quốc gia. Năm 2012, 8,3% số trường hợp tử vong cả nước có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia. Rượu, bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam, là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư vv...

Khuyến cáo của Hiệp hội Phòng chống Ung thư quốc tế rằng sử dụng rượu, bia dù ít vẫn có mối liên quan với nhiều loại ung thư: vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng vv…đã bác bỏ quan niệm mà ngành công nghiệp rượu bia đưa ra là “chỉ có lạm dụng rượu, bia mới gây ra tác hại đối với sức khỏe”.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó kinh tế 5.000 trường hợp liên quan đến rượu, bia. Theo GS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, vào các dịp lễ Tết, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông ở Bệnh viện này thường tăng đột biến, trong đó hơn 80% liên quan đến rượu, bia.

Một nghiên cứu của Học viện Cảnh sát nhân dân cũng chỉ ra, trong số các vụ bạo lực thì hơn 60% là người trẻ tuổi có sử dụng rượu bia. Gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội, 33,7% các vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia.

Hơn 80% số vụ cấp cứu do tai nạn giao thông ở Bệnh việt Việt Đức có liên quan đến rươu, bia
Hơn 80% số vụ cấp cứu do tai nạn giao thông ở Bệnh việt Việt Đức có liên quan đến rươu, bia

Giải pháp ngăn chặn


Tổng Giám đốc WHO lưu ý: “Ngành công nghiệp rượu bia không đóng bất cứ vai trò gì trong hình thành chính sách PCTHCRB. Chính sách này cần được bảo vệ tránh bị thiên lệch, méo mó bởi các can thiệp vì lợi ích nhóm hoặc thương mại”.

Theo ông Nguyễn Phương Nam (Văn phòng WHO tại Việt Nam), hiện 165 nước có chính sách điều chỉnh giá bán rượu, bia, trong đó 90% áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc tăng giá bán 25% có thể giúp giảm 11% nhu cầu sử dụng rượu, bia. Đã có khoảng 80 nước thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia. Ở Thái Lan, thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia là 100%. Trên 50% số nước có qui định giờ bán rượu, bia. Ở Thụy Điển, nhà nước độc quyền tại 431 điểm bán rượu, bia và chỉ mở cửa từ 10h sáng đến 6h chiều. Ở Phần Lan, Nhà nước độc quyền tại hơn 300 điểm bán rượu, bia. 

WHO khuyến cáo Việt Nam xây dựng và thực thi chính sách kiểm soát rượu bia bằng qui định giờ bán, điểm bán, và kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ; tăng giá và kiểm soát rượu, bia lậu; kiểm soát quảng cáo, khuyến mại và tài trợ; ban hành, thực thi nghiêm khắc chính sách kiểm soát lái xe uống rượu bia.


Bên cạnh đó, cũng cần kiểm soát việc khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia. Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), kết quả nghiên cứu của 20 nước cho thấy mỗi lệnh cấm quảng cáo cả rượu và bia trên truyền thông sẽ giảm 8% lượng tiêu thụ. Tỷ lệ tiêu thụ rượu, bia ở những nước cấm quảng cáo cả bia và rượu thấp hơn 11% và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp hơn 23% so với nước chỉ cấm quảng cáo rượu.

Trong số 166 nước báo cáo việc kiểm soát rượu, bia thì hơn 10% số nước có chính sách cấm quảng cáo toàn bộ rượu, bia. Hàn Quốc cấm toàn bộ quảng cáo đồ uống có độ cồn hơn 17 %. Singapore cấm quảng cáo toàn bộ trên các chương trình dành cho trẻ em… Nhiều nước ở châu Âu cũng áp dụng chính sách cấm quảng cáo rượu bia theo khung giờ, chương trình dành cho trẻ em vv…

WHO cũng chỉ ra việc tài trợ văn hóa, thể thao là một trong những chiến lược quảng cáo, tiếp thị quan trọng của các công ty sản xuất bia rượu. Vì thế, đã có 33 nước cấm hoàn toàn hoạt động khuyến mại, tài trợ bia gắn với các sự kiện thể thao và 16 quốc gia cấm một phần. Ở Việt Nam, do không có chính sách kiểm soát nên các hoạt động tài trợ bia gắn liền với thể thao, văn hóa rất nhiều.