Những can thiệp làm yếu Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia

VietTimes -- Một dự thảo Luật đưa việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng là mục tiêu hàng đầu và được kỳ vọng sẽ giải quyết căn nguyên của hàng loạt vấn đề xã hội là bia, rượu, thì sau 5 lần sửa đổi, lại trở thành bộ Luật yếu ớt, chỉ mang tính hình thức vì những can thiệp rất "tinh tế" trong quá trình xây dựng Luật.
TS. Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng – Trung tâm điều phối Liên minh phòng, chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.
TS. Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng – Trung tâm điều phối Liên minh phòng, chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.

Trước đó, như VietTimes đã thông tin, TS. Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng – Trung tâm điều phối Liên minh phòng, chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam - đã thẳng thắn chỉ ra nghịch lý "càng sửa càng yếu" của dự thảo Luật. Lần này, TS. Trần Tuấn tiếp tục trao đổi thẳng thắn với VietTimes, chỉ ra những thủ phạm làm cho Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia – một công cụ pháp lý mạnh mẽ - trở nên yếu ớt.

Vạch trần “thủ phạm” can thiệp vào chính sách

+ Ông có thể giải thích nguyên nhân có Dự thảo Luật yếu ớt như hiện nay dù trước đó khá mạnh mẽ?

- Nguyên nhân sâu xa nằm ở mục đích phòng chống tác hại rượu, bia của Dự thảo Luật. Dự thảo hướng tới giảm việc sử dụng rượu, bia và điều này trái với mong muốn của các nhà sản xuất – ngành công nghiệp rượu, bia (CNRB). Nói cách khác, lợi ích của ngành CNRB đối kháng với sức khỏe cộng đồng. Để bảo vệ lợi ích của mình, ngành CNRB đã can thiệp vào các chính sách này.

Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ Y tế về Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia sáng 23/5 (ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ Y tế về Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia sáng 23/5 (ảnh: Quochoi.vn)

+ Ông có thể nói rõ hơn về sự can thiệp vào chính sách?

- Câu chuyện can thiệp của ngành CNRB không chỉ có ở Việt Nam, mà có ở nhiều quốc gia. Khi nhiều nước châu Âu  cắt giảm lượng tiêu thụ rượu, bia, thì ngành CNRB buộc phải tìm thị trường mới. Họ lựa chọn các nước đang phát triển, mang theo kinh nghiệm kiểm soát chính sách, hệ thống luật pháp, để tránh tình trạng tương tự tái diễn.

Bên cạnh đó, bài học từ ngành công nghiệp thuốc lá bị kiểm soát ở rất nhiều nước kể từ khi Công ước khung về phòng, chống tác hại của thuốc lá ra đời –  khiến ngành CNRB có được một bài học và họ phải chuẩn bị để ngăn cản sự việc tương tự  xảy ra. Vì vậy, khi chúng ta bắt tay vào xây dựng Luật về rượu, bia, thì ngành CNRB – cả các doanh nghiệp đa quốc gia và trong nước – rất tích cực để vận động ra một dự thảo Luật có lợi cho họ nhất.

Thực ra, mong đợi của họ là càng kéo dài tình trạng không có Luật càng tốt. Họ đã thông qua sự tiếp tay của một số bộ phận, cả một số ĐBQH và trong Chính phủ, để đưa ra những chỉnh sửa, lập luận, ngăn cản và bác bỏ những bằng chứng của ngành y tế.

Song, họ đã thất bại trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 6, khi vào phiên cuối cùng diễn ra ngày 16/11/2018, Quốc hôịnhất trí phải có Luật và Luật phải được chỉnh sửa, thông qua vào kỳ họp thứ 7 lần này, dù cho còn nhiều thiếu sót.

Luận điệu của ngành CNRB

+ Lập luận và quan điểm của ngành CNRB ra sao, thưa ông?

- Họ lập luận thế này: Thứ nhất, rượu bia có mặt lợi nhất định, tác hại do rượu bia gây ra là do người sử dụng chứ không phải do rượu bia, từ đó đặt ra vấn đề cần giáo dục, truyền thông để người dân uống có trách nhiệm, tạo ra văn hóa uống rượu, bia có chừng mực. Thứ hai, ngành CNRB cho biết đã đóng thuế rất lớn, khoảng 50.000 tỷ/năm; tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn người. Đó là cơ sở để họ vận động Dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng bảo vệ cho người sản xuất rượu, bia.

Rượu, bia và các chất có cồn xuất hiện ở khắp mọi nơi
 Rượu, bia và các chất có cồn xuất hiện ở khắp mọi nơi

 Ngoài ra, họ đưa ra các sức ép như Công ước bảo vệ tự do thương mại, nhằm buộc Việt Nam phải ưu đãi cho ngành CNRB, đối xử với CNRB như các ngành công nghiệp khác.

+ Họ từng nói rằng Dự thảo Luật vênh với những quy phạm pháp luật đã có, nên cần được điều chỉnh cho thống nhất?

- Đúng như vậy. Nhưng các luận điệu này đều có cơ sở khoa học rất yếu. 

+ Quan điểm của ông trước các lập luận của họ?

Thứ nhất họ cho tai nạn giao thông (TNGT) là lỗi do người sử dụng rượu, bia và có thể giảm bằng cách giáo dục, giảm  TNGT bằng khẩu hiệu “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng khẩu hiệu đó không có tác dụng.  Vì rượu, bia là chất gây nghiện. Chất cồn có trong rượu, bia tác động đến hệ thần kinh, làm thay đổi suy nghĩ, cảm giác, hành vi của người uống và sẽ không còn giữ được sự minh mẫn. Cho nên nghĩ rằng đã uống rượu, bia rồi có thể kiểm soát được lý trí để không lái xe, là điều không tưởng.

Ngay tại Việt Nam, chương trình uống có trách nhiệm mà Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia xây dựng trong mấy năm qua, hợp tác với ngành CNRB qua nhiều hình thức, nhưng không có tác dụng. Tỷ lệ TNGT không giảm mà tiếp tục tăng, các vụ tai nạn do rượu, bia vẫn chiếm tới hơn 70% tổng số các vụ TNGT là những bằng chứng rõ rệt nhất.

Thứ hai, ngành CNRB công bố đã đóng thuế khoảng 50.000 tỷ/năm- một con số khá lớn. Nhưng, lợi ích mà ngành CNRB mang lại so những thiệt hại của cả cộng đồng do rượu bia là rất nhỏ. Rượu, bia gây ra gánh nặng bệnh tật cho người uống với hơn 30 bệnh và 200 nguy cơ mắc bệnh, như ung thư gan, xơ gan, tâm thần,.... mà Bộ Y tế đã chỉ ra.

TS.Trần Tuấn tại phòng làm việc.
TS.Trần Tuấn tại phòng làm việc. 

Rượu, bia và các chất có cồn làm ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng. Các chỉ số về bạo lực gia đình, bạo lực cộng đồng, bạo lực tình dục, tinh thần, những câu chuyện thực tế đã xảy ra vừa qua khiến dư luận hết sức căm phẫn, có một tỷ lệ lớn xuất phát từ rượu, bia.

Nếu chỉ tính từ khi phiên bản 5 của Dự Luật từ 23/3 đến nay, có thể thấy rõ: Vụ tự tử sau khi bị bạn bạo dâm ở Bắc Ninh tháng 4/2019; tvụ hiếp dâm tập thể của 10 trẻ vị thành niên với nữ sinh; 1 trẻ vị thành niên 17 tuổi mời bạn gái 15 tuổi tới uống rượu rồi hãm hiếp; các vụ ấu dâm liên tiếp xảy ra tại TP. HCM…

Những vụ việc này cộng thêm với TNGT, có thể thấy rất rõ hậu quả của rượu, bia tới cộng đồng to lớn cỡ nào. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng các nước tiêu tốn tới 1,5 – 3% GDP cho khắc phục hậu quả của rượu bia. Nếu đưa con số đó vào Việt Nam, tức là chúng ta sẽ tốn tối thiểu  120.000 - 250.000 tỷ, tức gấp từ 2-4 lần mức đóng góp từ thuế mà ngành CNRB mang lại.

Rượu bia còn cản trở 13 trong tổng số 17 mục tiêu phát triển bền vững của các nước.

Như vậy chắc chắn, ngành CNRB càng phát triển, thì tổn thất cho cộng đồng ngày càng lớn, và là yếu tố gây nghèo trong xã hội.

Hàng chục bác sĩ Bệnh viện Việt Đức rất vất vả cấp cứu bệnh nhân bị TNGT do uống rượu bia.
Hàng chục bác sĩ Bệnh viện Việt Đức rất vất vả cấp cứu bệnh nhân bị TNGT do uống rượu bia.

Thứ ba là yêu cầu đối xử bình đẳng như các ngành công nghiệp khác. Điều này rất phi lý vì rượu bia không thể được xem như nhu yếu phẩm của con người, như nước uống, may mặc, thực phẩm. Bởi bản chất rượu bia là gây nghiện và gây ngộ độc. Vì vậy rượu, bia phải là một ngành công nghiệp kinh doanh có điều kiện đặc biệt, để khắc chế tối đa tác hại mà rượu, bia mang lại.

Những người tiếp tay

+ Ông nói rằng ngành CNRB thông qua một số ĐBQH và Chính phủ để bác bỏ và khi bác bỏ không được thì làm yếu Dự thảo Luật?

- Khi nghiên cứu vấn đề này và xem xét phát biểu của các đại diện, chuyên gia, có thể thấy rất rõ 1 số đại biểu xa rời khoa học, xa dân nhưng lại gần ...doanh nghiệp. Họ liên tục phát biểu, bất chấp các thông tin được trao đổi lại từ cơ quan bảo vệ sức khỏe. Các đại biểu đó xuất hiện ở hầu hết các cơ quan, bộ, ngành, Quốc hội. Tôi có thể chỉ ra như ông Nguyễn Sĩ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Trần Quang Chiểu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc – ĐBQH tỉnh Đồng Nai...

Rất nhiều bệnh nhân bị chấn thương sọ não do TNGT đang phải điều trị tại BV Việt Đức
Rất nhiều bệnh nhân bị chấn thương sọ não do TNGT đang phải điều trị tại BV Việt Đức

Ngay tại các hội thảo, các kỳ họp trong Chính phủ mà tôi được dự, đại diện của Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính phản bác rất gay gắt các ý kiến mang tính khoa học của Bộ Y tế. Thậm chí, cho đến khi họp ĐBQH ở tổ, GS. Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, một người từng công tác trong lĩnh vực y tế - cũng cho rằng tên Dự Luật là khủng khiếp, uống rượu bia có lợi cho sức khỏe, khiến chúng tôi phải gửi tài liệu khoa học cho ông đọc ngay lập tức.

Lượng rượu, bia tiêu thụ hàng năm tại Việt Nam lên tới hàng tỷ lít
Lượng rượu, bia tiêu thụ hàng năm tại Việt Nam lên tới hàng tỷ lít

+ Nếu Dự thảo Luật hiện nay đưa ra trình Quốc hội và khoảng 3 tuần nữa (14/6) sẽ thông qua, điều gì sẽ xảy ra?

- Tôi đã phân tích trong thư kiến nghị gửi lãnh đạo cao nhất, rằng ngành CNRB đã đẩy Dự thảo Luật vào tình trạng yếu ớt đúng như họ mong đợi. Nếu được thông qua với phiên bản hiện nay, Dự thảo Luật chắc chắn không có tác dụng phòng chống tác hại rượu bia như mong muốn, mà thậm chí tạo ra một môi trường thuận lợi cho rượu bia phát triển hơn nữa.

Năm nay, ngành CNRB đã rút kinh nghiệm và không phản bác nữa. Song, họ can thiệp bằng cách sửa đổi câu từ, tạo ra khái niệm chung chung, càng giảm sự rõ ràng của câu từ càng tốt. Chúng ta đều biết rằng khi Luật không rõ ràng thì rất khó để thực thi.

Bên cạnh đó, ngành CNRB can thiệp để không xác định đầy đủ chủ thể nào, quyền và trách nhiệm đến đâu với mục tiêu phòng chống tác hại của rượu bia; gạt ra ngoài các tổ chức xã hội với vai trò, chức năng giám sát, đánh giá độc lập việc thực thi Luật. Họ không nêu rõ chủ thể ngành CNRB, các doanh nghiệp kinh doanh rượu bia - các chủ thể này phải chịu trách nhiệm như thế nào trong vấn đề kiểm soát của Luật để phòng chống tác hại.

Ví dụ như các định nghĩa, từ ngữ cần được hiểu một cách thống nhất, thì được đẩy sang chung chung như thuật ngữ rượu, bia. Nếu không định nghĩa rượu bia là tất cả các đồ uống có chứa alcohol (cồn), thì chắc chắn khi triển khai Luật chỉ có thể áp dụng với các sản phẩm đăng ký là rượu, bia, và không thể áp dụng vào các loại đồ uống có cồn khác, như strongbow (đang được bán tràn lan, được quảng cáo trong các trường học). Điều này  dẫn đến sự hiểu lệch lạc không chỉ của học sinh mà còn phụ huynh, đẩy các em đi vào con đường nghiện rượu, bia,…

Đặc biệt, Dự thảo sẽ có lợi cho tổ hợp của CNRB quốc tế, khi đang hướng vào ngăn chặn sản xuất rượu, bia thủ công, sản xuất rượu truyền thống, tạo ra sự độc quyền đối với ngành CNRB.

Những vụ tai nạn giao thông gây tang tóc cho biết bao gia đình sẽ không được giảm bớt nếu công cụ pháp lý duy nhất lại quá yếu ớt.
Những vụ tai nạn giao thông gây tang tóc cho biết bao gia đình sẽ không được giảm bớt nếu công cụ pháp lý duy nhất lại quá yếu ớt.

Nếu Dự Luật thông qua không có sửa đổi gì thêm, thì đó là thuận lợi rất lớn cho ngành CNRB, còn mục tiêu phòng, chống tác hại rượu bia sẽ không đạt được.

Song, nếu bác bỏ Dự Luật thì đất nước vẫn duy trì tình trạng không có luật, tiêu thụ rượu bia và vấn nạn xã hội liên quan tới rượu bia vẫn sẽ tiếp tục gia tăng.

Vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay không chỉ là luật được thông qua, mà phải là được thông qua với nhiều công cụ đủ mạnh để kiểm soát vấn đề về rượu, bia.

+ Xin cám ơn ông đã trao đổi!