Hà Huy Thanh: "Việt Nam - Quốc gia của Tình thương!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Việt Nam - Quốc gia của Tình thương”, đó là cảm xúc ngắn gọn mà tôi có thể đúc kết được từ một chuyến du hành ngay tại nơi mình đang sống!
Hà Huy Thanh đang thuyết minh với Thủ tướng Phạm Minh Chính về bức Tranh Đạo Pháp và Dân tộc.
Hà Huy Thanh đang thuyết minh với Thủ tướng Phạm Minh Chính về bức Tranh Đạo Pháp và Dân tộc.

Quê hương mời về dự lễ kỷ niệm 115 năm ngày sinh TBT Hà Huy Tập và 12 năm hài cốt TBT về với Hà Tĩnh, lãnh đạo tỉnh yêu cầu chuẩn bị bài phát biểu, thôi thì nghĩ sao viết vậy cho ấm lòng quân dân.

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Kính thưa các vị khách quý!

Tôi là một người con của quê hương cách mạng; cha tôi là bộ đội; mẹ tôi là cô giáo, khi còn bé thơ chưa biết đọc, chưa biết viết, nhìn lên tường nhà tôi đã thấy hình ảnh các vị tiền bối, sau này đi học mới được biết cụ thể họ là những ai, thân thế và sự nghiệp thế nào, chiến công hiển hách ra sao.

Và vô cùng bất ngờ, vui sướng, tự hào trong đó có người thân, họ hàng ruột thịt, cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.

Với niềm tự hào đó, việc yêu thích môn lịch sử trong trường học và đọc các sử sách trở nên một cách tự nhiên như nhu cầu ăn cơm, uống nước hàng ngày đối với tôi. Và tôi đặc biệt ấn tượng sâu sắc với cuộc Nam Kỳ Khởi Nghĩa - oanh liệt, đẫm máu với biết bao sự ngã xuống của các vị anh hùng cho một dân tộc biết đứng lên, mạnh mẽ, quật cường để chúng ta có được ngày hôm nay, sống trong bầu trời hòa bình, một đất nước đang phát triển và được cả thế giới công nhận là nước có chỉ số HDI - chỉ số hạnh phúc vào loại cao nhất thế giới.

Khi tôi lớn lên, dòng họ Hà toàn quốc với sự khởi xướng của hai sỹ quan quân đội về hưu là bác Hà Văn Sỹ và cha tôi là Hà Huy Lợi. Cả dòng họ bắt đầu một công cuộc tìm kiếm hài cốt hơn 8 năm, từ khi tôi còn là cậu sinh viên đến khi tôi đã ra trường lập nghiệp, từ khi tôi chỉ là cậu bé đi rót nước hầu các bác khi bàn việc hệ trọng đến khi tôi đã có doanh nghiệp để mời các thành viên trong họ đến họp ngay tại trụ sở công ty để bàn về chiến lược “Tìm kiếm - khai quật - di dời - an táng và vinh danh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập”.

Anh Hà Huy Thanh bên lăng mộ cố TBT Hà Huy Tập

Anh Hà Huy Thanh bên lăng mộ cố TBT Hà Huy Tập

Tôi trưởng thành trong nhận thức và tư duy khi suốt 8 năm từ khi tôi 19 tuổi đến khi tôi 27 tuổi. Tôi thấy vô cùng tự hào mỗi khi các bác trong họ và cha tôi cùng các nhà khoa học, các nhà ngoại cảm, các vị lãnh đạo Trung ương và địa phương gặp nhau, bàn bạc.

Trong các cuộc gặp đó họ phân tích dữ liệu lịch sử, đưa ra các thông tin, đề xuất các giải pháp với một niềm tin mạnh mẽ, với niềm tự hào hết sức thiêng liêng và với một cảm hứng hành động dạt dào. Có vô số các cuộc họp, ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, ở rất nhiều địa danh mà tôi không thế nhớ hết, và sự tâm huyết đến cháy bỏng, như nhất tâm giữa toàn thể bà con trong họ và sự chăm chỉ, tận tụy, miệt mài của các thành viên đã cho tôi hiểu rõ vì sao trong nhà thờ họ Hà luôn có 5 chữ truyền thống là “Trung, Hiếu, Trí, Dũng, Liêm”.

Rồi một ngày tôi đang đi công tác nước ngoài, dòng họ yêu cầu về gấp để giao phó một sứ mệnh lớn lao làm tôi hết sức bất ngờ là làm chủ nhiệm chương trình “Tìm Kiếm - khai quật - di dời - an táng và vinh danh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập”. Vậy giờ không còn là đọc câu chuyện lịch sử nữa mà mình là một phần trong dòng chảy đó, không còn là ngắm hình ảnh của một vị tiền bối trên tường nhà nữa mà là được các tiền bối trao một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả phải gánh vác, phải hoàn thành và hoàn thành xuất sắc.

Với vai trò mới này, tôi được có cơ hội trải nghiệm những điều chưa bao giờ xảy ra trong đời. Nhờ những trải nghiệm nhiệm màu và vi diệu đó, tôi càng thấu hiểu cụ Hà Huy Tập và các vị tiền bối hơn, càng hiểu lại càng thương, càng tôn kính, khâm phục và biết ơn vô hạn.

Hà Huy Thamh hội đàm với chủ tịch hiệp hội nông sản Úc.
Hà Huy Thamh hội đàm với chủ tịch hiệp hội nông sản Úc.

Từ đó thôi thúc trong tôi một niềm tin và sức mạnh dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, không chỉ một niềm tin mơ hồ mà một một niềm tin có căn cứ bằng bề dày lịch sử, bằng những chiến công hiển hách, bằng những sự hy sinh đến tận cùng của hy sinh, là tuổi thanh xuân của sáng tạo và cống hiến, là mạng sống của mình, là hạnh phúc gia đình....

Những vị tiền bối đã có một niềm tin chiến lược về sự thành công tất yếu của cuộc cách mạng và niềm tin đó như một nguồn năng lượng truyền đến hậu thế mà tôi thật may mắn để được đón nhận thông qua một cuộc hành trình mang đầy màu sắc Tâm Linh mà đã được thực tiễn chứng minh trên cả phương diện khoa học lẫn phương diện lịch sử.

Ngay hôm được cả dòng họ lựa chọn làm chủ nhiệm chương trình, tôi đã đến gặp nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh và tôi xin được gặp hương linh cụ Hà Huy Tập. Tôi hỏi cụ một câu là: “Tại sao dòng họ lại chọn con, tại sao cụ và tổ tiên trao sứ mệnh đó cho con, trong khi trước đó đã có hai chủ nhiệm chương trình là cô Hoàng Oanh và chú Hà Vĩnh Tân - đều là các giáo sư, tiến sĩ làm việc tại Viện Vật lý, Trung tâm Nghiêm cứu Tiềm năng con người. Tôi mường tượng như nghe Cụ nói: “Chấm con thì ta đã chấm lâu rồi, không phải vì con có Tâm, trong họ, cũng có nhiều người có Tâm, Tài cũng vậy, trong họ có nhiều người có Tài, nhưng con là người có Mệnh, mệnh ở đây một là sứ mệnh với Tổ tiên, hai là sứ mệnh với các vị tiền bối, ba là sứ mệnh với Tâm Linh”

Anh Hà Huy Thanh - người cháu của cố TBT Hà Huy Tập, đồng thời là Chủ nhiệm chương trình “Tìm kiếm, khai quật, di dời, an táng và vinh danh cố TBT Hà Huy Tập”.

Anh Hà Huy Thanh - người cháu của cố TBT Hà Huy Tập, đồng thời là Chủ nhiệm chương trình “Tìm kiếm, khai quật, di dời, an táng và vinh danh cố TBT Hà Huy Tập”.

Những lời dạy như mệnh lệnh, ngắn gọn mà đầy nội dung và minh triết. Đến hôm nay tôi vẫn canh cánh bên lòng vì một sứ mệnh có ba nội dung rõ rệt đó.

Sau đó tôi như "nghe" cụ kể về nữ chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, cụ Lê Hồng Phong và cụ Nguyễn Văn Cừ - những đồng đội của cụ. Cụ luôn muốn cụ Nguyễn Thị Mình Khai và cụ Nguyễn Văn Cừ được về trước, hoặc về cùng cụ. Dường như lẽ sống của người cách mạng là lý tưởng cao cả, ở đó tình đồng đội, đồng chí còn thiêng liêng hơn cả máu thịt và mạng sống.

Vì tôi có các Phó chủ nhiệm là bác Hà Văn Sỹ, cha tôi Hà Huy Lợi và anh Hà Huy Dũng ở phía Nam, cùng các thành viên rất giỏi như chú Hà Vĩnh Tân, anh Hà Văn Thạch và các thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người nên các công việc của tôi chủ yếu là gặp nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh để "nhận" các "chỉ thị" từ cụ Thánh Hoàng Mười, cụ Tổ Hà Mại, và bà Tổ cô Hà Thanh Vân và có khi "nghe" cậu bé Hà Huy Nguyễn Hoàng kể chuyện, đồng thời nghe ý kiến phân tích đóng góp của các thành viên.

Khi bắt đầu cuộc tìm kiếm, khi là cậu bé 19 tuổi, tôi đã nghe cha và các bác nói về những điều theo nhận thức của tôi lúc đó là hoang đường, là vô lý về việc tiếp xúc với vong linh để nghe chỉ thị thông qua nhà ngoại cảm. Họ là những thanh đồng, là người tu theo Đạo Thánh Mẫu, là “ghế” của các vị Thánh nên tôi dành thời gian nhiều năm nghiên cứu về Đạo Thánh Mẫu.

Tôi đã nhận thức ra đó không chỉ là tôn giáo bản địa, mà còn là một sức mạnh, một quy luật, một nguồn năng lượng vận hành theo quy luật tự nhiên, Quy luật xã hội, và có sức mạnh bằng sự kết nối dòng chảy lịch sử từ tổ tiên đến con cháu. Nếu dòng họ là một loài cây thì Đạo Thánh Mẫu là nguồn năng lượng trong thân cây giúp kết nối giữa gốc, thân và cành lá.

Tôi như một mầm non mới nhú trên một thân cây già cổ thụ nên sự kết nối với gốc rễ không thể trực tiếp được mà phải thông qua dòng năng lượng đang chảy trong thân cây để tìm về với nguồn cội. Thật may mắn vì chúng tôi đã có những buổi quây quần bên cụ Tổ Hà Mại thông qua sự giúp đỡ của Quan Hoàng Mười để nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh có thể nhập đồng cho linh hồn cụ về nói chuyện cùng con cháu. Trước đây tôi hiểu rằng, tâm linh là một nguồn năng lượng của vũ trụ.

Nay được thấy sự biến thiên của nguồn năng lượng ấy suốt chiều dài lịch sử và hiện thị trong dòng họ của mình, được hiện thân bằng những nhân vật lịch sử và tương tác với các dòng họ khác, giống như một mầm cây vừa mới như trên thân cây cổ thụ đang nghe tiếng rì rào trò chuyện của cả khu rừng cổ thụ với nhiều loài cây và cả chim muông và muôn thú.

Anh Hà Huy Thanh

Anh Hà Huy Thanh

Sự giao thoa của nhiều tầng năng lượng, sự giao tiếp của các kiếp người cho tôi thấy cái trầm tích của khu rừng nguyên sinh và mình may mắn là một thành phần trong đó. Nếu khi còn bé nghe các câu chuyện cổ tích thật kỳ diệu thì nay còn nhiệm màu và vi diệu hơn cả triệu lần. Ôi dân tộc Việt Nam! “Việt Nam - Quốc gia của Tình thương”, đó là cảm xúc ngắn gọn mà tôi có thể đúc kết được từ một chuyến du hành ngay tại nơi mình đang sống!

Câu chuyện nào cũng chứa đựng trong đó một thông điệp của Tình thương, ở đó có sự thấu hiểu, có sự chia sẻ và ánh sáng của giải pháp.

Tôi thấu hiểu rằng kiếp người thật ngắn ngủi so với dòng chảy lịch sử, nhưng dòng sông lại bắt đầu từ những giọt nước, một giọt nước sẽ chảy suốt cùng dòng sông qua rất nhiều hình thái. Đất nước như một dòng sông có khi cuồn cuộn thác đổ, có khi đục ngầu phù sa, có khi êm đềm lững lờ trôi ra biển lớn, hoà cùng đại dương nhân loại để rồi bốc hơi làm thành giọt mưa tưới tắm những cánh rừng. Như tôi đang tắm mình trong cả bầu trời lịch sử - được cắt nghĩa bằng những trận mưa rào của lịch sử bi tráng của cha ông.

Với vai trò chủ nhiệm chương trình, tôi cất giữ hết những cảm xúc, thầm biết ơn những phước báu mà mình đón nhận được, để thực hiện một việc cụ thể là đưa cụ về. Cụ về không chỉ là những nắm xương trong lòng đất mẹ, về nơi chôn rau cắt rốn. Cụ về không chỉ là giọt mưa từ biển về với rừng đầu nguồn. Cụ về là để làm xanh lên những mầm non, để những đời người, những rừng cây hiểu rằng:

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”

Có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương” - như bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn mà tôi vẫn hát mãi từ tuổi thơ đến tận hôm nay.

Anh Hà Huy Thanh (trái) tại lễ ký kết hợp tác với đối tác Nhật Bản.
Anh Hà Huy Thanh (trái) tại lễ ký kết hợp tác với đối tác Nhật Bản.

Cụ và đồng đội, cụ đã về, có những người con ở lại nơi mảnh đất của Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Trong hố chôn tập thể khai quật hôm tìm mộ cụ còn có một người đồng đội mà cụ rất yêu quý - cụ Nguyễn Văn Cừ ! Chúng tôi đã cùng các vị lãnh đạo và nhân dân thành phố Hồ Chí Mình trực tiếp đưa về nghĩa trang liệt sỹ Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Mình - nay vẫn là một ngôi mộ vô danh như hàng trăm hàng nghìn ngôi mộ liệt sỹ vô danh khác, được đặt tên là “ Mộ các liệt sỹ quy tập cùng đợt với hài cốt tổng bí thư Hà Huy Tập”

Đó là nỗi canh cánh trong lòng tôi suốt 12 năm qua, hôm nay được chia sẻ ở đây như một lời sám hối, một nén tâm nhang thắp lên cho cụ với một mong mỏi cụ Nguyễn Văn Cừ và các liệt sỹ khác sẽ có được cơ duyên trở về với bà con, với nơi chôn rau cắt rốn như cụ Hà Huy Tập.

Ngày truy điệu cụ Hà Huy Tập, tôi biết mình mới chỉ hoàn thành một phần sứ mệnh mà cụ đã trao cho tôi. Trước lễ truy điệu một ngày, khi được biết ngày mai tôi sẽ thay mặt dòng họ và gia đình được đọc diễn văn đáp từ sau bài diễn văn truy điệu của đại diện Nhà nước là bác Trương Tấn Sang, tôi đã làm một bài thơ và lặng lẽ vào Dinh Thống Nhất - nơi đặt hài cốt của cụ để đọc cho cụ nghe. Vì tôi biết ngày mai truy điệu sẽ được tường thuật trên thời sự, theo nghi thức quốc gia nên tôi không thể lấy tâm sự riêng ra giãi bày được.

CỤ HÀ HUY TẬP

Cụ sinh ra vào đúng thời loạn lạc

Chọn cho mình nghề giáo, chẳng cầu vinh

Dạy trẻ thơ luôn nhớ dáng hình

Của sức trẻ trai - của tương lai xứ sở

Nhưng hoa quý dẫu rằng chưa nở

Vẫn ngát một mùi hạnh phúc của tự do

Nên làm quân đô hộ rất lo

Và cũng cho hội thanh niên biết đến

Cụ được mời tham gia điểm hẹn

Rồi Đông Phương cụ học, nghĩ Thánh hiền

Cùng với sức trai trẻ hồn nhiên

Lá cờ búa liềm, triền miên tìm phương án

Tám năm ròng nơi trời Tây, nước bạn

Khăn gói trở về, lãnh đạn giữa rừng đao

Dân gọi cụ là lãnh đạo phong trào

Đảng gọi cụ là Tổng bí thư đáng kính

Con nghĩ - cụ chỉ là người lính

Chiến đấu hết mình, chay tịnh một niềm tin

Sáu mươi tám năm sau con mới biết đi tìm

Cầm nắm xương, nhuốm bùn đen, khói đạn

Con chỉ có một tình thương vô hạn

Cụ và con, những người bạn chiến binh

Mải miết nghĩ suy đến một dáng hình

Của Tổ quốc, của quê mình đất mẹ

Đến hôm nay, một trăm năm có lẻ

Thế hệ con rồi, giặc vẫn đó cụ ơi

Nội xâm chúng vẫn phá tơi bời

Cùng với ngoại xâm, ngang trời dọc biển

Ai cũng lặng để lùi, bao giờ sẽ tiến?

Chữ S ta vẫn quằn quại đêm ngày

Chất độc quân thù hòng đốt cháy tương lai

Chúng hủy diệt hình hài xứ sở

Con sẽ chiến đấu cho Rồng Tiên rực rỡ

Cho chữ S này là Success một ngày mai

Dẫu biết rằng sẽ có những đêm dài

Để giữ lấy điều thiêng liêng nhất

Nhưng những chiến binh hiểu một điều rất thật

Ngã xuống cho quê mình là vì một dân tộc đứng lên

Lịch sử trời Nam vẫn mãi vang tên

Những con người ra đi vì tổ quốc

Cho mỗi sớm mai khi con thức giấc

Nghe tiếng gà cất giai điệu của bình yên

Đất nước ta đang ngày một đi lên

Dưới ánh sáng của mặt trời Chí Huệ

Con đường con đi qua quan san dâu bể

Thắm đỏ một bầu máu nóng của tình thương

Đại đạo ta đi, chỉ có một con đường

Để đến nơi bến bờ giác ngộ

Mỗi con người dẫu sống trong cảnh khổ

Vẫn biết thích nghi, hoá giải mọi muộn phiền

Đến với ngày mai ai cũng được an nhiên

Để sống trong cõi thiền, tịnh độ.

Tổ quốc của ta, qua muôn gian khó

Cập bến rồi, chốn giác ngộ bình an.

(Hà Huy Thanh)