Hôm nay (mùng 11 tháng 4 năm Tân Sửu) gia đình tổ chức tròn một năm ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương rời xa dương thế.
Ông Hương mất đi là một tổn thất không gì bù đắp được đối với gia đình và đất nước; đặc biệt là đối với giới báo chí.
Những năm tháng nghỉ hưu, sau khi ông đã hoàn thành sự nghiệp hơn 50 năm làm công tác tổ chức, ông vẫn là “trung tâm” của các sự kiện lớn của đất nước đối với giới truyền thông.
Trước một Hội nghi Trung ương, một sự kiện kỷ niệm trọng đại của Đảng, hay một vụ án vừa được phanh phui liên quan đến các cán bộ thoái hóa biến chất, các nhà báo thường tìm đến ông. Ông trao đổi thẳng thắn, không né tránh. Ông vạch ra các “kẻ hở” của công tác tổ chức, công tác thực thi công vụ và rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác tổ chức cán bộ. Có những vụ việc sai trái ông “vạch mặt, chỉ tên” những cán bộ tham nhũng, hối lộ, hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Khe khắt với chính mình, cương quyết xử lý những cán bộ tham ô, tham nhũng, nhưng ông Hương lại có cái nhìn nhân văn, đầy tình người. |
Vì vậy, người dân quý trọng ông, cán bộ, đảng viên yêu quý, tôn trọng ông cũng nhiều, mà những kẻ không ưa ông cũng không phải là hiếm. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng, người yêu quý, kính trọng ông lẫn kẻ không ưa ông đều thừa nhận ông là một cán bộ trung kiên, thẳng thắn và liêm khiết. Ông yêu Đảng, yêu chế độ và bảo vệ chế độ theo cái cách của mình.
Là người quen biết ông nhiều năm, tôi được ông kể cho nghe về những thăng trầm của công tác tổ chức cán bộ. Trong sâu thẳm ông vẫn luôn đau đáu về công tác xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng. “Muốn Đảng vững mạnh thì phải làm sao để Đảng ngày càng trong sạch. Muốn trong sạch thì một trong những vấn đề quan trọng là phải phòng ngừa, đấu trang chống tham nhũng thật sự”- trong những lúc đến thăm ông, trò chuyện hay phỏng vấn ông, kết thúc bao giờ ông cũng thường nói như vậy.
Hôm tới thăm ông ở Bệnh viện Hữu Nghị trong những ngày cuối cùng còn ở cõi ta bà, nhìn ông nhỏ thó, nằm trên tấm đệm trắng với máy thở, dây nhợ chằng chịt. Bắt tay tôi, dù đã rất yếu, ông vẫn trăn trở về những vấn đề tổ chức cán bộ, phòng chống tham nhũng trước Đại hội Đảng XIII.
Ông là thế - một cán bộ trung kiên không lẫn vào đâu được. Khe khắt với chính mình, cương quyết xử lý những cán bộ tham ô, tham nhũng, nhưng lại có cái nhìn nhân văn, đầy tình người.
Bìa cuốn sách |
Ngày 17/10/2019, tại lễ ra mắt cuốn sách “Nguyễn Đình Hương – Người con của non sông đất nước” nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông (do CLB Café Số thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức), ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam có kể câu chuyện về Giải thưởng Quốc gia năm 2006 cho 4 nhà văn thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm gồm: Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm. Lúc này, ông Lê Doãn Hợp là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Nhà nước.
Ông Lê Doãn Hợp kể lại việc ông Hương "gỡ thế bí" cho ông trong việc trao Giải thưởng Quốc gia cho 4 nhà văn thuộc Nhóm "Nhân văn Giai phẩm". |
“Sau khi công bố giải thưởng cho 4 nhà văn nói trên, có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó, có ý kiến của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, của chị Vũ Thị Thanh (vợ nhà thơ Tố Hữu), nguyên là Phó Ban Tuyên huấn Trung ương. Vì vậy, Ban Bí thư yêu cầu tôi báo cáo”, ông Hợp kể, “Rất nhiều người nói với tôi rằng nếu trao giải cho những văn nghệ sĩ này, tôi sẽ "tự đốt" lý lịch của mình. Mà người nhóm lửa là bác Nguyễn Đình Hương”.
“Trước những ý kiến phản đối, đề nghị họp lại, tôi quyết định xin ý kiến ông Nguyễn Đình Hương” – ông Hợp nhớ lại.
“Sau khi nghe tôi trình bày, ông Hương bảo: “Hợp làm đi, anh ủng hộ. Phải kéo văn nghệ sĩ về với Đảng, về với chúng ta. Điều này không chỉ có lợi cho dư luận trong nước mà còn cho dư luận nước ngoài. Những nhà văn, nhà thơ này bị kỷ luật cách đây 50 năm rồi. Sai thì đã xử rồi, bây giờ với hàng loạt ưu điểm mà chúng ta vẫn giữ nguyên quan điểm như vậy thì là không công minh, cũng không công bằng. Và Hội đồng bỏ phiếu như thế là hoàn toàn chính xác”.
Ông Hợp còn kể sau đó, ông được ông Hương cho mượn toàn bộ hồ sơ vụ "Nhân văn giai phẩm". “Bác Hương đã giúp tôi gỡ một thế bí. Tôi nghĩ đó là tư duy của một nhà chính trị với anh em nghệ sĩ rất thông thoáng và nhân văn”, ông Hợp nói.
Nhờ đó mà Hội đồng giải thưởng Quốc gia đã quyết định không họp lại và tiếp tục thực hiện trao giải. Khi đó, 4 nhà văn được trao giải, chỉ nhà thơ Hoàng Cầm còn sống và đến nhận giải, trên xe lăn. Gia đình nhà thơ Trần Dần đã đặt số tiền thưởng và Bằng Giải thưởng Quốc gia lên bàn thờ, thắp hương 3 tháng 10 ngày.
"Ông Nguyễn Đình Hương là một "Cuốn từ điển sống" về công tác tổ chức của Đảng"- Nhà thơ Hữu Thỉnh. |
Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhớ lại: “Mỗi lần tôi đến thăm nhà thơ Tố Hữu, ông đều nhắc đến ông Nguyễn Đình Hương với một tình cảm vô cùng trân trọng, sâu sắc. Trước khi mất, nhà thơ Tố Hữu đã dặn tôi nếu cần gì về công tác tổ chức liên quan đến Hội Nhà văn Việt Nam, cứ hỏi ông Nguyễn Đình Hương.
"Ông Nguyễn Đình Hương là một "cuốn từ điển sống" về công tác tổ chức của Đảng, đồng thời, là người rất quan tâm và hiểu biết về các sự kiện trong 60 năm qua của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi đã nhiều lần đến gặp ông và hỏi những vấn đề không dễ trả lời như về Nhân văn giai phẩm, chính sách đối với các nhà văn thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm.
Ông Nguyễn Đình Hương tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông (do CLB Cafe Số tổ chức)- ngày 17/10/2019. |
"Với tình cảm, sự khoan dung cùng sự hiểu biết về văn nghệ sĩ, ông Nguyễn Đình Hương đã cho tôi rất nhiều chỉ dẫn đúng đắn. Chúng tôi đã khôi phục lại toàn bộ lương của ông Nguyễn Hữu Đang từ khi bị xử lý kỷ luật đến khi trở lại cuộc sống bình thường."
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: Ông Nguyễn Đình Hương đứng ở trung tâm công tác tổ chức của Đảng, trung tâm những chuyển động xã hội, nhất là trước những biến động lớn của đất nước. Ông không chỉ là một chứng nhân mà còn tham gia vào những sự kiện lớn của đất nước: Công tác tổ chức, bộ máy, nhân sự, lựa chọn các phương án,.. Vì thế, ông thực sự là nhà cách mạng, nhà lãnh đạo ở cấp vĩ mô.
Qua rất nhiều kỳ Đại hội Đảng khi còn đương chức và về hưu, tiếng nói của ông đã góp vào tư duy và trí tuệ chung của Đảng. Từ đó, chúng ta có được một bộ máy và nhân sự tốt – nhân tố đầu tiên quyết định thắng lợi của Đảng, của đất nước.
Chúng ta tin vào trí tuệ, tiếng nói trung thực, vô tư và khách quan của nhà tổ chức Nguyễn Đình Hương. Nhắc đến Nguyễn Đình Hương là nhắc đến một người cán bộ mẫu mực của Đảng, người con ưu tú của đất nước.” – Nhà văn Hữu Thỉnh nói.
Vợ chồng ông Nguyễn Đình Hương. |
Nhân dịp tròn một năm ông rời xa cõi tạm, xin được nhắc lại một vài kỷ niệm về ông như là một nén hương cầu chúc cho ông phiêu diêu miền cực lạc, sau khi ông đã đi trọn một cuộc đời đầy vinh quang và để lại cho đời một tấm gương sáng của một cán bộ trung kiên và liêm chính!
Ông Nguyễn Đình Hương là người xứ Nghệ, sinh năm 1930. Ông tham gia cách mạng bằng việc gia nhập ngành quân giới quân khu Bình Trị Thiên. Năm 1948 ông trở thành đảng viên cộng sản. Năm 1952 ông được điều ra phục vụ ở Bến Bình Ca (Tuyên Quang) nổi tiếng. Năm 1956 ông được điều về Ban Tổ chức Trung ương và làm việc tại đây cho đến năm 2007 thì nghỉ hưu. Ông Nguyễn Đình Hương là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI và VII, Trưởng Ban bảo vệ chính trị nội bộ, Thường trực A47.
Có thể nói gần như cả cuộc đời ông gắn với công tác tổ chức, qua nhiều đời Trưởng ban: Lê Văn Lương (1948- 1/1956), Lê Đức Thọ (10/1956- 1973), Lê Văn Lương (1973-1976), Lê Đức Thọ (1976- 1980), Nguyễn Đức Tâm (1980- 6/1991), Lê Phước Thọ (6/1991- 7/1996), Nguyễn Văn An (7/1996-7/2001), Trần Đình Hoan (7/2001- 4/2006).