|
Chỉ trích học sinh - Ảnh vtv.vn |
Trong một bài viết đăng tải trên CafeF, tiến sĩ Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội – nêu quan điểm cho rằng "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang hủy hoại giới trẻ". Theo CafeF, tiến sĩ Hương là "một chuyên gia giáo dục vô cùng tâm huyết với nền giáo dục của Việt Nam" và quan điểm của bà đang "nhận được cơn mưa đồng tình của dư luận."
Xuất phát từ những trải nghiệm giảng dạy trực tiếp và nghiên cứu giáo dục trong nhiều năm, chúng tôi xin có đôi điều bàn luận về chủ đề quan trọng này.
'Quở, phạt' hại nhiều hơn lợi?
Phạt hay trừng phạt vốn không xa lạ trong nền giáo dục của Việt Nam và cả trên thế giới, nếu không nói rằng nó đã ngự trị trong lịch sử giáo dục hàng ngàn năm ở cả Đông lẫn Tây để trở thành một lối “giáo dục ý thức” chủ đạo. Tuy nhiên, cùng với sự hiểu biết về con người và tâm lý con người từ những thành tựu của tâm lý học và giáo dục học thì không một nền giáo dục tiến tiến nào còn quan niệm như thế nữa.
Nói như thế không phải là người ta thả nổi cho đứa trẻ muốn làm gì thì làm. Các nhà giáo dục học và nhà trường tiến bộ đã thay “trừng phạt” bằng “kỷ luật”, và nhất là “kỷ luật tích cực”. Chúng ta hãy đọc đoạn văn sau đây:
“Rất nhiều người nghĩ kiến thức học thuật là mục đích của trường học và các chương trình kỷ luật dùng để hỗ trợ cho một thành tích học tập tốt. Do đó, các nhà quản lý thường tiếp cận kỷ luật dựa trên phần thưởng và hình phạt để kiểm soát học sinh. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ trừ khi trẻ được dạy các kỹ năng xã hội và cảm xúc, nếu không chúng sẽ gặp khó khăn trong học tập và các vấn đề kỷ luật sẽ gia tăng.
Kỷ luật tích cực có cách tiếp cận khác, nó bao gồm các phương pháp yêu cầu học sinh tập trung vào các giải pháp thay vì là những người được nhận phần thưởng và hình phạt. Và nó được gọi là “Môi trường học tập”* (hết trích).
Tại sao người ta lại thay thế phần thưởng và hình phạt bằng cách “yêu cầu học sinh tập trung vào các giải pháp”, và gọi đó là kỷ luật tích cực? Đầu tiên, có một nhận thức chung mà không ai phủ nhận được đó là mọi hành vi của con người đều có nguyên nhân, trong đó có hành vi tiêu cực của học sinh. Tất cả những biểu hiện “không ngoan” của một đứa trẻ đều dứt khoát có lý do tâm lý học; và cách chữa bệnh đúng nhất, hiệu quả nhất và tốt nhất là chữa căn nguyên (nguyên nhân) chứ không phải chữa triệu chứng (hành vi).
Một đứa trẻ cố ý không làm bài tập không đơn giản chỉ vì nó lười biếng hay coi thường giáo viên. Theo nguyên lý tảng băng trôi trong giáo dục thì hành vi của con người chỉ là phần nổi mà lý do thật sự đang bị chìm ở bên dưới. Một học sinh có hành vi tiêu cực là khi học sinh ấy cảm thấy chán nản. Khi học sinh tin rằng chúng không thuộc về đâu, chúng thường chọn 4 mục tiêu nhầm lẫn sau đây: gây chú ý thái quá; quyền lực lạc lối; cay cú trả đũa; tự ty thu mình.
Tùy từng tình huống, ở đây, có thể đứa trẻ không chịu làm bài tập trên kia là thuộc vào trường hợp cay cú trả đũa. Một chấn thương tâm lý nào đó trong quá khứ đã dẫn nó tới hành vi này, ví dụ đã từng bị trừng phạt, bị chế giễu, bị khinh thường v.v. vì làm bài sai. Cơ chế tự vệ của cái tôi mà tâm lý học đã chỉ ra giúp ta lý giải cho hiện tượng này.
Người ta quên mất một điều rằng con người có quyền sai, và vì quên nên mới có những giáo viên luôn đòi hỏi học sinh phải đúng, nếu không đúng là “ngu”, là kém cỏi, là lười học v.v. Người giáo viên thì đa phần cũng đều quên mình đã học đi xe đạp một cách khó khăn thế nào; người ta cũng quên béng mất rằng mình đã học chữ cái và đánh vần một cách khổ sở ra sao. Mất hàng năm trời cho những việc như thế, vậy thì hà cớ làm sao lại bắt một đứa trẻ phải biết làm và làm tốt ngay từ lần đầu tiên; và hà cớ làm sao không giúp nó nhận diện ra vấn đề để nó tìm cách giải quyết mà lại chì chiết, quở phạt?
Thay quở, phạt bằng "kỷ luật tích cực"
Một em bé không được phiếu bé ngoan vì tuần này đã phạm lỗi "vẽ linh tinh" vào sách tập tô. Bị trách mắng, đánh vào bàn tay và không phát phiếu bé ngoan chính là trừng phạt. Kỷ luật tích cực sẽ không lựa chọn cách làm đó. Cô giáo sẽ đến bên và hỏi "Con đang vẽ gì đó, cô bé?"; "Con vẽ con mèo nhà con"; "Ồ, một con mèo rất ngộ nghĩnh đấy chứ, ai dạy con vẽ vậy?"; "Con tự vẽ ạ"; "Giỏi lắm! Nhưng con vẽ vào trang sách này thì quả cam ở đây trông ra sao nhỉ?"; "Bị mất một phần và bị biến thành màu đen rồi ạ"; "Đúng rồi, bây giờ thì chúng ta nên làm sao nhỉ"; (em bé gãi đầu); "Hãy nói cho cô biết điều đó vào giờ ra chơi nhé cô bé, chúng ta sẽ cùng tìm cách giải quyết". Giờ ra chơi, "con đã nghĩ ra được cách gì chưa, cô bé?"; "Con nghĩ, hoặc là xé trang sách này đi, hoặc sẽ dùng cục tẩy để tẩy con mèo ạ"; "Có cách nào tốt hơn không nhỉ?"; "Hay là mình vẽ lại quả cam, thưa cô?"; "Vậy thì còn con mèo, phải làm sao đây?"; "Em sẽ kêu mẹ em mua lại cho em cuốn sách khác"; "Nhưng chính con là người đã vẽ cơ mà, tại sao mẹ lại phải bỏ tiền để mua cuốn sách khác khi con là người đã gây ra vấn đề?"; "Con sẽ tiết kiệm tiền quà vặt để mua thì sao nhỉ?"; "Đó là một cách hay đấy chứ! Và từ nay con có vẽ nữa không?"; "Dạ không ạ"; "Không con sẽ tiếp tục vẽ, cô thấy con vẽ rất đẹp, đây là giấy của con, con sẽ vẽ vào những tờ giấy này (cô giáo tặng cho em bé những tờ giấy), khi nào hết thì con sẽ nói mẹ mua cho con và chúng ta sẽ không vẽ vào sách nữa, phải không nào"; "Dạ, sẽ không vẽ vào sách nữa"; "À, mà hình con mèo rất đáng yêu, con không cần phải bỏ cuốn sách này để mua cuốn mới, như thế sẽ rất tốn tiền, con sẽ vẽ lại quả cam trên tờ giấy này và kẹp vào trang sách chỗ con mèo, được không?"; "Dạ được ạ"...
Nếu chỉ đánh vào bàn tay cùng những lời chỉ trích và phạt bằng cách không cho giấy bé ngoan thì chuyện gì sẽ xảy ra? Cô bé không những không hiểu ra vấn đề mà còn có thể sẽ vĩnh viễn không vẽ nữa, nó thấy rằng mình là một đứa trẻ hư hoặc thấy người lớn không hiểu nó, không yêu nó, nó dần chán ghét cô giáo, chán ghét lớp học, nó sợ đi học... Chúng ta đã thấy hậu quả rồi đó, là một hậu quả có thể ảnh hưởng suốt đời một con người. Với hình thức kỷ luật tích cực như cô giáo ở ví dụ trên, cô bé sẽ tự mình hiểu và tìm giải pháp, cô bé sẽ là người chịu trách nhiệm và biết cách chịu trách nhiệm; trong khi đam mê vẽ không vì thế mà bị hủy hoại mất. Đó chính là giáo dục khai phóng vậy.
Con người tìm kiếm điều gì? Sự an toàn và tình yêu. Và một khi nó không tìm thấy những điều ấy ở xung quanh thì nó sẽ “xù lông” lên; các nhà khoa học nhìn thấy động cơ sâu thẳm của những hành vi ấy chính là một khao khát yêu thương và sự an toàn. Nếu anh tiếp tục trừng phạt đứa trẻ vì những tổn thương của nó (do chính anh là thủ phạm) thì sẽ chỉ tăng thêm tính thù ghét, sự đối phó, lòng tự ty (để cố biến mình thành “vô hình” trong mắt kẻ khác).
Sự trừng phạt bao giờ cũng hủy hoại, tuy nó thường mang lại hiệu quả tức thời. Cùng với những chấn thương không thể chữa lành là tính cách hình thành. Trong cuốn sách đã dẫn, một nghiên cứu đã chỉ ra cô bé 16 tuổi kia mắc chứng đau dạ dày vì những chỉ trích và sỉ nhục ở tuổi thơ ấu. Sự trừng phạt để lại những hậu quả được miêu tả qua 3 chữ R như sau: (i) Nổi loạn (Rebellion): “họ không thể làm cho tôi => tôi có thể làm gì mình muốn”; (ii) Trả đũa (Revenge): “tôi sẽ trả đũa lại cho dù sau này tôi có thể bị phạt nặng hơn”; (iii) Tháo lui (Retreat): gồm Tự ty “tôi là một đứa trẻ hư”, và Lén lút “tôi sẽ không bị phát hiện lần tới”.
Một đứa trẻ bị lớn lên trong bạo lực, cả bạo lực hành vi lẫn bạo lực tinh thần thì tất yếu sẽ mang tính cách bạo lực. Và nó sẽ ném trả bạo lực ấy vào cuộc sống, vào xã hội và những người xung quanh trong những tình huống thuận lợi; hoặc sẽ trở thành “con người nô lệ” trong những tình huống bị bạo lực áp chế.
Ngay cả thưởng phải đúng cách mới có tác dụng
Nhưng xin chớ quên, không chỉ sự trừng phạt mà phần thưởng – biểu hiện mặt kia của trừng phạt – cũng để lại hậu quả. Đó là sự nhanh chóng phụ thuộc vào phần thưởng và không còn có ý muốn cống hiến cho xã hội nếu như phần thưởng không hiện hữu một cách rõ ràng. Và tất nhiên, những phần thưởng này sẽ “hướng dẫn” đứa trẻ hành động không phải theo lẽ phải, công lý, điều thiện mà là sự ban thưởng. Chúng sẽ lớn lên không phải với tầm vóc một con người độc lập, hành động theo ý chí thiêng liêng mà vì sự thừa nhận của xung quanh. Hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu cả một xã hội đều hành động vì lợi lộc?
Trong ví dụ về cô bé vẽ con mèo vào cuốn sách tập tô, chúng tôi có nhắc tới phiếu bé ngoan vì nó đang được sử dụng trong giáo dục mầm non ở ta chứ không phải vì ủng hộ hình thức khen thưởng bằng những cái thẻ như thế. Việc dán nhãn một đứa bé là ngoan hay không ngoan là cực kỳ nguy hại. 'Kỷ luật tích cực' không những không có sự trừng phạt mà còn không có cả phần thưởng. Phần thưởng của đứa trẻ là sự đồng hành của người lớn và nhất là chúng hạnh phúc vì đã tự mình giải quyết được vấn đề của mình nhờ sự đồng hành ấy. Sau cùng, nó luôn thấy an toàn và thương yêu tràn ngập trong cuộc sống của mình.
Để khép lại, xin lưu ý không chỉ có trừng phạt và kỷ luật (tích cực) mà một điều khủng khiếp khác đang hiện diện đây đó: sự trả thù. Nhiều người không những trừng phạt đứa trẻ mà còn nhân danh tình yêu để thi hành những hình phạt che giấu sự trả thù bên trong.
Để tránh đi tất cả những tai họa ẩn giấu này, một môi trường giáo dục lành mạnh và tiến bộ cần được dựng xây và thể chế hóa bằng các văn bản.
Điều quan trọng nhất ở đây chính là giáo viên, giáo viên không những phải trở thành một nhà giáo, nhà sư phạm mà hơn thế, phải trở thành một chuyên gia về tâm lý có tấm lòng thương yêu rộng lớn để thực hiện sứ mệnh giáo dục thiêng liêng này.
________________________________________
* Jane Nelsen, Lynn Lott, H. Stephen Glenn (2018) "Kỷ Luật tích cực trong lớp học", Bình Max dịch, NXB Phụ Nữ.
Bài viết có sử dụng một số trích dẫn không nguyên văn trong cuốn sách này vì lý do kỹ thuật văn bản.