“Giam” những người đã tiêm đủ 2 mũi là lãng phí cả vắc xin lẫn nguồn lực lao động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mục đích tiêm vắc xin Covid-19 là để sớm thiết lập cuộc sống bình thường mới, nhưng hiện người đã tiêm đủ 2 mũi vẫn buộc phải ở nhà như người chưa tiêm. Đây là sự lãng phí cả vắc xin lẫn nguồn lực lao động.

Để thực hiện chủ trương vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhiều nước đã chấp nhận “hộ chiếu vắc xin” để đón khách du lịch. Ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng cho phép những người nhập cảnh tiêm đủ 2 mũi thì giảm thời gian cách ly còn 7 ngày.

Mới hôm 4/9, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cho biết, ở ổ dịch Bình Dương “những người đã mắc COVID khỏi bệnh (đến nay là gần 70 nghìn người) những người đã tiêm đủ 2 mũi, những người tiêm 1 mũi đủ ngày (2 nhóm này hiện nay là gần 1 triệu người) sẽ được ra đường đi làm!” Tin này làm rất nhiều người vui mừng hộ Bình Dương khi cuộc sống bình thường mới sắp đến với nơi này.

Ở Hà Nội, số người được tiêm vắc xin và tiêm đầy đủ 2 mũi đang ngày càng tăng, lên tới vài triệu người. Thế nhưng, thật ngạc nhiên khi trong suốt các đợt giãn cách, trong số các nhóm dân cư mà Hà Nội cho phép ra đường, lại không hề có những người đã tiêm 2 mũi vắc xin, cũng như những người từng mắc COVID-19 nhưng đã khoẻ mạnh – mà theo các chuyên gia về dịch tễ thì “số nhiễm đã khỏi thì miễn dịch còn mạnh hơn tiêm vắc xin nhiều.”

Thực tế hiện nay ở Hà Nội, người đã tiêm 2 mũi, người mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh rồi, và người chưa tiêm đều phải ngồi nhà như nhau, thậm chí, người tiêm 2 mũi còn không bằng người chưa tiêm, nếu người chưa tiêm có giấy đi đường! Điều này không những phi khoa học mà còn rất phí phạm vắc xin khi chúng ta tốn kém rất nhiều tiền bạc, công sức mới có được vắc xin, rồi bao nhiêu nhân lực để tổ chức tiêm phòng. Việc không cho những người tiêm đủ 2 mũi, người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh đi làm, là rất phí phạm lực lượng lao động, mà còn không đúng chủ trương của Chính phủ là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Như vậy, tôi cho rằng ngoài các nhóm người mà TP Hà Nội đã thông báo cấp giấy đi đường, thì cần có những người đã tiêm đủ 2 mũi và người từng mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh. Những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin chỉ cần xuất trình chứng nhận tiêm vắc xin trên Sổ điện tử và người mắc COVID-19 đã khỏi chỉ cần trình giấy ra viện là có thể đi làm việc bình thường. Vấn đề này cần dựa trên khoa học chứ không thể chỉ căn cứ vào những nguyên tắc hành chính khô cứng.

Chúng ta cũng nên nhìn sang các nước bạn, tham khảo cách bạn tạo điều kiện di chuyển, làm việc và hoạt động xã hội cho những nhóm dân cư khác nhau, cách làm nào hay và phù hợp thì nên học tập, làm theo. Ở nhiều nước châu Âu, ngay cả vào một nơi đông người như sân bóng đá hiện cũng chỉ cần trình hộ chiếu vắc xin (international certificate of vaccination) ra là đủ.

Tất nhiên, để chấp nhận “giấy thông hành vắc xin”, phải có sự phối hợp chặt chẽ của ngành Y tế, phải tăng tốc việc cập nhật chứng nhận tiêm phòng trên sổ sức khoẻ điện tử hiện đang làm rất chậm chạp. Hiện nay, nhiều điểm tiêm không cấp giấy chứng nhận tiêm phòng ngay khi tiêm xong, nhiều nơi sau khi tiêm hơn 1 tháng vẫn không thấy dữ liệu chứng nhận tiêm phòng cập nhật trên Sổ sức khoẻ điện tử (hiện có rất ít nơi như Trường Đại học Y Hà Nội, người tiêm được phát giấy chứng nhận tiêm phòng ngay khi ra về và chỉ sau vài ngày là có chứng nhận trên Sổ sức khoẻ điện tử.)

Đến nay, số người được tiêm vắc xin Covid ở Hà Nội đã chiếm khoảng 50% dân số

Đến nay, số người được tiêm vắc xin Covid ở Hà Nội đã chiếm khoảng 50% dân số

Bên cạnh đó, có rất nhiều người tiêm vắc xin mũi 1 rồi, nhưng không thể đi tiêm mũi 2 đúng lịch do khu vực bị phong toả – hiện Hà Nội có rất nhiều khu vực bị phong toả, thậm chí, phong toả liên tiếp nhiều lần. Mà giữa mũi 1 và mũi 2 có khống chế về thời gian, nên nếu tiêm không đúng lịch sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống dịch của vắc xin. Cũng cần nói thêm, những người đã tiêm mũi 1 sau một thời gian cũng đã có kháng thể ở mức nhất định. Nếu giữ rịt họ một chỗ y như với người chưa từng tiêm mũi nào thì cũng là sự lãng phí vaccine, rất cần khẩn trương xem xét lại, khi mà chúng ta phải rất khó khăn và tốn kém mới có được từng đợt vắc xin hạn chế để tiêm dần cho nhân dân.

Để không lãng phí vắc xin, để việc tiêm vắc xin phát huy được hiệu quả, phục vụ cuộc sống ở mức cao nhất, rất cần tiếng nói kịp thời của Bộ Y tế, của giới chuyên gia. Các địa phương cũng cần căn cứ hướng dẫn của bộ chuyên ngành, của giới chuyên môn khi ban hành chính sách.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã nêu quan điểm chỉ đạo mới rất hợp lòng dân và được giới chuyên môn đánh giá là rất sát thực tế: "Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên."

Nói cuộc chiến còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, theo chúng tôi, cũng chính là nói rằng phải làm sao để lực lượng lao động không bị suy giảm nhiều về con số và năng suất, đồng nghĩa những người đã tiêm đủ vắc xin phải được tạo điều kiện để đi lại và làm việc. Người từng mắc bệnh và đã khỏi cũng cần phải được tham gia lao động sản xuất. Ngay cả người mới tiêm một mũi cũng cần phải có cách để phân nhóm và tạo điều kiện đi lại, lao động khác với những ai chưa từng được tiêm mũi nào.

Đó là những việc tất yếu phải làm để thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế vậy.