Giải toả những thành kiến cùng bác bỏ ngộ nhận về Chữ quốc ngữ - Kỳ 3: Bác bỏ những ngộ nhận

Đào Tiến Thi
Đào Tiến Thi

cựu Ủy viên Ban chấp hành Hội ngôn ngữ học Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vẫn có không ít ý kiến ngộ nhận rằng Việt Nam đã thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc khi từ bỏ Hán Nôm để chuyển sang dùng Chữ quốc ngữ (CQN) hiện hành theo mẫu tự La tinh. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy.

LTS: VietTimes xin giới thiệu Kỳ cuối bài viết về chữ quốc ngữ của Thạc sĩ Đào Tiến Thi - cựu Ủy viên Ban chấp hành Hội ngôn ngữ học Việt Nam. Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả.

Ngộ nhận về tính “ưu việt” của chữ ghi âm và "dòng dõi La tinh"

Nhiều người, kể cả một số nhà ngôn ngữ học, vẫn cho rằng chữ ghi âm là bước phát triển cao hơn, tiến bộ hơn chữ ghi ý.

Ngộ nhận này có lẽ xuất phát từ tư tưởng "Dĩ Âu vi Trung". Thực tế việc dân tộc ta bỏ chữ Hán là vì “tiếng, chữ khác nhau”, vì chữ Hán là một thứ chữ ngoại lai, không ghi lại được tiếng nói dân tộc, chứ không phải vì bản thân chữ Hán kém cỏi gì. Chữ Nôm là chữ của dân tộc, nhưng ở vào thời điểm ấy (cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX) cần "tăng tốc lịch sử" để hiện đại hóa nhanh chóng đất nước thì chữ Nôm không thể đáp ứng, bởi vì:

a) Cho đến lúc ấy chữ Nôm vẫn chưa hoàn thiện

b) Học chữ Nôm buộc phải biết chữ Hán. CQN được chọn làm quốc ngữ, ngoài tiện lợi, còn do bối cảnh lịch sử.

Chữ ghi âm hay ghi ý đều có ưu thế và hạn chế riêng. Vấn đề không phải chữ ghi âm hay ghi ý ưu việt hơn mà trước hết là có phù hợp với ngữ âm của ngôn ngữ đó không. Học giả Cao Xuân Hạo trong bài Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn cho rằng chữ viết ABC phản ánh cấu trúc các tiếng châu Âu, không thích hợp với các tiếng đơn tiết như tiếng Việt, tiếng Hán.

Tác giả lý giải cơ chế dẫn đến sự phù hợp của chữ Hán đối với loại ngôn ngữ đơn tiết như sau: khi đọc đã thành thạo, người ta không “đánh vần” mà nhận ra hình dáng chung của từ ngữ, gọi là gestalt (diện mạo tổng quát). “Mỗi chữ Hán là một gestalt tuyệt hảo, trong khi cái chuỗi chữ cái La tinh chắp thành một hàng dài, không làm thành một hình ảnh có thể nhận diện dễ dàng trong một chớp mắt như chữ Hán”.

Từ ý kiến của Cao Xuân Hạo đối với chữ Hán, chúng tôi suy nghĩ về trường hợp CQN. Về nguyên lý, CQN thực ra cũng không phù hợp với tiếng Việt. Vì chữ cái La tinh dùng để ghi rời từng âm vị (khi đọc, mỗi từ là một chuỗi âm vị), trong khi tiếng Việt phát âm theo đơn vị tiếng (âm tiết) một cách gọn ghẽ (một tiếng đầy đủ gồm âm đầu – âm đệm – âm chính – âm cuối thì cũng chỉ phát âm một lần). Tuy nhiên, người Việt dùng CQN hầu như không vấp phải khó khăn nào. Lý do vì sao "chung sống" được, cần nghiên cứu kỹ hơn nhưng bước đầu chúng tôi tạm thấy như sau:

– Những người chế tác CQN mạnh bạo bất chấp truyền thống các ngôn ngữ châu Âu ghi rời âm vị để ghi âm tiết (tiếng) của tiếng Việt. Mỗi âm tiết, dù bao nhiêu âm vị cũng chỉ phát âm một lần gọn ghẽ.

– Những người chế tác CQN cũng mạnh bạo bất chấp truyền thống các ngôn ngữ châu Âu ghi các âm vị theo đơn vị từ mà ghi theo đặc thù tiếng Việt, đó là tiếng (âm tiết). Với cách này, CQN vừa dễ đọc vừa dễ viết, dễ nhận ra.

– Mỗi âm tiết (tiếng) gồm không nhiều các âm vị (tối đa là 4). Ví dụ, tiếng nguyên nhiều âm vị nhất cũng chỉ gồm 4 âm vị: /ng-u-iê-n/ (thể hiện bằng 6 chữ cái); số chữ cái cũng không nhiều, nhiều nhất như chữ nghiêng cũng chỉ gồm 7 chữ cái. Đây là điều kiện thuận lợi để mỗi chữ (tương ứng một âm tiết) trở thành một gestalt. Khi đã thạo, không ai đọc kiểu “đánh vần” (đọc từng âm vị như các tiếng châu Âu). Đọc CQN, về mặt phát âm là đọc “nguyên khối” âm tiết và về thị giác là đọc cả hình ảnh (mặt chữ): mỗi chữ là một gestalt.

– Dấu ghi thanh điệu đặt trên hoặc dưới âm chính, do đó thường nằm ở vị trí giữa chữ, cũng giúp cho mỗi gestalt được gọn ghẽ.

Bốn điều trên đã làm cho mỗi CQN trở thành một gestalt, tuy không gọn ghẽ như loại chữ "vuông" nhưng cũng không đến nỗi quá rườm rà. Do đó CQN, tuy dùng hệ chữ cái La tinh nhưng chung sống được với tiếng Việt, loại hình ngữ âm đơn tiết.

Nói cách khác, CQN trở thành văn tự chính thức của dân tộc chẳng phải nhờ tính ưu việt của ký tự La tinh mà trước hết là nhờ đặc thù của ngữ âm tiếng Việt, sau nữa do dùng cách ghi rời theo đơn vị tiếng (mỗi tiếng – mỗi chữ) của truyền thống chữ Hán, chữ Nôm.

Ngộ nhận Việt Nam hội nhập sớm và “thoát Trung”nhờ CQN

Nhiều người nghĩ rằng do CQN mượn chữ cái La tinh mà dân tộc ta đã hội nhập thế giới cách đây hơn 300 năm. Không có căn cứ nào để nói như vậy, vì:

– Trong suốt 200 năm đầu, CQN chỉ lưu hành trong khu vực nhà thờ Cơ Đốc giáo và cũng chỉ dùng vào việc truyền đạo.

– Trong các thế kỷ XVII, XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, Việt Nam đã có một số quan hệ thương mại với phương Tây, nhưng thông qua con đường nhà nước, mà nhà nước thì sử dụng chữ Hán, do đó, CQN không liên quan gì đến công cuộc này.

– So với các nước trong khu vực thì Việt Nam hội nhập tương đối muộn (nếu lấy mốc ở thời điểm nổi lên phong trào Duy Tân, đầu thế kỷ XX), ít nhất là đã sau Nhật Bản và Thái Lan, những nước không sử dụng loại chữ viết mượn chữ cái La tinh.

– Trong các ý kiến về khả năng hội nhập, còn có một sự nhầm lẫn nữa, cho rằng Việt Nam sử dụng chữ viết thuộc hệ La tinh thì Việt Nam thuộc về cộng đồng văn hóa – ngôn ngữ Latinh. Thực ra việc mượn bộ chữ cái La tinh không liên quan gì đến việc giao lưu, tiếp thu văn hóa – ngôn ngữ La tinh. Các giáo sỹ phương Tây đến Việt Nam truyền đạo thì phải học tiếng Việt và CQN, cũng như đến Trung Quốc thì phải học tiếng Trung và chữ Hán.

Alexandre de Rhodes là một nhà truyền giáo Dòng Tên và một nhà ngôn ngữ học người Avignon. Ông đã góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá Công giáo tại Việt Nam và việc hình thành chữ quốc ngữ

Alexandre de Rhodes là một nhà truyền giáo Dòng Tên và một nhà ngôn ngữ học người Avignon. Ông đã góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá Công giáo tại Việt Nam và việc hình thành chữ quốc ngữ

Còn “thoát Trung”?

– Việt Nam cắt đứt khoa cử chữ Hán và thoát khỏi quan hệ “thiên triều – phiên thuộc” với Trung Hoa do cuộc xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp, tức là hoàn toàn do vấn đề chính trị.

– Có những nước và khu vực vẫn sử dụng chữ Hán mà “thoát Trung”, như Hồng Kông, Đài Loan và phần nào là Nhật Bản (người Nhật sử dụng một số chữ Hán trong văn bản tiếng Nhật hoặc dùng chữ Hán để cấu tạo chữ quốc ngữ Nhật Bản).

Nói cách khác, “thoát Trung” hay không thuộc vấn đề tư tưởng, chính trị, không phụ thuộc vào sử dụng văn tự gì.

Thay lời kết

Ngoài những điều nói trong bài viết này, còn một số thành kiến và ngộ nhận khác nữa về CQN. Ví dụ, ngộ nhận CQN có khả năng phiên âm mọi tên riêng và thuật ngữ nước ngoài (cho nên đến tận bây giờ người ta vẫn kiên quyết dùng phiên âm để viết tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa các cấp). Hoặc cho rằng CQN còn “thiếu” các chữ cái có tính “quốc tế” như f, j, w, z (thực ra thì trên văn bản tiếng Việt vẫn sử dụng các chữ cái này, nhưng nó thuộc một hệ thống chữ cái khác và cũng không thể bổ sung nó vào hệ thống chữ cái CQN vì hệ thống ấy đã đầy đủ, chặt chẽ).

Đã có một chuyên gia CNTT có uy tín trong ngành giáo dục từng đề xuất phải bổ sung 4 chữ F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt với lý do khi sử dụng máy tính thì buộc phải dùng đến các phím này

Đã có một chuyên gia CNTT có uy tín trong ngành giáo dục từng đề xuất phải bổ sung 4 chữ F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt với lý do khi sử dụng máy tính thì buộc phải dùng đến các phím này

Tất cả thành kiến lẫn ngộ nhận đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết đầy đủ về bản chất của chữ viết nói chung và CQN nói riêng.

Xét nhiều mặt, CQN như ngày nay, về cơ bản đã giản tiện và hợp lý. Và hơn nữa, đã ổn định. Một vài trường hợp hơi phức tạp nhưng không gây khó khăn gì đáng kể. Vì vậy thông điệp “bổ sung” ở đây là: cho đến thời điểm này, không nên và không thể cải cách CQN. Việc cần làm hiện nay là chuẩn hóa một số trường hợp chính tả chưa được hợp lý hoặc còn bỏ ngỏ như đã nói.